Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Thầy Thành


(23/01/2009 08:36:58)

Vóc gầy, mảnh mai, cặp kính trắng, dáng vẻ nhanh nhẹn tạo cho anh một nét riêng. Giữa thời buổi bộn bề những sự kiện, có cảm giác anh làm chủ được công việc, không quá vội vã, âu lo, cũng không lao vào cuộc đỏ đen, sát phạt.

    Có những người không chọn nghề sư phạm, nhưng duyên nợ với nghề lại đưa họ lên bục giảng. Văn Thành là một người như vậy.
     Dân Thông tấn xã Việt Nam lâu năm không mấy ai lạ Văn Thành. Vóc gầy, mảnh mai, cặp kính trắng, dáng vẻ nhanh nhẹn tạo cho anh một nét riêng. Ở chỗ đông người, ít khi thấy anh phát biểu, cũng không có những tuyên ngôn. Có lúc anh im lặng trường kỳ, theo đuổi công việc của mình một cách lặng lẽ. Giữa thời buổi bộn bề những sự kiện, có cảm giác anh làm chủ được công việc, không quá vội vã, âu lo, cũng không lao vào cuộc đỏ đen, sát phạt.
     Nơi anh ra đi học về nghề báo cũng là ở Báo ảnh Việt Nam, và cho đến khi anh sắp về hưu cũng thấy anh ở Báo ảnh Việt Nam.
     Năm 1967, anh vào học trường Đại học Bách Khoa, học khoa Luyện kim sau đó chuyển sang khoa Chế tạo máy. Khi vừa tốt nghiệp, hồ sơ lại được chuyển sang Báo ảnh Việt Nam. Đợt lấy phóng viên đã được đào tạo chính quy đó nhằm mục đích tăng cường các cán bộ có học vấn cho chiến trường miền Nam. Riêng Báo ảnh Việt Nam, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chọn một số học sinh giỏi, cán bộ khoa học đi đào tạo nước ngoài để làm phóng viên nhằm phát triển một tờ báo chính quy bằng hình ảnh. Anh nằm trong danh sách ấy.
     Văn Thành tới gặp Tổng biên tập với tâm trạng đầy phân vân: -"Em không biết phải làm gì với nghề báo. Em chưa hiểu gì về nghề này cả". TBT Lê Bá Thuyên cười: "Trước hết, đây là nhiệm vụ của cậu, thứ hai nữa là duyên nợ với Báo ảnh. Báo ảnh đang rất cần những cán bộ có kiến thức cơ bản như các cậu. Không có gì mà phải xin đi nơi khác". Còn Thư ký tòa soạn Hoàng Nguyên Kỳ thì nói với anh rất giản dị: "Cậu nói thật lòng mình, đấy là làm báo đấy."
     "Hãy nói thật"- đấy là bài học đầu tiên về nghề báo với Văn Thành. Sau này khi làm nghề giảng dạy, anh cũng không ít lần giảng cho các sinh viên của mình nguyên lý giản dị ấy.
     Anh cười nói với tôi: "Yêu và ghét cũng theo phương châm ấy".
     Cùng nhóm với Văn Thành sang CHDC Đức học, có Hoàng Ánh, Xuân, Mạnh, Việt. Hoàng Ánh ở Báo ảnh Việt Nam, vừa bén duyên với nghề dịch thuật ít lâu thì mất. Các thành viên khác cũng không trụ lại với nghề ảnh. Nếu tính cả nhóm: Khánh, Thục, Long, An, Thắng cùng học ở CHDC Đức thì chỉ còn có ba người theo nghề ảnh trụ lại được là Văn Thành, Vũ Khánh, Đình An (Tạp chí Nhiếp ảnh). Nghề ảnh trong hoàn cảnh Việt Nam cũng khá nghiệt ngã. Nếu không có lòng yêu nghề, có duyên nợ với nó thì làm sao có thể ở lại với nghề cho tới hôm nay. Sự tính toán thiệt hơn cũng là một căn nguyên làm mai một đội ngũ vốn được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp.
     Vào những năm tháng ấy cầm máy ảnh không dễ. Để có được một bộ máy chụp ảnh tốt đã rất khó rồi. Người làm nghề càng có thể đếm đầu ngón tay.

