Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Ký ức về một "thời hoa đỏ"


(13/06/2011 15:06:44)

Ngày 23/4/2011, những người lính "biệt kích" (hồi đó chính quyền ngụy Sài Gòn gọi nơi chúng tôi rèn luyện là Trường biệt kích của Bắc Việt) có dịp trở lại thăm khu học tập, rèn luyện ở Lâm Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình, được sống lại một thời trai trẻ.

            Bác Đặng Minh Phương (còn gọi anh Phò) nay đã ngoài 80 tuổi vẫn còn khá nhanh nhẹn. Hồi chiến trường Khu V, bác có thời kì làm Tổng Biên tập báo Cờ Giải phóng. Anh Cao Hồng Anh, Phó Ban Điện ảnh khu V, nay cũng đã ngoài 70. Anh chị Giang Nguyên Thái, Nguyễn Thanh Thôi, Đỗ Thị Nhuận, Hoàng Tuyết Trinh,Â… ai cũng nhớ tới những người cán bộ tận tụy phục vụ ở Trường 105 trước đây. Xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình ngày ấy từng nuôi giấu hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ trước khi ra chiến trường miền Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Buổi tiễn Phó Tổng biên tập VNTTX Trần Thanh Xuân (người đội mũ) dẫn đầu đoàn phóng viên trẻ lớp GP 10 vào chiến trường miền Nam (1973)
 
            Chúng tôi đã đến thăm gia đình bác Lê Văn Trạch quê ở tỉnh Quảng Trị, cán bộ miền Nam tập kết, nguyên là cán bộ phát quân trang cho anh chị em trong đoàn ngày nào. Vợ bác Trạch tên là Trần Thị Thuận, nay đã 75 tuổi, cũng là cán bộ cấp dưỡng của "Trường biệt kích 105"; thăm bác Huỳnh Văn Yến, nguyên là cán bộ miền Nam tập kết, cả hai vợ chồng bác cũng là cán bộ cấp dưỡng của "Trường biệt kích 105".

            Gặp lại nhau, trong vô vàn câu chuyện hàn huyên, chúng tôi không ai bảo ai đều bồi hồi, xúc động nhớ lại kỷ niệm năm xưa. Ngày ấy, những sinh viên vừa tốt nghiệp các trường đại học ở Hà Nội khóa 1968-1972 được Ban Thống nhất Trung ương yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam. Chúng tôi, ai cũng hồi hộp, ao ước mình sẽ có tên trong danh sách. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ có hàng trăm sinh viên được tuyển, trong đó, lớp Sử 4 (khóa 1968-1972) của tôi có hơn chục người. Chúng tôi được sắp xếp vào khóa huấn luyện làm phóng viên chiến trường, được đào tạo cấp tốc cách viết báo, chụp ảnh, đưa tin chiến sự rồi sau đó lại lên "Trường biệt kích 105" tại tỉnh Hòa Bình rèn luyện. Ở đây, hàng ngày, chúng tôi đeo ba lô gạch, leo núi, tập hành quân như một người lính chiến trường.

            Ngày 7/3/1973, tất cả chúng tôi được lệnh tập trung tại vườn hoa Ngọc Hà (Bách Thảo), Ba Đình, Hà Nội để vào Nam. Buổi chia tay thật bịn rịn. Sau đó, đoàn chúng tôi đi ô tô đến ga Thường Tín rồi lên tầu hỏa vào thành phố Vinh, lúc ấy chỉ còn là đống gạch vụn hoang tàn bởi bom đạn địch. Vào bến phà sông Gianh tỉnh Quảng Bình, chúng tôi lặng lẽ lên thuyền ngược dòng sông Gianh sang Lào. Sự âm u tĩnh mịch của núi rừng Trường Sơn thỉnh thoảng lại bị xé toang bởi tiếng máy bay phản lực Mỹ gầm rú. Đêm trên sông Gianh thỉnh thoảng lại sáng lên những ánh chớp từ tàu chiến Mỹ ở ngoài biển bắn vào đất liền. Cảm nhận chiến tranh đang ở rất gần.

Đoàn xe của VNTTX chi viện cho TTXGP trên đường Trường Sơn (1973)

            Tháng Ba ở miền Tây núi rừng Trường Sơn nắng như đổ lửa. Cả cánh rừng khộp lá rụng hết chỉ còn trơ những cành cây khô, ngay cả những bụi tre cũng héo lá. Đường Trường Sơn như mạng nhện len lỏi giữa hai triền núi của hai nước Việt - Lào. Dọc đường nhiều nơi cây cối trơ gốc, đen sì bởi bom đạn địch băm nát. Có vùng ngã ba đường, địch thả bom na pan làm cây rừng cháy rụi. Những đêm vượt Trường Sơn, đoàn xe đến đoạn đường địch hay đánh phá thì có lệnh tất cả im lặng, không được dùng bật lửa, đèn pin. Bầu trời không lúc nào ngớt tiếng máy bay trinh sát "O.V 10" quần đảo. Một ngày, vào khoảng 22 giờ, xe đang chạy xuống đèo Yên Ngựa trên đất Lào bỗng nhiên mất phanh. Chiến sĩ lái xe cố ghì tay lái nhưng không thể điều khiển được. Tính mạng của hơn ba chục người ngồi chen chúc trên chiếc xe GAT treo trên đầu sợi tóc. Chưa kịp phản ứng gì, chiếc xe đổ rầm xuống mặt đường, bụi đất mù mịt, rất nhiều người la thất thanh. Chiếc xe GAT chỏng bốn bánh lên trời và nằm gọn một bên lòng đường. Rất may là chỉ một vài người bị thương nhẹ.

            Đồng chí Nguyễn Hưng Thạnh, trưởng đoàn, đã nhanh chóng ổn định tình hình, yêu cầu không được dùng đèn pin vì đang có máy bay địch quần đảo trên bầu trời và cũng không được dùng bật lửa vì thùng xăng có thể bị rò rỉ. Đồng chí Cao Xuân Cầm là người năng nổ nhất trong đoàn, đã đưa nhiều người bị kẹt trong xe vào trạm xá dã chiến quân đội gần đó cấp cứu. Rà soát xong quân số thì đồng chí Cầm ngất lịm. 30 người trên chuyến xe hôm đó là những phóng viên, y bác sĩ, giáo viên trên đường vào chi viện chiến trường khu V. Mấy hôm sau, chưa kịp hoàn hồn vì cú sốc xe đổ, cả đoàn lại nhận được tin xấu, một trong những chiếc xe chở phóng viên vào Nam Bộ bị đổ có 3 người hy sinh, trong đó có hai phóng viên VNTTX. Đó là Trần Viết Thuyên, tốt nghiệp khoa Sử, quê ở Hà Tĩnh và Phạm Thị Kim Oanh, tốt nghiệp khoa Hóa, quê Thái Nguyên.

*

*           *

            Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu quê hương, đất nước; tình đồng đội, nghĩa đồng bào, đồng chí thật thiêng liêng và giản dị. Sự khốc liệt của chiến tranh đã góp phần tôi luyện chúng tôi làm nên bản lĩnh của một lớp phóng viên TTXVN tay súng, tay bút.

Phan Đình Khôi
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2011