Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Câu chuyện kể mỗi độ Xuân về


(08/02/2010 15:33:14)

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký kết. Mỹ cam kết chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam...

            Trước tình hình mới thuận lợi, Trung ương cục miền Nam quyết định đưa những cán bộ đau yếu ra Bắc trị bệnh. Tôi là một trong số đó.

            Sau chín năm sát cánh cùng anh chị em TTXGP công tác và chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức khó khăn gian khổ, nay được trở ra Bắc, gặp lại vợ con, gia đình, đồng nghiệp, tôi thật sự bồi hồi xúc động, buồn vui khó tả.

            Tôi nhớ mãi một sáng mùa Xuân năm 1974, cán bộ phóng viên, biên tập viên tin ảnh, kỹ thuật viên vô tuyến điện của cơ quan tề tựu trước căn nhà mái lá trung quân - nơi tôi làm việc - lưu luyến chia tay và chúc tôi lên đường bình an vô sự.

            Thay mặt cơ quan, anh Trần Thanh Xuân tặng tôi chiếc máy thu thanh bán dẫn nhãn hiệu Hitachi và gửi lời thăm sức khỏe các anh lãnh đạo VNTTX ngoài Hà Nội Đào Tùng, Hoàng Tư Trai, Đỗ Phượng.

            Giơ tay chào anh chị em TTXGP vô cùng thân thiết, tôi lên xe máy Honda do một nhân viên lái, theo con đường mòn trong rừng ra Lò Gò, lộ 22, ngã ba Thiện Ngôn đến trạm giao liên Cần Đăng (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) để tập trung.

            Sáng 25/3, trạm họp mặt toàn thể anh chị em để thành lập đoàn và phổ biến kế hoạch đi đường. Với 46 cán bộ một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số ngành trên "R", đoàn chia làm hai nhóm A và B để tiện giúp nhau trên đường khi cần. Tôi thuộc nhóm B gồm 23 thành viên trong đó có đồng chí Mai Diêm, phụ trách Điện ảnh Giải phóng; nhà văn Anh Đức, tác giả tiểu thuyết "Hòn Đất"; chị Trương Thị Phượng, vợ đồng chí Đặng Thanh Khiết, phóng viên cùng cơ quan.

            Tối 26/3, những chiếc xe "Zin" của ngành An ninh đến đón chúng tôi.

            Đêm đầu, do phải qua vùng còn đồn địch, xe chỉ dùng đèn gầm nên chạy rất chậm. Sang vùng giải phóng xe chạy ban ngày, qua thị trấn Bù Đốp rồi Lộc Ninh. Tại đây, chúng tôi đã nhìn thấy nhiều công nhân đang hối hả lắp đặt đường ống dẫn xăng dầu. Dọc ven đường, từng đống ống thép trắng lấp lánh dưới ánh mặt trời.

            Xe bon bon trên đường Trường Sơn, con đường được trải thảm bằng lớp đất đỏ nghiền tơi như bột, dầy lút mắt cá chân. Phía sau đoàn xe là những quầng bụi đỏ cuồn cuộn bốc cao như những đám cháy rừng. Bụi bay mù mịt nhuộm đỏ chúng tôi trong thùng xe. Mỗi khi xe dừng lại bên một cái ngầm, mọi người vội nhảy ào xuống suối rửa mặt mũi, chân tay, giặt khẩu trang. Khác với lần lội bộ Trường Sơn phải tự túc mọi thứ, lần này chúng tôi ung dung vào các trạm để nhận phần cơm nước mà không phải nấu nướng phập phù dưới những trận mưa...

            Từ phía Bắc vào, trên những sườn núi chênh vênh, những chiếc xe téc chở xăng bò như rùa; những chiếc xe vận tải cõng trên lưng nào máy kéo, xe xúc, xe ủi đất cứ lúc lắc như một đàn kiến tha mồi về tổ. Phải chăng đây là những phương tiện phục vụ cho xây dựng các công trình và sản xuất nông nghiệp trong tương lai?

