Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Nhớ Nhà báo Hoàng Tư Trai


(06/07/2010 12:43:25)

Năm nay, các thế hệ phóng viên - nghệ sĩ nhiếp ảnh TTXVN và gia đình kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của nhà báo Hoàng Tư Trai, nguyên Giám đốc sở Nhiếp ảnh TƯ, Chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh, Tổng thư ký Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN. Ông đã về cõi từ ngày 25/4/2002 để "hội ngộ" với các cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh và hàng chục liệt sĩ - phóng viên nhiếp ảnh của TTXVN hy sinh vì sự nghiệp báo chí cách mạng.

            Nhà báo Hoàng Tư Trai sinh ngày 1/1/1920, trong một gia đình trí thức nghèo, vừa dạy chữ Nho vừa bốc thuốc. Lớn lên và được giác ngộ trong phong trào Mặt trận Bình Dân, phong trào Dân chủ Đông Dương và may mắn được đồng chí Xuân Thuỷ, nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng giác ngộ, ngay từ năm 1936, ông đã tham gia hoạt động cách mạng ở vùng Văn Quán, Hạ Lôi, Thạch Đà, nay thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Những năm 1937-1938, ông Hoàng Tư Trai vừa dạy học vừa tham gia vận động chống sưu cao thuế nặng và đã bị tuần phủ Phúc Yên bắt giam. Sau nhờ sự đấu tranh của Mặt trận Dân chủ, của báo chí cách mạng và đích thân đồng chí Xuân Thuỷ làm đơn kiện về chính quốc cùng với sự can thiệp của Đảng Cộng sản Pháp, ông Hoàng Tư Trai đã được trả lại tự do vì thắng kiện.

            Những năm cuối của thập niên ba mươi, bị cấm dạy học vì thực dân Pháp sợ ông tuyên truyền Cộng sản, ông phải tự tạo vỏ bọc bằng việc buôn bán ở Phúc Yên để hoạt động cách mạng, chép sách lý luận cho Đảng, nuôi giấu cán bộ, trong đó có đồng chí Lê Quang Đạo (nguyên Chủ tịch Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Chủ tịch đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam) và nhiều đồng chí khác. Chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, ông được cử về Mê Linh, Yên Lãng xây dựng cơ sở cách mạng. Tháng 8/1945, ông tham gia cướp chính quyền và lập chính quyền cách mạng ở xã Thạch Đà, huyện Mê Linh và sau đó được cử làm Uỷ viên huyện bộ Việt Minh, Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền huyện... Trong suốt thời gian kháng chiến, ông công tác và giữ trọng trách trong các cơ quan thông tin, tuyên truyền ở tỉnh, tham gia Đảng đoàn tỉnh Phúc Yên. Năm 1954, ông được cử làm Trưởng đoàn tiếp quản ở thị xã Phúc Yên và sau đó được bầu vào Tỉnh uỷ, tham gia ban Thường vụ Tỉnh ủy và làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Vĩnh Phúc.

            Trong cương vị người đứng đầu chính quyền tỉnh sau hòa bình lập lại, Chủ tịch Hoàng Tư Trai đã lãnh đạo chính quyền dân chủ nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng địa phương sau khi hòa bình ở Vĩnh Phúc.

            Lớp phóng viên chúng tôi về đến VNTTX để chuẩn bị đi chiến trường, nhà báo Hoàng Tư Trai đến giảng những bài quan trọng với tư cách Bí thư đảng ủy cơ quan, về nhiệm vụ của VNTTX đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lúc ấy, chúng tôi mới biết ông vốn là Chủ tịch UBHC tỉnh Vĩnh Phúc, được Trung ương điều về làm Phó Giám đốc VNTTX từ năm 1957 kiêm Giám đốc sở Nhiếp ảnh Trung ương. Từ đó, cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn bó với thông tin báo chí, đặc biệt là công tác nhiếp ảnh báo chí.

            Chúng tôi biết về ông như một người thuộc hàng cha chú. Khá nhiều nam phóng viên trong ngành được ông đích thân đi... hỏi vợ cho. Những cặp vợ chồng nhà báo do ông tác thành cho nay vẫn sống trong hạnh phúc. Ông hiền lành, tốt nhịn và chưa ai thấy ông to tiếng cả khi ông rất bực. Một lần, khi liên hệ qua tổng đài Tỉnh ủy Quảng Bình để đăng ký gặp lãnh đạo tỉnh, ông đã bị cô trực tổng đài gắt gỏng nặng lời. Hôm sau, tận mắt thấy cô gái làm việc ở tổng đài ấy, ông nói nhỏ với anh em cùng đi: Cô bé xinh xắn mà sao khó tính thế. Tuyệt nhiên ông không "mách" với lãnh đạo tỉnh về sự bất nhã của cô.

