Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Một chuyến đi về Cứ


(04/01/2010 10:54:13)

Cuối năm 1972, Hội nghị Pa-ri sắp đến hồi kết. Tôi được cơ quan giao nhiệm vụ trở lại miền Nam xem xét tình hình căn cứ cũ ở sau phum Cháy (Tây Ninh). Nếu ổn định thì sẽ chuyển về đây ngay khi có lệnh.

            Lúc này, Thông tấn xã Giải phóng đóng quân trong cánh rừng Ta-pao, huyện Đầm Be, tỉnh Công-pông-chàm (Cam-pu-chia). Đồng chí Võ Minh Thanh (Tư Thanh, điện vụ kỹ thuật, người Bến Tre), phụ trách máy nổ B8 đưa tôi đi bằng xe máy Honda. Thanh được trang bị tiểu liên AK, phần tôi một khẩu K59.

            Đề phòng địch phục kích do đường biên hai nước xuyên qua rừng rậm, chúng tôi đi đường vòng trong đất Cam-pu-chia, tuy có xa nhưng yên tâm hơn. Xuất phát từ Đầm Be, chúng tôi theo lộ đỏ ra ngã ba Prathiet - Kandal Chrum, theo đường số 7 ngược lên Suông-Chúp, cách biên giới khoảng từ 3 đến 5 cây số. Đến thị trấn Suông, xe bị chết máy, Thanh phải đưa vào hiệu sửa chữa. Sửa khá lâu, xong thì trời nhập nhoạng tối và mưa lây phây. Qua thị trấn Chúp, chúng tôi rẽ sang đường số 15 (Công-pông-chàm - Pray Veng), đi được vài cây số thì đèn pha tắt ngấm. Xung quanh trời tối đen như mực, không gian im lặng như bãi tha ma. Thanh và tôi căng mắt soi hai bên đường để tìm nhà dân nhờ giúp đỡ. Cứ thế, Thanh dắt xe, tôi dò dẫm bám theo. Đi khoảng hai cây số, chúng tôi thấy có ánh sáng le lói gần bên đường liền dắt xe vào.

            Sau khi biết xe chúng tôi gặp sự cố, ông chủ nhà liền tìm cờ-lê, mỏ-lết cho mượn. Thanh hí hoáy sửa xong đèn và chúng tôi tranh thủ đi tiếp. Nhưng chỉ được vài cây số, đèn cứ lập lòe rồi tắt hẳn. Đường về căn cứ còn xa vời vợi, cả hai đều thấm mệt. Đã nửa đêm, bụng đói cồn cào, chúng tôi ghé vào một cái quán trống toàng bên đường giở cơm nắm, mắm ruốc ra ăn. Tôi bàn với Thanh: Hay tạm nghỉ ở đây, mai đi tiếp? Thanh giẫy nẩy: "Nghỉ ở đây để Khơ-me đỏ cắt cổ à?" Đúng là thời gian gần đây, bọn Khơ-me đỏ đã giở mặt phản bội cách mạng. Chúng gọi Việt Nam là "Duôn"- một từ rất xấu. Chúng thường phục kích, giết hại cán bộ, chiến sĩ ta đi lẻ trên đất Cam-pu-chia để cướp vũ khí, tài sản, nhiều khi chỉ là vài bao thuốc lá, đôi dép cao su (dép râu) mà chúng rất thèm thuồng...

            Để nhanh chóng thoát vòng nguy hiểm, Thanh giục tôi lên xe và nổ máy. Xe chạy như sên bò vì Thanh vừa lái vừa phải dò đường. Chỉ sai một chút là xe và người lao xuống ruộng. Cứ lạng qua lạng lại như thế một khoảng đường dài, chúng tôi đến ngã ba Kan-chơ-rếch (đi thẳng thì xuống thị xã Pray-veng, rẽ trái xuôi về Con-chai-nưa - Cra-bao, sang đất ta).

