Thứ năm, ngày 25/04/2024

Chân dung nhà báo

Nhớ lắm, Đinh Dệ ơi!


(15/10/2009 15:58:56)

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ khốc liệt, nhiều phóng viên Báo ảnh Việt Nam đã lên đường ra trận và từ chiến trường gửi về những bài viết, những bức ảnh rực lửa chiến đấu. Trong số họ có phóng viên trẻ Đinh Dệ. Vừa lập gia đình xong anh đã hăng hái lên đường ra mặt trận, và anh dũng hy sinh trong một trận phục kích của địch ở chiến trường khu 5. Nhân kỷ niệm 55 năm BAVN, xin giới thiệu với bạn đọc những kỷ niệm về liệt sĩ Đinh Dệ của nhà báo Đoàn Tử Diễn, nguyên Phó Tổng biên tập BAVN.

            Chia tay tôi trong một chuyến công tác Khu Bốn khói lửa, Đinh Dệ trở ra Hà Nội để chuẩn bị một chuyến công tác xa. Ngày ấy, trên con đường 38 thuộc xã Công Thành, huyện Yên thành, Nghệ An tôi đã trao cho anh chai mật ong dân địa phương mới vừa cho hồi tháng Giêng năm 1969 và đó cũng là những phút cuối cùng chúng tôi sống với nhau trên đất Bắc.

            Tôi biết Đinh Dệ vào tháng 11/1963, khi chúng tôi vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, ở lớp phóng viên phục vụ chiến trường B và sau này về công tác ở Báo ảnh Việt Nam. Cuộc đời anh, gia đình, thôn xóm nơi anh sinh thành được tóm gọn trong những câu bộc trực, mang chút khôi hài nhưng có lẽ vì thế mà khó quên. Ba anh, ông Đinh Thọ, giống anh "in đúc". Tôi biết ông qua lời anh kể: "Ngày ông cụ đi thi lớp 9 bổ túc, tớ điềm nhiên thay cụ ngẩng cao đầu vào phòng thi, làm bài, nộp bài và còn thì giờ để tán chuyện dông dài với cả... ông giáo dạy bố mình nữa chứ".

            Anh cười, mắt híp lại như thể trước mắt chẳng có trời đất. Nhưng mà, thật hồn hậu, dễ thương.

Dệ vào chiến trường tháng 4/1969. Đó cũng là lúc Mặt trận Dân tộc Giải phóng đang cần tin tức nóng hổi từ chiến trường phục vụ cho Hội đàm Paris. Cùng lớp học với chúng tôi ở trường Đại học Tổng hợp đã có nhiều anh em vào trước ít năm. Thu Hoài, vào năm 1967 ở căn cứ Khu 5 ngày đó. Phan Văn Kính vào thẳng Khánh Hòa; vùng đất ác liệt và gian khổ nhất của chiến trường Khu 5. Hoàng Sĩ Ngọc về mặt trận Trị Thiên-Huế, quê hương yêu dấu của anh. Ở các chiến trường miền Nam, anh em cựu sinh viên khoa Văn nhiều người sớm hy sinh. Họ vốn là bạn bè cũ của chúng tôi những ngày còn trên ghế nhà trường. Anh Hồng Tân, hy sinh ở Nam Bộ, anh Tuân ở Huế... Nhiều bạn bè còn sống khác, từ chiến trường vẫn thường gửi thư ra cho chúng tôi, và còn cả ảnh nữa. Anh Bùi Minh Quốc, anh Trần Tiến ở lớp trên. Anh Nghiêm Sĩ Thái, Nguyễn Đức Hoằng ở lớp gần kề, anh Hoàng Sĩ Ngọc cùng lớp, thư từ khu 5, từ Trị Thiên-Huế, từ B3, B2. Bởi vậy, tuy chưa đặt chân vào chiến trường nhưng Đinh Dệ và chúng tôi cũng hình dung khá rõ những gì đang chờ đợi phía trước.

