Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Cựu nhà báo chiến trường Liên Xô S.Aphonin:
"Kỷ niệm về Việt Nam là tài sản quý giá nhất của chúng tôi"


(03/12/2008 12:42:47)

Nhân chuyến thăm LB Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (26 đến 29/10/2008), cựu phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Liên Xô TASS Sergey Aphonin đã gấp rút hoàn thành cuốn sách "Những năm tháng nóng bỏng" kể lại những cảm xúc của ông về nhân dân và đất nước ta trong thời gian chiến tranh chống Mỹ. Trong dòng hồi ức của nhà báo Xô-viết lão luyện có những kỷ niệm đẹp với các đồng nghiệp ở TTXVN.

Bức thư của nhà báo Sergey Aphonin gửi báo Tin Tức (do ông tự tay viết bằng tiếng Việt) có đoạn: "Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết sẽ đến thăm LB Nga. Ông sẽ được đón tiếp nhiệt liệt. Chắc chắn cuộc đàm phán với Ban lãnh đạo Nga sẽ thu được kết quả tốt đẹp là vì giữa hai Nhà nước ta có (cây) cầu đoàn kết chiến lược.

Nhà báo Aphonin tác nghiệp tại Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu).

Mà hôm nay tôi nhớ lại cầu Hiền Lương... Lần đầu tiên tôi đến bờ Bến Hải năm 1961 (hồi đó tôi  còn là thực tập sinh ở Trường Đại học tổng hợp Hà Nội). Ở vĩ tuyến 17, trái tim (tôi) đau đớn cảm thấy bi kịch của nhân dân (một đất nước) bị chia cắt: Ở bờ trái - lá Cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ở bờ kia - lá cờ đáng khinh bỉ của chế độ Sài Gòn bù nhìn... Tháng 6/1973 tôi thấy cầu Hiền Lương trong tình hình mới. Trên cột cao bên hai bờ Bến Hải - lá cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lá cờ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được Liên Xô công nhận từ lâu. Và lần này Đại sứ Liên Xô trình quốc thư cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời của Cộng hòa miền Nam Việt Nam... Chúng tôi có ấn tượng sâu sắc là ngày thắng lợi cuối cùng sắp đến...".

Trong cuốn "Những năm tháng nóng bỏng", phần nói về kỷ niệm của mình với các đồng nghiệp ở TTXVN, nhà báo Sergey Aphonin đã viết: "Trong các con phố chính của Hà Nội có một phố lưu giữ ký ức về Thái úy Lý Thường Kiệt (tên thật là Ngô Tuấn, danh tướng nhà Lý có công đánh bại nhà Tống vào các năm 1075 - 1077). Rộng rãi và xanh tươi, con phố bắt đầu từ Trường Đại học Tổng hợp và lao thẳng như mũi tên về hướng Tây của thành phố. Nhiều ngôi nhà hai bên phố được cất từ thời thuộc địa. Ngôi biệt thự ba tầng gắn biển số 5 có lịch sử riêng của mình. Có thời đây là trụ sở mật thám Pháp. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), Nha Bưu chính của nước cộng hòa non trẻ đóng trong ngôi biệt thự này. Trong những năm chiến tranh mà thực dân Pháp mưu toan bóp chết nước Việt Nam DCCH, nơi đây trở thành trụ sở Nha Thông tin của chế độ bù nhìn, về sau Bộ tham mưu Không quân Pháp tại Đông Dương đặt bản doanh trong ngôi biệt thự đó.

Sau kháng chiến thành công, từ năm 1954 cho đến nay, Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) làm việc trong ngôi nhà số 5 Lý Thường Kiệt.

Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình. Việc phát bản Tuyên ngôn ra thế giới được giao cho Ban Thông tin thuộc Nha Tuyên truyền của nhà nước VNDCCH mới ra đời. Ngày 15/9, điện báo viên Vũ Đình Tá trực bên máy telex để phát Tuyên ngôn Độc lập. Ban Thông tin đó lớn mạnh thành VNTTX và ngày 15/9/1945 trở thành ngày thành lập VNTTX. Điện báo viên Tá năm 1961 đã nghỉ hưu. Nhưng năm tháng không bao giờ xóa nhòa được dấu ấn về cái ngày mà ông thông báo cho toàn thế giới biết về nền độc lập của Việt Nam.

