Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Chân dung nhà báo

Vũ Khánh - Sự thăng hoa của nhà báo nghệ sỹ


(08/02/2010 15:00:13)

Một con người, một cá tính đặc biệt hay nổi trội, đều gây ấn tượng mạnh trong lòng độc giả. Nhưng tìm một người để khắc họa chân dung thật không dễ dàng gì. Có nhiều cuộc đời khác nhau, có người làm ít nhưng lại ồn ào, có người làm nhiều nhưng thầm lặng, đôi khi chìm vào quên lãng. Những người cầm bút thường nói với nhau "nhân vật này có cuộc đời nhưng thiếu bi kịch"! Vũ Khánh thuộc dạng nào? Phải chăng như người ta nói: Gốc khu Bốn, đào tạo ở Đức và lớn lên trong "Miền đất lửa".

            Hình như cái gì cũng có trong anh!

             Vũ Khánh, tên đầy đủ là Vũ Quốc Khánh, sinh năm 1954, ở cái thời điểm mà "đường cách mạng mới đi một nửa", trong một gia đình mà bố là một người lính, ông Vũ Kỳ Lân, cố Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự đặc khu Vĩnh Linh, còn mẹ là Nghệ sỹ ưu tú Mai Châu mà nhiều khán giả của điện ảnh Việt Nam yêu mến. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng một nửa gốc gác thì lại ở xa, xa mãi tận miền Trung, một mảnh đất nắng nhiều, gió nhiều, nhiều cả cát bụi và gian khó.

            Tốt nghiệp đại học năm 1979 tại Đức, anh về thử việc ở một số tờ báo, rồi trở về Báo ảnh Việt Nam (BAVN), nơi mà nghề nghiệp gần gũi hơn với những gì đã học. Với chiếc máy ảnh, anh đã in dấu chân mình trên khắp các nẻo đường đất nước, rồi đến cả Campuchia cái thời nước sôi, lửa bỏng.

            Những gì học được cùng với sự cọ xát trong thực tế cuộc sống đã là những nấc thang vững chắc cho anh trở thành Tổng biên tập của BAVN khi bước vào cái tuổi 47. Nhưng chẳng bao lâu sau, sự quyết liệt trong công việc, cộng với sự năng động lại đặt anh vào một nhiệm vụ mới, vừa có tính nghiệp vụ vừa có tính kinh doanh - Giám đốc Nhà xuất bản thông tấn. Trong lĩnh vực này anh cũng thành công. Đánh giá sự thành công người ta hay nói đùa là Vũ Khánh dựa vào tính "Đức" và tính "Cá gỗ" của mình. Có thể nói, tính cách của người Đức đã ảnh hưởng không nhỏ tới anh. Thật khó có thể bắt Vũ Khánh chi tiêu một cái gì không có mục đích. Cũng như người Đức, vì tính tổ chức và tính tự lập cao nên bao giờ họ cũng biết chi tiêu một cách dè sẻn nhưng lại rất hợp lý.

           

Mặt trời của mẹ

Nụ cười Việt Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

            Vũ Khánh còn thích tính chính xác và hiệu quả của người Đức: Luôn luôn đúng giờ và làm việc thì như "trâu cầy". Cũng vì thế, đảm trách càng nhiều công việc, sức ép của công việc càng lớn thì sức sáng tạo trong anh dường như cũng lớn lên theo.

            Những nỗ lực không ngừng của anh trong gần 30 năm qua đã được ghi nhận. Cuộc đời Vũ Khánh là cuộc đời của một con người bền bỉ tự rèn, tự học, tu nhân tích trí. Đảm trách công việc mới ở nhà xuất bản, anh phải tự mần mò, tìm đường đi riêng trong cơ chế thị trường nghiệt ngã. Anh đã cùng tập thể cho ra đời hàng chục đầu sách có giá trị cao. Nổi bật nhất là bộ sách về các vị lãnh tụ tiền bối của Đảng, và một bộ sưu tập về các dân tộc ở Việt Nam. Với tình yêu và lòng đam mê vô hạn của mình, anh đã tạo được một dấu ấn riêng cho một nhà xuất bản còn rất trẻ nhưng đã có một vị trí vững vàng trên con đường đi lên của mình. Ở đây tính khoa học và tính nghệ thuật đã được kết hợp một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo.

