Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

40 năm một thế hệ cán bộ kỹ thuật, điện báo, sản xuất ảnh


(03/12/2008 12:40:54)

Cách đây 40 năm đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập cơ quan 15/9/1968, gần 100 học viên trẻ được tuyển vào học các lớp kỹ thuật, điện báo và lớp sản xuất ảnh tại Trường nghiệp vụ của VNTTX ở thôn Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ). Đây là khóa đào tạo nghiệp vụ khóa 8 của TTXVN.

Lớp kỹ thuật, điện báo và sản xuất ảnh chúng tôi, gồm những người còn rất trẻ từ khắp mọi miền đất nước tập trung về đây, có người mới ở tuổi 16 (sinh năm 1952), người nhiều tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1944), chị đi học mang theo cả con nhỏ vì chồng chị, anh Đinh Trọng Quyền, một phóng viên TTX đang công tác tại chiến trường Quảng Đà (khu V). Trong số chúng tôi có người vừa tốt nghiệp lớp 7, có người đã học xong lớp 10 (hệ 10/10 ) và có người vừa hoàn thành nhiệm vụ của người lính trở về. Trong tình hình cả nước có chiến tranh nên chỗ học chính của lớp là ngôi đình và mái chùa của thôn Cao Trung, còn chỗ ở thì chia ra từng tốp, mỗi tốp hai hoặc ba người vào ở nhờ trong các nhà dân. Các thầy giáo dạy là những kỹ sư giỏi, những điện báo viên kỳ cựu và những nhà sản xuất ảnh nhiều kinh nghiệm đã làm việc nhiều năm tại VNTTX.

Vì đa phần học viên còn trẻ, lại mới xa gia đình nên các giảng viên cũng vất vả nhiều với chúng tôi. Ngoài việc truyền đạt kiến thức chuyên môn, các thầy còn bảo ban nhiều điều về cuộc sống, lý tưởng, mục tiêu phấn đấu. Đang ở tuổi "bẻ gãy sừng trâu" nên suất cơm độn ngô hay mỗi bữa ăn có một bát cơm với hai cái nắp hầm (là bột mì trộn nước, nặn dẹt rồi luộc giống như cái đậy hầm cá nhân) không đủ cho cái dạ dầy của tuổi đang lớn, nhiều anh em thỉnh thoảng lại trốn ra trạm Trôi để "lấp khoảng trống" cho cái dạ dầy. Những lúc "đi trộm" như thế mà "dính" các thầy đi kiểm tra học tập thì ôi thôi, lại bị kiểm điểm ở lớp, ở chi đoàn. Thời kỳ này vai trò của chi đoàn thanh niên rất quan trọng, các chi đoàn sinh hoạt thường xuyên, cứ thứ bảy hàng tuần lại tổ chức cho anh chị em vui chơi, giao lưu văn nghệ giữa các lớp. Những buổi sinh hoạt như thế có tác dụng nhắc nhở, động viên anh chị em tích cực học tập, hạn chế những trường hợp vi phạm kỷ luật của trường, của lớp.

Tháng 10 năm 1969 các lớp hoàn thành chương trình học tập. Một số người được đưa về Tổng xã làm việc, một số đến công tác tại các điểm sơ tán của cơ quan tại Lương Sơn - Hòa Bình (T7), Quốc Oai - Hà Tây (T6). Năm 1970 một nhóm anh em điện báo đươc cử đi công tác tại tuyến lửa khu IV cũ như Vũ Hữu Hồng, Hoàng Thế Thịnh, Nguyễn Hữu Việt. Những năm 1971 - 1973 nhiều anh chị em trong lớp được cử đi công tác tại các chiến trường Lào, chiến trường miền Nam như Trịnh Hùng Mạnh, Lê Văn Bang đi chiến trường Lào; Mạc Đình Thành, Nguyễn Hải Nam, Trịnh Văn Quốc đi Bình Trị Thiên; Nguyễn Thị Bích, Hà Huy Hiệp, Đỗ Thanh Chất, Đinh Đăng Huấn, Nguyễn Viết Hoa đi Nam Bộ (B2); Nguyễn Đình Soan, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Quang Khang đi Ban Liên hiệp quân sự bốn bên; Nguyễn Thị Chính, Bùi Ngọc Thạch, Mai Cường, Đỗ Văn Khang, Nguyễn Như Soa, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Văn Phú, Trần Đình An, Phạm Thị Đệ đi Trung Trung bộ (Khu V - B1)... Vô cùng thương tiếc và không thể nào quên liệt sỹ Phạm Thị Đệ, người bạn gái đã hăng hái xung phong lên đường đi chiến trường Trung Trung bộ (khu V). Chị ra đi khi mới 23 tuổi đời mang theo mãi một mong ước: Lúc trở lại miền Bắc việc đầu tiên là được đi học đại học để phục vụ nhiều hơn cho quê hương và Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, anh chị em kỹ thuật viên, điện báo viên cùng các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường luôn sát cánh cùng các đơn vị bộ đội trong từng trận đánh. Từ chiến dịch mở màn Ban Mê Thuột, phóng viên và kỹ thuật viên, điện báo viên VNTTX đã theo sát từng mũi tiến công của bộ đội ta, cùng hành quân chiến đấu trong suốt chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Anh chị em luôn đảm bảo máy móc, thiết bị, đưa tin, truyền ảnh, phản ánh kịp thời về Tổng xã những chiến thắng vang dội của quân và dân toàn miền Nam. Với những đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều anh chị em khóa 8 được tặng Huy chương chống Mỹ của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam và được tặng Huy chương kháng chiến của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam .

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhiều anh chị em khóa 8 sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được cử đi công tác tại những nơi xa xôi của Tổ quốc như các tỉnh miền núi Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng. Cùng với sự phát triển của TTXVN, anh chị em khóa 8 đã không ngừng học tập vươn lên, có người trở thành cán bộ chủ chốt trong đơn vị cơ quan. Một số người tự học, tự rèn luyện, phấn đấu từ một điện báo viên trong chiến tranh trở thành phóng viên được giao trọng trách Trưởng phân xã một thành phố lớn như anh Hà Huy Hiệp ở TP.Hồ Chí Minh.

40 năm qua đi, một số đã chuyển công tác sang các cơ quan khác, số anh chị em công tác tại TTXVN còn khoảng 60 người, phần lớn đã nghỉ hưu, số còn lại cũng chỉ một hai năm làm việc nữa. Được thử thách trong chiến tranh, trưởng thành trong sự nghiệp cách mạng, anh chị em lớp kỹ thuật, điện báo khóa 8 đều có quyền tự hào vì những đóng góp của mình đối với sự nghiệp thông tin, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của TTXVN trong suốt chặng đường giải phóng và xây dựng đất nước.

Bùi Ngọc Thạch
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2008