Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Chân dung nhà báo

Chân dung nhà báo

Nhà báo Xuân Trường mải mê trên những nẻo đường Tây Bắc


(10/07/2009 08:48:43)

Phóng viên ảnh Xuân Trường dành hầu hết thời gian của mình để tác nghiệp tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, những khu, điểm tái định cư, công trường thuỷ điện, nơi thượng nguồn sông Đà, những ngóc ngách tận cùng của miền Tây Tổ Quốc. Địa bàn nào khó khăn nhất của vùng Tây Bắc cũng đều có dấu chân của anh. Dường như, với Xuân Trường, cuộc đời là phải tiến về phía trước với trái tim luôn nghĩ cho mọi người.

            Không biết bao nhiêu lần phóng viên ảnh Xuân Trường thực hiện chuyến đi vòng quanh những nẻo đường Tây Bắc bằng chiếc Win "cà khổ" bám đầy bùn đất, cát bụi. Lúc thì từ Hà Nội qua Lào Cai, lên Lai Châu, Điện Biên rồi vòng về Sơn La. Lúc thì ngược lại, xuất phát từ Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, lên Lai Châu và vươn cả sang Lào Cai. Cứ thế, Xuân Trường có mặt đúng lúc, đúng chỗ những sự kiện "nóng" xẩy ra để tác nghiệp.

            Bình quân mỗi tháng từ 18 đến 22 ngày có mặt ở các tỉnh Tây Bắc, Xuân Trường dành hầu hết thời gian để tác nghiệp tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, những ngóc ngách tận cùng của miền Tây Tổ Quốc như: Ca Lăng, Thu Lúm, A Pa Chải, Mường Tè, Sìn Hồ (Lai Châu), Mường Nhé, Điện Biên Đông, Tủa Chùa (Điện Biên), Co Mạ, Pá Lông, Long Hẹ, Nậm Giôn, Chiềng Lao, Ngọc Chiến, Mường Giôn, Tà Hộc (Sơn La) và cả những khu, điểm tái định cư, công trường thuỷ điện, vùng lòng hồ, nơi thượng nguồn sông Đà. Gần như địa bàn nào khó khăn nhất của vùng Tây Bắc đều có dấu chân của anh.

            Còn nhớ, một ngày tháng 6 năm 2005, Xuân Trường gọi điện báo trước cho tôi rằng sẽ xuất phát từ Hà Nội vào buổi chiều để đến tối có mặt tại Sơn La. Tôi khuyên anh nên khởi hành sớm hơn vì mùa này có mưa, đường trơn, hơn nữa QL6 nhiều điểm bị sạt trượt vẫn đang thi công, đi xe một mình trong đêm tối không an toàn.

            Hôm đó gia đình tôi đợi cơm tối, mãi đến 20 giờ thì nhận được tin xấu: Xuân Trường ngã xe máy bị gẫy tay tại địa phận huyện Yên Châu (cách thị xã Sơn La khoảng 60 km). Tôi hốt hoảng gọi lại bảo Xuân Trường gửi xe ở nhà dân và vào ngay bệnh viện Yên Châu để sơ cứu. Nhưng anh quyết định thuê hai xế xe ôm (một xe chở người và một xe chở đồ) lên thị xã Sơn La ngay trong đêm. Mãi gần 1 giờ sáng hôm sau mới xong thủ tục cấp cứu, băng bó tại bệnh viện tỉnh. Sau vụ này, Xuân Trường có thêm kinh nghiệm đi đường ở địa bàn miền núi.

