Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Chi viện cho TTXGP là nhiệm vụ thiêng liêng


(31/08/2009 14:43:50)

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) coi việc chi viện cho chiến trường miền Nam cho Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) là nhiệm vụ thiêng liêng của mình.

          Ngay từ năm 1959, khi cuộc đấu tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn hết sức khó khăn, gian khổ, VNTTX đã cử cán bộ cốt cán của ngành vào khu 5 và Nam bộ. Người đầu tiên được cử đi là Võ Thế Ái. Được sự giúp đỡ của cấp ủy địa phương, đồng chí đã xây dựng được phân xã Thông tấn khu 5 trước khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Tin đầu tiên về cuộc khởi nghĩa Trà Bồng (Quảng Ngãi) tháng 8 năm 1959 báo hiệu phong trào Đồng khởi toàn miền Nam được phát ra Tổng xã ngoài Hà Nội từ cơ sở Thông tấn này.

          Các năm 1963-1964, VNTTX tiếp tục cử Hoàng Châu, phóng viên ảnh; Huỳnh Ngọc Cầu, bộ phận 3TG (thu phô-ni); Mai Hữu Phúc, Trưởng phòng tin miền Bắc, vào bổ sung lực lượng cho TTXGP.

          Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân viễn chinh vào miền Nam để cứu quân ngụy liên tiếp bị thất bại nặng nề trên cả ba vùng chiến lược. Cuộc đấu tranh của quân và dân ta trở nên vô cùng gay go, ác liệt. Trước tình hình đó, trong các năm 1965, 1966 và 1973, VNTTX đã cử ba đoàn cán bộ tập trung chi viện cho TTXGP.

          Đoàn thứ nhất lên đường tháng 4 năm 1965, do đồng chí Vũ Linh (Bảy Lý), Phó Giám đốc VNTTX làm Trưởng đoàn. Đoàn gồm 50 phóng viên tin, ảnh, điện báo viên, trong đó có một số cán bộ cốt cán như các anh Nho Nghĩa, Đức Giáp, Bá Ngạc, Nguyễn Phác (tin); Đinh Thúy, Đức Chính (ảnh); Hai Luận (điện vụ kỹ thuật)...

         Đoàn thứ hai rời Hà Nội năm 1966 với khoảng 50 phóng viên trẻ vừa được đào tạo nghiệp vụ thông tin, báo chí trước khi đi. Trong số cán bộ cốt cán của ngành đi cùng đoàn có Ngọc Miên, Đạm Khâm, Đinh Mẫn, Thanh My, bác Khiển (chuyên viên buồng tối, tê-lê-phô-tô, sửa chữa máy ảnh), Ba Phấn, Ba Lê, Sáu Hạnh, Ba Tây (kỹ sư và kỹ thuật viên vô tuyến điện).

         

Đoàn phóng viên, kỹ thuật ảnh của VNTTX vượt Trường Sơn tăng cường cho TTXGP, tháng 3/1973

          Năm 1973, để chuẩn bị đón thời cơ mới ở miền Nam sau Hiệp định Pa-ri, đ/c Trần Thanh Xuân, Phó Giám đốc cơ quan, dẫn đầu một đoàn phóng viên (lớp GP10) vừa tốt nghiệp đại học, được đào tạo cơ bản nghiệp vụ thông tấn báo chí, vào TTXGP. Đây là đoàn chi viện đông nhất gồm hàng trăm anh chị em cùng hàng chục tấn máy móc, thiết bị thông tin.

          Chuyến hàng lớn này gồm máy phát sóng 500W, tê-lê-phô-tô, máy đục băng, nhiều máy thu phát 15W, máy ảnh, súng săn, súng ngắm... Anh chị em TTXGP rất xúc động khi nhận được các loại thuốc bổ, bột ngọt, vải, áo len, khăn quàng, đồng hồ, bút máy và cả kẹp tóc, quai dép, rút dép... Đây thực sự là món quà đầy tình nghĩa của cán bộ nhân viên VNTTX dành cho các bạn đồng nghiệp thân thiết của mình.

