Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Chúng tôi đi "cắm" đất cho Phân xã Đà Nẵng


(02/06/2008 08:55:10)

Cuộc họp với Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cuối tháng Tư vừa qua một lần nữa đưa anh Hà Mùi trở lại Đà Nẵng. Thực ra, trên cương vị Trưởng ban Ban Biên tập - Sản xuất ảnh báo chí, anh đã có vài lần trở lại thành phố lớn nhất miền Trung này. Anh gắn bó với Đà Nẵng không chỉ vì tham gia giải phóng thành phố mà còn có bốn năm công tác ở đây. “Tôi thuộc lớp phóng viên GP10 của cơ quan ta. Chỉ đến năm 2010, cùng lắm là 2012 là những người cuối cùng của thế hệ đó sẽ về hưu hết”, anh nói nhỏ nhẹ, tay lật giở cuốn sổ nhỏ bìa đen đã sờn gáy...

Tìm nhà cho phân xã

"Ngày 29/3/1975, tôi có mặt ngay ngày đầu tiên Đà Nẵng được giải phóng. Tôi đi khắp thành phố chụp cảnh quân địch tháo chạy trong hoảng loạn, cảnh súng ống, quân trang, quân dụng của chúng vương vãi khắp nơi, cảnh nhân dân đón chào quân giải phóng.

Cùng lúc này, chúng tôi nhận chỉ thị của Tổng xã phải tìm địa điểm cho phân xã tương lai của VNTTX tại Đà Nẵng. Ngày hôm sau tôi và anh Đoàn Bá Từ liền đi thăm dò khắp nơi trong thành phố. Mỹ - Ngụy tháo chạy để lại rất nhiều trụ sở và nhà cửa trống không. Thành phố chưa có Ban quân quản nên chúng tôi thả sức đi ngó nghiêng khắp nơi. Gặp một thanh niên địa phương, chúng tôi nhờ anh ta dẫn đường. Dọc các phố Lê Thánh Tông, Nguyễn Thị Giang và Quang Trung tập trung rất đông trụ sở và nhà cửa của Mỹ - Ngụy. Đến trước nhà số 8 Lê Thánh Tông, anh thanh niên dừng lại, nói: "Em không biết đây là cơ quan gì, chỉ biết trước đây luôn có lính Mỹ da đen gác cổng". Chúng tôi vào nhà, cửa ngõ mở toang, không một ai bên trong. Tôi và anh Từ quan sát rất kỹ vì sợ địch gài mìn hoặc chất nổ. Đó là ngôi nhà một tầng rộng vài trăm mét vuông. "Chấm" xong nhà số 8, chúng tôi sang tiếp nhà số 4 cùng phố và nhà số 35 phố Quang Trung cũng bỏ không. Chúng tôi tiếp tục lấy thêm hai ngôi nhà nữa trên phố Nguyễn Thị Giang (do phố Lê Thánh Tông và phố Nguyễn Thị Giang giao cắt nhau nên những ngôi nhà sau này được đục thông nhau). Một số anh em phân xã Trung Trung bộ ở cứ về cùng chúng tôi xắn tay lên làm tổng vệ sinh, dọn dẹp rác, nạo vét giếng nhà số 8 Lê Thánh Tông. Địch vứt vô số lựu đạn, súng ống xuống giếng. Chiếc giếng là nguồn nước quí giá cho cơ quan vì Đà Nẵng ngày đầu giải phóng làm gì có nước máy (cho cả những năm sau mỗi khi thành phố bị xâm mặn nước biển). Giếng này mới bị lấp cách đây ít lâu".

