Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Chân dung nhà báo

ĐINH THÚY: Nhà báo - Người chiến sỹ cầm máy


(24/09/2010 09:57:51)

Nhà báo Đinh Thúy (tên thật là Bùi Đình Túy) sinh ra ở mảnh đất có tên trong ca khúc của nhạc sỹ Hoàng Vân: "Có ai về Cảnh Dương, quê tôi đứng nơi đầu sóng gió, truyền thống đánh giặc giữ làng mãi mãi còn đây...". Cảnh Dương, Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình, một vùng đất trù phú, xinh đẹp, chỉ cách đèo Ngang chừng 10 km nhìn về hướng biển.

Nơi đây được mệnh danh là "Pháo đài thép" trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ngày 2/9/1976, Cảnh Dương đã được Quốc Hội và Chính phủ phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Tôi gặp con trai ông, người kỹ sư lâm nghiệp già Bùi Đình Toái trong căn nhà ở ngõ 295 Bạch Mai, cái ngõ nhỏ rất đỗi thân thuộc với "dân thông tấn". Nơi ông Đinh Thúy chưa từng được sống trọn vẹn với gia đình dù chỉ một ngày, kể từ ngày ông thoát ly đi kháng chiến. Cái ngõ nhỏ giờ đây đã khang trang hơn nhiều không còn cảnh bùn lấy nước đọng như trước đây.

Ông Toái tiếp tôi như một người thân thuộc. Bởi từ lâu, ông đã coi thông tấn như nhà. Chắc cũng sắp tới ngày giỗ của nhà báo Đinh Thúy trong tháng 9 này. Gặp tôi ông nói ngay: Ba tôi cả đời hy sinh cho cách mạng, cho sự nghiệp của thông tấn. Chỉ tiếc rằng tới nay vẫn chưa tìm được hài cốt của nhà báo liệt sĩ Đinh Thúy, điều mà người con cả của ông trăn trở không nguôi ở cái tuổi ngoài thất thập.

Nhà báo Bùi Đình Túy sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo, ngày 12/2/1914, bên dòng sông Loan, đoạn chảy qua Cảnh Dương. Năm 1935, ông bắt đầu ra Hà Nội theo học nghề ảnh, vẽ, thủ thư và chớp bóng tại trường Bách nghệ. Cái duyên, cái nợ với nghề ảnh đến với ông cũng từ ngày ấy. Nhưng chỉ một năm sau, do tham gia tổ chức bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh (1936), ông đã bị thực dân Pháp đuổi học. Hồi hương, ông mở hiệu ảnh ở quê nhà, cặm cụi và say mê kiếm sống bằng nghề. Rồi tới đầu thập niên năm mươi, ông lại bôn ba vào Sài Gòn làm thợ vẽ cho một rạp chiếu bóng. Mang sẵn trong mình dòng máu quật cường của quê hương, ông tìm đến cách mạng như một điều tất yếu. Và cũng từ ngày ấy gia đình bặt tin ông cho tới khi ông tập kết trở về trong sự ngỡ ngàng của cả dân làng.

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông đã dùng ống kính nhiếp ảnh của mình làm vũ khí chiến đấu. Ảnh của ông để lại là những khoảnh khắc không thể nào quên về một Sài Gòn kháng chiến: Đó là hình ảnh tiểu đoàn Nguyễn Văn Tố mang gậy tầm vông và súng kíp đi đánh giặc; Những khẩu súng Bazôka, súng cối 81 ly mà quân ta cướp được của thực dân Pháp; Những chiếc xe bọc thép bị quân ta đánh chiếm trong chiến dịch Sài Gòn; Đó là xác những chiếc máy bay trực thăng của thực dân Pháp bị bắn rơi trên đường Lý Văn Mạnh - Chợ Lớn tháng 3-1950; Và những mét giao thông hào được đào ở giữa đường phố Sài Gòn năm 1949 - 1950 để đánh giặc. Những hình ảnh đó đã trở thành "Những bức ảnh đi cùng năm tháng" trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam - Một giai điệu trong bản hùng ca truyền thống của TTXVN.

Khi mặt trận Sài Gòn thất thủ, ông ra chiến khu D hoạt động nhiếp ảnh và làm phóng viên mặt trận của báo Cảm Tử, một tờ báo thuộc đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Sau đó, ông phụ trách công tác nhiếp ảnh của Sở Thông tin đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn; rồi phụ trách nhiếp ảnh Nam Bộ. Năm 1954, Phân xã nhiếp ảnh Trung ương, tiền thân của Ban ảnh TTXVN ngày nay, đã đón nhận ông khi ông tập kết ra Bắc.

Bức ảnh "Bác Hồ gắn Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn nhân dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi, ngày 19/8/1958" của tác giả Đinh Thúy

Ba năm sau, năm 1957, ông được cử làm Phó chủ nhiệm Phân xã nhiếp ảnh Trung ương và là phóng viên nhiếp ảnh đầu tiên đi với Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ. Sinh thời ông kể lại rằng, mặc dù từng trải như vậy song có lần bấm máy mà vẫn run. Đó là lần ông chụp ảnh Bác Hồ gắn Huân chương Sao Vàng cho bác Tôn, nhân sinh nhật lần thứ 70 của bác Tôn. Hôm ấy là ngày 19/8/1958 tại Phủ Chủ tịch. Đây cũng là tấm Huân chương Sao Vàng đầu tiên Bác Hồ ký tặng và đích thân Bác trực tiếp gắn Huân chương. Đến giờ hành lễ mà quay đi quay lại chỉ có mình là phóng viên ảnh duy nhất ở đó. Nhà báo Đinh Thúy biết rằng một sự kiện quan trọng và hy hữu như vậy sẽ không bao giờ lập lại... Ông tự nhủ không được phép mắc sai lầm nào dù nhỏ. Nhưng trang bị máy móc, phim ngày ấy không như sau này, mọi chuyện đều có thể xảy ra, không run sao được! Chỉ khi bức ảnh được làm ra mới an tâm hoàn toàn. Lòng say mê và tận tụy với công việc cộng với ý thức trách nhiệm cao là những yếu tố tạo nên sự thành công của ông trong mọi lĩnh vực mà ông đảm trách.

