Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Phòng C một thời để nhớ


(11/08/2009 09:19:50)

Những ai từng phục vụ công tác thông tin của Thông tấn xã Lào (KPL) không thể không nhớ tới Phòng C, và cả những nhóm công tác tại Lào trước đó trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Nhà nước Lào đã tặng Huân chương Tự do hạng nhất ghi nhận những đóng góp to lớn và hiệu quả của cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Phòng đối với sự nghiệp thông tấn Lào.

            Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Lào. VNTTX (nay là TTXVN) đã cử một số phóng viên tin, ảnh, cán bộ kỹ thuật đến các địa bàn chiến lược của Lào như Sầm Nưa, Cánh đồng Chum, Khăng Khay, Na Mon làm tin giới thiệu về vùng giải phóng Lào; phản ánh hai sự kiện chính trị quan trọng: thành lập Đảng nhân dân cách mạng Lào (1955) và thành lập Mặt trận Lào Itxala (1956); tố cáo âm mưu của Mỹ-ngụy Viêng Chăn  phá hoại Chính phủ liên hiệp lần thứ nhất (1957) và lần thứ hai (1962)... Trong số các đồng chí sang Lào công tác đợt đó có Trịnh Văn Hải, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Gia Lễ, Lương Văn Hóa, Lâm Hồng Long, Nguyễn Hiệp Đồng, Hoàng Kim Hùng, Nguyễn Thị Thể, Lê Ninh, Nguyễn Vĩnh Long, Lê Ngọc Hoan, Phan Ích Phong, Vũ Ngọc Bội, Nguyễn Văn Lộc...

            Bị thất bại thảm hại về quân sự, từ năm 1965 chính quyền Mỹ thực hiện cuộc "chiến tranh đặc biệt tăng cường" ở Lào, cho máy bay ném bom, bắn tên lửa dữ dội vào vùng giải phóng, cắt đứt các tuyến đường giao thông, hòng làm tê liệt mọi hoạt động tại căn cứ cách mạng. Đáp ứng yêu cầu của Bạn, cơ quan ta cử nhiều phóng viên tin, ảnh và cán bộ kỹ thuật như Đỗ Văn Phượng, Nguyễn Hữu Công, Đặng Kiên, Phan Thành Nghiêm, Nguyễn Hồng Sĩ, Vũ Viết Thành, Ngô Minh Đạo, Nguyễn Tử Nên, Nguyễn Tiến Lực, Nguyễn Thế Nghiệp, Trần Ngọc Oanh, Nguyễn Hoàn, Nguyễn Danh Bưởi, Trần Duy Ngọc, Tạ Xuân Hiệp, Nguyễn Phú Đích, Trần Quang Phong... đến tác nghiệp tại Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và vùng giải phóng tại một số tỉnh khác. Tin, bài từ đại bản doanh Phu Khe chuyển về Tổng xã tại  5 Lý Thường Kiệt và Đài phát thanh Lào đặt tại Nho Quan (Ninh Bình) ngày một nhanh hơn, phong phú hơn. Sau thắng lợi lớn tại Nậm Bạc, Pha Thí, Cánh đồng Chum, Đường 9 Nam Lào, thế và lực cách mạng Lào đã mạnh, vùng giải phóng được rộng mở.

            Được sự đồng ý của Chính phủ nước ta, ngày 30/6/1972,Tổng Biên tập VNTTX Đào Tùng đã ký quyết định thành lập Phòng công tác C (Phòng C) trực thuộc Bộ Biên tập. Mục tiêu: giúp KPL làm tốt hơn nữa thông tin đối nội, đối ngoại phục vụ cách mạng Lào. Đồng chí Đỗ Phượng được cử biệt phái phụ trách công tác chiến trường C. Phòng C có nhiệm vụ giúp Bộ Biên tập những công tác sau:  nắm đường lối chủ trương, nhiệm vụ chính trị của nước bạn để chỉ đạo thông tin hàng ngày ; theo dõi việc thực hiện các hiệp định ký kết, các điều khoản thỏa thuận giữa VNTTX và KPL; chọn lựa phóng viên, biên tập viên, cán bộ và công nhân kỹ thuật sang Lào công tác; phối hợp với các đơn vị của cơ quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên KPL; quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ công tác tại Lào (chiến trường C).             