            Một ví dụ nữa về sự "tham công, tiếc việc" của Xuân Trường. Đó là vào cuối tháng 8/2007, khi anh đang tác nghiệp tại một xã biên giới thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, tôi "phôn" cho anh để thông báo về Lễ hội người Mông ở Mộc Châu (Sơn La) sắp diễn ra. Xuân Trường quả quyết nói sẽ có mặt tại lễ hội Mộc Châu trước một ngày. Nhưng khổ nỗi "người tính không bằng trời tính", mưa rừng ập đến bất chợt, khiến anh bị mắc kẹt. Cánh giáo viên công tác ở vùng này cũng đã từng cảnh báo: Mùa mưa lũ, ai đã vào Mường Nhé rồi thì không có cơ may mà ra khỏi vùng "khỉ ho cò gáy" này đâu, mưa dai dẳng lắm, đường thì mới mở. Nhưng cái máu liều lĩnh nổi lên, Anh vẫn quyết đi ngay trong đêm. Khổ nỗi, vừa khởi hành lội qua ngầm sâu tại ngõ huyện, xe máy đã bị dính nước gây chập điện, cháy đèn pha, nước ngập ống xả, không thể nổ máy được nữa. Xuân Trường đành ngậm ngùi dắt "con ngựa sắt" đi bộ trong đêm tối gần 5 cây số mới tìm được chỗ trọ qua đêm. Chờ đến sáng hôm sau, sửa xe xong, Xuân Trường thuê người dân khiêng giúp "con chiến mã" qua ngầm, tiếp tục hành trình thần tốc một mạch gần 500 cây số dặm trường từ Mường Nhé (Điện Biên) về Mộc Châu (Sơn La) cho kịp tác nghiệp đêm hội "kéo vợ" của thanh niên Mông.

           

Phóng viên Xuân Trường cùng các đồng nghiệp phòng ảnh Kinh tế, Ban Biên tập - Sản xuất ảnh báo chí, trao đổi nghiệp vụ
Có đi đêm rong ruổi ở vùng sâu, miền núi địa hình hiểm trở, bản làng thưa thớt thì mới biết đêm dài cô quạnh, não nề. Xuân Trường từng "đơn thương độc mã" nếm trải nhiều lần như vậy. Một trong những chuyến đi mà tôi ấn tượng nhất là dịp cùng anh vào Quỳnh Nhai. Mỗi chuyến đi phối hợp, chúng tôi đều chọn trước đề tài chính, lên đề cương hẳn hoi. Đề tài cho chuyến đi lần này là di dân tái định cư (TĐC) thuỷ điện Sơn La. Lần đó, sau khi làm việc với Ban Tuyên giáo huyện uỷ, được biết có vài điểm TĐC do mưa lũ làm sạt đổ nhà dân. Chúng tôi chọn hai mũi. Xuân Trường chọn điểm TĐC Nậm Giôn của huyện Mường La, nơi có thông tin nhiều hộ dân bị ảnh hưởng lũ. Cả hai chúng tôi "đua" xe máy hơn 100 cây số từ thị xã Sơn La vào huyện Quỳnh Nhai nên ai cũng thấm mệt. Hơn nữa, thấy trời đang âm u dọa mưa nên tôi khuyên Trường hỏi thêm thông tin rồi mới quyết định có nên đi hay không. Nhưng cái tính "gàn" say nghề của Trường muốn phải đến đó ngay vì "tính mạng của mấy chục hộ dân đang bị đe dọa cơ mà, có phải chuyện thường đâu".

            Thực ra, lúc đó, tôi đang phân vân, hoặc là quay về thị xã Sơn La, rồi đi tiếp vào huyện Mường La, nếu trường hợp không có người dẫn đường, sẽ thuê thuyền máy ngược lên điểm tái định cư Nậm Giôn. Tôi nhẩm tính, đi vòng như vậy dài hơn, khoảng 200 cây số nhưng chắc chắn là chỉ hai ngày sau sẽ đến được điểm cần đến và an toàn hơn. Còn đường kia đi tắt từ Quỳnh Nhai sang huyện Mường La là đường liên xã men theo bờ sông Đà. Đường này mới mở để phục vụ công tác di dân, ngắn hơn, chỉ khoảng 70 cây số nhưng khó đi do có nhiều điểm sạt trượt, dân cư trong vùng thưa thớt, nếu có sự cố thì phải ngủ lại trong rừng. Xuân Trường chọn phương án thứ hai đi theo đường di dân.