            Chia tay người vợ trẻ mới cưới, anh tập trung huấn luyện tại một khu rừng đặc biệt và cũng từ nơi đó anh vào thẳng chiến trường. Khi từ Vĩnh Linh ra, tôi kịp chia tay Đinh Dệ lúc lên đường. Tôi đã đến thăm vợ anh sau đó ở căn phòng hẹp phố Phan Huy Chú (Hà Nội). Chị xanh gầy, ít nói. Tôi thầm nghĩ trước lúc rời miền Bắc, không hiểu Dệ có kịp để lại cho người vợ... Những tháng tiếp theo trôi qua và tôi lấy làm tiếc là điều tôi thầm mong đã không có.

            Dệ đi, phía sau mình, ở hậu phương miền Bắc còn lại một người cha tập kết và người vợ nhỏ gầy, con gái thành Nam, bạn học cùng lớp. Nơi anh đến là lửa khói miền Nam, nơi có một người mẹ già sớm tối ngóng chờ tin đứa con trai đầu tập kết; đến với Lâm, Thâm, Khê, 3 cô em gái mà trong 15 năm xa nhà anh không có tin tức, thư từ. Buổi tiễn chân, anh có dư những lời hóm hỉnh vẻ khinh bạc để xua đi giây phút bịn rịn của kẻ ở người đi. Anh khỏe, có đôi vai rộng, ngực nở ra như hai cánh phản. Đôi chân cuồn cuộn cơ bắp. Dường như từ trước đó nhiều năm anh đã chuẩn bị chu đáo cho một chuyến về Nam chăng, nên sớm sớm anh tập cử tạ, không bỏ ngày nào. Anh tập ngực, tập vai, tập đôi chân. Xét về hình thể, anh là con người thuộc giới thể thao. Dốc núi Khu 5, rừng đại ngàn Tây Nguyên đang chờ đợi anh. Mạnh chân lên Dệ nhé, hãy lót ổ trước chờ chúng mình trong đó.

            Tôi với Dệ như hai người chơi trò đuổi bắt. Tôi ở Vĩnh Linh ra thì vừa lúc đó Dinh Dệ lên đường. Khi chúng tôi, Vũ Xuân Mai, Ngô Thế Oanh, Hoàng Chu, Dương Đức Quảng, Hoàng Chung và tôi - Đoàn Tử Diễn vào Khu 5 thì Đinh Dệ không còn ở căn cứ Khu nữa. Anh đã vào sâu thêm phía nam - Bình Định quê anh. Và thật bàng hoàng tai nghe mà không sao tin nổi. Anh đã trút hơi thở cuối cùng nơi con dốc đổ xuống thượng nguồn sông Côn. Tháng 11/1971 từ Khu vào Bình Định công tác tôi không còn kịp gặp được anh nữa. Tôi tìm tới 2 trong 4 số người đã chôn cất anh ngày mất. Trong gộp đá lạnh mùa đông năm đó, chúng tôi ngồi sát lại quanh bếp lửa đượm than, hai chú nhỏ chậm rãi kể:

            - Vùng căn cứ của tỉnh chúng em luôn luôn phải di chuyển bởi vì vào những năm 1969, 1970 Mỹ - lết lặng lẽ tìm và giết cán bộ, diệt căn cứ. Ra khỏi nhà là gọn nhẹ. Quần áo, tăng võng, giấy tờ sổ sách đều trong gùi. Một gùi, một ruột tượng, một súng ngắn, một AK ra đi và nếu cần sẽ không trở lại chỗ cũ nữa. Hôm đó vào cữ tháng 3, cũng không còn nhớ kỹ nữa, chúng em chợt phát hiện Mỹ - lết phía trước, "Anh Hai, dừng lại!". Ngay sau đó 5 chúng em mỗi đứa một lối chạy hút sâu vào sau những gộp đá. Cứ theo các triền núi dốc mà bươn. Bóng dáng bọn Mỹ đã hiện trước mắt. Mỹ - lết đi như một bóng ma. Đi không tiếng động, thảng hoặc mới nổ súng. Đêm đến chúng căng võng nằm lại trong rừng. Từng toán nhỏ 3 tên, 4 tên ém sâu vào rừng. Chính những toán nhỏ Mỹ này đã gây nhiều thiệt hại cho ta, làm mất ăn mất ngủ, ngày đêm nơm nớp, không yên. Mỗi người chúng em tìm một chỗ thích hợp để chờ đợi. Nếu gặp địch là nổ súng. Nhưng bóng Mỹ thoáng hiện thoáng biến. Về chiều rừng núi trở nên yên ắng. Chúng em tìm nhau, kiểm xem đã đủ mặt chưa. Anh Dệ phát hiện thiếu một người. Chúng em phần thì mệt, phần thì không biết tìm ở đâu, chi bằng đợi nhau nơi đã hẹn. Nhưng ngồi nghỉ một lúc là thấy ruột gan bồn chồn. Chúng em chia nhau mỗi người một hướng. Rừng đã yên ắng nhưng cũng không ai dám lên tiếng gọi. Chiều đang xuống dần từ mọi phía. Chúng em đương dò dẫm thì khựng lại. Một tiếng nổ rất gọn, thêm một tiếng nổ rời rạc nữa. "Có chuyện gì nhỉ?". Chúng em cảnh giác, đi cách xa nhau hướng về phía có tiếng nổ. Chừng nửa tiếng sau chúng em phát hiện giữa lối mòn nhỏ là xác một người nằm ngửa, "Anh Hai. Ủa, anh Hai thiệt rồi". Vậy là anh Hai Dệ đã bị bọn Mỹ - lết phục. Anh nằm đó y hệt dáng anh vẫn nằm khi nghĩ ngợi điều gì. Mặt ngước lên trời...

