Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

HUY HIỆU BÁC HỒ - Phần thưởng cao quý trong đời làm báo của tôi


(07/07/2008 09:32:24)

Sau khi Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký kết (ngày 20/01/1973), tôi được lãnh đạo cơ quan TTXVN cử công tác biệt phái sang Bộ quốc phòng với quân hàm thượng úy trong phái đoàn Đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam.

            Trước khi hành quân vào trại Đa-vít (Sài Gòn), tôi cùng một số cán bộ khác vinh dự được Văn phòng Chính phủ tổ chức trao tặng Huy hiệu Bác Hồ. Với tôi, chiếc Huy hiệu Bác Hồ là vật kỷ niệm vô giá, luôn nhắc nhở, động viên tôi học tập, làm theo Bác, nhất là trong phương châm ứng xử "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Bác. Chính nhờ biết vận dụng linh hoạt phương châm ứng xử này mà tôi đã nhiều lần đập tan bẫy tâm lý chiến vô cùng hiểm độc để giành chiến thắng trong những trận đấu trí, đấu lý, đấu pháp trực diện với  kẻ địch. Một sự kiện bất ngờ làm tôi nhớ mãi  vào giữa tháng 3/1974, chính quyền Sài Gòn cho quân pháo kích, làm chết, bị thương nhiều thầy giáo, học sinh trường cấp II huyện Cai Lậy, tỉnh Tiên Giang, lúc đó thuộc quyền tạm thời kiểm soát của họ rồi ngang nhiên vu cáo cho quân Giải phóng.

            Tại cuộc họp báo do đoàn Đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tổ chức, một nhà báo Sài Gòn (thực chất là mật vụ trá hình) hỏi tôi: "Phía Việt Nam Cộng hoà (chính quyền Sài Gòn) cho báo chí biết là phía các ông (quân Giải phóng) đã pháo kích, giết hại các thầy giáo, học sinh trường cấp II Cai Lậy. Họ chụp ảnh cho đăng báo và dán khắp nơi trong thành phố. Là nhà báo, ông Thượng úy nghĩ gì?". Mặc dù hết sức căm phẫn trước bộ mặt tráo trở "ném đá, giấu tay" của kẻ thù, nhưng  tôi vẫn giữ vẻ mặt bình tĩnh: Lát nữa ông sẽ được nghe câu trả lời chính thức từ Đại tá Võ Đông Giang, người phát ngôn của đoàn chúng tôi. Nhưng ông hỏi tôi ngoài lề với tư cách cá nhân tôi cũng xin trả lời: Đó là sự vu khống trắng trợn,  quân Giải phóng chúng tôi  con em nhân dân, không bao giờ lại đi giết hại nhân dân của mình. Nghe xong câu trả lời cứng rắn, kiên quyết của tôi, viên sĩ quan báo chí ngụy đỏ mặt rồi chuồn thẳng.

            Là sĩ quan báo chí, tôi được cử tham gia giám sát nhiều cuộc trao trả nhân viên quân sự và nhân viên dân sự ở cả vùng giải phóng và vùng địch kiểm soát. Trong đó, cuộc đấu trí quyết liệt với viên sĩ quan ngụy tại sân bay Lộc Ninh thuộc vùng giải phóng (nay là tỉnh Bình Phước) vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Đó là vào một ngày giữa tháng 4/1974. Trước khi bước lên máy bay, viên sĩ quan ngụy nhìn tôi hỏi: Ông sĩ quan báo chí Việt Cộng đã đi khỏi Sài Gòn cách đây hơn một tháng? Đúng, tôi trả lời, chính xác là một tháng tám ngày. Viên sĩ quan ngụy hỏi tiếp, giọng hơi mỉa mai: Chắc ông về nơi mà các ông gọi là vùng giải phóng? Ông ở Sài Gòn khá lâu, ông thấy cuộc sống giữa hai vùng này thế nào? Có phải ở vùng giải phóng khổ quá, không chịu nổi nên nay trở lại Sài Gòn? Thật là những câu hỏi bất ngờ và thâm độc. Phải bốp chát ngay để tên này bớt thói kiêu căng. Nghĩ vậy, tôi liền trả lời: Vùng giải phóng của chúng tôi tuy nghèo nhưng cuộc sống tinh thần tăng lên bội phần vì mọi người dân được  sống trong độc lập, tự do. Còn ở Sài Gòn, bề ngoài cái vẻ hoa lệ, hào nhoáng dành cho người Mỹ và những kẻ ôm chân chúng là cuộc sống cơ cực của dân lao động mất nước, mất tự do. Đó là hai cảnh đối lập, khác biệt hẳn về bản chất của hai chế độ. Ông sĩ quan có thấy thế  không? Bị phủ đòn, viên sĩ quan ngụy liền chữa ngượng, "Thôi, ta không nói chính trị nữa" rồi bước vội lên máy bay để về Tân Sơn Nhất.

            Thua đau trên các chiến trường, tất yếu dẫn đến thua đau trên mặt trận ngoại giao, kẻ địch càng bộc lộ bản chất côn đồ. Chúng bày trò hề, tổ chức biểu tình, hò hét, đả đảo đoàn ta ở cảng Phi Long, xông vào trại Đa-vít để cướp phá, hành hung các thành viên phái đoàn. Ý thức thường trực của tôi lúc này  phải bảo vệ chiếc Huy hiệu Bác Hồ, vì đó là một kỷ vật thiêng liêng trong đời làm báo của mình. Cho đến hôm nay, sau hơn chục năm tạm gác bút nghiên để trở về với đời thường, chiếc Huy hiệu Bác Hồ vẫn sáng lấp lánh như ngày tôi được trao tặng năm 1973. Chiếc Huy hiệu của Bác như lời nhắc nhở tôi về niềm tin và lẽ sống ở đời.

Hùng Đào
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2008