Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh

Hồi ức đường Trường Sơn


(11/05/2009 10:35:59)

Tháng 4/1975, 8 lái xe của VNTTX được lệnh "tổng động viên" vào tăng cường cho chiến trường đang trên đà thắng lớn. 34 năm đã trôi qua, nhưng cảm nhận về những lần ngồi sau tay lái vượt Trường Sơn vẫn còn vẹn nguyên trong họ.

       Trường Sơn nơi chúng tôi qua...

Mặc dù đã dọc ngang trên nhiều nẻo đường ra trận, qua lại không biết bao lần những địa danh khốc liệt nhất của những ngày chống Mỹ: Phà Ghép, Cầu Bùng, bến Thuỷ, sông Gianh, ngã ba Đồng Lộc... nhưng phải đến 1973, sau hiệp định Pa-ri, những lái xe của VNTTX mới có thể đi sâu vào tuyến trong. Các anh đã ngược xuôi vượt Trường Sơn trong những tháng ngày lịch sử để làm nhiệm vụ: Đưa phóng viên, kỹ thuật viên, vận chuyển lương thực, thuốc men vào chiến trường và chuyển tin, bài, ảnh ra Tổng xã ngoài Hà Nội.

       "Chạm chân vào con đường Trường Sơn huyền thoại, cảm nhận đầu tiên và rõ nhất của tôi đó là một con đường bụi. Bụi mù trời, hai xe chạy cách nhau 10m cũng không nhìn rõ. Bước xuống xe là chân chìm trong đất, ngực tức, cổ họng rát và mắt thì cay xè. Từng đoàn xe tải cứ ì ạch bò đi trong đám bụi đỏ và gió Lào khô rát. Sau những trận mưa rừng, con đường đó còn khủng khiếp hơn. Bụi đã chuyển thành bùn đặc quánh bởi hàng trăm, hàng ngàn chiếc xe lớn bé quần thảo. Chiếc xe u-oát nhỏ bé của tôi lọt thỏm trong đoàn xe tải cứ phải oằn mình vượt qua những cung đường khủng khiếp đó", tay lái cự phách Đào Trọng Vĩnh bồi hồi nhớ lại.

        Theo lời kể của các tay lái đã từng tham gia chiến dịch thì đường Trường Sơn chia làm nhiều chặng gian khó. Từ Quảng Trị vào Tây Ninh là nhọc nhằn, gian nan nhất. Xe đi men theo dải Trường Sơn hùng vĩ, con đường mòn ngoằn ngoèo vắt qua địa hình hiểm trở, bị băm nát bởi những loạt bom địch. Anh Phí Văn Sửu, hiện là Đội trưởng Đội xe TTXVN kể lại: "Chúng tôi đã đi trên những cây cầu bắc tạm trên tuyến mà bánh xe không được phép chệch một ly, luồn lách qua những đoạn đường lấp vội và men quanh những hố bom. Nhưng nguy hiểm hơn cả là chặng đường đi qua nơi trước kia là vùng giao tranh. Dưới lòng đất ngổn ngang bom mìn của ta và địch. Hai hàng cọc tiêu sơ sài được dựng lên vừa khít cho bánh xe qua. Các bác tài thần kinh căng như dây đàn, mồ hôi túa ra khắp người, bởi đằng sau tay lái của mình là bao nhiêu sinh mạng, tài sản của cơ quan, Nhà nước. Chúng tôi chỉ được phép tiến thẳng và từng bước cẩn trọng nhích qua đoạn đường chết".

       

Đoàn xe chở cán bộ và thiết bị kỹ thuật vào tăng cường cho TTXGP đang trên đường mòn Hồ Chí Minh
Trầm ngâm bên chồng tư liệu, anh Sửu kể tiếp: Bức tranh hiện thực và tàn khốc của chiến tranh dần hiện ra. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh khi qua "tọa độ chết" Khe Sanh, những quả đồi trơ trụi, đỏ quạch của đất đỏ ba-zan và cây khô. Chất độc da cam và bom na-pan của Mỹ đã tiêu hủy hàng trăm cánh rừng nguyên sinh trên dải Trường Sơn. Trên đường đi, chúng tôi còn thấy rất nhiều những hố công sự đào dở, những nấm mộ đắp vội của TNXP, của dân công hoả tuyến, bom đạn loang lổ khắp mọi nơi... Dấu ấn chiến tranh hiện diện khắp những nẻo đường Trường Sơn.