            Tôi hỏi anh tại sao lại say mê làm những bộ sách về các dân tộc ở Việt Nam như vậy. Bởi lẽ những cuốn sách ảnh thông thường giá thành cao, hiệu quả kinh tế không hẳn lớn, công sức lại phải bỏ ra nhiều, trong khi người làm thiếu. Anh nói: Khó khăn, đúng, rất nhiều, nhưng nếu mình tâm huyết thì sẽ có cách giải quyết. Vả lại nếu mình không làm thì để cho ai! Mà càng ngày với tốc độ hội nhập như ngày nay thì chẳng mấy mà những nét văn hóa riêng, có tính chất đặc thù của từng dân tộc ngày một mai một rất khó tìm kiếm, khó xây dựng lại. Hơn nữa nơi vùng dân tộc xa xôi luôn tiềm ẩn rất nhiều bản sắc văn hoá còn nguyên dạng, mà càng ở vùng sâu vùng xa thì càng ẩn chứa nhiều giá trị.

            Nói đến nửa cái gốc của người Nghệ Tĩnh thì có lẽ phải nói ngay đến chuyện học hành. Có lẽ cái gốc gác này làm cho Vũ Khánh biết kiên trì lắng nghe và học hỏi. Như nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai khái quát: "Người Nghệ Tĩnh can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan, tằn tiện đến cá gỗ". Hình như cái gì cũng có!

            Vũ Khánh cũng thật may mắn, không chỉ có môi trường đào tạo và làm việc tốt, mà anh còn được thừa hưởng, được sống trong không gian của một gia đình có văn hóa nền tảng. Sự kết hợp giữa chất lính của người cha và chất nghệ sỹ của người mẹ tưởng chừng rất khó hài hòa lại được thăng hoa trong anh.

            Ông Vũ Kỳ Lân, cha anh, là đồng tác giả với nhà báo Nguyễn Sinh cuốn "Ký sự miền đất lửa", viết về những người sống và chiến đấu trên miền đất lửa Vĩnh Linh, mảnh đất mà ông đã lăn lộn trong những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến. Cuộc sống của con người hầu như ở dưới hầm, dưới những địa đạo. Từng giờ, từng phút cận kề với bom đạn và sự chết chóc.

Phố cổ Hội An

Thiếu nữ Pa-di ở Lào Cai

            Cuộc tiếp viện cho đảo Cồn Cỏ mùa hè năm 1965 cũng là một vấn đề đáng nói, khi đường tiếp tế giữa đất liền và đảo gần như bị phong tỏa. Đảo đánh tín hiệu nguy ngập. Nắm rõ tình hình khốc liệt của Cồn Cỏ, Đảng ủy Vĩnh Linh phát lời kêu gọi: Tất cả vì đảo! Biết là cuộc ra đi tiếp tế cho đảo sẽ một mất một còn nhưng hàng ngàn ngư dân vùng biển Vĩnh Linh vẫn làm đơn tình nguyện đi tiếp tế cho đảo. Thế rồi hàng ngàn tấn vũ khí, kể cả pháo 75, cao xạ 37 li, lương thực, vật dụng đã được những chiếc thuyền gỗ chạy buồm, chèo tay đơn sơ chở từ đất liền ra cung cấp cho đảo. Nhưng cái giá của mỗi viên đạn, mỗi hạt gạo đều phải tính bằng máu. Hàng trăm gia đình ở các xã ven biển có người hi sinh hoặc bị địch bắt đi mất tích.

 

 

Vũ Khánh vẫn đang lầm lũi gánh vác trách nhiệm trên con đường sự nghiệp và nghệ thuật. Quá khứ và hiện tại luôn hiện hữu bên anh, và trước mặt là cả một khoảng trời rộng mở.