            Những ngày đầu, Phòng C tọa lạc tại "chuồng cu" của tòa nhà 4 tầng số 5 Lý Thường Kiệt. Gọi là chuồng cu vì đây chỉ là tầng thượng, lợp ngói che mưa, chống nóng cho các tầng dưới, ít người lên xuống. Bộ phận làm tin, ảnh về Lào và biên dịch từ tiếng Lào latinh ra tiếng Việt chỉ có các đồng chí Đỗ Phượng, Nguyễn Thị Thể và Phạm Văn Chinh. Làm bản tin tiếng Anh có Tạ Quang Tuyến, Hà Vinh. Công việc ngày một nhiều hơn, nặng nề hơn. Phòng C từng bước được tổ chức hoàn chỉnh, gồm tổ làm tin tiếng Việt, tổ nghe đài và biên dịch, tổ làm bản tin tiếng Anh, tổ làm ảnh, tổ tư liệu. Biên chế được tăng cường với các đồng chí Nguyễn Quốc Uy, Vũ Thế Nùng, Nông Văn Phàng, Phạm Duy An, Hoàng Văn Tuân, Hồ Nguyên Quang, Đinh Xuân Tuân, Nguyễn Thu Giang, Hoàng Văn Ty, Trần Tống, Nguyễn Văn Chữ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp KPL tại chiến trường Lào, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Tử Nên, Nguyễn Tiến Lực được bổ sung cho tổ nội dung; Nguyễn Ngọc Ban, chuyên gia quân sự chuyển ngành, tăng cường cho tổ biên dịch. "Chuồng cu" không chứa hết người, Bộ Biên tập cho chuyển xuống một phòng lớn ở tầng hai nhà 4 tầng. Gầm cầu thang từ tầng hai lên tầng ba từng được quây làm "phòng hạnh phúc" của một số người mỗi khi có vợ từ quê ra thăm.

            Những ngày mưa to bão lớn, việc thu tin telex từ Phu Khe gặp khó khăn, do đó phải bố trí người nghe một số đài phát thanh để có thêm nguồn tin. Tin tiếng Việt ra hàng ngày, một bản chuyển cho Ban tin Thế giới xử lý, một bản chuyển cho tổ tin tiếng Anh do các anh Uy, Nùng, Thục biên tập. Anh Phạm Văn Thịnh và một số anh ở Ban tin Đối ngoại hiệu đính. Mỗi ngày phát từ 5 tới 7 trang tin, vào hồi 9 giờ GMT(16 giờ Hà Nội), trên sóng ngắn. Tin KPL phản ảnh kịp thời phong trào thi đua sản xuất, xây dựng vùng giải phóng; tố cáo chính quyền phái hữu Viêng Chăn càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng; lên án chính quyền phản động Thanom Praphat của Thái Lan bị Mỹ xúi giục đưa 20 tiểu đoàn lính đánh thuê sang Lào; tố cáo chính quyền Mỹ cho máy bay đánh phá dã man các bản làng, trường học, bệnh viện. Ví dụ, bản tin SamNua (KPL, 25/7/1972) đưa tin từ ngày 17/5/1964 đến 25/7/1972, quân và dân Lào đã bắn rơi và phá hủy 2.385 máy bay Mỹ. Qua bản tin tiếng Anh của KPL, nhiều nước, nhiều tổ chức tiến bộ, nhiều nhân vật yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Lào. KPL ngày 10/8/1972 đưa tin nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Mỹ Giên Phônđa thăm Cơ quan thông tin của Mặt trận Lào yêu nước tại Hà Nội và lời phát biểu của bà "Thay mặt nhân dân yêu chuộng hòa bình của Mỹ, cho phép tôi được bày tỏ những tình cảm nồng nhiệt nhất của tình hữu nghị đoàn kết với với nhân dân Lào yêu nước và dũng cảm. Chúng tôi lên án những tội ác dã man của chính phủ Mỹ nhân danh chúng tôi đang gây ra trên đất nước các bạn", v.v.

