Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

35 năm GP12 gặp lại


(01/06/2009 09:26:40)

TP. Đà Nẵng ngày 30/4/2009 chan hòa nắng gió. Hội tụ về đây, chúng tôi bồi hồi xúc động cùng nhau ôn lại những năm tháng không thể nào quên. Giật mình ngoảnh lại thấy tất cả tóc đã muối tiêu, chỉ còn ít năm nữa là về hưu. Một vài chị em đã rời cơ quan về vui vầy với con cháu. Chúng tôi không cảm thấy buồn mà chỉ thấy thời gian đi quá nhanh. Ai nấy đều tự hào về một thời oanh liệt hào hùng, hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thời gian mang theo dòng chảy của nó vô vàn sự kiện khó có thể kể ra hết, nhưng những gì đậm nét nhất của lịch sử thì vẫn luôn ở trong ký ức mỗi thành viên khóa GP12.

     Năm 1973, phần lớn chúng tôi mới tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, đang chờ gọi đi học các trường đại học hoặc lên đường nhập ngũ. Người người ra trận, nhà nhà ra trận. Do nhân duyên, chúng tôi tụ hợp nhau tại khóa GP12 của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX). Khóa học, bắt đầu từ mùa đông năm 1973 và kết thúc cuối năm 1974, nhằm đào tạo, cung cấp điện báo viên, kỹ thuật viên về sản xuất ảnh báo chí phục vụ chiến trường miền Nam, mà cụ thể là Thông tấn xã Giải phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong điều kiện khó khăn gian khổ, học viên của khóa GP12 đều học tập tốt và sẵn sàng nhận nhiệm vụ nơi chiến trường, không ai nghĩ tới bất kỳ một lợi ích cá nhân nào.

       Các giáo viên dạy khóa GP12 là những cán bộ có tên tuổi, nhiều kinh nghiệm của TTXVN: Cô Quách Thị Ngà, các thầy Mạnh Hào, Nguyễn Văn Phú, Văn Đông, Lê Dư, Đỗ Đình Nghi, Trần Trọng Hòa, Nguyễn Duy Nhị, Hoàng Quang Tuyến, Nguyễn Danh Bưởi... Ngoài các môn học về chuyên môn kỹ thuật (điện báo, sản xuất ảnh...), chúng tôi còn được đào tạo cơ bản về viết tin - bài, nhiếp ảnh theo một chương trình cấp tốc. Khóa học chưa kết thúc nhưng một số anh chị em đã được điều động lên đường. Anh Thái, lớp điện báo 1 được tăng cường cho Ban Liên hợp quân sự bốn bên. Phần đông sau khi tốt nghiệp là xung quân vào chiến dịch Tây Nguyên, Lâm Đồng như các anh chị: Nguyễn Văn Hoài, Trịnh Văn Hùng, Hoáng Văn Hòe, Đoàn Văn Nghĩa. Một số khác được tăng cường cho Huế như: Đào Hòa Bình, Trương Sỹ Thiện, Đào Xuân Trí, Hoàng Thị Hiểu... Đi Đà Nẵng gần như toàn bộ lớp điện báo 2 và lớp ảnh 2: Nguyễn Trọng Điệp, Trần Văn Nông, Hoàng Bá Thế, Trần Thị Xuyến, Nguyễn Thị Thu, Chu  Văn Bình... Một số anh chị em đã ở lại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh cho đến ngày hôm nay. Anh Phạm Văn Viên có thâm niên 10 năm ở phân xã Nghệ An - một thời bom đạn ở ngã ba Đồng Lộc và Nghĩa Bình; Ngô Quang Trung lăn lộn 7 năm ởû Cao Bằng; anh Trịnh Quang Dân bám trụ 6 năm ở Lạng Sơn, thường trực tác chiến cùng các đơn vị quân đội trên biên giới phía Bắc, vv.

       "Quân" GP12 còn được điều về chiến trường Tây Nam, một số được cử đi làm chuyên gia giúp thông tấn xã SPK của Campuchia như các anh: Trịnh Văn Hùng, Lê Hữu Thành, Trương Sỹ Thiện, Nguyễn Văn Trình, Lê Văn Thao... được Thủ tướng Chính phủ tặng Huy hiệu "Vì nghĩa vụ quốc tế". Anh Nguyễn Năng Phát đã nằm xuống ở mặt trận này.

            Sau chiến tranh, nhiều đồng chí trong khóa GP12 phấn đấu vừa công tác vừa học hàm thụ đại học, chuyển sang khối biên tập hoặc trở thành phóng viên nhiếp ảnh... Một số giữ các chức vụ quản lý phòng, ban. Đại bộ phận đều được đứng trong hàng ngũ của Đảng. 35 năm mối tình huynh đệ khóa GP12, gặp lại nhau ở Đà Nẵng giờ đây tay bắt mặt mừng. Từ những ngày có mặt tại lán trại của xã Liên Hiệp, huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ), nơi trường Nghiệp vụ Thông tấn đóng đô, thiếu ăn, thiếu mặc, đồng cam cộng khổ, đến nay chúng tôi vẫn gắn bó thân thiết trong mái ấm gia đình TTXVN. Buổi họp mặt hôm nay thật sự xúc động và phấn khởi, bởi 35 năm qua khắp nẻo đường Bắc - Trung -Nam đều lưu dấâu chân của các cựu học viên khóa GP12. Mừng vui hơn nữa là tất cả thành viên trong khóa đều có mái ấm hạnh phúc, con cái thành đạt, đều làø những tấm gương cho thế hệ trẻ trong cơ quan vềø tinh thần cầu thị học hỏi, khiêm tốn, không ngại khó khăn gian khổ phục vụ sự nghiệp Thông tấn. Trong niềm vui chung, lòng ai cũng bùi ngùi tưởng nhớ đến các Thầy, Cô và những đồng đội đã khuất.

Hữu Thành
Theo NSTT số 5/2009