Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

60 năm thành lập Phân xã TTX Khu 5

Hướng tới hai đầu đất nước


(05/11/2008 10:26:39)

Ngày 20/10/1948, với việc hợp nhất các khu V, VI và XV (Tây Nguyên) thành Liên khu V và việc thành lập Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung bộ (MNTB) cùng với Sở Thông tin MNTB, Ban Thu và Phát tin Khu V cũng ra đời (ít lâu sau Ban được Tổng xã VNTTX công nhận là chi nhánh TTX tại Khu V.

            Thời kỳ đầu, ban Thu và Phát tin Khu V chỉ có hai cán bộ và một nhân viên đánh máy, do anh Nguyễn Châu Ân, một thanh niên trí thức theo đạo Tin Lành làm Trưởng ban. Phương tiện làm việc chỉ là một máy thu thanh Philips cũ kỹ chạy bằng ắc quy và một máy chữ Remington cũng đã cũ. Việc phát tin phải dựa vào cụm điện đài của Ủy ban kháng chiến hành chính MNTB.

            Di chuyển qua nhiều nhà dân và với phương tiện cùng nhân lực hạn chế (3 năm sau có tăng thêm 3 biên tập viên kiêm phóng viên), Ban Thu và Phát tin phải đảm nhận việc ra bản tin thời sự phổ biến hàng ngày cùng bản tin tham khảo phục vụ lãnh đạo Khu, đưa tin về hoạt động mọi mặt của Khu V hướng tới hai đầu đất nước: phía Bắc với Tổng xã VNTTX, phía Nam với các Đài phát thanh Tiếng nói miền Nam và Đồng Tháp Mười. Tất nhiên, Ban phải dựa vào đội ngũ cộng tác viên ở các tỉnh trong Liên khu.

            Trong những năm kháng chiến chống Pháp, TTX Khu V luôn đưa tin và bài kịp thời về hoạt động du kích trong các vùng địch tạm chiếm, về các trận vận động chiến trên đèo Hải Vân và dọc tuyến đường Nha Trang - Phan Thiết, về chiến dịch Tây Nguyên phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, về nhiều gương chiến đấu như nữ biệt động Phạm Thị Biên đốt cháy kho xăng địch ở Đà Nẵng, nữ anh hùng Hồ Thị Bi ở cực nam Trung bộ, anh hùng Ngô Mây ôm bom lao vào diệt xe cơ giới địch trên đường 19... Phong trào thi đua làm kinh tế tự túc ở vùng tự do (gồm 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và hai nửa tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Phú Yên) phong trào bình dân học vụ, sáng tác văn học nghệ thuật, thực hiện đời sống mới v.v... cũng được đưa tin khá rõ nét.

Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn khu V thăm đài thu bằng telex của TTXGP Trung Trung bộ tại Trà Nô (người đeo kính là đồng chí Hồ Dưỡng, phó Ban). (Ảnh: Hồng Phấn).

            Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đội ngũ phóng viên ở phân xã khu và phân xã các tỉnh thuộc Khu V đã vững mạnh hơn nhiều. Chiến cuộc khốc liệt kéo dài suốt 15 năm (1960-1975) đã thu hút nhiều bạn trẻ (hầu hết có trình độ đại học) từ nhiều vùng quê ở khắp nước đến với công tác tin - ảnh ở "khúc ruột miền Trung" và nhiều bạn qua chiến đấu đã tìm được hạnh phúc lứa đôi (như các đôi Quảng - Hòa, Nghiệp - Thoa, Huề - Thùy, Hồng Sinh - Nga, Việt Long - Ngân...). Điện đài Minh ngữ do đồng chí Hồng Sinh phụ trách phát đi bản tin đầu tiên vào ngày 01/01/1961, gần như cùng lúc với TTX Giải phóng miền Nam Việt Nam. Suốt 15 năm bom đạn - cho tới ngày giải phóng Đà Nẵng cùng các thành phố khác ở MNTB - không một ngày nào phân xã để mất liên lạc với hai đầu đất nước. Đó thực sự là  một kỳ tích. Nhờ thế, phân xã khu V có thể nhanh chóng và liên tục đưa tin tố cáo tội ác địch, điển hình là vụ lính Mỹ xả súng bắn giết trên 500 đồng bào ta ở Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) năm 1968, cũng như viết bài cổ vũ cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và phản ánh mọi mặt hoạt động chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội ở Trung Trung bộ và Tây Nguyên. Đáng ghi nhận, sau trận đầu thắng Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam) ngày 26/5/1965, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Trung ương cục miền Nam và Thường vụ Khu ủy V đã biết khá rõ về trận đánh qua tường thuật của phân xã TTX khu V trước khi báo cáo của Ban chỉ huy trận đánh đến với các đồng chí (chuyện này đã được đồng chí Hoàng Minh Thắng, Chỉ huy trưởng trận Núi Thành, kể lại trong cuốn sách "Nơi ấy tôi đã sống").

            Qua 60 năm, bồi hồi nhớ về các đồng nghiệp một thời cùng làm việc và chiến đấu, người cựu phóng viên từng gắn bó từ đầu với TTX khu V dù e ngại tuổi già chữ nghĩa có hạn vẫn không thể không cầm bút ghi lại mấy dòng hồi ức ấm lòng, và nhân dịp này xin được cùng người bạn đời (cũng là bạn chiến trường) thắp một nén tâm nhang tưởng niệm các đồng nghiệp đã hy sinh trên đất khu V: Hoàng Hổ (1935-1965), Phạm Khắc Trung (1919-1965), Đỗ Nhung (1944-1967), Trần Tự (1929-1967), Dương Tấn Nhường (1941-1968), Đỗ Văn Nhàn (1943-1969), Hoàng Minh Ngọc (1949-1970), Bùi Thái Thu (-1970), Lê Viết Vượng (1939-1971), Đinh Dệ (1942-1971), Hồ Ca (1934-1972), Trần Đức Thăng (1930-1972), Lê Văn Luyện (-1972), Võ Công Thu (-1972), Phạm Thị Đệ (1950 -1973), Trình Xuân Hy (1940 - 1973).

Minh Tú
Theo Nội san Thông tấn số 10/2008