            Ở cơ quan đã từng có chuyện lái xe trẻ mải chơi quên đón ông đi họp, ông cũng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở mà cậu này rất thấm thía, sau trở nên nghiêm túc hơn, được kết nạp Đảng, đi học đại học...

 

Nhiều thế hệ phóng viên TTXVN, dù làm tin hay làm ảnh, dù ở tổng xã hay phân xã, dù ở hậu phương hay tiền tuyến, dù ở trong nước hay nước ngoài đều nhận biết về nhà báo Hoàng Tư Trai, một người lãnh đạo, một đồng nghiệp, một người anh, một người thầy, một người ở bậc cha chú sống chân thành, đức độ, tận tâm, tận tụy, nhân ái, khoan dung và rất giàu lòng vị tha.

 

            Trong hoàn cảnh khó khăn, ông cùng Ban lãnh đạo cơ quan kiên trì mục tiêu bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ phóng viên ảnh chuyên nghiệp, xây dựng Phân xã Nhiếp ảnh, sau này là Ban Biên tập - Sản xuất ảnh báo chí. Không câu nệ bằng cấp, trình độ, ông mạnh dạn sử dụng số anh em lớn tuổi vốn có nghề thợ ảnh, thành thạo kỹ thuật buồng tối và con em họ để đào tạo, bồi dưỡng thành lực lượng phóng viên nhiếp ảnh. Ông cũng tiếp nhận hầu hết số anh em được đào tạo căn bản về kỹ thuật nghiệp vụ ảnh báo chí ở nước ngoài. Nhờ đó, TTXVN sớm trở thành trung tâm lớn nhất nước về ảnh báo chí, nơi cung cấp chủ yếu ảnh thời sự, chuyên đề và ảnh tư liệu. Vì vậy, TTXVN dẫu phải chia sẻ lực lượng phóng viên nhiếp ảnh cho TTXGP vẫn bảo đảm đủ lượng và chất cho sự nghiệp thông tin bằng ảnh. Ông Hoàng Tư Trai thực sự là người có công đầu trong việc xây dựng khối thông tin bằng ảnh của TTXVN thành một lực lượng nhiếp ảnh báo chí hàng đầu trong các binh chủng báo chí của Việt Nam.

            Năm 1983, ông được Trung ương cử kiêm nhiệm công tác ở Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và tại Đại hội lần thứ hai Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, được bầu làm Tổng Thư ký. Với cương vị là Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam hai khóa liền, ông đã góp phần vào việc củng cố và phát triển nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, tập hợp, đoàn kết các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong cả nước, mở rộng hợp tác nhiếp ảnh Việt Nam với thế giới.

            Hơn 30 năm công tác ở TTXVN, giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt, nhà báo Hoàng Tư Trai đã có những đóng góp quan trọng cùng với các đồng chí trong Ban lãnh đạo xây dựng TTXVN trở thành cơ quan thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng, Nhà nước.

            Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc lại ở đây điều mà tất cả những người thân trong gia đình ông tự hào là đã được sống trong tình thương bao la, trách nhiệm cao cả của ông, một người chồng, người cha, người ông rất đỗi mẫu mực. Điều đó lý giải vì sao các con ông đều trưởng thành. Có người từng giữ chức vụ quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng; có người là Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, là Bộ trưởng; có người là Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, có người là Trưởng phân xã TTXVN tại nước ngoài, tiếp bước ông trong sự nghiệp báo chí, xứng đáng với công lao dạy bảo của ông.

            Với bản lĩnh chính trị sắc bén, vững vàng, trong cương vị người lãnh đạo, rất nhiều công việc ở cơ quan, nhiều vấn đề phức tạp và tế nhị, Phó Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng uỷ Hoàng Tư Trai bao giờ cũng có cách ứng xử rất "đắc nhân tâm", vừa đúng nguyên tắc, vừa thuyết phục được sự đồng thuận của thuộc cấp. Lớp phóng viên trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước chúng tôi luôn nhớ về Phó Tổng Giám đốc Hoàng Tư Trai với những tình cảm kính trọng và biết ơn sâu sắc. Nhân kỷ niệm lần thứ 85 Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi lại nhớ về ông, một nhà báo khả kính với những kỷ niệm sâu sắc của một thời thông tấn.

 

Trần Đình Thảo
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2010