Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Chuyện những người giữ cứ


(01/06/2009 09:26:48)

Năm 1972, xu thế thuận lợi trên chiến trường miền Nam, nhất là sau chiến dịch Nguyễn Huệ toàn thắng, đã tác động lớn đến hội nghị Paris nhằm chấm dứt chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam có chủ trương xây dựng căn cứ chuẩn bị cho đại quân trở về giải phóng miền Nam.

       Trực thuộc Ban Tuyên huấn, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) có 4 bộ phận chủ yếu: B7 (Ban biên tập tin, cả Ban Giám đốc), B8 (Bộ phận điện đài), B22 (Bộ phận nhiếp ảnh), B24 (trường Báo chí thông tấn). Đoàn chúng tôi gồm B7 và B8 được bố trí gần nhau với hơn 20 người cả nam và nữ, tuyển chọn những người trẻ, khỏe mạnh, hăng hái, quen việc cưa cây, vác củi, đào hầm. Nhiệm vụ chính của đoàn là xây dựng những công trình lớn mang tính tập thể như đào giếng, xây hội trường, nhà ăn, trạm xá có hầm điều trị, nghỉ dưỡng cho bệnh nhân. Đoàn được tổ chức chặt chẽ, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. 36 năm đã trôi qua, nay tôi không còn nhớ hết tên của cả đoàn, chỉ nhớ anh em chung tổ, thân thiết như: Út Nhuẫn, Út Kênh, Nhựt (sau làm Tổng biên tập báo Đồng Nai), Hồng Mai, Bé, Liên, Nga, Đẹp, Chớn, Bạo... Anh Năm Thọ có biệt tài lái xe Jeep lội đường rừng, khó cách nào anh cũng vượt qua ngon ơ, tài xế bình thường phải nể phục. Như con thoi, anh và anh Bảy Lợi qua lại rước chúng tôi và làm hậu cần tiếp tế. Những bữa ở lại đêm, Năm Thọ còn hăng hái đội đèn đi săn cheo, mễn để cải thiện bữa ăn cho anh em.

       Lệnh xây dựng căn cứ không quy định ngày hoàn thành, nhưng mọi người ai cũng khẩn trương làm việc cật lực ngày đêm cho nhanh để còn lo... về giải phóng Sài Gòn! Khoảng một tháng rưỡi thì cơ bản xong, nếu bình thường phải cần thời gian gấp đôi. Ngày 29/3/1973 được tin Mỹ làm lễ cuốn cờ, chúng tôi phấn khởi vô cùng.

       Xong việc đoàn về. Tổ chúng tôi được giao nhiệm vụ ở lại giữ cứ. Duy nhất có một nữ là Út Nhuẫn vừa làm y tá cứu thương kiêm cấp dưỡng, còn lại là đám đực rựa gồm: Sáu Cang, Út Bền, Út Kênh, Nhựt Tạo và Thành. Tất cả chỉ làm hai việc chính: Thay phiên tuần tra bảo vệ căn cứ và cải thiện bữa ăn. Kết hợp việc hai buổi sáng chiều đi tuần tra, chúng tôi cò (lấp) cây đặt bẫy suốt dọc chiều dài hàng cây số. Bẫy cò ke là loại bẫy đơn giản kéo một đầu cây rừng xuống dùng làm cần bật, có dây nhợ chắc nối với bàn đạp rất nhạy. Khi có va chạm thì cần bật lên. Mỗi sáng tuần tra kết hợp với thăm bẫy, chúng tôi thường thu về khi thì con cheo, sóc, khi con rùa, rắn... Thêm chất đạm cho bữa ăn.

       Mỗi lần tuần tra chúng tôi đi hai người, trang bị súng để tự vệ và hỗ trợ nhau. Bữa sáng đó do mấy anh em mắc đi công tác hết nên tôi phải đi một mình. Một mình càng phải cẩn trọng, quan sát kĩ trước sau, đi thật êm như lính trinh sát, lắng nghe động tĩnh xung quanh. Cảnh giác địch thì ít, cảnh giác cọp (hổ) thì nhiều hơn. Vì trước đó đêm ngủ có nghe tiếng cọp gầm, sáng ra anh em phát hiện cố dấu chân cọp ở gần nhà. Đi được gần nửa quãng đường, bỗng nghe có tiếng lắc cắc như tiếng nhai xương phía tay phải chỗ bụi rậm, cách chừng 30 mét. Tôi đứng lại. Tiếng lắc cắc cũng im bặt. Mười phút sau có tiếng sột soạt và hình như có tiếng nhảy vụt đi. Tôi chong thẳng mũi súng về hướng đó (lệnh không được nổ súng khi chưa thật cần), nín hơi la lớn một tiếng: "Cọp!". Mười phút trôi qua trong sự căng thẳng và im ắng. Tôi quyết định vào chỗ có tiếng động khi nãy, vì đoán khi bỏ chạy, cọp sẽ bỏ lại con mồi, cái ta đang cần. Quả thật, khi đến nơi thấy xác con cheo đã mất đầu nằêm cạnh bụi mây. Vẫn trong tư thế sẵn sàng, ngó quanh tôi bứt một sợi dây săng đừng, một loại dây leo rừng rất chắc, cột chặt xác con cheo. Nguy hiểm nhất là lúc trở ra vì cọp có thói quen vồ lén phía sau. Tôi đi thụt lùi từng bước một, tay trái xách con cheo, tay phải đặt ngón trỏ lên cò súng AK. Ra tới đường mòn an toàn, trước khi đi tuần tra tiếp, tôi cột xác con cheo vào cành cây gần mặt đất làm mồi nhử để coi "anh chàng" có trở lại tìm mồi hay không. Bữa cơm trưa hôm đó, có thêm món thịt cheo chiên do bàn tay khéo léo của Út Nhuẫn.

       Chúng tôi còn nguồn thực phẩm tại chỗ dồi dào là câu lươn ở bãi bồi các con suối, nhờ tài của các cậu Tạo và Thành. Cần câu làm bằng cây sậy, nhợ câu bằng dây nilon hoặc dây điện thoại, lưỡi câu chế tạo bằng dây thép vỏ xe, mồi câu là trùn đất. Lươn câu được nhiều, có bữa phải bớt lại để dành ăn lâu dài. Vài ngày lại đổi món bằng canh chua lươn. Me có sẵn trong vườn hoang, cộng với rau rừng, nếu có rau thơm ớt trái càng hấp dẫn. Út Nhuẫn có sáng kiến nấu trái me tươi lấy nước cốt cho ít muối vô chai để ăn lâu mà không hư hỏng.

       Cuộc sống trong rừng thiếu thốn đủ thứ, nhưng nếu biết cải thiện thì cũng có lúc "lên hương". Ai cũng biết cuộc chiến sắp kết thúc, nhưng việc tổ chức ăn ở, công tác, học tập ở cứ không hề tạm bợ, trái lại rất đàng hoàng. Còn nhớ, Tết năm 1973, anh Ba Đỗ thay mặt lãnh đạo cơ quan gửi thư chúc Tết và quà động viên Tổ giữ cứ. Nhiệm vụ của Tổ tuy không gian khó, hiểm nguy như anh em nơi chiến trường nhưng cũng rất cần có bản lĩnh vững vàng và tinh thần lạc quan cách mạng.

Thanh Bền
Theo NSTT số 5/2009