Nhà báo Văn Thành (trái) và tác giả

     Văn Thành đã có một cơ hội tốt khi theo học Khoa nhiếp ảnh của Trường Hội họa và Nghệ thuật sách, nằm ở phố Đi-mi-tơ-rốp, Leipzing (CHLB Đức). Nơi đây, Hitler đã lập tòa án xử ông Đi-mi-tơ-rốp, người Nam Tư, theo Chủ nghĩa cộng sản và hoạt động ở Đức. Tại phiên tòa xử án, ông đã tự bảo vệ mình và được tha bổng. Sau khi học các môn chính trị xã hội cơ bản và kiến thức chụp ảnh, vào hai năm cuối mỗi sinh viên được theo học một thầy. Đây là quá trình đào tạo để hiểu biết về ngôn ngữ hình ảnh. Thầy gợi ý cho sinh viên khai thác chủ đề mình quan tâm, đặt ra những nhiệm vụ và gợi ý sáng tạo. Thường thì sinh viên gặp thầy mỗi tuần một lần. Như vậy, thầy chỉ cung cấp kiến thức xử lý, mà không cung cấp mục tiêu sáng tạo cuối cùng của chủ đề. Mức độ nông sâu trong sáng tạo là do tự sinh viên quyết định. Văn Thành tốt nghiệp với chủ đề ảnh: "Mùa thu của con người". Anh bị vấp ở một câu hỏi: "Có lúc nào anh nghĩ mùa thu của con người đôi khi đến sớm với cả những người trẻ tuổi không?". Văn Thành chưa bao giờ nghĩ về điều ấy. Đó cũng là nguyên do sau này Văn Thành khá đòi hỏi ở sinh viên về khả năng luận giải những hình ảnh mình chụp. Anh thích những bức ảnh đời thường, có ý tứ sâu sắc, lay động được suy nghĩ của con người.
     Cuốn sách ảnh Văn Thành làm đầu tiên cũng là ở TTXVN. Đó là cuốn sách về Đại hội 4 của Đảng. Nội dung của cuốn sách do Tổng Bí thư Lê Duẩn phê duyệt, Tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng chỉ đạo. Nhóm làm việc có Lê Phức, Văn Thành, Trần Chính, Hương. Đó cũng là lần đầu tiên anh hiểu thế nào là khoảng cách giữa học và hành. Sau khi làm cuốn sách này, anh trở lại Báo ảnh Việt Nam làm ở nhiều cương vị khác nhau: Từ phóng viên, biên tập viên cho đến Trưởng phòng phụ trách Trung tâm nghe - nhìn và nay là Thư ký tòa soạn tạp chí Đẹp. Nhiều cuốn sách ảnh ra đời dưới sự chăm chút của anh, cuốn nào cũng có được sự chau chuốt, kỹ lưỡng, chuyên nghiệp.
     Đọc những bài viết khá chững chạc, có cả chất văn, chất đời của Văn Thành trong những chân dung, những bài viết lý luận phê bình nhiếp ảnh, thật khó tin anh đã là người có lúc đã tự ti về ngòi bút của mình. Dường như anh không đánh giá cao lắm những gì mình viết ra, cho đến thời điểm báo Phụ nữ Thủ Đô trả lương tháng cho anh nhờ anh viết chuyên mục "Kiếm sống trên miền xa xứ" và "Nghề truyền thống". Những câu chuyện đời thường đầy nước mắt, mồ hôi, những thất bại, hy vọng và cả những niềm vui nho nhỏ của con người trong dòng viết của Văn Thành khiến độc giả hồi hộp và xúc động. Nhiếp ảnh thu hút Văn Thành khiến anh ít quan tâm đến việc viết lách, kể ra đấy cũng là điều đáng tiếc. Những bài chân dung của anh trên Báo ảnh Việt Nam cũng để lại ấn tượng với độc giả. Bài viết về Thủ tướng Võ Văn Kiệt xuất phát từ một cuộc gặp trên chuyên cơ để ghi lại những thước phim hoạt động của ông. Thủ tướng đã có ấn tượng với cậu phóng viên ít nói và quên cả chuyện giới thiệu. Để rồi, khi gặp lại, ông có thể cởi mở tấm lòng, tâm sự cả những chuyện riêng tư của mình. Tảng băng chìm sau bài viết còn lớn hơn nữa, đó cũng là những câu chuyện ngoài lề mà có lẽ những người cầm bút đều gặp nếu có cơ duyên. Bài viết về giáo sư Vũ Khiêu (ảnh Vinh Quang) khiến ông thích thú và trân trọng Văn Thành. Bài báo của Văn Thành và Vinh Quang được giáo sư Vũ Khiêu lồng vào khung kính treo trong nhà. Sau này, giáo sư Vũ Khiêu còn nhờ Văn Thành biên tập hộ cuốn "Vũ Khiêu và bè bạn" và có lời đề từ cảm động coi như tri âm. Những lời động viên, khích lệ như vậy đã khiến Văn Thành yêu thêm nghề nghiệp của mình, và rồi, qua nhiều cung bậc khác nhau anh lại dừng lại ở nghề ảnh như một tiền duyên.
     Văn Thành thuộc lứa giảng viên thỉnh giảng đầu tiên của Trường Sân khấu và Điệân ảnh Hà Nội. Mở ra khoa Nhiếp ảnh cũng là một cách nhìn lâu dài với một nghề nghiệp có truyền thống ở Việt Nam. Nó cũng đánh dấu một giai đoạn phát triển của nghề ảnh, cần đến những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Các giảng viên chính được mời ở Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Báo ảnh Việt Nam. Trường không có giáo trình, giáo viên phải tự soạn lấy bài giảng. Anh có dịp tổng hợp kiến thức của mình, bổ sung cho nó và hoàn thiện những gì mình thu nhận được trong cuộc sống qua nghề nghiệp. Hai môn dạy chính của anh là "Ảnh báo chí" và "Những phương tiện tạo hình của nhiếp ảnh". Anh truyền thụ một cách say mê lượng kiến thức tích lũy được cho các học trò. Những giáo viên có kinh nghiệm nghề và được đào tạo bài bản như anh không nhiều. Anh chú trọng tới sáng tạo, dẫn dắt các sinh viên vào con đường sáng tạo trong nhiếp ảnh, dạy cách suy nghĩ và tạo dựng sự nghiệp của mình.
     Đôi lúc, nhìn những học trò quây quần bên anh quanh ấm nước trà, bên một bản thảo sách trong giai đoạn trình bày, hay một công việc nào đấy, thấy "thầy Thành" như các em thường gọi có số "đào hoa". Nhưng xem ra cái buồn vui của cuộc đời một thầy giáo thỉnh giảng như anh lại ở chỗ "Hãy nói thật". Niềm vui được truyền thụ, chia sẻ kiến thức, cũng như niềm vui được suy nghĩ, sáng tạo vẫn còn đeo đuổi anh, có lẽ, cho đến cuối cuộc đời.

Vũ Đức Tân
Theo Nội san Thông tấn, số 1&2/2009.