Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Chân dung nhà báo

Anh Sáu Cang đã trở lại cánh rừng xưa


(13/04/2011 16:23:12)

Đầu xuân Tân Mão vừa qua, tôi sững sờ khi nhận được tin báo từ miền Nam: Anh Sáu Cang đã vĩnh viễn ra đi!

            Ở tuổi ngoài thất thập, anh ra đi cũng là lẽ tự nhiên - nhưng với tôi và toàn thể anh chị em Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đều thương tiếc đến khôn cùng người đồng nghiệp chí cốt từng sát cánh bên nhau chiến đấu tại miền Đông Nam bộ thời chống Mỹ.

Ông Sáu Cang (ngoài cùng bên trái) cùng ông Hai Luận và tác giả- nhà báo Phạm Nho Nghĩa

            Là một sinh viên, một võ sĩ "judo" sớm giác ngộ cách mạng, anh đã rời thành phố Sài Gòn tìm ra cứ Cà Tum (chiến khu Dương Minh Châu), rồi đến vùng đất thiêng Mã Đà (chiến khu Đ) gia nhập TTXGP. Có thể nói, anh và các anh Ba Đỗ, Chín Chiêu, Sáu Nghĩa là những thành viên đầu tiên đã vượt qua bao nhiêu thử thách cam go để xây dựng và từng bước phát triển TTXGP trong những năm tháng Cách mạng miền Nam còn trong vòng kiềm tỏa của quân thù.

            Tôi biết anh Sáu Cang vào giữa năm 1965, khi cùng đoàn phóng viên, biên tập viên VNTTX (nay là TTXVN) vượt Trường Sơn vào tăng cường cho TTXGP. Cho đến nay, trong ký ức của tôi, anh là một thanh niên có thân hình vạm vỡ với đôi tay cuộn bắp, vung chiếc búa bổ xuống những khúc gỗ bằng lăng bên nhà bếp của cơ quan, từng nhát, từng nhát sắc gọn dứt khoát...

 

Những năm tháng phục vụ cơ quan TTXGP còn đọng lại mãi trong tôi kỷ niệm một chuyến công tác đặc biệt: Một nhóm cán bộ, trong đó có tôi, được phân công đi chở cỏ tranh về căn cứ. Mượn được xe bò nhưng ai là người kéo đây? Mọi người đang lưỡng lự nhìn qua ngó lại thì anh Sáu Cang và Tư Cường xung phong làm "bò kéo xe". Là xinh viên Sài Gòn và là võ sĩ judo, anh Nguyễn Kim Cang (xin lỗi) có thể ví như hạng "bò bô" bởi thể hình vạm vỡ. Tôi còn nhớ sợi dây thừng to bằng ngón chân cái được choàng lên cổ, luồn qua nách phải của anh khi ấy. Mỗi lần vượt dốc, vấp hộc xe đang đi ngon trớn, bỗng dưng bị giật nẩy khiến kẻ kéo, người đẩy một phen tổn sức. Ai nấy đều luôn miệng: "Ráng lên Tư Cường, ráng lên Sáu Cang".

(Theo lời kể của ông Vũ Tiến Cường)

 

            Do sức khỏe sung mãn nên những công việc nặng như đào giếng, hầm hào, chặt cây, bổ củi, làm "bò kéo xe", khiêng cáng đồng nghiệp đi bệnh viện,...Â…anh Sáu Cang luôn có mặt.

            Thạo tiếng Anh và giỏi tiếng Khơme, anh công tác ở tổ Quốc tế, dịch bản tin của Giải phóng xã ra tiếng Anh để phát đối ngoại.

            Thời gian này, cơ quan đóng quân tại một cánh rừng sát biên giới Campuchia, chỉ cách phum Thlok Trạch vài thửa ruộng nên anh thường sang "dân vận" với nhân dân nước bạn. Tính cách anh cởi mở, thân tình nên được bà con tin yêu và hết lòng giúp đỡ. Nhờ nắm chắc tình tình biên giới, trong trận càn lớn Gian-xơn Xi-ty của địch vào căn cứ đầu năm 1967, anh đã giúp thủ trưởng Bảy Lý kịp thời chuyển cơ quan tạm lánh sang đất bạn, tránh khỏi vòng nguy hiểm.

            Đặc biệt tháng 5/1970, đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, anh đã liên hệ với du kích Campuchia cắt rừng đưa bộ phận nhẹ của cơ quan - tránh vùng "Khơ me đỏ" kiểm soát - theo kịp bộ phận nặng đến căn cứ mới an toàn. Lúc ấy, mỗi khi cam go, để tránh tổn thất lớn, TTXGP được chia thành hai bộ phận. Bộ phận nặng gồm số đông anh chị em, mang theo nhiều phương tiện máy móc và do thủ trưởng Bảy Lý trực tiếp chỉ huy. Còn bộ phận nhẹ cơ động hơn, ít máy móc, do tôi và anh Sáu Cang phụ trách.

            Là một cán bộ lâu năm của TTX, anh nắm rất vững, hiểu chính xác những bước đi của ngành. Bài viết "Truyền thống 16 chữ vàng của TTXGP" của anh với bút danh Kim Thạch - đăng trong NSTT số ra tháng 9/2000 đã nói lên điều đó.

Ông Sáu Cang (áo sẫm, đeo kính đứng bìa phải ảnh) cùng cán bộ PV tin, ảnh, kỹ thuật viên TTXGP họp mặt tại Hội trường Thống Nhất (dinh Độc lập cũ), tháng 9/1986

            Những năm tháng sống và làm việc trong những cánh rừng già của miền Đông Nam bộ cũng như rừng sâu Đông Bắc Campuchia rất gian khổ, thiếu thốn, anh vẫn lạc quan, yêu đời. Tôi còn nhớ những buổi liên hoan văn nghệ kỷ niệm ngày thành lập ngành hoặc lễ, tết, anh hòa cùng anh chị em cơ quan ca hát tưng bừng. Nhớ đến anh, tôi như nghe văng vẳng tiếng hát véo von, trầm bổng của bài "Qua sông" do anh lĩnh xướng. Và, như hiển hiện trước mắt tôi bước chân uyển chuyển đu đưa cùng đôi bàn tay uốn lượn của anh theo nhịp bài múa Lâm thon dưới ánh trăng rừng những năm ở Cứ.

            Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc bằng chiến thắng 30/4 lịch sử, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cơ quan TTX trở về đóng trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, anh được giao nhiệm vụ Trưởng đại diện Văn phòng thường trú Báo ảnh Việt Nam ở phía Nam cho đến ngày nghỉ hưu.

            Anh Sáu Cang là một cựu chiến binh của cơ quan, luôn nhớ về chiến khu nơi có tấm bia TTXGP. Tôi như linh cảm rằng, những ngày này, anh đã trở lại cánh rừng xưa, nơi anh đã từng cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp Thông tấn và nền Độc lập - Tự do - thống nhất đất nước.

Phạm Nho Nghĩa
Theo Nội san Thông tấn, số 03/2011