            Lần đó Xuân Trường đi ngót nghét gần trăm cây số đường khổ ải để "săn tìm sự kiện nóng" nhưng công cốc. Sau này, Trường có thuật lại là phải vượt qua nhiều đoạn đường cua dốc nham nhở những đoạn sạt trượt ta luy âm, dương. Dắt xe qua rồi thì không còn hy vọng quay lại phía sau được nữa. Dong duổi gần ngày trời mỏi mệt, đói khát, trời âm u như sắp sập, màn đêm buông dần. Cố nhìn xa xăm, thăm thẳm đường đi mà như không đích. Bốn bề như bể dâu, chỉ có núi cao và rừng thẳm, chẳng thấy đâu những nếp nhà sàn quen thuộc, vốn thường lên lửa, tỏa khói bếp vào giờ này. Quanh quẩn một hồi thì bỗng phát hiện bên sông có một con thuyền, Xuân Trường như vớ được người cứu hộ, vội vã vai khoác ba lô đồ nghề, tay dắt xe theo đường mòn tụt dốc tắt xuống bờ sông. Để qua được sông lúc này, nghe đâu Xuân Trường phải "xuất trình" Thẻ Nhà báo với ông già đang thả lưới bên sông, gãi đầu gãi tai năn nỉ cho quá giang và thêm phần lộ phí trăm ngàn đồng nữa cho chắc ăn. Ông lão tai ngễnh ngãng, chẳng biết có đọc được chữ hay không, trông cái bìa giấy màu đo đỏ, nhỏ bằng bàn tay có đóng dấu, cùng cái bộ dạng khẩn thiết của Xuân Trường là ông tin, cho là cán bộ đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, nên cũng nhiệt tình giúp đỡ.

            Tuy nhiên, gay cấn nhất là lúc qua được đò sang bên kia sông. Xuân Trường một mình cố sức, vắt vẻo dắt xe ngược dốc lên khỏi bờ sông, thở phào vì cho rằng mình đã đến được đường ô tô. Vừa lên xe, nổ máy đi được vài cây số thì gặp đoạn sạt trượt, đất đá lấp đầy mặt đường dài cả cây số. Không qua được, anh vội vã quay lại bờ sông, nhưng thuyền của ông lão đánh cá đã xa bờ. Xuân Trường gọi, gào khản cổ mà chỉ nghe thấy tiếng đáp trả từ vách núi vọng lại. Thôi đành ngậm ngùi, tự an ủi động viên mình: Đã qua sông rồi thì không ngoảnh lại. Tiếp tục trở về với cái đoạn đường đất đá to lù lù như quả núi kia, cố sức dắt xe từng đoạn được vài chục mét thì cả xe và người quỵ ngã vì đuối sức. Cực chẳng đã, giờ thì Xuân Trường như đứa trẻ làm hờn dỗi mẹ, ngồi bệt xuống đống đất bùn bên đường mếu máo. Lả mình 30 phút tuyệt vọng trong đêm tối, bỗng nghe tiếng nói của người đi đường mỗi lúc một rõ thêm. Trong gian nan lại có người đến trợ giúp. Xuân Trường lúc này mới bừng tỉnh, đứng dậïy hỏi han họ như người thân, biết là tốp thanh niên này đi bản xa tìm bạn gái. Đám thanh niên hồ hởi khiêng giúp xe qua đoạn hiểm. Xuân Trường không quên trả công cho mỗi người 50.000 đồng để họ về mua đèn pin đi chơi đêm.

            Ở Xuân Trường luôn có tính học hỏi, khiêm nhường, không giấu giếm những yếu kém của mình. Mới đầu, khi được Ban phụ trách Ban Biên tập - Sản xuất ảnh phân công theo dõi ba tỉnh Tây Bắc, ngoài việc học hỏi đồng nghiệp, Xuân Trường đã đề ra mục tiêu tự học để hiểu biết thêm về phong tục tập quán, tìm hiểu văn hoá cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Mỗi lần hết chuyến tác nghiệp trở về Thủ đô, anh lại tranh thủ thời gian đến Thư viện Quốc gia tìm đọc sách, báo về văn hoá của từng dân tộc, từng vùng miền. Trường còn mời cả Giáo sư Tô Ngọc Thanh, người có nhiều công trình nghiên cứu văn hoá vùng Tây Bắc "bổ túc" cho riêng mình.