            Ở góc ngã ba có một trạm gác bỏ không, khoảng gần mười mét vuông, chỉ có một cửa ra vào. Bám theo ven đường là vài mươi cửa hàng. Có một cửa hàng còn sáng đèn, tôi gõ cửa xin ngủ nhờ thì chủ nhân- một Hoa kiều- lắc đầu quầy quậy. Họ sợ Khơ-me đỏ trả thù. Vừa quay ra thì gặp một thiếu niên Cam-pu-chia khoác khẩu súng trường lõng thõng liền hỏi có biết nhà trưởng phum? Cậu ta xua tay và biến đi rất nhanh. Tôi nói nhỏ với Thanh: Chúng ta vào trạm gác nghỉ tạm vậy. Một người ngủ, một người thức canh chừng. Không còn cách gì hơn, Thanh đưa xe máy vào một góc trạm rồi hai chúng tôi súng đạn sẵn sàng. Bất ngờ, một người khoảng trên 30 tuổi đứng ngay trước cửa, anh ta nhìn chúng tôi từ đầu đến chân và hỏi bằng tiếng Việt Nam rất chuẩn: "Các anh từ đâu đến, thuộc đơn vị nào, có biết ai là cán bộ ở "R" không?".

            Tuy hơi mừng vì gặp được "người mình", tôi vẫn tìm cách trả lời nước đôi để không lộ bí mật nhưng cũng ngầm tỏ ra là cán bộ của Mặt trận... Anh không hỏi gì thêm và dịu giọng: Được tin báo có người Việt Nam mới đến, tôi ra ngay. Nhiệm vụ của đơn vị chúng tôi chốt tại đây là để bảo vệ cán bộ ta qua lại vùng này. Thế là đã rõ. Anh bảo chúng tôi đi theo anh. Đi khoảng 30-40 mét thì đến một căn nhà rộng chừng 40 mét vuông, không giường chiếu, bàn ghế, chỉ có 2 cái võng và khẩu tiểu liên AK dựng bên tường. Anh hạ tấm ván gỗ cho chúng tôi ngồi và đi đun nước pha trà. Chúng tôi cùng uống trà, hút thuốc, chuyện trò vui vẻ.

            Trời sáng, anh mời chúng tôi vào trong phum, nơi đơn vị đóng quân cách đó hơn trăm mét để ăn cơm. Nóng lòng về lại căn cứ, chúng tôi cảm ơn và vội vã lên đường. Đường rộng thênh thang, Thanh cho xe phóng qua Com-chia-mia, Cra-bao và lội qua sông Vàm Cỏ Đông. Về gần đến căn cứ, Thanh tắt máy và dắt bộ, vừa đi vừa nghe động tĩnh. Khi nghe đúng tiếng anh em mình - bộ phận tiền trạm về xây dựng lại căn cứ- chúng tôi yên tâm đi vào... Gặp lại Sáùu Cang, Tư Bền, Kênh, Tạo, Nhựt... ai nấy đều vui mừng hoan hỉ. Riêng tôi và Thanh nhớ mãi một kỷ niệm chuyến đi về cứ đầy gian nan, nguy hiểm.

 

Phạm Nho Nghĩa
Theo Nội san Thông tấn, số 12-2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Du kích TTXGP diệt xe tăng Mỹ (04/01/2010 10:52:28)

Văn nghệ (27/11/2009 09:59:36)

Con đường phía trước còn chông gai hơn (27/11/2009 09:07:34)

Trang thơ Báo ảnh (15/10/2009 16:30:36)

Nhớ lắm, Đinh Dệ ơi! (15/10/2009 15:58:56)

Kim Sơn - 30 năm một chất Báo ảnh (15/10/2009 15:57:13)

55 năm mang tên đất nước (15/10/2009 15:48:32)

Lời người bán rong (05/10/2009 10:29:08)

Khoảnh khắc (05/10/2009 10:27:58)

Có một tổ phóng viên chiến tranh TTXGP tại Hòn Đất... (05/10/2009 09:42:03)