Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Văn nghệ

Tản mạn về Con trâu


(19/01/2009 10:45:24)

Bốn ông đập đất, một ông phất cờ, một ông vơ cỏ, một ông bỏ phân, đố là con gì? Câu đố quen thuộc thời thơ ấu thế hệ chúng tôi thường ngêu ngao đọc, dù cả lũ đã thuộc lòng câu trả lời. Ấy thế mà vẫn có chuyện cười chảy nước mắt khi thằng bạn ngố tàu đang ngồi trên mình trâu và nghĩ nát óc tìm lời giải đố.

     Theo Từ điển Bách khoa toàn thư, trâu thuộc họ móng guốc (trâu bò), sống hoang dã ở Nam Á và Đông Nam Á và số ít ở phía bắc Australia. Trâu rừng tuy vẫn còn tồn tại trong thiên nhiên nhưng số lượng không nhiều và người ta lo ngại rằng trâu rừng hoang dã thuần chủng không còn tồn tại nữa. Tại Việt Nam vẫn có trâu rừng nhưng số lượng còn rất ít, chúng phân bố dọc dãy Trường Sơn, trong đó có khu vực miền tây Thanh Hóa giáp với Lào. Nhiều đàn trâu đã được thuần dưỡng và lai. Trâu có 2 loại: loại màu da xanh đen (trâu đen) và loại màu da sáng hồng (trâu trắng). Trâu trưởng thành nặng khoảng từ 250 - 500 kg. Trâu rừng hoang dã còn lớn hơn rất nhiều, con cái có thể nặng đến 800 kg, con đực lên tới 1,2 tấn; cao 1,8m.
Trâu trong lễ hội...
     Người Thái ở Tây Bắc không có phong tục làm giỗ, làm kị rải rác trong năm như người Kinh dưới xuôi. Việc cúng lễ của người Thái chỉ tập trung vào một ngày duy nhất là ngày 14/7 âm lịch hàng năm. Tiếng Thái gọi đó là ngày Síp sí.
     Đến ngày Síp sí, mọi gia đình người Thái đều tiến hành ba cuộc lễ liền nhau: Lễ cúng tổ tiên và những người trong gia đình đã khuất; Lễ cúng bà mụ (người đã "nặn" ra mình) cùng những người bơ vơ không nơi hương khói và Lễ cúng tạ ơn con trâu.
     Trong Lễ tạ ơn con trâu có hẳn mâm cỗ gồm một con gà luộc, một đĩa xôi, một chai rượu, một đĩa trầu cau và một bó cỏ non. Thịt gà chặt ra cùng với xôi được gói trong mớ cỏ non, những gói cỏ xếp vào cái mâm, vẩy mấy giọt rượu vào đó...
     Mọi thứ chuẩn bị xong xuôi, ông thầy cúng khăn áo chỉnh tề bước ra thắp hương, làm Lễ tạ ơn con trâu. Lễ tạ ơn được tiến hành với từng con, bắt đầu từ con trâu đầu đàn - tiếng Thái gọi là Quái tổn lang (trâu chủ gầm), sau đó lần lượt theo thứ tự con nhiều tuổi trước, con ít tuổi sau. Tạ ơn con nào thì bê mâm cỗ tới đặt trước con đó. Trong khi thầy cúng cầm sẹo mũi con trâu và ê a đọc bài cúng thì chủ nhà tận tay đút cho trâu ăn những gói cỏ non bên trong có thịt gà và xôi, rồi thả trâu ra rừng. Mấy ngày sau Lễ tạ ơn, người ta kiêng nặng lời mắng mỏ trâu, kiêng đánh trâu và bắt trâu làm việc nặng.
     Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trong đó, đặc biệt là đồng bào dân tộc M’nông ở Đắk Nông đến nay vẫn duy trì được Lễ đâm trâu (hay còn gọi là lễ ăn trâu), một lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Theo thần thoại của một số dân tộc Tây Nguyên thì con trâu biểu hiện cho tín ngưỡng vật tổ (là hình thức tín ngưỡng sơ khai nhất của các bộ tộc cổ đại). Lễ hội thường diễn ra vào những ngày nông nhàn tháng 3 hoặc đầu tháng 4 âm lịch.
     Trong Lễ hội đâm trâu, người ta dùng kèn Rlet- loại kèn chỉ dành để thổi gọi thần linh trong lễ hội này. Cây nêu cắm một con chim Phượng Hoàng làm bằng gỗ có tô nhiều màu trên ngọn và trang trí đủ các hình tượng và hoa văn cũng là vật không thể thiếu. Khoảng 4 giờ sáng ngày lễ, người đàn bà chủ trâu đứng gần cây nêu vừa hát bài gọi thần Lúa và hát "khóc trâu" để vỗ về, an ủi, tiễn biệt con vật yêu quý này trước khi nó bị giết để làm lễ hiến sinh vừa lấy nước tưới vào đầu con trâu. Trời vừa tảng sáng, họ mang một ché rượu nhỏ, giết một con gà để cúng hồn trâu. Bên đoàn khách được mời đến dự lễ cử ra một người đâm trâu. Trong khi đâm trâu, hai dàn nhạc cồng chiêng của hai bên chủ, khách nổi lên giúp người chém trâu, đâm trâu thêm phấn chấn, can đảm.
     Nếu như lễ hội đâm trâu là một nét văn hóa đặc trưng mang tính phổ biến của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên thì đối với người Chăm nghi lễ chém trâu tế thần (Săm lé) được coi là một phong tục độc đáo mang tính riêng biệt.
