Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Bản tin chiến sự viết bên bờ sông Cái Bé


(04/11/2010 10:24:53)

Cách đây gần 40 năm, vào thời điểm sau Hiệp định Paris cuối năm 1973 đầu năm 1974, TTXGP Rạch Giá phân công một tổ phóng viên chiến tranh về bám trụ bên bờ sông Cái Bé (huyện Giồng Riềng). Tổ có 4 người: Trần Văn Ngàn, phóng viên ảnh; Lê Nam Thắng, phóng viên tin; Nguyễn Thanh Hà, điện báo viên; Võ Vạn Trăm, điện báo viên kiêm bảo trì máy móc.

Vào thời kỳ này, địa bàn Giồng Riềng là một trong những địa bàn trọng điểm. Chỉ tính khu tam giác: Giồng Riềng (Rạch Giá), Vị Thanh (Chương Thiện) Ô Môn (Phong Dinh Cũ), địch đã dồn về đây đến 75 tiểu đoàn, cùng đủ loại vũ khí khí tài chiến tranh hiện đại để bảo vệ cho bộ máy đầu não ngụy quân, ngụy quyền vùng 4 chiến thuật đóng tại Cần Thơ.

Trong chuỗi ngày cực kỳ khó khăn đó, tổ phóng viên chiến tranh chúng tôi không thể nhớ mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh, chụp bao nhiêu bức ảnh, viết bao nhiêu bản tin, bài báo phản ánh tình hình chiến sự để phát về TTXGP, kịp thời cổ vũ động viên phong trào cách mạng. Khắp các nẻo đường khu vực Ô Môn, Ba Hồ, Thạnh Hưng, Ngọc Chúc, Vĩnh Hòa Hưng, Bàn Tân Định... đều có dấu chân của tổ phóng viên chiến tranh theo sát các trận đánh, các cuộc hành quân của lực lượng giải phóng.

Đặc biệt, có một trận đánh đã ăn sâu vào ký ức của mỗi chúng tôi. Đó là trận tập kích vào yếu khu quân sự Ba Hồ của tiểu đoàn pháo binh trợ chiến thuộc đơn vị Đ20 (Trung đoàn Cửu Long), Quân Giải phóng miền Tây Nam bộ do Tiểu đoàn trưởng pháo binh Lâm Văn Chương trực tiếp chỉ huy. Trận tập kích nhanh gọn, bất ngờ đến nỗi địch không kịp trở tay. Hai đại đội biệt động quân trấn giữ yếu khu quân sự Ba Hồ (một cứ điểm phòng thủ quan trọng của địch) bị tiêu diệt gọn, trong đó có tên đại úy - chỉ huy trưởng Đặng Văn Mai. Bị thua đau, bọn địch điên cuồng tập trung mọi hỏa lực phản kích vô cùng khốc liệt, vì thế, về phía ta cũng không thể tránh khỏi thương vong.

Khi trận đánh vừa kết thúc, tại một khu vườn hoang bên bờ sông Cái Bé, cách yếu khu quân sự Ba Hồ không xa, chúng tôi bàn nhau bất chấp nguy hiểm, trèo lên ngọn cây cột dây anten để phát tin ngay về TTXGP. Tôi còn nhớ, làm báo trong chiến tranh nóng bỏng đến nỗi ít khi có thời gian để viết cho trọn vẹn một bản tin. Nhiều lúc, tôi viết được vài chục chữ đã lập tức chuyển ngay cho Nguyễn Thanh Hà để phát đi cho kịp. Bản tin "Quân giải phóng Miền Tây Nam bộ, bất ngờ tập kích tiêu diệt gọn yếu khu Quân sự Ba Hồ" cũng được viết trong hoàn cảnh như thế.

18 giờ chiều hôm đó, trong buổi phát thanh thời sự của Đài Phát thanh Giải phóng, tin trên đã được phát mở đầu chương trình, làm nức lòng quân dân ta lúc bấy giờ. Nhưng cũng thật đau buồn, chiều hôm đó, trong cơn mưa cuối đông rét buốt, bên bờ sông Cái Bé, chúng tôi lặng lẽ tiễn biệt người trực tiếp chỉ huy trận đánh, Tiểu đoàn trưởng pháo binh Lâm Văn Chương, người từng sát cánh, đùm bọc, che chở cánh nhà báo trong thời gian bám trụ nơi chiến trường trọng điểm này.

Cho đến bây giờ, chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng từng cử chỉ dáng đi, giọng nói, nụ cười của người lính đó chúng tôi còn nhớ như in. Chỉ tiếc một điều giữa lúc chiến tranh ít ai kịp nghĩ tới, đó là quê hương anh nơi nào trên đất Bắc, người thân gia đình anh ra sao? Đối với 4 thành viên trong tổ phóng viên chiến tranh chúng tôi đó luôn là nỗi canh cánh khôn nguôi. Giá như biết được những thông tin đó thì chúng tôi đỡ nặng lòng và cảm thấy thanh thản hơn trong cuộc sống hòa bình hôm nay.

Lê Nam Thắng
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2010