Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Hướng tới kỷ niệm 50 Ngày thành lập TTXGP:

Chuyến công tác vào vùng đất lửa Long An


(08/04/2010 10:13:36)

Tất cả phóng viên VNTTX tăng cường cho TTXGP, sau một thời gian công tác tại Tổng xã (Giải phóng xã) đều được cử đi thực tế chiến trường. Tùy địa phương xa, gần, mỗi chuyến đi có thể kéo dài 3 tháng, 6 tháng hoặc cả năm...

            Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là Tết nguyên đán Đinh Mùi 1967, đồng chí Bảy Lý, Thủ trưởng TTXGP, gọi ba chúng tôi: Bảy Hòa, Hai Nghĩa - biên tập viên tin và Chí Hải - phóng viên ảnh, giao nhiệm vụ đến Long An, một tỉnh giáp Sài Gòn để công tác ba tháng.

            Rời căn cứ trong rừng lúc xế chiều, xuồng giao liên đưa chúng tôi ra thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông - dòng sông biên giới Việt Nam - Cămpuchia. Hai bên bờ sông cây cối um tùm, le lói ánh đèn, ánh lửa của những lò nấu đường thốt nốt. Mùi thơm đường mật ngan ngát lan tỏa trên mặt nước.

Mờ sáng chúng tôi lên bộ, băng qua một cánh đồng rất rộng chỉ còn trơ gốc rạ, những con đìa đầy ắp nước, cá táp lia lịa. Gần sáng, chúng tôi tới "trạm" nghỉ, thật ra chỉ là một gò đất cao hơn mặt ruộng, cây cối lúp xúp. Không có chỗ mắc võng, mọi người đành rải ni-lông xuống đất nằm tạm và bị mối càng tấn công, chúng cắp rất đau.

 

            LỘI ĐỒNG "CHÓ NGÁP"

            Đêm thứ hai, chúng tôi bước vào đầu Đồng Tháp Mười mà không biết từ bao giờ người ta đặt cho một cái tên rất dân dã: Đồng chó ngáp! Ai qua đây một lần hẳn phải nhớ đời. Mùa nước nổi thì dân dùng ghe xuồng. Chúng tôi đi vào mùa khô nên phải lội. Bùn ở đây lầy thụt, buộc ai nấy phải bước gấp để khỏi bị sa lầy. Dù mệt lử cũng phải bám giao liên vì lạc ở đồng này thì chẳng biết đâu mà lần. Cứ thế, hết lội ruộng lại đến bưng tràm. Lội đến cuồng chân, mỏi cổ, ù tai, hoa mắt. Bùn nước luôn ngang bắp chân. Thỉnh thoảng lại hụt hẫng muốn chìm nghỉm, phải tay quơ, chân đạp để vượt qua hố sâu. Lội đã mệt, nhiều lần chân nhói đau vì dẫm phải gốc tràm lụt. Không một con bờ nhỏ để có thể ngồi. Khi có lệnh nghỉ, chúng tôi- ba lô nguyên trên lưng- ai nấy cúi xuống, hai tay chống đùi lom khom tại chỗ.

            Gần sáng, chúng tôi cũng đến được bãi khách: Một gò đất nhỏ với vài bụi tre gai cằn cỗi. Rải ni-lông và nằm đất. Lại bị mối càng tấn công...

            Qua mấy ngày đêm băng đồng, lội ruộng, ba chúng tôi đã đặt chân vào địa đầu tỉnh Long An, mảnh đất vinh dự được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tặng danh hiệu: "Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc".

 

            BƯỚC VÀO CUỘC CHIẾN...

            Địch đang tập trung nhiều lực lượng ráo riết bình định Long An. Chúng càn quét ác liệt, xăm hầm bí mật, bắt cán bộ, du kích và xúc dân vào các ấp chiến lược...

Chúng tôi tiến vào "vùng trắng" huyện Đức Huệ và tới B.T, một điểm giữa biên giới Việt Nam - Cămpuchia và gặp được anh Sáu Bắp, Phó trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Long An. Anh đưa chúng tôi về Ban.

            Để giữ bí mật, mọi người không được nói to, không ra ngoài. Ăn cơm xong, ai nấy tìm chỗ ngủ thì "đầm già" đến quần đảo chỉ điểm cho pháo bắn cấp tập vào một số ấp ven sông yểm trợ cho cánh quân ở Hiệp Hòa càn vào xã. Xế chiều, một "đa-cô-ta", một "đầm già" lượn vòng trên xã. Xen lẫn tiếng đàn cò là giọng tên chiêu hồi lải nhải: "Các bạn cán binh Việt Cộng... hãy ra vùng quốc gia để... được sống tự do và sum họp với những người thân yêu". Tiếng rao của hắn luôn bị ngắt quãng bởi tiếng súng trường của du kích bắn lên. Trẻ em chăn trâu trên đồng gom từng đống truyền đơn của địch và châm lửa đốt như một trò chơi thích thú.