 

 

           Những dòng ký sự này đã thấm đậm trong anh từ những ngày còn là cậu học trò trường Thụy Khuê. Giá trị của tình yêu, giá trị của đức hy sinh và lòng quyết tâm được chuyển lửa từ người cha vô cùng khiêm nhường sang anh một cách tự nhiên, thầm lặng. Học phổ thông đến lớp 5, Vũ Khánh vào học trường Nguyễn Văn Trỗi. Ở môi trường này, anh phải luyện rèn tính tự lập trong cuộc sống hàng ngày. Có thể nói từ năm 11 tuổi cho đến khi trưởng thành Vũ Khánh đã sống tự lập. Điều này đã giúp anh có khả năng hội nhập và thói quen quyết đoán, độc lập suy nghĩ trong nhiều công việc.

            Bận nhiều, nhất là kinh doanh trong cơ chế thị trường, rồi còn đảm trách vị trí Giám đốc quỹ Vì nỗi đau da cam với bao niềm thương và lòng trắc ẩn về số phận những con người... Nhưng khi nói tới nhiếp ảnh anh vẫn say sưa với một lòng đam mê vô hạn. Anh say mê với ngôn ngữ hình tượng, cái hình tượng tạo nên sự đồng cảm giữa con người với con người. Những yếu tố như bố cục, ánh sáng, màu sắc, tạo hình, khoảnh khắc,... đều nằm trong phạm trù này. Anh luôn cố gắng sử dụng những yếu tố này một cách thiết thực và sáng tạo làm nên phong cách của riêng mình. Tác phẩm "Nụ cười Việt Nam" đã trở thành một biểu tượng sinh động của nét duyên dáng Việt Nam, và "Mặt trời của mẹ" là một vẻ đẹp được chắt lọc từ cuộc sống thực tế của con người. Đó là cách nắm bắt khoảnh khắc của Vũù Khánh.

            Khoảnh khắc xuất hiện ở những thời điểm có sức biểu hiện cao nhất sẽ là khoảnh khắc điển hình. Một bức ảnh ghi được ở những giây phút có sức biểu hiện cao nhất chính là bức ảnh đưa đến cho công chúng một cái gì đó cao lớn hơn bản thân sự kiện về nội dung tư tưởng của tác phẩm. Vũ Khánh luôn tìm phong cách mang tính đặc thù của nhiếp ảnh phản ánh và suy ngẫm trước thực tại. Chính đây là khởi nguồn sự sáng tạo của ảnh trong nhiếp ảnh, níu giữ quá khứ mong muốn thời gian ngừng trôi! Phải luôn luôn làm sáng tỏ cuộc sống với tất cả sự phong phú đa dạng của nó; đồng thời làm cho sức mạnh khoảnh khắc hiện ra trong hiện thực sống động của dòng thác sự kiện.

            Nói về quan điểm nghệ thuật trên cương vị của Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khóa VII, anh trầm ngâm: Nghệ thuật phải là tiếng nói của tâm hồn, phải xuất phát từ thực tế cuộc sống và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, quan niệm đó chi phối trong sáng tác của người nghệ sỹ. Chúng ta đã làm được nhiều điều nhưng cũng còn rất nhiều việc phải làm. Thời gian của mỗi con người là hữu hạn, đòi hỏi của công chúng là vô hạn, vậy chúng ta phải cùng nhau chung sức vào thì mới làm được. Đó là ước nguyện của anh trong dịp đầu năm mới cùng với cương vị mới của mình.

 

Nguyễn Thành
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhớ lắm, Đinh Dệ ơi! (15/10/2009 15:58:56)

Kim Sơn - 30 năm một chất Báo ảnh (15/10/2009 15:57:13)

Nhà báo Xuân Trường mải mê trên những nẻo đường Tây Bắc (10/07/2009 08:48:43)

Thầy Thành (23/01/2009 08:36:58)