     Lễ chém trâu tế thần được tổ chức vào tháng 4 lịch Chăm để dâng cúng cho thần Pô Rum Păn và các vị thần linh. Khác với người Chăm ở các địa phương khác phải đúng chu kỳ 7 năm một lần mới tổ chức lễ chém trâu. Người Chăm ở Lạc Tánh (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) năm nào cũng tế một con trâu cho thần linh tại đền Pô Rum Păn vì họ quan niệm cuộc sống và mùa màng của dân làng hoàn toàn phụ thuộc vào "ngài". Theo tập tục thì con trâu tế thần phải là trâu đực lành lặn không thương tật, tốt nhất là trâu khoảng từ 3-5 tuổi.
     Sau khi thực hiện xong nghi thức khấn báo, mời gọi 12 vị thần, thầy Bóng chính cùng 2 thầy Bóng phụ và hai thầy trò ông Săm lé từ từ tiến về con trâu đã buộc sẵn bốn chân và miệng ngay phía trước cổng đền. Con trâu được đặt nằm nghiêng, mặt và bụng quay về cửa đền, lưng quay về phía mặt trời mọc, cổ trâu đặt trên một lỗ đào sẵn sâu 40cm, đường kính 45cm. Việc chém trâu do thầy trò ông Săm lé đảm nhận còn các thầy sau khi cúng vái, vẽ bùa và niệm chú phải rời xa con trâu và cùng nhìn về hướng Đông chứ không được nhìn vào con trâu đang bị chém.
... và trâu trong cuộc sống
     Rời các lễ hội, cởi bỏ chiếc áo tâm linh, trâu vẫn là... trâu với biết bao giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội. Khoan hẵng kể đến chuyện cấy cày, làm nương, làm rẫy đã có vô khối chuyện thú vị liên quan đến trâu.
     Con trâu giờ được đánh giá là loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Sữa trâu nhiều chất béo hơn sữa bò nhưng thịt trâu lại ít mỡ hơn thịt bò, mà lượng sắt có trong thịt trâu lại cao hơn thịt bò. Thịt trâu thích hợp với người làm việc trí óc, huyết áp cao, xơ vữa động mạch hay có nhiều cholesterol trong máu. Ở Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) có món thịt trâu luộc với nước cơm mẻ. Ở Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) có món phở nghé. Ở Hòa Tiến (Đà Nẵng) có món thịt nghé nướng lá lốt. Ở Quảng Trị có món thịt trâu xào với đọt trơng, phần lá non màu tím. Ở Đồ Sơn (Hải Phòng) người ta giết thịt trâu chọi và bán rất được giá. Ở Sài Gòn nếu thèm thịt có thể tới một số quán thịt trâu nổi tiếng bên bờ sông Sài Gòn với đủ các món, từ trâu luộc đến nấu cà ri, nướng vỉ, nướng sả ớt, hấp chao, xào lá cách, om nước dừa, xào hành, kho tiêu, lúc lắc, tái chanh, trộn gỏi...
     Phần da trâu để lại làm trống đặc biệt là da trâu cái chưa sinh đẻ mới tốt vì nó rất dai và cho tiếng kêu hay. Da trâu nấu thành cao gọi là giao để hòa với vôi quét tường tạo chất kết dính. Trong đông y, người ta dùng da trâu như một loại dược liệu có tác dụng giảm đau, cầm máu. Ở Bảo tàng lịch sử tỉnh Quảng Trị có sợi dây da trâu có chiều dài hơn 2m (nguyên thủy dài hơn), đường kính 20mm trước đây bộ đội dùng để kéo pháo trong chiến dịch giải phóng miền Nam.
     Sừng trâu cũng không phải là thứ bỏ đi mà được các nghệ nhân chế biến thành các đồ trang sức từ vòng tay, nhẫn... cho đến các đồ dùng khác như lược, gọng kính, đẹp không thua gì sơn mài, được bày bán khắp nơi trên thế giới. Người dân tộc Tây Nguyên dùng sừng trâu để rót rượu hay làm mõ. Sừng trâu cũng có thể thay cho sừng tê giác trong một số bài thuốc nam.
     Về Bát Tràng (Hà Nội) bây giờ không chỉ được mua gốm sứ mà còn được đi xe trâu bát phố. Các ông chủ ở đây chọn trâu kéo xe khá khắt khe, phải là trâu đực to, khỏe vóc dáng đẹp, sừng dài, cong đều. Hàm răng cũng phải đẹp bởi trâu là loài nhai lại và hay "cười" bất chợt. Con trâu đực khoan thai rảo bước trên đường làng, qua những cửa hàng bán đồ gốm đủ màu sắc, chủng loại chầm chậm như một thước phim quay chậm, phô bày hết tất cả những gì đã làm nên danh tiếng gốm Bát Tràng, khiến mọi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Chi Mai
Theo Nội san Thông tấn, số 1&2/2009.

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

10 cách giảm stress cho phụ nữ (05/11/2008 10:50:25)

Nhớ...! (04/11/2008 09:44:33)

Họ đã đón giao thừa như thế nào? (04/02/2008 10:55:41)

THƠ XUÂN (04/02/2008 10:35:12)

Phóng viên tuổi Tý  (04/02/2008 10:28:10)

Những điều thú vị về thế giới loài chuột (04/02/2008 10:03:15)

Đầu bếp trưởng và cô con gái (09/01/2008 10:11:08)

Hai hạt giống  (09/01/2008 10:08:32)

Cách thoát khỏi cảm giác say xe (06/12/2007 15:21:44)

Văn nghệ (06/11/2007 14:18:25)