Thứ năm, ngày 28/03/2024

Chân dung nhà báo

Kim Hùng: Nhà báo, nghệ sĩ và chiến sĩ quốc tế


(04/03/2011 17:23:02)

Trong tâm tưởng của rất nhiều đồng nghiệp, cố nhà báo Kim Hùng là phóng viên ảnh có tâm với nghề, ham say công việc, luôn có mặt ở những điểm nóng trong nước, thời bình cũng như thời chiến để ghi lại những hình ảnh, sự kiện lịch sử. Ông còn có vinh dự được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi thăm các quốc gia hoặc tham dự các hội nghị quan trọng khu vực và quốc tế.

Trong sự nghiệp làm báo của mình, ông đã tổ chức được hai cuộc triển lãm ảnh tại Hà Nội: "Paris trong tôi" và "Năm ngày ở Tokyo" với hơn trăm tác phẩm ảnh nghệ thuật. Người ta biết đến ông là một nhà báo, một nghệ sĩ nhiếp ảnh thành danh, nhưng ít ai biết đến Kim Hùng trước đó đã từng là một chiến sĩ, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế.

Cố nhà báo Kim Hùng

Kim Hùng sinh ngày 1/1/1937, tại Cẩm Giàng, Hải Dương. Năm 12 tuổi, đã lên Hà Nội học nghề ở nhà ông chú tại hiệu ảnh Xuân Dung, 62 Hàng Bông. Sau hòa bình năm 1954, Kim Hùng có mặt trong Tổng đội Thanh niên xung phong thủ đô lên Yên Bái, Lào Cai xây dựng đường thông tin và tham gia khôi phục tuyến đường sắt Lào Cai. Biết chút ít về nghề ảnh, anh được điều về làm việc tại Sở Nhiếp ảnh Trung ương thuộc Bộ Văn hóa. Cuối năm 1957, Sở Nhiếp ảnh sáp nhập vào Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), trở thành Phân xã Nhiếp ảnh. Vừa học vừa làm, anh đã nhanh chóng tích lũy được nhiều kiến thức về ảnh báo chí tuyên truyền.

Một hôm, Kim Hùng được đồng chí Hoàng Tư Trai, Phó Tổng biên tập VNTTX, người từng phụ trách Sở Nhiếp ảnh Trung ương, mời đến gặp. Ông thông báo cho anh biết về tình hình cách mạng Lào đang chuyển biến tích cực. Tiểu đoàn dù số 2 do đại úy Koong Le và trung úy Đươn Xunlalat chỉ huy làm cuộc đảo chính ngày 9/8/1960, lật đổ chính phủ Xômxanit do Mỹ dựng lên, tuyên bố thành lập Ủy ban Cách mạng, chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ, chấm dứt nội chiến, lập lại hòa bình, hòa hợp dân tộc và mời Hoàng thân Xuvana Phuma đứng ra lập chính phủ mới. Mặt trận Lào yêu nước ủng hộ tuyên bố của Ủy ban đảo chính và đề nghị nhanh chóng thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc gồm các thành viên của ba phái: Mặt trận Lào yêu nước, lực lượng trung lập và lực lượng phái hữu. Đầu năm 1961, quân đội Pathet Lào và lực lượng trung lập có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam tấn công giải phóng Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng), nối liền Cánh Đồng Chum với Sầm Nưa thành căn cứ địa vững chắc, tạo điều kiện cho Chính phủ hợp pháp của Hoàng thân Xuvana Phuma đặt trụ sở chính thức ở thủ phủ Khăng Khay. Theo yêu cầu của phía Lào, nhiều chuyên gia kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của nước ta đã được cử đến Khăng Khay giúp bạn. Ông Hoàng Tư Trai cho biết lãnh đạo cơ quan muốn cử Lâm Hồng Long và Kim Hùng đến Khăng Khay vừa làm nhiệm vụ báo chí, vừa giúp đào tạo phóng viên ảnh cho Lào. Anh chấp nhận việc tiến cử của lãnh đạo cơ quan, mặc dù biết rằng công việc này sẽ gặp nhiều khó khăn thử thách, kể cả sự hy sinh, vì nơi đó các lực lượng, các phe phái đang tranh chấp, rất phức tạp mà anh lại hoàn toàn lạ lẫm, không biết tiếng địa phương để giao tiếp.