            Tối, như thường lệ, pháo cực mạnh của Mỹ từ căn cứ Trâm Vàng bắn vào các ấp ven sông...

            Sáng hôm sau, địch dùng trực thăng đổ một tiểu đoàn Mỹ xuống bãi trống gần phố Lộc Giang, cách ấp chúng tôi ở một quãng đồng. Đã là 18 tháng Chạp, sắp đến ngày ông Táo về trời. Đồng bào trong ấp đang nhộn nhịp chuẩn bị Tết liền vội vã chở lúa gạo, heo gà chạy sang Trảng Bàng. Chỉ còn một tiểu đội du kích bám trụ. Nửa đêm, cơ quan Ban Tuyên huấn chuyển lên Lộc Thuận, thuộc xã Lộc Giang, cách thị trấn Trảng Bàng 7 km đường chim bay. Các đồng chí Bảy Hòa, Chí Hải cũng được đi theo. Ban chỉ định một tổ ba người ở lại trong đó có tôi. Để tự bảo vệ, chúng tôi được giao một hầm bí mật ở cuối ấp. Hàng ngày, chúng tôi bám theo du kích canh chừng. Trụ lại được ba ngày thì địch mò vào ấp. Mấy đội viên du kích bị thương trong khi chiến đấu với địch phải rút lui. Cả ấp vắng lặng. Chúng tôi không gạo, không thức ăn, đành phải cải trang như dân địa phương ra đường lớn vòng qua chỗ địch đóng quân tìm về Ban Tuyên huấn.

 

            "THẰNG HAI BẮC!"

            Trong khi chờ giao liên đưa xuống Nam Long An, tôi được Ban Tuyên huấn gửi vào một gia đình ở ấp An Hội, xã An Ninh, huyện Đức Hòa. Đó là nhà má Bảy Kỳ. Có lẽ nghe giọng nói và bộ dạng xớ rớ của tôi mà giao liên kêu tôi là thằng "Hai Bắc". Tôi thật ngỡ ngàng và xúc động về cái tên mới đó mà không cải chính bởi cái nhìn trìu mến của má. Chỉ có người mẹ mới nhìn con như thế.

Nhà má ở cách sông Vàm Cỏ Đông khoảng 500 mét. Trong nhà chỉ có một bộ ván gỗ, ít giạ lúa và vài thứ đồ đạc đơn sơ. Chồng má và anh Tư, con trai đều là nông dân, rất hiền. Với chiến thuật hạm đội nhỏ ca nô - tàu chiến, Mỹ ngụy thường đổ quân lên các ấp ven sông đốt phá nhà cửa, bắn giết, khủng bố nhân dân. Báo động như cơm bữa. Liền mấy ngày, tôi luôn trong tâm trạng phấp phỏng, lo chạy càn. Hôm tạm biệt gia đình- quen như chế độ sinh hoạt miền Bắc- tôi xin má cho được thanh toán tiền ăn. Má đùng đùng nổi giận, la lớn: "Mày từ ngoài vô đây chiến đấu không kể mạng sống lại bảo má tính tiền mấy bữa ăn mà nghe được a? Có cất ngay tiền đi không má chưởi cho bây giờ!". Tôi chỉ biết cúi đầu, rưng rưng nói lời cảm ơn. Như bao chiến sĩ khác, tôi cảm nhận sâu sắc rằng: Các bà má miền Nam đều thương những đứa con miền Bắc chúng tôi nhiều lắm.

 

            XUỐNG NAM LONG AN

            Sau mấy lần đề nghị, tôi mới được Ban Tuyên huấn đồng ý cho xuống Nam Long An.

Trời nhập nhoạng tối, giao liên đưa tôi và mấy cán bộ địa phương ra kênh Bo Bo. Con kênh thẳng tắp, rộng khoảng năm-sáu chục mét, nối Đức Huệ với Thủ Thừa. Biết rõ đây là con đường giao liên Bắc Nam, Mỹ ngụy kiểm soát rất gắt gao. Chúng tung nhiều toán thám báo, biệt kích truy lùng và dùng trực thăng tuần tra suốt đêm...

            Xuồng đi được khoảng 500 mét thì xuất hiện hai trực thăng từ thị trấn Thủ Thừa phành phạch bay ngược lên dọc kênh, rọi đèn pha sáng quắc. Giao liên vội dìm xuồng còn mọi người nhẩy lên bờ ẩn nấp vào các lùm cây. Mỗi lần máy bay quay vòng, ai nấy trang thủ chạy gằn từng chặng. Đến mờ sáng, mọi người cũng bám được vào bìa ấp, nơi có trạm giao liên.

