Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Nhà báo Hữu Thành ở chiến khu D


(09/10/2007 08:55:20)

Hữu Thành là bút danh của nhà báo Nguyễn Đức Giáp (nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN) trong thời gian công tác ở chiến khu D. Anh trong nhóm phóng viên do Tổng xã tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng từ năm 1965. Khi quân Mỹ ồ ạt đổ nửa triệu quân vào miền Nam thì nhóm phóng viên từ Hà Nội vượt Trường Sơn vào Nam cũng có mặt ở chiến khu D.

            Được Hà Nội tiếp sức, bản tin hàng ngày của TTXGP, gọi tắt là Giải phóng xã (GPX) phong phú hơn: Có bản tin phổ biến, bản tin tham khảo, bản tin đối ngoại bằng tiếng Anh... Bản tin tham khảo do anh Hai Ngãi và anh Nguyễn Đức Giáp đảm nhiệm. Bản tin phát hành ít, chủ yếu cung cấp cho một số cán bộ cao cấp ở Ban Tuyên huấn R và Trung ương cục miền Nam. Bản tin in Rô-nê-ô từ 3 đến 5 trang, thông tin ngắn gọn, kịp thời, phục vụ cho Trung ương cục.

            Anh Hai Ngãi đảm nhiệm phần tin phonie (lấy tin qua đài BBC, đài VOA, đài Sài Gòn...) còn anh Giáp thì hiệu đính tin tham khảo thế giới do Tổng xã phát vào.

            Đến trận càn Gian-xơn xi-ty, cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của Mỹ ngụy, nằm trong chiến lược 'tìm diệt' của 'Lầu năm góc phương Đông' do Oét-mô-len chỉ huy, đóng ở sân bay Tân Sơn Nhất. Trong trận càn này, kẻ địch đã đánh phá hầu hết các căn cứ của Trung ương cục miền Nam. Nhưng do thông tin dự báo tốt nên ta đã hạn chế được thiệt hại. Riêng G.P.X. vẫn giữ vững được làn sóng điện. Một bộ phận nhỏ của G.P.X di tản đến căn cứ dự bị để làm việc, số còn lại tự vệ cơ quan, ở lại chống phá càn. Điển hình là trận xe tăng Mỹ từ Trảng Cố Vấn càn vào căn cứ B8 (phòng Điện báo của G.P.X). Các chiến sĩ tự vệ cơ quan đã chiến đấu rất ngoan cường. Anh Trần Ngọc Đặng đã dùng hai quả A.T. bắn cháy 2 xe bọc thép Mỹ, bẻ gãy được mũi tiến công của địch vào căn cứ của G.P.X ngày 8/3/1967. Đến ngày 15/3/1967, trận càn mang tính quyết định trong chiến lược phản công mùa khô lần thứ hai của địch bị phá sản hoàn toàn.

            Bộ phận 'sơ tán' của G.P.X lại trở về căn cứ cũ. Anh Nguyễn Đức Giáp được lãnh đạo cơ quan điều xuống 'công trường 9' (tức Sư đoàn 9) viết về những tấm gương xuất sắc trong cuộc chiến đấu chống càn Gian-xơn xi-ty. Tên nhà báo Hữu Thành đã xuất hiện trên bản tin G.P.X với những bài ghi nhanh, bài phóng sự: 'Mỗi phát đạn một xe tăng', 'Bông mai vàng trên trận địa', 'Chiến đấu trên quê hương Tây Ninh'... làm nức lòng quân dân cả nước.

            Đặc biệt, sau cuộc tấn công 'Xuân Mậu Thân 1968' của quân và dân miền Nam, cách mạng miền Nam đã bước sang một giai đoạn mới. Do vậy, thông tin thể hiện trên bản tin hàng ngày G.P.X cũng đòi hỏi phải nâng cao về chất lượng. Trong thời kỳ này, nhà báo Hữu Thành được giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng biên tập Chính trị- Đô thị. Đây là hai trong ba tuyến tin quan trọng tạo nên diện mạo bản tin hàng ngày của G.P.X. Ngoài việc sửa chữa tin, bài, anh còn khai thác thông tin qua báo Sài Gòn do phân xã đặc khu Sài Gòn- Gia Định- Chợ Lớn mua gửi về. Từ thông tin trên báo Sài Gòn, nhà báo Hữu Thành đã đọc, ghi chép, tích góp lại để viết những bài phản ánh từng mảng đen của xã hội thành thị dưới chế độ Mỹ ngụy. Đây cũng là một mảng đề tài độc đáo của bản tin G.P.X.