            Sau Hiệp định Viêng Chăn ký ngày 21/2/1973, tình hình Lào diễn biến nhanh, có nhiều thuận lợi cho cuộc đấu tranh của lực lượng yêu nước, nhưng cũng rất phức tạp. Mỹ và chính quyền phái hữu buộc phải thừa nhận độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của nhân dân Lào. Nhân dân Lào bước vào giai đoạn đấu tranh mới trong điều kiện đất nước tạm chia thành ba vùng: vùng giải phóng, vùng tạm quyền kiểm soát của đối phương và vùng trung lập. Có ba chính quyền: chính quyền cách mạng, chính quyền phái hữu Viêng Chăn và chính quyền liên hiệp trung ương. KPL đưa nhiều tin các địa phương trong cả nước hoan nghênh thắng lợi to lớn của cách mạng Lào, đòi chính quyền phái hữu Viêng Chăn phải tôn trọng Hiệp định và phản ảnh dư luận trong nước và nước ngoài đòi  Mỹ và Thái Lan phải chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn mọi hành động can thiệp ở Lào, rút hết nhân viên quân sự, cố vấn Mỹ và Thái Lan khỏi Lào. Từ cuối năm 1974, xuất hiện cao trào đấu tranh quần chúng ở một số đô thị và nông thôn dưới quyền kiểm soát của phái Viêng Chăn. Tin KPL đưa kịp thời những địa phương nổi dậy giành chính quyền, những đơn vị phía Viêng Chăn làm binh biến ly khai. Từ tháng 5/1975, tin KPL tập trung phản ảnh nhân dân Lào trong cả nước nổi dậy đồng loạt đập tan bộ máy của chính quyền quân sự của các tập đoàn tư sản mại bản, phong kiến tay sai đế quốc Mỹ. Cơ quan USAID, đại diện cuối cùng của hệ thống cố vấn Mỹ, buộc phải đóng cửa. 

            Lao tâm khổ tứ vì sự nghiệp chung

            Duy trì được bản tin KPL tại số 5 Lý Thường Kiệt trong 8 năm là nhờ có sự lãnh đạo từ cấp Trung ương của hai nước, sự chỉ đạo và phối hợp giữa Tổng xã và Phu Khe và sự góp sức của nhiều ban, phòng TTXVN, trước hết phải nói tới phóng viên, biên tập viên tin, ảnh của Phòng C. Để có nguồn tin phổ biến và tham khảo, anh Phạm Văn Chinh phải cần mẫn, cặm cụi dịch khối lượng tin Lào latinh dài "tràng giang đại hải" do Cục Kỹ thuật thu và chuyển tới. Anh Chinh làm việc trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, ăn tại nhà ăn tập thể, ngủ tại bàn làm việc, lại sống nhiều năm kham khổ ở chiến trường, sức khỏe suy giảm, những cơn đau dạ dày hoành hành. Đúng vào thời điểm máy bay Mỹ B52 ném bom rải thảm bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên, anh Chinh bị thủng dạ dày, đau dữ dội. Anh Nguyễn Quốc Uy phải bỏ dở trang tin, cõng Chinh xuống cổng, xin xe đưa đi mổ cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức. Sau những tháng điều trị và an dưỡng, anh Chinh trở về cùng anh em phòng C cặm cụi làm tin, ảnh KPL.

