Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Kỷ niệm 50 năm thành lập TTXVN (12/10/1960-12/10/2010):

50 năm nhìn lại


(04/11/2010 10:07:07)

Hàng năm, vào giữa tháng Mười, đông đảo anh em từng công tác tại Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) và hiện sống ở TP. Hồ Chí Minh hoặc những tỉnh phụ cận, lại tụ tập với nhau, trân trọng mà đơn giản, kỷ niệm ngày thành lập TTXGP. Không có những bài diễn văn, những lời phát biểu trang trọng. Mọi người chỉ lặng lẽ "nâng ly" và hồi tưởng trong trí nhớ cái giờ phút thiêng liêng "19 giờ" của ngày 12 tháng 10 năm 1960: chiếc máy phát vô tuyến điện 15W bắt đầu phát lên không trung những tín hiệu đầu tiên, chính thức thông báo sự ra đời của một cơ quan thông tấn non trẻ, "Tiếng nói chính thức của những người yêu nước miền Nam Việt Nam" với hô hiệu là "GPX" (Giải phóng xã).

Phóng viên TTXGP Nguyễn Đức Giáp cùng đồng nghiệp trên đường tiến về Sài Gòn (4/1975)

 

Sự ra đời của TTXGP đã đánh dấu một bước phát triển đột biến cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam. Những tiếng "tích tích tè" réo rắt lan tỏa trên tầng điện ly cao tít tắp vang lên như một bản hùng ca rộn rã. Trong số ít người hiếm hoi được chứng kiến giờ phút lịch sử đó có anh Đỗ Văn Ba, sau này là Phó Tổng Giám đốc TTXVN, giờ đã là người thiên cổ và anh Lê Quang Nghĩa - có lẽ nên nói là nhờ Trời Phật phù hộ - đã tai qua nạn khỏi sau một ca mổ tim mà sinh mệnh như "ngàn cân treo sợi tóc".

Sự ra đời của GPX không chỉ có tiếng vang mạnh mẽ trong dư luận thế giới, đặc biệt là tầng lớp nhân dân tiến bộ trên khắp năm châu mà ngược lại, gây nên sự hoang mang và lo sợ trong hàng ngũ Mỹ ngụy. Hơn ai hết, chúng hiểu rằng khi một tổ chức chính trị dám đứng ra thành lập một hãng thông tấn thì tổ chức chính trị đó phải có thực lực hùng mạnh, có căn cứ rộng lớn và sức mạnh quân sự đáng gờm. Cái luận điệu tuyên truyền cũ rích và rẻ tiền rằng "Việt Cộng chỉ là một đám du kích mặt xanh nanh vàng, vũ khí bằng mấy khẩu oảnh tầm sào" 1 bỗng vỡ tan như bong bóng xà phòng.

Quả là thời đó, đồn bốt còn dăng dăng khắp nơi, binh lính địch lùng sục hang cùng ngõ hẻm, nhưng cán bộ ta vẫn dễ dàng đi lại từ vùng này qua vùng khác. Sáng còn ở T1 (tức miền Đông Nam bộ) thì chiều đã đến I4 (tức Sài Gòn - Gia Định). Thậm chí, vũ khí được bốc dỡ từ những con tàu "không số" cập bến Thạch Phú (Bến Tre) vẫn bí mật được chuyển tới Tây Ninh một cách trót lọt.

Như chúng ta đã biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Thông tấn xã Việt Nam (lúc bấy giờ gọi là Việt Nam Thông tấn xã - VNTTX) có chi nhánh ở Nam bộ. Tuy một số người đi tập kết ở miền Bắc, nhưng một số cán bộ cũ của VNTTX, trong đó có anh Ba Đỗ và anh Sáu Nghĩa vẫn bí mật tiếp tục cái nghề "thông tấn" của mình.

Trong hoàn cảnh lịch sử mới, chúng ta không thể thiết lập phân xã VNTTX ở Sài Gòn. Càng không thể duy trì cái chi nhánh lâu đời VNTTX ở miền Nam. TTXGP gọi tắt là Giải phóng xã đã ra đời với danh nghĩa là: Với phạm vi hoạt động là từ vĩ tuyến 17 trở vào. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh ác liệt và phân chia phức tạp về địa lý, GPX trên thực tế chỉ hoạt động nghiệp vụ ở khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ (gọi tắt là B2).

Với một số cán bộ ít ỏi, GPX đã làm ăn nổi đình nổi đám ngay từ đầu. Quanh năm tất bật với trăm công ngàn việc. Nào là tin đánh đồn, tin diệt ác, phá ấp chiến lược. Rồi chuyện đội quân tóc dài, chất vấn quận trưởng; học sinh, sinh viên Sài Gòn "xuống đường"; Phật tử miền Trung "biểu tình" bất chấp dùi cui của bọn quân cảnh...v.v...

GPX mặc nhiên trở thành chứng nhân cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc: từ việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch đến lễ công bố danh sách Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với thủ đô kháng chiến là thị trấn Lộc Ninh.

