Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

55 năm mang tên đất nước


(15/10/2009 15:48:32)

Chỉ năm ngày sau khi bộ đội ta vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, một tờ báo ảnh đã ra đời với tên gọi ban đầu là Hình ảnh Việt Nam.

            Đồng chí Trường Chinh, lúc đó nguyên là Ủy viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã nhắc lại sự kiện này trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 15 năm ngày ra số Báo ảnh Việt Nam đầu tiên (15/10/1954 - 15/10/1969) như sau: "Sau chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng đã chỉ thị ra tờ Báo ảnh Việt Nam để giới thiệu bằng hình với nhân dân thế giới sự nghiệp của nhân dân ta trong giai đoạn mới là: làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh nhằm giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà".

           

Bộ đội ta phất cao lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Sở chỉ huy của quân Pháp tại Điện Biên Phủ (7/5/1954)

Vào những dịp cả nước kỷ niệm năm chẵn những sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc: chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng Thủ đô..., nhiều nhà sử học, cán bộ bảo tàng, nhà báo... đã tìm đến Báo ảnh để xem, sao chụp lại các bức ảnh đăng trên số Báo ảnh đầu tiên ra ngày 15/10/1954 và những số tiếp theo đó. Bởi vì chỉ trên những tờ báo này mới có thể lưu giữ những hình ảnh của toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc chuẩn bị cho đến khi hoàn toàn thắng lợi; hình ảnh các đoàn quân chiến thắng tiến vào Thủ đô trong sự hân hoan chào đón của người dân Hà Nội... Thời gian càng qua đi thì những bức ảnh mang tính lịch sử ấy lại càng có giá trị.

            Năm mươi lăm năm qua là những năm đầy biến động của lịch sử đất nước. Cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp vừa kết thúc thắng lợi thì nhân dân Việt Nam lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt hơn, kéo dài suốt hơn 20 năm và kết thúc bằng chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

            Trong những năm tháng hào hùng đó, các phóng viên Báo ảnh Việt Nam đã đưa đến cho bạn bè thế giới những hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam, cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, nguyên Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam Đỗ Phượng đã viết về thời kỳ đó như sau: "Không một sự kiện trọng đại nào trên tiền tuyến lớn, không một hình ảnh quan trọng nào ở hậu phương miền Bắc vắng mặt trên cả trăm số báo thời chống Mỹ. Dẫu muôn vàn khó khăn, dẫu ít, dẫu nhiều, dẫu không đều đặn, báo vẫn đến được bạn đọc trên 100 nước. Thoáng nhớ một tấm hình trên một tờ báo phương Tây đầu năm 70, một phụ nữ ở châu Mỹ trên bục diễn thuyết đã chỉ vào những tấm ảnh đăng trên Báo ảnh Việt Nam, vạch rõ tội ác của quân xâm lược Mỹ trong chiến tranh Việt Nam".

            Nhiều phóng viên Báo ảnh, tay máy, tay súng sát cánh cùng bộ đội nơi chiến trường khốc liệt và có người đã anh dũng hy sinh, nhưng những bức ảnh họ để lại thật vô giá.

           

Mừng miền Nam giải phóng (năm 1975)

Sau ngày giang sơn quy về một mối, công cuộc xây dựng đất nước đươc triển khai sâu rộng, mạnh mẽ. Tiềm năng của đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long đã được đánh thức, góp phần biến một đất nước từ chỗ phải nhập khẩu gạo trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tây Nguyên hoang vu xơ xác ngày nào trở thành vùng cà phê, vùng chè, vùng bông và cây công nghiệp. Đường dây điện cao thế Bắc-Nam 500kV được hoàn thành, đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh được mở rộng thành quốc lộ thứ hai xuyên Việt. Tài nguyên ngủ yên trong lòng đất được đánh thức, dầu mỏ được hút lên từ trong lòng đất, khí đốt được đưa vào bờ tạo thêm nguồn năng lượng. Với tinh thần trách nhiệm, những người làm báo của Báo ảnh Việt Nam thật hạnh phúc được chứng kiến, được ghi lại tất cả những sự kiện quan trọng đó.

            Với vai trò những người chép sử đất nước bằng ống kính, các thế hệ phóng viên Báo ảnh Việt Nam nửa thế kỷ qua, ngoài trên 600 số báo, như những cuốn biên niên sử đất nước bằng ảnh, còn để lại một kho tư liệu khổng lồ với hàng triệu kiểu phim. Đây là một tài sản vô giá để thế hệ sau này tìm hiểu về lịch sử đất nước, con người Việt Nam với tất cả các khía cạnh của cuộc sống.

            Năm mươi lăm năm qua, Báo ảnh Việt Nam đã không ngừng phát triển. Từ một bản tiếng Việt ban đầu, đã dần dần được in bằng nhiều thứ tiếng, có lúc lên tới 10 ngữ, phát hành rộng khắp các châu lục trên thế giới. Từ 10 phóng viên, biên tập viên đầu tiên, đến nay, toà soạn đã có một đội ngũ phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên được đào tạo chính quy ở trong và ngoài nước. Với đặc thù thông tin chủ yếu bằng hình ảnh mang tính chân thực, thuyết phục cao, với sự phấn đấu không mệt mỏi của nhiều thế hệ phóng viên, biên tập, biên dịch viên, Báo ảnh Việt Nam đã góp phần to lớn vào công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong mọi giai đoạn cách mạng.

            Năm 1999, Báo ảnh Việt Nam điện tử chính thức hòa mạng thông tin toàn cầu với ba ngữ đầu tiên là Việt, Anh, Pháp. Những năm tiếp theo các ngữ lần lượt ra đời là Nga, Hoa, Tây Ban Nha, Nhật Bản.

            Hiện nay, Báo ảnh Việt Nam bản in đã có mặt ở hơn 80 thư viện lớn trên thế giới, trong đó có thư viện của Liên hiệp quốc và là ấn phẩm Việt Nam duy nhất thường xuyên có mặt tại khu vực Mỹ La tinh. Hàng năm, Báo ảnh Việt Nam cung cấp cho Cục Dân vận, Cục A25 của Bộ Quốc phòng hơn 10 ngàn bản báo in các ngữ để phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại tại các vùng biên giới, hải đảo và ở nước ngoài. Báo ảnh Việt Nam còn được sử dụng như tài liệu thông tin tuyên truyền chính thức của Nhà nước trong các Hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam, cũng như ở nước ngoài.

            Ghi nhận những cố gắng và đóng góp đó, ngày 17/6/2009 vừa qua, trong dịp đến làm việc với TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho Báo ảnh Việt Nam để phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại. Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giúp báo có thêm cơ hội thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị của mình, giới thiệu được sâu rộng hơn hình ảnh của một đất nước Việt Nam đang đổi mới trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hoá và tích cực hội nhập với thế giới.

 

Báo ảnh Việt Nam phát hành hàng năm với hơn 130.000 bản in tới 55 nước trên tất cả các châu lục trên thế giới.

Báo ảnh Việt Nam hiện là tờ báo điện tử duy nhất của cả nước phát trên mạng internet bằng 7 ngữ: Việt, Anh, Pháp, Nga, Hoa, Tây Ban Nha, Nhật.

Hàng năm, Báo ảnh Việt Nam điện tử có trên 6 triệu lượt người từ 120 quốc gia và vùng lãnh thổ truy cập để xem những hình ảnh về Việt Nam đang đổi mới và phát triển.

 

Phạm Tiến Dũng (Phó Tổng biên tập phụ trách Báo ảnh Việt Nam)
Theo Nội san Thông tấn, số 10-2009