Chiến công sau tay lái

     Cuối những năm 1971-1972, lái xe Trương Đại Chiến (nay công tác ở báo Việt Nam News) được cử biệt phái vào B5 với nhiệm vụ quan trọng: Vận chuyển tin bài, phim, ảnh từ chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Trị ra Hà Nội. Đây là tuyến đường ác liệt nhất, có chuyến đi phải mất hàng tuần qua những địa danh trọng điểm như: Vĩnh Mốc, Phà Gianh, ngã ba Đồng Lộc... Có lần, trên đường anh chở phóng viên ảnh Vũ Tín ra Hà Nội thì bị máy bay địch phát hiện ngay giữa khe đồi trống. Chúng đuổi theo, bắn rốc két. Tình thế nguy nan, thương binh Vũ Tín máu chảy ướt đầm vẫn nhoài đầu ra ngoài cửa xe quan sát máy bay. Anh nhanh chóng cho xe chạy vượt khỏi tầm ngắm của kẻ thù, tìm chỗ trú an toàn. Nhưng để lại dấu ấn sâu đậm nhất là lần anh lái xe đưa đoàn phóng viên VNTTX tiến vào giải phóng TP.Huế. Và ngày 23/3/1975, trong khi cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Ngọ Môn thì cũng là lúc Trương Đại Chiến "một người một ngựa" lên đường, đi suốt đêm ngày chuyển tin, bài, ảnh ra Hà Nội kịp thời.

        Đầu tháng 4/1975, anh Phí Văn Sửu được cử làm Tổ trưởng một tổ lái xe gồm ba người có nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ tăng cường cho TTXGP do Tổng Giám đốc Đào Tùng dẫn đầu. Vai trò của người lái xe, người dẫn đường tin cậy có ý nghĩa quyết định cho sự an toàn và thành công của chuyến đi. Theo lịch trình, đoàn xuất phát từ Hà Nội, qua Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Plây-cu, rồi dừng chân tại căn cứ R - Tây Ninh. Hai chiếc xe u-oát đi ngày đi đêm, vật lộn với bùn và bụi của Trường Sơn. Đến Quảng Ngãi, tắc đường, theo lệnh Tổng Giám đốc Đào Tùng, các lái xe phải đi đường vòng, vượt qua đoạn đường cát dài gần 20 km để tiến kịp bước chân thần tốc của đoàn quân giải phóng. Anh Sửu kể lại: Lần đầu tiên trong đời chúng tôi đi trên địa hình cát dày đặc chỉ chực nuốt trọn bánh xe. Cách duy nhất là chạy thẳng, chạy đều, không được dừng. Hai chiếc xe cứ ì ạch nhích từng tí một. Đoạn nào sa lầy quá sâu, chúng tôi phải dùng gỗ, lá cây lót dưới bánh xe để vượt lên". Còn anh Vĩnh nhớ lại lần vượt sông có một không hai trong chuyến đi lịch sử đó. Chiếc cầu bắc qua sông Thu Bồn bị địch đánh sập, giao thông tắc nghẽn. Tổng Giám đốc Đào Tùng đã nghĩ ra cách mượn hai chiếc thuyền của dân ghép lại, dùng ván bắc qua làm phà cho xe vượt sông. Lái xe Đào Trọng Vĩnh là người thực hiện khâu quan trọng nhất: Đưa xe xuống "phà tự chế". Anh vẫn nhớ rõ: "Hai chiếc thuyền chòng chành, dập dềnh, nếu chỉ sơ suất thì cả người và xe rơi xuống sông. Hậu quả khôn lường. Trước sự giúp đỡ của mọi người trong đoàn, tôi đã điều khiển xe nhích từng chút một theo chỉ dẫn của người chỉnh hướng, đưa lần lượt cả hai chiếc u-oát xuống "phà" an toàn".

Với những thành tích đảm bảo vận chuyển nhân lực, vật lực, tin, bài, ảnh kịp thời trong kháng chiến chống Mỹ, Đội xe TTXVN vinh dự được trao tặng Huân chương chống Mỹ hạng Ba. Những chiến sĩ lái xe bình dị đó dũng cảm đi qua chiến tranh, để giờ đây lại tiếp tục cuộc sống đời thường giản dị của người cán bộ TTXVN.

Thục Hiền
Theo NSTT số 4/2009