Sôi nổi nhất là những tin chiến thắng lớn đánh dấu những bước ngoặt chiến lược trong cuộc đối đầu "một mất một còn" giữa quân đội Mỹ hùng mạnh nhất trên thế giới với lực lượng vũ trang bé nhỏ của nhân dân Miền Nam: Trận Ấp Bắc báo hiệu sự phá sản của chiến thuật "thực trăng vận", trận Bình Giã diệt gọn một tiểu đoàn ngụy và các trận chống càn Át-tơn-bơ-rô, Gian-xơn Xi-ty đập tan chiến dịch "tìm và diệt" và kế hoạch "Việt Nam hóa chiến tranh". Đợt đưa tin dồn dập nhất là các trận tấn công vào chính trung tâm đầu não của Mỹ ngụy trong cuộc "Tổng công kích và nổi dậy" mùa Xuân Mậu Thân.

Cũng chưa ai tổng kết trong suốt thời gian tồn tại, GPX đã đưa bao nhiêu tin bài, chụp bao nhiêu bức ảnh, có bao nhiêu tin hay ảnh đẹp mà chỉ có thể nói một cách đại khái là "vô thiên lủng", là "nhiều không kể xiết". Nhưng cũng không phải ai ai cũng biết rằng GPX đã hoàn thành nhiệm vụ trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn với những điều kiện vật chất thiếu thốn trăm bề và trong cuộc chiến tranh mà kẻ thù sử dụng mọi thứ vũ khí chúng có trong tay. Chúng ta thường nói: Viết bằng bút. Nhưng các phóng viên GPX đã viết bằng chân và máu. Ngày nay, chiếc điện thoại di động cũng nhẹ và gọn như một thanh sô cô la. Còn máy phát điện lúc bấy giờ nặng như hòn đá tảng và quay tay. Tất cả máy phát điện, máy phát vô tuyến điện, máy ảnh, buồng tối, buồng sáng cùng gạo, muối, nước uống và tăng võng, nồi niêu... đều nằm trên lưng người để di chuyển, để chạy "càn" hay đi công tác.

Từ nơi "chôn nhau cắt rốn" là chiến khu Dương Minh Châu, GPX đã lần lượt di chuyển tới vùng "ma thiêng nước độc" nổi tiếng Mã Đà. Rồi lại trở về khu "Cây dầu trời đánh". Trên bước đường "trường chinh" của mình, GPX đã phiêu dạt đến gần bờ sông Mê Công trên lãnh thổ Cam-pu-chia. Tuy bị "truy đuổi" gắt gao nhưng chất lượng nghiệp vụ của các bản tin hàng ngày vẫn tỏ ra "đáng nể". Do yêu cầu của bạn đọc và các cơ quan thuộc Trung ương Cục, bản tin của GPX gồm nhiều thể loại như một tờ báo hàng ngày. Không chỉ có tin tức mà còn có bình luận, phóng sự, tường thuật, tiểu phẩm và cả thơ ca nữa. Nhiều bản tin trình bày khá công phu và đẹp mắt.

Khi đánh giá công lao và thành tích của một con người hay một tập thể, người ta thường căn cứ vào các huân chương và danh hiệu này nọ. Nhưng với GPX, niềm tự hào lớn nhất chính là ở chỗ cái hô hiệu ngắn gọn đó gắn với tất cả những sự kiện lớn lao trong sự nghiệp đấu tranh của nhân dân miền Nam. Người ta cũng thường nhắc đến con số hơn 260 liệt sĩ mà nhiều liệt sĩ chỉ được ghi tên trên những ngôi "mộ gió" ở các nghĩa trang. Không ít người đã qua đời do những thương tật trong chiến tranh. Và có người là nạn nhân chất độc da cam. Trong muôn vàn sự hy sinh của những người chiến đấu ở tuyến đầu Tổ quốc, cũng không thể bỏ qua những đau thương cá nhân và nghịch cảnh đời người mà nguyên nhân cuối cùng vẫn là chiến tranh.

Sau 50 năm nhìn lại ngày ra đời của TTXGP, có người sẽ nêu ra câu hỏi: Buổi phát tin cuối cùng của GPX là lúc nào? Có lẽ đó chính là buổi phát tin vào khoảng 9 giờ tối đêm 30 tháng 4 tại võ đường karate gần trụ sở Việt Tấn xã, mà nay chính là trụ sở của Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh. Đó là tin GPX chính thức thông báo việc giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông Việt Nam đã liền một dải.

Từ ngày hôm sau 1/5, các cán bộ của GPX đã làm việc bên cạnh cán bộ của VNTTX như những đồng nghiệp thân quen vì họ đã từng "biết" nhau qua bản tin, làn sóng điện từ rất lâu rồi. Đương nhiên, Nghị quyết sau này của Quốc hội cho phép TTXGP và VNTTX hợp nhất thành TTXVN là vô cùng quan trọng vì đó là pháp luật quốc gia, hợp thức hóa một điều đã là sự thật hiển nhiên.

(1)      "Oảnh tầm sào": súng trường nòng dài, thời Pháp để lại

Nguyễn Đức Giáp (Nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN)
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2010