Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Truyền thống là điểm tựa cho phát triển


(05/08/2010 14:59:22)

Bản tin đối ngoại đầu tiên của TTXVN ra mắt bạn đọc ngay trong buổi phát tin ngày 15/9/1945 của Hãng thông tấn nhà nước của nước Việt Nam độc lập. Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, các bản tin thông tấn đối ngoại đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp tuyên truyền cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thành tích của tập thể các nhà báo và kỹ thuật viên thuộc nhiều thế hệ của Ban Biên tập tin Đối ngoại đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận bằng việc tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Mỗi thành viên của Ban Biên tập tin Đối ngoại (TĐN) luôn tự hào rằng bản tin đối ngoại đầu tiên của TTXVN được phát sóng đã đăng tải toàn văn Bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945. Bản Tuyên ngôn đó được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp, được phát đi bằng tín hiệu moóc-xơ vào ngày 15/9/1945, thời điểm đánh dấu sự ra đời của VNTTX nay là TTXVN.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với sự đóng góp tích cực và có hiệu quả của các bản tin đối ngoại TTXVN đã đóng vai trò là một trong những kênh thông tin chính phát ra nước ngoài của Việt Nam, phản ánh diễn biến cuộc chiến tranh. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các bản tin đối ngoại phát bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, và từ năm 1974 thêm bản tin tiếng Tây Ban Nha đã có tác dụng tuyên truyền sâu rộng, góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu đúng về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi và cổ vũ phong trào đoàn kết quốc tế đang ngày càng trở nên mạnh mẽ đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam.

Không có thế mạnh của báo hình, chưa có internet để phổ cập tới đại chúng, thông tin đối ngoại lúc bấy giờ chủ yếu là các bản tin telex ngắn gọn, được nhiều hãng thông tấn quốc tế khai thác để cung cấp cho báo chí địa phương. Cũng chính bằng cách đó, trong những năm cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, các thông tin về Việt Nam đã đến được với công chúng sống ngay trong lòng của chủ nghĩa đế quốc, góp phần tạo nên phong trào phản chiến rộng khắp đòi hòa bình cho Việt Nam.

Những năm sau chiến tranh, đặc biệt là từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Ban Biên tập TĐN đã có bước chuyển mình mạnh mẽ về nội dung, hình thức và công nghệ để đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao. Thông qua việc phản ánh đầy đủ, sinh động những vấn đề thời sự của đất nước như chính sách mở cửa, sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, các hoạt động đối ngoại rộng mở, đa dạng và đa phương của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời thông qua cuộc đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch bên ngoài, các phần tử cơ hội phản động trong nước về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo...,      Ban Biên tập TĐN đã từng bước trưởng thành, khẳng định vị trí là một trong những kênh thông tin đối ngoại chủ lực của nước ta.

Hiện nay, các bản tin đối ngoại bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha được sử dụng để cung cấp hàng ngày cho nhiều hãng thông tấn báo chí mà TTXVN có quan hệ hợp tác trao đổi thông tin. Riêng bản tin tiếng Anh còn được cung cấp cho Bộ Ngoại giao, mạng NNN của Phong trào không liên kết, mạng Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA). Điểm báo tiếng Anh (Press Hightlights) được cung cấp cho các phóng viên nước ngoài thường trú tại Hà Nội là một cơ sở tham chiếu quan trọng giúp các phóng viên này tác nghiệp. Cho đến nay, độc giả của hơn 100 nước trên thế giới hàng ngày truy cập trang web miễn phí của Ban để cập nhật thông tin thời sự về Việt Nam và quan điểm của Việt Nam về những vấn đề trong khu vực và quốc tế.

 

Tập thể Ban Biên tập tin Đối ngoại trong một chuyến đi làm từ thiện tại chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội

 

65 năm là một chặng đường dài. Bề dày truyền thông không ngừng được vun đắp trong thời gian qua trở thành niềm tự hào của đơn vị, là điểm tựa và động lực cho nỗ lực tiếp tục đổi mới và phát triển. Những kinh nghiệm và bài học lịch sử của các thế hệ đi trước được lớp nhà báo ngày nay trân trọng và vận dụng một cách sáng tạo vào việc thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi. Nhiệm vụ trung tâm xuyên suốt của đơn vị vẫn là tập trung tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời quảng bá nền văn hóa và con người Việt Nam, làm cho bạn đọc quốc tế hiểu rõ và hiểu đúng về Việt Nam, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ở góc độ công nghệ, sự bùng nổ của Internet đã mang đến cơ hội phát triển nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức mới cho thông tin đối ngoại. Các hãng thông tấn và báo chí phương Tây, với nguồn tài trợ dồi dào, đã liên tiếp cho ra đời các phiên bản báo điện tử tiếng Việt, nhằm làm nhiễu thông tin, đảo lộn các giá trị trong nhận thức của người dân trong nước, phục vụ cho chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch đối với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc đổi mới thông tin đối ngoại và tăng cường hiệu quả thông tin, tuyên truyền là một nhu cầu ngày càng cấp thiết.

