Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Chân dung nhà báo

Nhớ Nhà báo - Cố Tổng Giám đốc Đào Tùng


(23/09/2010 16:24:34)

Ngày 15/9 năm nay, TTXVN kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống, cũng là lúc kỷ niệm 20 năm ngày mất của cố Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng, nhà hoạt động thông tấn - báo chí đầy nhiệt huyết, vĩnh viễn ra đi. Quả là sự trùng hợp kỳ diệu: Ông ra đi đúng vào ngày kỷ niệm 45 năm thành lập TTXVN - nơi ông đã gắn bó gần trọn đời mình và để lại những dấu ấn sâu sắc, những đóng góp lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển.

Cách đây 5 năm, TTXVN ấn hành cuốn "Đào Tùng- một phần tư thế kỷ đứng đầu hãng Thông tấn anh hùng". Trong cuốn sách ấy, ngoài những bài viết và hình ảnh của ông, có những hồi ức, lời đánh giá cao của một số vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của các bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí về ông. Qua đó, ai cũng có thể cảm nhận đầy đủ những phẩm chất đáng quý và công lao của ông đối với sự trưởng thành, lớn mạnh của TTXVN nói riêng, và những đóng góp đối với sự nghiệp thông tấn, báo chí của đất nước nói chung.

Cố Tổng Giám đốc Đào Tùng (1925-1990)

Giờ đây, nhìn lại cuộc đời 65 năm phấn đấu không mệt mỏi của ông, không thể không nghĩ rằng, quả thật con người ấy sinh ra là để làm công tác thông tấn báo chí cách mạng. Từ người đoàn viên thanh niên cứu quốc 20 tuổi viết báo Chi Lăng, trở thành một chiến sĩ cộng sản được giao nhiều trọng trách như Trưởng ty Thông tin tỉnh Bắc Giang, Chánh văn phòng Nha Thông tin - Tuyên truyền văn nghệ và 24 năm cuối đời là người đứng đầu TTXVN. Trong cuộc đời làm báo của mình, ông còn có 6 năm kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ). Ngoài ra, ông còn giữ nhiều trọng trách khác như: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia... Điều này thể hiện sự tin cậy của Đảng và Nhà nước ta đối với một nhà hoạt động quốc tế sôi nổi. Đánh giá cao những cống hiến của ông, Nhà nước ta trao tặng ông Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Hai mươi tư năm ấy, từ năm 1966 cho đến khi trút hơi trở cuối cùng vào ngày 15/9/1990, Tổng Giám đốc Đào Tùng đã cùng Ban Lãnh đạo cơ quan lãnh đạo toàn diện TTXVN, xứng đáng là "tai mắt của Trung ương", cung cấp cho Trung ương những "nguồn tin chiến lược", góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng. Ông chính là người góp công lớn trong việc tổ chức và xây dựng một hãng thông tấn mạnh ngay từ trong chiến tranh. Điều kỳ diệu là ở chỗ, trong suốt cuộc chiến tranh ác liệt, TTXVN không một ngày nào, một phút nào ngừng hoạt động và chưa một địa bàn nào, mặt trận nào trên đất nước ta - dù bom rơi đạn nổ, dù gian lao, thử thách - vắng mặt phóng viên và kỹ thuật viên của TTXVN. Bản thân Tổng Giám đốc Đào Tùng là một người xông xáo, từng nhiều lần có mặt ở tuyến lửa, ở chiến trường, sát cánh cùng cán bộ, PV, KTV cung cấp những bản tin, những bức ảnh giá trị về cuộc chiến đấu hào hùng của quân và dân ta.

Cũng ngay trong chiến tranh, ông đã đề xuất và chỉ đạo việc xây dựng tòa nhà 5 tầng ở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Khi ấy, ở Hà Nội, chưa đâu có việc xây dựng một tòa nhà như thế. Ông cũng nghĩ nhiều đến việc cấp bách tăng cường đổi mới cơ sở vật chất - kỹ thuật, cơ sở hậu cần của cơ quan. Ý tưởng này hình thành ngay sau khi ông dẫn đầu một đoàn cán bộ đi thăm Trung Quốc và Nhật Bản.

Có lẽ lớp trẻ bây giờ khó mà hình dung ra lợi ích to lớn của tòa nhà 5 tầng nói trên. Chính nhờ nó, có thể đưa cơ sở vật chất - kỹ thuật thu, phát tin ảnh từ 44 Tăng Bạt Hổ về 5 Lý Thường Kiệt, giải quyết được vấn đề vô lý bấy lâu là từ hai nơi cách nhau chỉ một cây số mà xử lý tin, ảnh chậm hàng tiếng đồng hồ.

Có tòa nhà cao tầng này, các ban biên tập đều gắn liền với cơ sở kỹ thuật ở tầng 5. Từ đó, tốc độ thu phát tin, ảnh nhanh hơn rất nhiều. Tất cả thành một vòng liên hoàn, gần như khép kín. Sự chỉ đạo của Bộ biên tập nhờ thế cũng thuận lợi hơn. Nhà in xê-len trở thành một cơ ngơi được hiện đại hóa cũng là một ví dụ.

Qua những chuyến công tác đối ngoại, có dịp tham khảo kinh nghiệm của các hãng thông tấn bạn như: BTA, ADN, MTI, AFP,... biết các hãng này đều có các chuyên san, Tổng Giám đốc Đào Tùng ấp ủ và tìm cách thức ấn hành những bản tin trực tiếp cho bạn đọc, từ đó mà có được ba tờ báo có uy tín trong xã hội là: Thể thao&Văn hóa, Tuần Tin Tức, Khoa học kỹ thuật và Kinh tế thế giới (nay là Khoa học và Công nghệ). Hơn ai hết, ông kiên trì vấn đề mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các hãng thông tấn, nhất là các hãng của ba nước Đông Dương vừa thoát khỏi chiến tranh, còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Ngày nay, nhìn cơ ngơi khang trang của hãng thông tấn nước nhà, không thể không nhớ tới công lao, nhiệt huyết của ông. Người ta càng nhớ tới ông, biết ơn ông trong việc xây dựng, củng cố và đào tạo đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên để tiếp tục sự nghiệp thông tấn báo chí mà ông từng là một trong những người khai thác. Từ đội ngũ cán bộ do ông trực tiếp đào tạo, hướng dẫn, có những người đã trở thành các cán bộ chủ chốt của TTXVN tham gia gánh vác trọng trách của một hãng thông tấn quốc gia.

 

Trần Đương
Theo Nội san Thông tấn, số 8+9/2010