Tận tụy với công việc bao nhiêu thì Đinh Thúy lại và ân cần với bạn bè đồng nghiệp bấy nhiêu. Ông luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người cả trong công việc và cuộc sống. Mỗi lần có dịp tụ tập bạn bè là ông tự mình đi chợ, nấu nướng cùng nhau vui vẻ. Những lúc như thế người ta thấy gương mặt ông ánh lên niềm hạnh phúc. Năm 1961, ông được cử sang Cộng hoà dân chủ Đức (cũ) học ảnh màu. Năm 1962, ông về nước xây dựng cơ sở ảnh màu đầu tiên và cũng là một trong những người chụp ảnh màu đầu tiên ở Hà Nội.

 

 

Nhà báo - Liệt sĩ Đinh Thúy đã để lại trong kho tư liệu ảnh của TTXVN hàng ngàn tấm phim tư liệu vô cùng quý giá mà ông đã chụp trên những chặng đường ông đã đi qua trong cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến thời chống Mỹ, cũng như những ngày tháng hòa bình hiếm hoi ở miền Bắc giữa hai cuộc chiến.

 

 

Một số tác phẩm tiêu biểu của

nhà báo Đinh Thúy

- Bác Hồ trao Huân chương Sao Vàng cho bác Tôn;

- Bác Hồ bắt tay bác Tôn;

- Bác Hồ vẫy chào nhân dân thủ đô Hà Nội trên lễ đài mừng quốc khánh 2-9-1958;

- Bác Hồ vẫy chào nhân dân Ấn Độ nhân dịp Người sang thăm;

- Luật sư Nguyễn Hữu Thọ gặp mặt thân mật các anh hùng chiến sĩ thi đua dũng sĩ quân giải phóng miền Nam năm 1967 tại chiến khu miền Đông Nam bộ...

 

 

Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau đó, do yêu cầu của Cách mạng, Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam được thành lập, bộ phận biệt phái của VNTTX ở Nam Bộ đã đứng ra thành lập Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP). Đây là cơ quan thông tin chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Thế là ông lại nhận nhiệm vụ vượt Trường Sơn trở về miền Đông Nam bộ. Trước khi đi, Bùi Đình Túy đã trao lại cho cơ quan toàn bộ nhà cửa, bàn tủ mà ông được phân trước đó, chỉ xách chiếc va li nhỏ lên đường. Ông đến công tác tại TTXGP (1965) và được bổ nhiệm là Phó Giám đốc trực tiếp phụ trách nhiếp ảnh. Tại đây, ông đã có công xây dựng và đào tạo đội ngũ nhiếp ảnh giải phóng. Những phóng viên ảnh do ông đào tạo và dìu dắt sau này đã trở thành những phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng như: Lê Chí Hải, Mai Tấn Đạt, Nguyễn Hữu Hiền, Nguyễn Đặng, Lâm Tấn Tài, Nguyễn Toàn Phong, Phạm Văn Thính, Nguyễn Thiều...

Năm 1967, Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua dũng sĩ toàn miền Nam lần thứ hai được tổ chức ở miền Đông Nam bộ, ông tình nguyện xin đi. Trong Đại hội, ông đã có dịp được tiếp xúc với nhiều anh hùng lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam, chiến sĩ thi đua và những dũng sĩ diệt Mỹ. Ông đã ghi lại hàng trăm bức hình với cả tấm lòng thương yêu và kính phục trước những con người rất đỗi thông minh, dũng cảm nhưng vô cùng bình dị này. Ông đã phản ảnh đầy đủ những diễn biến của Đại hội, đặc biệt là hình ảnh Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ gặp thân mật những anh hùng tiêu biểu của quân giải phóng miền Nam tại Đại hội.

Sáng ngày 21/9/1967, đại hội kết thúc, đến chiều, ông cùng đoàn nhà báo của TTXGP dời đại hội trở về đơn vị. Khi đi qua một cánh rừng gần địa phận tỉnh Bình Long, giáp biên giới Campuchia thì bị bọn thám báo phát hiện, kêu máy bay từ Sài Gòn lên đánh phá. Đoàn quân bị oanh tạc bất ngờ ở giữa trảng trống, chạy tán loạn vào bìa rừng ẩn nấp. Không may ông đã hy sinh tại đây, ở tuổi 53.

Để ghi nhớ công lao của ông đối với miền Nam nói chung và đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn nói riêng, nhân kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, UBND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định đặt cho một đường phố và một cây cầu ở quận Bình Thạnh mang tên Bùi Đình Túy - Đó là một niềm vinh dự và tự hào mà ông đã mang lại cho những người làm báo nói chung và TTXVN nói riêng.

Nguyễn Thành
Theo Nội san Thông tấn, số 8+9/2010