Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Tôi đi phát hành bản tin thông tấn sau hiệp định Pa-ri


(04/02/2008 10:04:35)

Có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi trong những ngày làm báo đầy gian khổ những năm chiến tranh. Đó là lần tôi được cấp trên giao nhiệm vụ đi phát hành tờ Tin Tức do Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá (tên gọi Phân xã Rạch Giá thời kỳ đó) ấn hành, đúng vào thời khắc Hiệp định Pa-ri chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, lập lại hòa bình ở miền Nam (27/1/1973) bắt đầu có hiệu lực.

           Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá đóng tại một xóm nhỏ ven rừng U Minh Thượng. Ở Văn phòng Tiểu ban lúc đó chỉ có bốn người trong đó có tôi là phóng viên, làm nhiệm vụ trực ban, thu nhận tin tức chuyển về Thông tấn xã Giải phóng. Hầu hết lực lượng biên tập viên, phóng viên trụ cột của Tiểu ban đều được tung ra các chiến trường trọng điểm vào thời điểm lịch sử có một không hai này. Phạm Xuân Yên lên địa bàn vùng ven thị xã Rạch Giá, Trương Thanh Nhã trụ lại địa bàn Giồng Riềng, Lê Ngọc Bích, Thái Đông, Nam Thắng lần lượt cùng các mũi bộ đội tiến quân về vùng ven sông Cái Lớn, địa bàn Gò Quao lô Cái Sắn, Tân Hiệp...

            Tôi còn nhớ, khoảng một giờ chiều ngày 26/1/1973, tức là trước thời điểm Hiệp định Pa-ri có hiệu lực chưa đầy 12 giờ, 1.000 tờ Tin Tức đã được in xong. Tuy phương tiện in ấn thủ công rất thô sơ nhưng từ khâu biên tập nội dung, đánh máy, trình bày trên giấy sáp, pha mực, xén giấy, lau chùi khuôn in đều được chuẩn bị hết sức kỹ càng, sao cho bản in rõ ràng, dễ đọc và cố gắng đưa đến sớm với đồng bào vùng ven, vùng địch tạm chiến. Mới 4 giờ chiều, tất cả bản tin phát hành đều được bao gói cẩn thận. Tôi cùng Nguyễn Thanh Thượng xếp gọn lên xuồng ba lá sẵn sàng chờ giờ xuất phát. Mùa mưa năm đó kéo dài, tuy đã vào đầu mùa khô nhưng nước trên đồng còn nhiều nên chiếc xuồng ba lá của chúng tôi đi lại một cách suôn sẻ, không gặp trở ngại nào dù đồn bốt địch dày đặc.

Tin Tức về Hiệp định Pa-ri của phóng viên VNTTX được hầu hết các báo, đài sử dụng. (Ảnh: Tư liệu).

            Đúng như dự kiến, 6 giờ sáng ngày 27/1/1973- ngày Hiệp định Pa-ri bắt đầu phát huy hiệu lực, tại Ấp chiến lược Bình Phong, ở phía bờ Bắc, đồng bào ta đón mừng Hiệp định Pa-ri, mừng cái Tết Hòa bình đầu tiên khí thế lắm. Trong khi đó, phía bờ Nam con sông là chỉ khu Kiên Long, kẻ địch vẫn luôn hướng họng súng về phía bờ bên kia. Cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng mai, trẻ em diện quần áo mới, mọi người qua bao ngày xa cách gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Không bỏ lỡ thời cơ, chúng tôi tranh thủ phân phát đến đồng bào tờ Tin Tức đơn sơ, chỉ to bằng khổ giấy A4, chữ nghĩa không rõ nét do giấy xấu và kỹ thuật in thô sơ. Nhưng bản tin vẫn được đồng bào đón nhận một cách trang trọng. Từ cụ già đến em bé chuyền tay nhau đọc, ai cũng muốn tìm hiểu kỹ hơn về những điều khoản căn bản của Hiệp định Pa-ri, về chính sách hòa hợp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

            Niềm vui như được nhân lên do thời điểm mà Hiệp định Pa-ri có hiệu lực trùng với những ngày cận Tết Nguyên đán nên nhà nhà đều có mai vàng, cúc vạn thọ và tất nhiên là không thể thiếu bánh phồng, bánh tét, thịt mỡ, dưa hành. Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới có được những giờ phút Tết đúng nghĩa, Tết trong lòng đồng bào, dân tộc. Chúng tôi bỗng nhớ da diết những cái Tết được nghe thơ Bác qua làn sóng Đài  Tiếng nói Việt Nam từ Hà Nội, nhớ những người bạn vĩnh viễn nằm xuống không có mặt trong giây phút trọng đại của dân tộc.

            Thời khắc hòa bình đó thật ngắn ngủi. Kẻ thù trắng trợn vi phạm Hiệp định Pa-ri. Cánh nhà báo chúng tôi lại lao vào cuộc chiến đấu mới. Mãi cho đến ngày 30/4/1975 dân tộc ta mới có hòa bình thật sự, đất nước bước sang trang mới. Nhưng ngày 27 tháng Giêng 1973, ngày hòa bình đầu tiên do Hiệp định Pa-ri mang lại, ngày chúng tôi hân hoan đi phân phát tờ Tin Tức còn thơm mùi mực cho đồng bào Aáp chiến lược Bình Phong trở thành một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của tôi.

Nam Thắng
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2008