            Đến địa phận Kon Tum, chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy một dãy xe tăng được phủ lá ngụy trang nằm im dưới tán cây rừng. Các lính tăng trẻ măng, từng tốp ngồi chuyện trò vui vẻ hoặc đánh tú lơ khơ. Tây Nguyên giờ đây khá yên tĩnh. Quân Mỹ đang rút khỏi miền Nam. Trên đường Trường Sơn, máy bay Mỹ đã ngừng hoạt động. Không còn bom pháo, hết bọn biệt kích.

            Khoảng hơn nửa tháng, đoàn xe chở chúng tôi đã đến Tà Cơn, làng Vây, Khe Sanh, một thời là sân bay dã chiến, là căn cứ hỏa lực rất mạnh của giặc Mỹ. Giờ đây, vùng này cây cối xác xơ, những công sự, hầm hào lở lói, mặt đất phủ đầy những mảnh sắt thép của một thời bom đạn ác liệt. Xe chuyển sang đường số 9. Rải rác ven đường là những chiếc xe tăng Mỹ bị thủng bụng, tung xích, nòng pháo gục xuống đất, dây leo chằng chịt. Khác với đường mòn Hồ Chí Minh, đường 9 rộng thênh thang, phẳng lì. Đoàn xe Zin thả sức phóng như bay, chẳng mấy chốc đã đến Đông Hà, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương.

            Qua cầu, xe dừng lại dưới chân cột cờ, trước nhà họp của Ban Liên hợp đình chiến khu phi quân sự mà những năm 1956 - 1958 tôi thường xuyên có mặt tại đây để nắm tình hình làm tin về đấu tranh chính trị hai miền điện về Tổng xã.

            Tôi chợt nhìn thấy chị Nhung Be- vợ đồng chí Đoàn Bá Từ, Trưởng phân xã TTXVN tại Phnôm Pênh (Cămpuchia) đang ngồi với một người phụ nữ người nước ngoài. Chị Nhung giới thiệu đây là nữ diễn viên điện ảnh Mỹ Giên Phôn-đa... Nhờ có chị điện ra Tổng xã ngay sau đó mà cơ quan và gia đình sớm biết tin tôi đã về.

            Ngày 12/4, đoàn xe đến Trạm Voi, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Sau khi nghỉ ngơi, lĩnh quân trang, chúng tôi được đưa về trạm Hà Đông. Tại đây, ông Đỗ Phượng, Phó Giám đốc cơ quan, phụ trách cán bộ B và gia đình tôi đã chờ đón. Thật khó nói cảm xúc của tôi khi nhìn thấy người vợ thân yêu của mình. Mắt tôi nhòa đi trong niềm vui sướng tột cùng. Tôi run run nắm chặt bàn tay vợ, không muốn rời. Vợ tôi liền nhắc là có con gái đi cùng. Bấy giờ tôi mới nhận ra đứa con gái nhỏ đứng nép bên mẹ mà hồi đi B cháu mới lên 5. Nay cháu đã là một thiếu nữ 14 tuổi xinh xinh. Tôi vội ôm con vào lòng vuốt ve nắm tóc đuôi gà mà thương thương quá...

            Ba mươi sáu năm đã trôi qua, hôm nay nhớ lại ngày gặp mặt vợ con sau nhiều năm chia xa, tôi thấy cứ như là một giấc mơ! Và năm nào cũng vậy, mỗi độ Xuân về, tôi lại cùng gia đình ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên ấy. Những kỷ niệm đó đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi và bao đồng đội khác thêm vững niềm tin vào cuộc sống hôm nay.

Phạm Nho Nghĩa
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Vũ Khánh - Sự thăng hoa của nhà báo nghệ sỹ (08/02/2010 15:00:13)

Văn nghệ (04/01/2010 12:19:16)

Một chuyến đi về Cứ (04/01/2010 10:54:13)

Du kích TTXGP diệt xe tăng Mỹ (04/01/2010 10:52:28)

Văn nghệ (27/11/2009 09:59:36)

Con đường phía trước còn chông gai hơn (27/11/2009 09:07:34)

Trang thơ Báo ảnh (15/10/2009 16:30:36)

Nhớ lắm, Đinh Dệ ơi! (15/10/2009 15:58:56)

Kim Sơn - 30 năm một chất Báo ảnh (15/10/2009 15:57:13)

55 năm mang tên đất nước (15/10/2009 15:48:32)