            Ngoài việc trang bị kiến thức về văn hoá, dân tộc học, Xuân Trường còn tự trang bị cho mình bộ đồ nghề khá xịn gồm máy vi tính xách tay, bộ máy ảnh 5D... Tôi hỏi: Trường đã được cơ quan trang bị rồi, sao lại phải tự mua những thứ đó. Trường giãi bày, nhiều anh em phóng viên còn chưa được trang bị đồ nghề mới, mình gửi lại Ban trang bị cho anh em khác. Hơn nữa mình cũng muốn sắm sửa một bộ tử tế, giúp cho tác nghiệp thuận tiện, chất lượng ảnh tốt hơn. Mỗi lần Xuân Trường đi tác nghiệp ở đâu đó, khi phát hiện vấn đề mới đều báo cho anh em phân xã cùng phối hợp, cùng góp ý, trao đổi nghiệp vụ về ảnh và cả những nội dung bài viết.

            Xây dựng được mạng lưới cộng tác viên tin cẩn tại địa phương quả là việc làm khó, nhưng anh đã làm được. Xuân Trường đến đâu cũng có bầu bạn, đồng nghiệp, như thể có chất xúc tác lôi kéo, cuốn hút anh em. Vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2007, đúng mùng 2 Tết, Xuân Trường cùng một đồng nghiệp nữa quyết tâm từ bỏ Tết thủ đô phồn hoa hẹn tôi vào tác nghiệp khai xuân tại công trường thuỷ điện Sơn La. Đoạn đường từ Hà Nội lên Sơn La dài 320 km, nhiều đường đèo hiểm trở, cộng thêm thời tiết mùa đông miền núi khắc nghiệt, rét buốt thấu xương, gió hú, sương mù, đoạn qua địa phận cao nguyên Mộc Châu đang có sương muối, nhiệt độ ngoài trời dưới 2 độ C. Chuyến đi đó Xuân Trường cùng bạn đồng hành trước lúc lên đường đã phải bọc lót quanh người mấy lớp áo len, khoác thêm bộ áo đi mưa phía ngoài để chống rét, mà chân tay vẫn bị tê cóng, phải dừng xe mấy bận, đốt lửa sưởi ấm thân nhiệt mới có thể tiếp tục hành trình tiếp lên Tây Bắc. Cái thôi thúc để Xuân Trường vượt qua thử thách có lẽ là do "máu nghề nghiệp", chịu khó lao vào cuộc, tìm đường mà đi, mà đến với sự kiện. Vất vả nhưng đổi lại những tác phẩm ảnh, bài viết của Xuân Trường rất sâu sắc và luôn có hồn. Chính vì dám lăn xả tác nghiệp nên anh đã đạt được nhiều giải báo chí của TTXVN và Giải báo chí quốc gia.

            Viết ra điều này, chắc Xuân Trường không hài lòng cho lắm. Tôi muốn nhắc đến những việc làm tình nghĩa của Trường đối với bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa như: Vận động doanh nghiệp (Công ty CP cồn rượu Hà Nội) cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai lũ quét, mất hết nhà cửa ở xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, Sơn La vừa qua, với tổng trị giá trên 50 triệu đồng cùng 800 bộ quần áo, đồ chơi cho trẻ em, sách vở cho học sinh nghèo. Anh bảo: Việc mình làm được, có ý nghĩa thì cứ làm, không nên nói ra vì sợ anh em đồng nghiệp không hiểu lại nói mình chơi trội. "Bí mật" làm việc thiện gần đây nhất của Xuân Trường là dành phần tiền bán ảnh cho một doanh nghiệp và tiền tích cóp trị giá 10 triệu đồng để ủng hộ làm một ngôi nhà cho gia đình người Khơ Mú có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ.

            Đối với Xuân Trường, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm, tự mình lo nấu nướng, thậm chí trong ba lô hành nghề của anh có cả lương khô, mì tôm, kẹo (cho trẻ con dọc đường), bông băng, thuốc cảm, chai nước đun sôi để nguội. Giờ thì Xuân Trường không chỉ làm nghề ảnh là chính, mà còn là cây bút khá sắc sảo chuyên viết những bài phóng sự về các vấn đề nóng hổi nơi biên cương Tây Bắc của Tổ quốc. Tin vui mới nhất là Xuân Trường vừa đoạt giải C Giải báo chí quốc gia năm 2008 cho tác phẩm "Sóng ngầm nơi bản mới". Xin chia vui cùng anh.

Điêu Chính Tới
Theo NSTT số 6/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thầy Thành (23/01/2009 08:36:58)