            Giúp KPL trong những năm chiến tranh, hiểu theo ý nghĩa sâu xa cũng là làm cho mình. Bạn còn quá nhiều khó khăn, ta phải dốc sức người sức của cùng làm. KPL không có thiết bị thu, phát tin đồng bộ, không có giấy cuộn thu phát tin, giấy đục băng, ta phải xẻ một phần đưa sang nước bạn. KPL chưa có phim, giấy ảnh, thuốc ảnh, ta kịp thời cung cấp. Đưa được khối lượng lớn thiết bị, vật tư sang Sầm Nưa, Viêng Chăn không hề đơn giản. Phải làm thủ tục xin phép, đóng gói, k huân vác, áp tải hàng tới sân bay hoặc đi theo đường bộ hàng nghìn cây số trong hoàn cảnh máy bay Mỹ đánh phá ác liệt các tuyến giao thông, tắc đường, tắc cầu phà. Người của Phòng C phối hợp với người của Cục Kỹ thuật, của Ban ảnh, của Đội xe cùng xắn tay làm những việc đó. Nguyễn Hiệp Đồng, Nguyễn Thị Thể cùng những phóng viên ảnh kỳ cựu của cơ quan đã tìm kiếm, thu thập hơn 7.000 kiểu phim quý giá, phản ảnh những chặng đường lịch sử của cách mạng Lào và làm giúp Bạn nhiều bộ ảnh tuyên truyền trong những dịp kỷ niệm lớn. Mỗi khi mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ KPL, hoặc có đoàn sang thăm, trao đổi nghiệp vụ, chúng tôi lại có thêm bao công việc phải lao tâm khổ tứ. Cuốn hút vào những việc làm có tên hoặc không tên, lắm khi quên ăn, mất ngủ, nhưng tại Phòng C mà nhiều người vẫn gọi vui là "Phòng cực khổ" vẫn luôn có tiếng cười, tiếng hát. Có những thiên tình sử đẹp và có những câu chuyện vui nghìn lẻ một đêm kể cũng chưa hết...

            Ngày 2/12/1975, Quốc dân đại hội Lào họp, tuyên bố thiết lập chế độ mới CHDCND Lào. Trải qua 20 năm đấu tranh kiên cường, nhân dân Lào đã đánh bại tên đế quốc giầu mạnh bậc nhất, xóa bỏ hoàn toàn ách thống trị thực dân hơn 80 năm, hoàn thành cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, từ thân phận nô lệ tiến lên làm chủ đất nước. Từ Tổng hành dinh Phu Khe, Thông tấn xã Lào chuyển về Viêng Chăn. Sau ba năm chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, năm 1978, bản tin Đối ngoại KPL được làm tại Viêng Chăn. Các đồng chí Phạm Văn Thịnh, Hà Tuân lần lượt được cử làm chuyên gia Bản tin Tiếng Anh. Nhà nước Lào đã tặng Huân chương Tự do hạng nhất cho Phòng C, ghi nhận sự đóng góp to lớn và có hiệu quả của cán bộ, phóng viên, biên tập viên thuộc đơn vị công tác đặc biệt này.

 

Nguyễn Thế Nghiệp
Theo NSTT số 7/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Bài thơ tháng Sáu (10/07/2009 09:43:18)

Khi rời bản thảo (10/07/2009 09:42:05)

Nhà báo Xuân Trường mải mê trên những nẻo đường Tây Bắc (10/07/2009 08:48:43)

Nhớ mãi bộ ba "Tin, ảnh, điện báo viên" (01/06/2009 09:26:56)

Chuyện những người giữ cứ  (01/06/2009 09:26:48)

35 năm GP12 gặp lại (01/06/2009 09:26:40)

Hồi ức đường Trường Sơn (11/05/2009 10:35:59)

Thầy Thành (23/01/2009 08:36:58)

Đất mũi Cà Mau (19/01/2009 10:54:57)

Giấc mơ xanh (19/01/2009 10:53:22)