Nhà báo Kim Hùng chuẩn bị trước khi đi tác nghiệp tại mặt trận Xiêng Khoảng năm 1961

Chiếc máy bay của Chính phủ Lào chở Kim Hùng, Lâm Hồng Long và một số chuyên gia kinh tế lượn mấy vòng rồi hạ cánh xuống sân bay Cánh Đồng Chum. Bạn bố trí cho Kim Hùng, Lâm Hồng Long ở một gian nhà gần với nơi ở của cán bộ văn hóa, thông tin Lào, cùng trên một quả đồi có nhiều lau sậy. Phía Bạn báo cho các anh biết khu vực này thường có thám báo từ Viêng Chăn đến, bọn phỉ Vàng Pao từ Sảmthoong, Loong chẹng lẻn về gây rối, khủng bố. Chính vì vậy, đồ nghề tác nghiệp của anh, ngoài cây bút, máy ảnh, còn được trang bị như chiến sĩ, có cả súng AK, balô, võng bạt. Một số học sinh, sinh viên ở Viêng Chăn theo phái trung lập đến Khăng Khay gồm: Bun Teeng, Bun Thoong, Khăm Lạ, Khăm Phay... được lãnh đạo Bộ Văn hóa, thông tin giao nhiệm vụ học về nhiếp ảnh để phục vụ cách mạng Lào lâu dài.

Công việc trước tiên của các anh là bám sát tình hình và ghi hình ảnh kịp thời về hoạt động chính trị, ngoại giao của Chính phủ và Mặt trận Lào yêu nước. Hai anh còn cùng với các đồng nghiệp Lào đến các đơn vị Pathet Lào, các đơn vị quân đội trung lập bấm máy khi họ đang luyện tập, sinh hoạt hàng ngày thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, hay đến các khu phố, bản làng giới thiệu cuộc sống mới của người dân sau giải phóng. Từ hoạt động tác nghiệp thực tế, các anh hướng dẫn cho bạn đặc điểm của ảnh báo chí tuyên truyền kết hợp ta chụp bạn xem, rồi bạn chụp ta góp ý kiến, các đồng nghiệp Lào tiếp thu nhanh và đã có sản phẩm ảnh tốt.

Việc làm ảnh ở Khăng Khay cũng gặp không ít khó khăn. Phải có buồng tối, có thuốc tráng phim, thuốc in ảnh, máy in, phóng ảnh. Những thiết bị và vật liệu cần thiết được cơ quan ta gửi cấp tốc sang qua đường hàng không. Các anh phải lấy vải đen quây kín làm buồng tối. Lọc nước suối không còn tạp chất, để tráng phim, rửa ảnh. In ảnh vào buổi tối bằng đèn dầu hỏa. Khoét lỗ mái nhà, đặt ống thu ánh sáng để in, phóng ảnh.

Khi các đồng nghiệp Lào vừa quen công việc, thì ở Lào diễn ra sự kiện quan trọng. Ngày 12/6/1962, Hiệp định Cánh Đồng Chum được ký kết, Chính phủ Liên hiệp ba phái lần thứ hai được thành lập do Hoàng thân Xuvana Phuma làm Thủ tướng. Kim Hùng, Lâm Hồng Phong và các đồng nghiệp Lào đã ghi được những tấm ảnh lịch sử lễ ra mắt của Chính phủ Liên hiệp ba phái; nhân dân Xiêng Khoảng mít tinh mừng thắng lợi mới của Pathet Lào, của cách mạng Lào; đại diện các nước anh em đến trình thư ủy nhiệm đặt quan hệ ngoại giao. Những bức ảnh quý giá này được lưu giữ, bảo quản tại "Ngân hàng" ảnh quốc gia Lào và được trưng bày tại các bảo tàng lớn ở Viêng Chăn.

Sau năm 1975, nước Lào hoàn toàn giải phóng, các đồng nghiệp của anh, giờ có người đã trở thành Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, có người là Tổng Giám đốc KPL. Những lần anh tháp tùng Chủ tịch nước ta thăm hữu nghị Lào với vai trò là phóng viên ảnh chuyên trách, các đồng nghiệp năm xưa đã tìm gặp anh trò chuyện thân tình và cảm ơn "Thày Hùng" đã tận tâm hướng dẫn họ trong những ngày đầu bước vào nghề làm báo.

Không chỉ là đồng nghiệp cùng công tác với nhau ở TTXVN, Kim Hùng và tôi còn cùng là hội viên cựu chuyên gia giúp Lào sinh hoạt tại Chi hội Hội hữu nghị Việt-Lào Tuyên-Văn-Giáo-Huấn. Gần đây, được tin anh đang gắng sức chống lại căn bệnh hiểm nghèo đã ở giai đoạn cuối. Sau lần đại phẫu thuật mở lồng ngực lấy một khối u bằng quả xoài và liên tiếp dùng hóa chất và tia xạ, nay anh nói khàn tiếng, hai chân bị liệt phải ngồi xe lăn. Anh bảo "Con người ta có số, ai rồi cũng phải đi về với cõi vĩnh hằng. Mình vẫn đang chống lại với tử thần, sống thêm ngày nào là lãi ngày đó". Mong anh gắng sức "chiến đấu" với bệnh tật, chúng tôi những đồng chí, đồng nghiệp luôn bên cạnh anh.

Nguyễn Thế Nghiệp
Theo Nội san Thông tấn, số 02/2011