Chúng tôi đã làm việc ở VNDCCH khi đất nước này đang anh dũng giáng trả cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ những ngày đêm báo động ở Hà Nội, tiếng còi rú lên xé tai mỗi ngày 10 - 15 lần, các con phố vắng tanh trong chớp mắt, trông lạ lẫm với sự trống trải của mình.

Nhà báo Aphonin và phóng viên Trần Quang Vinh tại Mát-xcơ-va. (Ảnh: Tư liệu).

Chúng tôi cũng nhớ rằng trong tiếng pháo cao xạ giòn giã và tiếng bom nổ long trời lở đất, bỗng vang lên tiếng động cơ xe mô tô hoặc xe uoát cắm cờ vàng nhỏ. Trong thời gian báo động xe cộ bị cấm đi lại. Chỉ những người đang thực thi công vụ mới có quyền di chuyển - các phóng viên VNTTX thuộc diện này. Lá cờ vàng là giấy thông hành cho các nhà báo đi lại trong thành phố khi những tên cướp Mỹ đang lồng lộn trên bầu trời. Các phóng viên tin và phóng viên ảnh lao tới nơi bom vừa nổ hay máy bay (Mỹ) vừa rơi, nhanh chóng thông tin về tội ác mới của quân xâm lược và lòng dũng cảm của nhân dân. Các phóng viên VNTTX cũng tác nghiệp quên mình như thế tại các nơi khác.

Từ các vùng bị ném bom, các nhà báo VNTTX đã truyền tin qua đài phát thanh, tin cũng được truyền từ chiến trường. Tại mặt trận, VNTTX cũng gánh chịu tổn thất. Nhiều phóng viên đã hy sinh, nhiều phóng viên khác bị thương.

Điều kiện chiến tranh buộc VNTTX phải đưa thiết bị, máy móc vào hang đá và đào hầm tránh bom cho cán bộ, nhân viên. Phòng khi máy móc trục trặc có một chiếc ô tô được trang bị máy thu phát vô tuyến trực sẵn để tiếng nói Thông tấn không một phút gián đoạn.

Hàng nghìn tin tức, ảnh của VNTTX do các phóng viên thực hiện trong những năm tháng đó, đã xuất hiện trên các trang báo khắp thế giới. Thông tấn xã đã đóng góp to lớn vào việc vạch trần tội ác của kẻ xâm lược, thông tin cho thế giới biết về lòng quả cảm của những người bảo vệ Tổ quốc, về tính chất chính nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do. Thông tin của VNTTX là những tài liệu xác đáng bắn thẳng vào kẻ thù.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chiến thắng, Mỹ đã thua trong cuộc chiến tranh phá hoại. Cùng đội ngũ với bộ đội tên lửa, bộ đội pháo binh, công nhân và nông dân có các nhà báo VNTTX, những người đã chiến đấu bằng vũ khí của mình - ngòi bút...".

Hiện tại cựu nhà báo chiến trường của TASS cùng vợ và con trai út sống trong căn hộ nhỏ ở rìa phía Nam Mátxcơva. Tại đó không có những tài sản đắt tiền, bù lại, rất giàu những vật lưu niệm mang từ Việt Nam về - tranh sơn mài, tranh Đông Hồ, hộp gỗ khảm trai, con rối, bưu thiếp... Bà Lyudmila Aphonina không biết tiếng Việt, nhưng lòng yêu quý Việt Nam của bà cũng nồng nàn như ở người chồng của mình. Những năm tuổi trẻ hạnh phúc nhất của họ đã trôi qua ở Hà Nội. Bà cười thật tươi xác nhận lời của ông Aphonin với phóng viên TTXVN: "Những kỷ niệm về đất nước các bạn là tài sản quý giá nhất của chúng tôi!"

Trần Quang Vinh
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2008