            Đến tối, giao liên tiếp tục dẫn chúng tôi ra lộ 4, con lộ huyết mạch nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn. Từng đoàn xe vận tải nhãn hiệu Desoto chất đầy hàng nối đuôi nhau ngược lên, ánh đèn pha sáng rực. Đợi cho hết một lượt xe - giãn cách sau một chuyến phà - chúng tôi vượt qua đoạn giữa Gò Đen và cầu Bến Lức để sang huyện Tân Trụ. Giao liên đưa chúng tôi xuống một chiếc ghe lớn qua sông Vàm Cỏ Đông lần thứ hai để đến huyện Cần Đước. Hôm sau, tôi tìm đến một đơn vị bộ đội địa phương và tại đây rất vui mừng được gặp lại các đồng chí Bảy Hòa, Lê Chí Hải. Ba anh em vào trú tại ấp Long Cang, giáp Long Định, một vùng giỏi nghề đan bàng, dệt chiếu...

 

            "CHÉM VÈ"

            Chúng tôi vào ở nhà chị B, ven sông Vàm Cỏ Đông, cách bến đò vài trăm mét. Khoảng hơn 8 giờ sáng, địch đã bắn pháo vào một số ấp ven sông. Trên trời, máy bay trực thăng vũ trang, OV10, "đầm già", "xi-núc" hai chong chóng... quần đảo báo hiệu một trận càn lớn sắp nổ ra. Tiếng ù ù như xay lúa, tiếng "tăng xình" của đại bác 37 ly mỗi lúc một gần. Những chiếc xe bọc thép chở bọn lính Mỹ từ mạn Ngã tư Phước Vân bò như cua trên cánh đồng. Rồi tiếng súng trường, tiểu liên xen lẫn tiếng mìn, lựu đạn của du kích cản bước tiến quân của địch.

            Tình hình nguy cấp, ba chúng tôi vội chạy theo đồng bào ra bờ sông phóng xuống bìa dừa nước sình lầy... Phải lấy sình xoa lên tóc cho tiệp với màu lá dừa khô, tránh địch phát hiện. Trên sông, gần một chục tàu chiến, ca nô của địch giăng hàng. Những tên lính Mỹ, ngụy trên tàu dùng móoc-chê, đại liên xả đạn như mưa lên đám dừa nước. Trong khi đó, bọn lính Mỹ từ trên các xe bọc thép nhảy xuống đóng chốt tại bến đò và kêu "Vi-xi" ầm ĩ! Đến cuối buổi chiều, không thấy động tĩnh gì chúng mới rút. Chúng tôi trở lại ấp và đêm đó bám theo đồng bào đi xuồng sang Tân Trụ. Đói quá, chúng tôi phải đốt hột đào lấy nhân ăn. Đến đêm, chúng tôi lại qua sông trở về Long Cang. Cứ phải chạy quanh như thế...

            Được vài ngày, địch lại càn. Vẫn bài bản cũ. Cứ mỗi lần như thế du kích, bộ đội địa phương lại nổ súng đánh trả... Đồng bào, cán bộ địa phương lại "chém vè" trong bãi dừa nước ven sông, trong khi bọn lính công tử bột Mỹ chẳng thể hiểu nổi "Việt Cộng" biến đằng nào!

Bốn tháng công tác tại đất lửa Long An, nhóm phóng viên chúng tôi không viết được nhiều tin, bài như mong muốn.

            Tuy nhiên, qua thực tế chiến trường nóng bỏng đạn bom, chúng tôi nhận biết thêm tình hình và vô cùng khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào và chiến sĩ nơi đây chống, phá kế hoạch bình định của Mỹ ngụy. Thấu hiểu thực tế đã giúp chúng tôi xử lý tin, bài của các phân xã địa phương về đề tài này với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất.

            Có lẽ đây mới là kết quả thực sự của chuyến công tác vào tuyến lửa.

Phạm Nho Nghĩa
Theo Nội san Thông tấn, số 3-2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Bốn phương đón Tết (09/02/2010 16:08:32)

Thơ Xuân (09/02/2010 15:33:22)

Câu chuyện kể mỗi độ Xuân về (08/02/2010 15:33:14)

Vũ Khánh - Sự thăng hoa của nhà báo nghệ sỹ (08/02/2010 15:00:13)

Văn nghệ (04/01/2010 12:19:16)

Một chuyến đi về Cứ (04/01/2010 10:54:13)

Du kích TTXGP diệt xe tăng Mỹ (04/01/2010 10:52:28)

Văn nghệ (27/11/2009 09:59:36)

Con đường phía trước còn chông gai hơn (27/11/2009 09:07:34)

Trang thơ Báo ảnh (15/10/2009 16:30:36)