          Được chi viện hùng hậu, TTXGP vừa tác chiến vừa xây dựng tổ chức chính quy, vững mạnh, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thông tin trong mọi tình huống. TTXGP thành lập các tổ công tác tiền phương (gồm phóng viên tin, ảnh và tổ điện đài 15W) luôn có mặt tại Sở chỉ huy các Sư đoàn 5, 7, 9 miền Đông Nam bộ, đảm bảo đưa tin, bài nhanh, kịp thời và chính xác về chiến công vang dội của quân, dân ta trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của địch (1966 - 1967), trong Tổng tấn công Tết Mậu thân (1968), trong chiến dịch Nguyễn Huệ trên đường số 13 Bình Phước và đồng bằng sông Cửu Long (mùa hè 1972).

          Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tổng biên tập VNTTX Đào Tùng và một số phóng viên đã vượt trên một ngàn cây số vào thẳng căn cứ TTXGP, trực tiếp chỉ đạo công tác thông tin về đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng Sài Gòn và tiếp quản Việt tấn xã của chính quyền Ngụy.

          Tính ra từ năm 1959 đến mùa xuân 1975, VNTTX đã gửi vào chiến trường miền Nam 450 phóng viên, biên tập viên, điện báo viên, kỹ sư và kỹ thuật viên vô tuyến điện. Riêng TTXGP Nam bộ được chi viện trên 200 cán bộ.

          Về phương tiện kỹ thuật, từ năm 1971 đến giữa năm 1973, VNTTX đã gửi 5 chuyến hàng gồm hàng trăm tấn máy móc, thiết bị thông tin... xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho TTXGP, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thông tin.

 

NHỮNG CHUYẾN HÀNG TÌNH NGHĨA

          - Chuyến đầu tiên rời Hà Nội tháng 11/1971 do đ/c Hoa, cán bộ Văn phòng và một số cán bộ phân xã Nhiếp ảnh áp tải vào đến căn cứ TTXGP an toàn;

          - Chuyến thứ hai lên đường tháng 2/1972 do cán bộ Ban Thông tin Trung ương cục miền Nam áp tải nhưng bị thất lạc;

          - Chuyến thứ ba đi ngày 13/4/1972 do đ/c Biện, cán bộ kỹ thuật, áp tải về đến căn cứ an toàn;

          - Chuyến thứ tư đi tháng 11/1972 do các đồng chí Đinh Đăng Huấn và Nguyễn Thanh Chất, cán bộ phân xã Nhiếp ảnh, áp tải đến tập kết tại Stung Treng (Campuchia). Sau đó, TTXGP cử cán bộ lên nhận và chuyển về cơ quan bằng đường sông Mê Kông;

          - Chuyến thứ năm rời Hà Nội ngày 22/4/1973 và vào thẳng căn cứ tối 9/6/1973. Đây là chuyến hàng lớn, được chở trên 17 xe ô tô lớn nhỏ, do các đồng chí Hai Luận, Chính Vân, cán bộ TTXGP, trực tiếp áp tải.

 

Phạm Nho Nghĩa
Theo NSTT số 8/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phòng C một thời để nhớ (11/08/2009 09:19:50)

Bài thơ tháng Sáu (10/07/2009 09:43:18)

Khi rời bản thảo (10/07/2009 09:42:05)

Nhà báo Xuân Trường mải mê trên những nẻo đường Tây Bắc (10/07/2009 08:48:43)

Nhớ mãi bộ ba "Tin, ảnh, điện báo viên" (01/06/2009 09:26:56)

Chuyện những người giữ cứ  (01/06/2009 09:26:48)

35 năm GP12 gặp lại (01/06/2009 09:26:40)

Hồi ức đường Trường Sơn (11/05/2009 10:35:59)

Thầy Thành (23/01/2009 08:36:58)

Đất mũi Cà Mau (19/01/2009 10:54:57)