            Từ năm 1969, ông hoàng Xi-ha-núc, Vương quốc Căm-pu-chia bị bọn Mỹ và Non Nol làm đảo chính. Cuộc chiến tranh mở rộng ra toàn cõi Đông Dương, cách mạng miền Nam bước sang giai đoạn mới. Những cuộc đấu tranh của nhân dân các thành thị miền Nam cũng chuyển giai đoạn. Ở Sài Gòn xuất hiện các phong trào 'Phụ nữ đòi quyền sống' do bà Luật sư Ngô Bá Thành làm Chủ tịch; phong trào sinh viên, học sinh của thành thị miền Nam 'Xuống đường', 'Đốt xe Mỹ', 'Hát cho đồng bào tôi nghe', 'Chống 'quân sự hóa học đường''... liên tiếp nổ ra. Cũng trong thời gian này, có 3 sinh viên yêu nước từ Sài Gòn ra vùng giải phóng, xin đầu quân vào TTXGP. Đó là các anh: Ba Lập, Ba Động và Năm Cao.

            Nhà báo Hữu Thành được lãnh đạo G.P.X giao nhiệm vụ kèm cặp ba sinh viên trên. bằng cách làm 'cầm tay chỉ việc' trong công tác phóng viên, biên tập, chỉ một năm sau, cả ba sinh viên đã có những tiến bộ rõ rệt. Anh Ba Lập được cử đi bổ sung cho phân xã Lộc Ninh vừa được giải phóng. Anh Năm Cao được phân công về biên tập ở phòng Tư liệu. Còn anh Ba Động được tăng cường cho công tác biên tập bản tin tham khảo.

            Năm 1973, khi Hiệp định Paris về Việt Nam có hiệu lực, cuộc cách mạng miền Nam đã có những bước chuyển rất đặc biệt. Cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam chuyển sang giai đoạn đấu tranh bằng sức mạnh tổng hợp. Đúng lúc này, Tổng xã tăng cường cho G.P.X hơn ba chục phóng viên, biên tập khóa GP 10.

            Thời kỳ đó, tuy không mở thành lớp học bài bản nhưng anh Trần Thanh Xuân, Giám đốc mới của G.P.X (thay anh Phạm Nho Nghĩa ra Bắc chữa bệnh), đã giao cho nhà báo Hữu Thành làm nhiệm vụ dìu dắt anh chị em khóa GP 10  mới vào Nam thâm nhập thực tế, để mau chóng thích ứng với môi trường mới. Những phóng viên khóa GP 10 cho đến nay vẫn còn nhớ những điều mà nhà báo đàn anh đã chân thành truyền thụ: 'Hãy lao vào thực tế để thể hiện năng lực của mình bằng kết quả công việc hàng ngày, bằng sản phẩm cụ thể là tin, bài, bằng phẩm chất đạo đức của sĩ phu Bắc Hà... '. Chính vì vậy mà các nhà báo trẻ: Phùng Đăng Bách, Bùi Thanh Liêm, Vũ Xuân Bân, Hoàng Đình Chiến, Lê Văn Thơn, Lê Doãn Tặng, Nguyễn Thị Tý,...  đã xung phong vào các chiến trường Đông Nam bộ, khu 8 (Trung Nam bộ) và khu 9 (Tây Nam bộ)... Được tôi luyện trong chiến trường, các nhà báo trẻ khóa GP 10 đã nhanh chóng trưởng thành và trở thành lực lượng đưa tin thời sự về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975.

            Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, cơ quan G.P.X từ chiến khu D về tiếp quản trụ sở của 'Việt Tấn xã' đóng ở 116 - 120 đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), phía trái dinh Độc lập. Vai trò lịch sử của G.P.X đã sang trang mới. Trong chiến công chung đó, hơn mười năm có lẻ, nhà báo Hữu Thành đã âm thầm đóng góp công sức của mình vào trang vàng truyền thống của TTXVN. Với những thành tích đã đạt được, nhà báo Hữu Thành đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Hồng Long
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2007