Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Kỷ niệm 35 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

Phát telephoto từ R- chuyện giờ mới kể


(12/05/2010 09:28:34)

Tiểu ban ảnh của TTXGP - phiên hiệu B22- đóng tại một khu rừng sát biên giới vớii Campuchia gần Lò Gò, Tân Biên, Tây Ninh. Giống như các cơ quan R trong rừng, trung tâm thường là hội trường kiêm nhà ăn, các lán ở rải rác xung quanh.

Tất cả đều tự làm bằng cây rừng, lợp cỏ tranh hay lá trung quân, vách căng nylong. Vào tháng 5/73, hai đoàn xe chi viện từ miền Bắc, vượt Trường Sơn tới đây chở lãnh đạo ngành, phóng viên, biên tập viên tin, ảnh, nhân viên kỹ thuật và khối lượng lớn vật tư .... Một tháng ổn định nơi ăn ở, tất cả được phiên chế về các tiểu ban chuyên môn. Tôi được phân công làm biên tập viên phát ảnh telephoto. Nhiệm vụ được xác định: đây là kênh phát ảnh thời sự duy nhất ra Hà Nội, các hãng thông tấn nước ngoài cũng có thể thu được. Không có đường chuyển ảnh nào khác trên bộ cũng như trên không.

 

Rất nhiều đêm tôi đã trực để thu và phát ảnh trong cảnh vắng lặng của núi rừng. Còn nhớ, có những lần đi phát ảnh về khuya, một mình tôi tay cầm đèn dầu dò dẫm, tay khua gậy loạn xạ đuổi rắn trên đường mòn.

 

TTXGP cũng vừa được trang bị dàn máy phát tin - ảnh teletype - telephoto. Đó là những khối máy to cồng kềnh, ngày đêm lập lòe đèn xanh đỏ. Cả chục máy teletype nhận phát tin hai chiều với Hà nội chạy rào rào. Giữa rừng tổ phát điện công suất lớn chạy ì ầm. Các phiên phát không ấn định, có tin, ảnh là phát ngay. Tin nhận từ các phân xã chuyển về bằng tín hiệu Morse. Nguồn ảnh do các phóng viên gửi theo đường giao liên từ các địa bàn Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ (từ Đà Lạt đến Cà Mau) hoặc phóng viên trực tiếp mang về. Ngoài ra còn phát ảnh khai thác từ báo chí Sài Gòn.

Giai đoạn sau Hiệp định Pa-ri, các hoạt động quân sự, bảo vệ, xây dựng vùng giải phóng là những tin tức, hình ảnh làm nức lòng người, bên cạnh còn có rất nhiều các hoạt động chính trị, đoàn thể kể cả hoạt động ngoại giao trong vùng giải phóng. Để có nhiều hình ảnh đến với miền Bắc và qua đó đến với thế giới, có những ngày ảnh được phát lên đến con số vài chục tấm.

Tôi có mặt trong cuộc họp tiểu ban ảnh mỗi sáng, túc trực cả ngày để nhận phim, chuyển đến buồng tối tráng, in mẫu, gấp thì đánh dấu phóng ảnh ngay trên dây phim đang phơi. Ảnh được chọn ra phóng 6x9 cm, ghi chú thích dự kiến. Thủ trưởng duyệt ảnh, duyệt nội dung chú thích xong, tôi đem về buồng tối cho phóng cỡ 18x24 cm, có chừa khoảng trắng phía dưới ảnh để dán chú thích. Trong lúc chờ làm ảnh, tôi đánh máy chú thích, xong dán vào rồi đem thẳng đến phòng kỹ thuật cách đó chừng 2 cây số. Ảnh telephoto từ Hà Nội phát vào cũng nhận được hàng ngày.

Mỗi tấm ảnh phát, thu trên máy telephoto kéo dài 15 đến 20 phút. Kỹ thuật thời kỳ này thuộc thế hệ cơ điện tử... Ảnh phát được cuốn vào rulo quét từng dòng, cảm biến xung điện chuyển tải thành dạng sóng radio. Chất lượng truyền phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vật cản hay từ trường trái đất. Ảnh nhận ngược lại, phải qua công đoạn hiện hình trong phòng tối. Hiện tượng bị nhòe nét, kéo sọc hay xảy ra. Ngoài nguyên nhân khách quan còn do nguyên nhân máy của các nước giúp ta không nhiệt đới hóa. Việc phát được tấm ảnh không lỗi là những cố gắng lớn của anh chị em kỹ thuật viên. 

Công việc biên tập phát telephoto của tôi kéo dài khoảng 6 tháng, sau đó tôi lên đường đến chiến trường Tây Nam bộ về địa bàn được phân công tại Trà Vinh cho đến ngày giải phóng 30/4/1975. Công việc biên tập ảnh tại chiến trường giúp tôi có thêm nhiều nhận thức thực tiễn và định hướng rất hiệu quả cho tôi trong công tác phóng viên ảnh chiến trường.

Nhân đây, nói thêm, đối với Ban biên tập ảnh hiện nay, nên bố trí cho mỗi phóng viên ảnh đều có dịp được tham gia làm công tác biên tập ảnh. Bởi từ nhiều nguồn ảnh hàng ngày qua tay biên tập, sẽ giúp biên tập viên nhận biết một tấm ảnh tốt, chưa tốt, nếu như... thế này thì tốt hơn... Làm biên tập sẽ giúp mỗi người nhận ra lối chụp sáng tạo hay thủ thuật, có thể tư vấn mảng đề tài nào thiếu hay thừa. Làm biên tập viên ảnh là dịp tích tụ kiến thức đa chiều, dần hình thành nên kỹ năng, đường hướng chụp của mình, đó là một cách tự rèn luyện khó có cách nào nhanh và hiệu quả hơn.

Xin kể lại đôi điều để thấy đường đi ngày ấy của một tấm ảnh thời sự từ chiến trường, lượng thử cái giá phát một tấm ảnh, chưa kể gói trong đó bao nhiêu công sức mồ hôi và có cả máu xương. Đem so với thời nay, khoảng cách đúng là một trời một vực nhưng trên tất cả vẫn hiện diện những giá trị không thể thay thế của sự lao động, sự dấn thân của những cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên VNTTX thời chiến tranh khốc liệt ấy.

 

Lê Cương
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Văn nghệ (08/04/2010 10:33:00)

Chuyến công tác vào vùng đất lửa Long An (08/04/2010 10:13:36)

Bốn phương đón Tết (09/02/2010 16:08:32)

Thơ Xuân (09/02/2010 15:33:22)

Câu chuyện kể mỗi độ Xuân về (08/02/2010 15:33:14)

Vũ Khánh - Sự thăng hoa của nhà báo nghệ sỹ (08/02/2010 15:00:13)

Văn nghệ (04/01/2010 12:19:16)

Một chuyến đi về Cứ (04/01/2010 10:54:13)

Du kích TTXGP diệt xe tăng Mỹ (04/01/2010 10:52:28)

Văn nghệ (27/11/2009 09:59:36)