Tại nhiều buổi làm việc với cán bộ chủ chốt cũng như toàn thể cán bộ viên chức Ban Biên tập TĐN thời gian qua, Tổng Giám đốc Trần Mai Hưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Ban với thế mạnh là ba bản tin ngữ và sắp tới có thêm bản tin tiếng Trung, trong công tác thông tin đối ngoại. Đồng chí Tổng Giám đốc ghi nhận những kết quả đổi mới thông tin của Ban thời gian qua nhưng yêu cầu đổi mới mạnh hơn nữa: "Cần thông tin một cách sinh động không khí cởi mở, dân chủ của đất nước, môi trường đầu tư hấp dẫn, tiềm năng và vẻ đẹp của các địa phương; Cần sắc sảo trong thông tin phản bác với nhiều bài viết đấu tranh trực diện với những thông tin sai lệch đồng thời lại phải sâu sắc với những bài viết về văn hóa-xã hội".

Tập thể Ban Biên tập TĐN nhận thức được rằng ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Giám đốc cũng đồng thời là sự trao gửi niềm tin và giao phó trách nhiệm, đòi hỏi toàn Ban phải nỗ lực vượt bậc. Các nhiệm vụ đó thật nặng nề, nhưng chắc chắn sẽ được đơn vị tổ chức thực hiện tốt nhờ sự phát huy các giá trị tinh thần truyền thống, sự lao động sáng tạo và quyết tâm của cả tập thể, nhằm đổi mới mạnh mẽ các bản tin đối ngoại của TTXVN.

  

Bà Bùi Bội Anh, nguyên cán bộ phòng Biên tập tin tiếng Anh, Ban Biên tập Tin Đối ngoại

Sau khi tập kết ra Bắc năm 1954, tôi được cử về công tác tại TTXVN, đến năm 1982 thì nghỉ hưu. Thời gian tôi công tác cũng là thời kỳ cả nước đánh đế quốc Mỹ xâm lược. Phòng tiếng Anh lúc bấy giờ có khoảng 10 người chia làm nhiều tổ: Tổ tin miền Bắc thường làm tin hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tin thi đua sản xuất; tổ tin miền Nam, do tôi làm Tổ trưởng, đảm nhiệm công tác dịch và biên tập các tin về các trận đánh tại chiến trường miền Nam, kêu gọi thế giới ủng hộ Việt Nam.

Các tin này có hiệu quả tuyên truyền đối ngoại rất cao, bởi vì ngoài việc được các hãng thông tấn quốc tế như UPI, AP, AFP sử dụng, còn được phát trên làn sóng của Đài phát thanh Giải phóng (tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) do chính tôi là phát thanh viên tiếng Anh, theo yêu cầu của Ban Thống nhất lúc bấy giờ. Thông qua tuyên truyền đối ngoại, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của một số nghệ sĩ lớn có quan điểm tiến bộ hoặc một số nhà báo, nhà hoạt động xã hội ở các nước Tây Âu như Jane Fonda, Madeleine Riffaud..., để họ lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng ta.

Những ngày căng thẳng nhất là khi Mỹ ném bom Hà Nội dịp Nô-en năm 1972, tôi được phân công ở lại trực tại số 5 Lý Thường Kiệt. Khi máy bay B52 ném bom phố Khâm Thiên, tôi cùng với các đồng nghiệp đã rất khẩn trương biên tập và tổng hợp tin về số người chết, số người bị thương để có thể phát tin sớm nhất, nhằm tố cáo với thế giới những hành động dã man, vô nhân đạo của chính quyền Nixon đối với người dân Việt Nam.

Nhưng đặc biệt sôi động vẫn là làm tin trong Tổng tiến công giải phóng miền Nam. Càng gần đến ngày thắng lợi, tin tức càng dồn dập. Có tin vừa phát buổi tối, đến đêm lại được bổ sung, cập nhật lại, nhằm đảm bảo thông tin kịp thời và chính xác. Có thể nói, những người làm thông tin đối ngoại cũng như toàn thể cơ quan thông tin VNTTX luôn theo sát bước chân của các chiến sĩ giải phóng trong suốt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

 

Phạm Bích Hà (Trưởng ban, Ban Biên tập tin Đối ngoại)
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2010