Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Chuyến đi công tác phân xã đầu tiên


(12/01/2011 10:03:11)

Đó là phân xã VNTTX đặc khu giới tuyến quân sự Vĩnh Linh (Quảng Trị). Phân xã được thành lập sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến ở Đông Dương ngày 20/7/1954, trong đó có Việt Nam, nhằm thông tin về cuộc đấu tranh chính trị, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

            Học xong lớp đào tạo phóng viên khóa đầu tiên của VNTTX tại 65 Văn Miếu, tôi được ông Hoàng Tuấn, Giám đốc VNTTX, cử vào phân xã Vĩnh Linh thay đồng chí Trịnh Hải (tức Hải Đất) về Hà Nội.

            Một buổi sáng mùa Xuân năm 1956, tôi rời ngôi nhà số 3 Lý Thường Kiệt, Hà Nội ra bến xe Kim Liên mua vé ô tô đi Quảng Bình.

            Đất nước vừa chấm dứt chiến tranh nên chuyến đi thật gian nan, vất vả. Hầu hết các cầu trên Quốc lộ 1 đều bị phá hoại. Mọi người qua sông đều phải chờ phà. Rất nhiều phà như: Gián Khuất, Gián Khẩu (Ninh Bình), Đò Lèn, Hàm Rồng (Thanh Hóa), Bến Thủy (Nghệ An), các phà Nghèn, Già, Cày, Cầu, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Gianh (Quảng Bình).

            Các xe ô tô chở khách ngày ấy đều già nua, ọp ẹp, cứ lắc lư trên đường đầy ổ gà và liên tục chết máy dưới cái nắng chói chang và gió Lào khô khốc nóng.

            Với chặng đường gần 560km, tôi phải ngồi xe trọn bốn ngày mới đến được chợ huyện Vĩnh Linh. Đã 8 giờ rưỡi tối, tôi ăn vội bát bún bò cay đến chảy nước mắt rồi tìm chỗ ngủ trọ. Sáng sớm hôm sau lại đạp xe ngược lên thị trấn Hồ Xá, cách 1 km, để đến phân xã. Tại đây, tôi rất vui được gặp những người bạn mới: Trịnh Hải, Trưởng phân xã; Bạc, Hoan, điện báo viên; Danh, Cẩn, nhân viên quay ra-gô-nô.

            Trụ sở phân xã là một ngôi nhà ba gian bằng tranh tre, cách Quốc lộ 1A khoảng 300m, trong khuôn viên Ban Tuyên huấn đặc khu giới tuyến Vĩnh Linh và Ban Liên hợp khu phi quân sự.

            Đồng chí Trịnh Hải giới thiệu tôi, cán bộ thay thế, với ông Hồ Sĩ Thản, Bí thư Đảng ủy Đặc khu Vĩnh Linh và các Trung tá Trần Chí Hiền, Trần Lương, các Thiếu tá Vũ Hắc Bồng, Kỳ Lân, sĩ quan trong phái đoàn Ban Liên hợp quốc sự.

            Để hợp pháp hóa việc đi lại trong khu phi quân sự, Ban Liên hợp cấp cho tôi một giấy công vụ là cán bộ phái đoàn QĐNDVN mang tên Trần Vạn; hai giấy thông hành thường xuyên với chức danh là giáo viên và cán bộ thôn Vĩnh An, xã Vĩnh Quang mang tên Phạm Nghĩa.

            Khu phi quân sự được thiết lập dọc hai bên bờ sông Bến Hải, mỗi bên cách bờ 5 km. Kiểm soát khu phi quân sự là Tổ quốc tế 76.

            Từ đồn cảnh sát liên hợp Cửa Tùng, xã Vĩnh Quang đi dọc bờ sông trở vào là Nhà họp Ban liên hợp quân sự tại đầu cầu Hiền Lương, có cột cờ cao vút với lá cờ đỏ sao vàng khổng lồ (rộng tới 124m2). Đồng bào ta ở bờ Nam, hàng ngày hướng về miền Bắc dễ dàng nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay. Cách cột cờ khoảng hơn 1km là nhà thờ Di Loan cổ kính soi bóng xuống dòng sông, nơi hàng ngày các sơ cần mẫn kéo tơ, dệt lụa. Đi tiếp là đến xã Vĩnh Sơn, tiếp giáp với dãy Trường Sơn, có tu viện Phước Sơn.Â…

            Hàng tuần, việc đưa tin về kết quả đấu tranh giữa phái đoàn ta với phái đoán Pháp, tôi còn được trực tiếp gặp cấp ủy các huyện Gio Linh, Hải Lăng, Cam Lộ từ bờ Nam sang để lấy tài liệu tố cáo địch khủng bố những người kháng chiến cũ và phản ánh tinh thần đấu tranh của đồng bào ta đòi bình thường hóa quan hệ hai miền, đòi hiệp thương tổng tuyển cử theo điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ.

            Với luận điệu "ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản tràn xuống Đông Nam Á", đế quốc Mỹ đã can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Mỹ đã hất cẳng Pháp, đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam lập Chính phủ bù nhìn, phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, cố tình chia cắt lâu dài đất nước ta.

            Mặc dù vậy, giá trị pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ đã là cái mốc quan trọng để nhân dân ta thực hiện nguyện vọng thiêng liêng của mình là tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

            Và 20 năm sau, điều đó đã trở thành hiện thực: "Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn".

            Hơn năm thập kỷ đã lướt qua, tôi không bao giờ quên chuyến đi công tác phân xã đầu tiên ấy - phân xã đặc khu giới tuyến quân sự Vĩnh Linh - ở một thời kỳ lịch sử bi tráng của đất nước.

Phạm Nho Nghĩa
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2010