            Khi biết chắc là địch đã rút, những người bạn của Dệ ở Ban Tuyên huấn Bình Định đứng lặng bên anh. Bọn địch lót chiếc ba lô cũ của anh dưới lưng, trên ngực để phong bì thư của vợ anh từ miền Bắc gửi vào. Có lẽ đó là bức thư đầu tiên và cũng là bức thư cuối cùng mà anh nhận được của gia đình.

            - Chúng em không nỡ để ảnh vậy mà chôn. Nhưng cũng cảnh giác địch. Chúng thường cài mìn dưới ba lô. Mình mang thi thể đi là suông mìn nỏ vịt của chúng rất nguy hiểm. Đã xẩy ra nhiều trường hợp như thế rồi. "Thôi anh Hai tha lỗi. Chúng em không còn cách nào...".

            Anh em đã để yên xác Dệ rồi từ từ xếp đá lên, cao dần, cao dần, ngay giữa lối đi. Nơi đó là một con dốc nhiều đá con màu xám và trắng đổ xuống con suối cạn, một nhánh của thượng nguồn sông Côn.

... Thôi đành

Bạn yên nằm nơi lưng chừng dốc đá

Ngọn gió đằm mình nghiêng ngả

Mặt sông nghiêng đỏ bầm hoàng hôn

Tôi chợt nghĩ tới anh nơi ngọn nguồn sông Côn

Đáy mắt sông Côn

Nhòa trắng...

            Nhớ Đinh Dệ tôi lại nhớ tới những trang ghi chép của tôi đêm ấy, quanh bếp lửa nguội dần. Ngoài hang đá rọi vào những luồng sáng ngày. Thế là một đêm không ngủ.

            Đầu năm 1975, tôi về lại Phù Cát quê anh. "Thằng Hai" của má không về nữa nhưng bạn bè của Hai đã tìm đường về thăm má, thăm các em, thắp lên bàn thờ một nén nhanh nhỏ. Ngôi nhà còn đây. Mảnh vườn nhỏ vẫn còn đây, cây chuối lá cùng những ngày thơ bé chăn bò, trốn học, đánh lộn của Dệ cũng còn đây quanh quất trong nỗi nhớ mỏi mòn khôn nguôi của má.

                        Đứa con đầu, anh Hai Dinh Dệ mãi mãi dừng lại ở tuổi 28. Một chàng trai lực lưỡng và trên gương mặt ngăm ngăm bao giờ cũng sáng lên nụ cười hồn hậu đang hăm hở tìm về với mẹ, với các em, với bà con thân yêu của mình. Vâng, đúng thế má à, anh đang đi giữa bóng ngả hai hàng phi lao cao vút trong ngọn gió rì rào từ hướng biển thổi vào.

Đoàn Tử Diễn
Theo Nội san Thông tấn, số 10-2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kim Sơn - 30 năm một chất Báo ảnh (15/10/2009 15:57:13)

Nhà báo Xuân Trường mải mê trên những nẻo đường Tây Bắc (10/07/2009 08:48:43)

Thầy Thành (23/01/2009 08:36:58)