 

Phóng viên của ruộng đồng

"Bộ phận của VNTTX ở cứ về tiếp quản các ngôi nhà trên. Phân xã Quảng Nam - Đà Nẵng có anh Đoàn Bá Từ, Trưởng phân xã, cùng các anh Cao Xuân Cầm, Nguyễn Xuân Soạn, Trần Minh Phượng, Nguyễn Xuân Quyết và tôi". Tôi cùng anh Trần Minh Phượng - phóng viên tin, được phân công theo dõi mảng nông nghiệp của tỉnh. Không thể kể hết khó khăn vất vả ở một địa bàn rộng lớn mới giải phóng, điện, nước đều thiếu. Ngược lại, ôtô, xe máy địch bỏ lại rất nhiều. Phân xã có đến ba chiếc ôtô. Xe máy thì mỗi người một chiếc, chỉ hiềm một nỗi thiếu xăng. "Đâu chúng tôi cũng đi", anh nhớ lại công việc bộn bề của một tỉnh đang khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế.

"Còn nhớ, mỗi lần xuống địa bàn tôi chỉ đi theo đường mòn, không dám tự vạch đường mới vì sợ vướng phải bom mìn". Hồi đó, rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh khi làmnhiệm vụ vạch tuyến. Nhiều người dân, nhất là nông dân cũng bị thiệt mạng hoặc bị thương vì đạp phải bom mìn khi đi lấy củi, chăn thả trâu bò, trồng trọt... Chỉ mấy năm sau, nông nghiệp và nông thôn Quảng Nam-Đà Nẵng đổi thay rõ rệt. "Nhìn cánh đồng lúa xanh mơn mởn thật thích mắt", Hà Mùi hồi tưởng lại những lần đi chụp ảnh, viết tin về công trình thủy lợi Phú Ninh ở phía nam thành phố...

... Ở Phân xã Quảng Nam - Đà Nẵng bốn năm, cho tới 1979 tôi được điều động về Tổng xã. Từ ngày đó cũng có vài lần tôi trở lại Đà Nẵng. Nhưng vào tháng Tư năm nay tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay, thành phố đã lớn gấp ba lần so với ngày đầu giải phóng. Đà Nẵng hoang tàn tháng 4/1975 nay đã thật sự xứng đáng với cái tên "mảnh đất của những nàng Tiên Sa". Đoạn từ chân đèo Hải Vân đến Điện Ngọc với các khu du lịch hiện đại là điển hình của việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước của thành phố này.

Phân xã Đà Nẵng đã khác xưa nhiều. Phân xã trở thành một đầâu mối quan trọng của TTXVN tại miền Trung. Nhà 14 Lê Thánh Tông nay là trụ sở chính của Cơ quan đại diện TTXVN tại Đà Nẵng. Nhà số 8 là nơi ở cho cán bộ, nhân viên cơ quan. Nhà 35 Quang Trung nay là Phòng kỹ thuật của Cơ quan đại diện tại Đà Nẵng. Xưởng in trên phố Nguyễn Thị Giang được trang bị máy móc hiện đại, sản xuất các ấn phẩm của TTXVN cho toàn bộ miền Trung, trong đó có báo Tin Tức và báo Thể Thao&Văn hóaâẠẩ (một nhà trên phố này sau đó trả lại cho Ban tuyên huấn khu V). "Tôi đã đi thăm các cơ sở khang trang đó cuối tháng Tư vừa qua. Tôi rất vui vì đã đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển chung đó", anh Hà Mùi tâm sự. 

Cuối buổi nói chuyện, anh chìa cuốn sổ nhỏ đã ngả màu thời gian về phía tôi. "Có cuốn sổ này nên giờ tôi mới có thể nhớ lại chi tiết những gì đã trải qua thời trai trẻ". Đó là một giai đoạn không thể nào quên. Khi hành quân vào chiến trường, lệnh trên cấm viết nhật ký vì sợ lọt vào tay giặc nhưng tôi vẫn viết giấu. Tôi không thể không viết, viết để trải lòng mình vào trang giấy. Vả lại phóng viên bao giờ mà chả phải ghi chép. Con gái tôi bảo: "Sao ngày xưa bố viết chữ bé li ti thế này? Nó không biết thời đó kiếm được giấy đâu có dễ, thế nên phải viết chữ thật nhỏ để tiết kiệm và còn dễ mang theo trên đường tác nghiệp chứ", anh cười hiền, nâng niu cuốn sổ nhỏ - một kỷ vật quý báu của cuộc đời phóng viên TTXVN.

Minh Cầm
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2008