Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Lần đầu tiên làm phóng viên chiến trường


(12/05/2011 09:51:59)

Chiếc xe không còn tuân theo sự điều khiển của Hoàng (Như Hoàng- bút danh của nhà báo Hoàng Đình Chiến). Không phải nó trở chứng, bất kham mà hoàn toàn do Hoàng. Hơn ba tháng, căn bệnh sốt rét quái ác đã rút mòn sức lực khiến có lúc anh phải chống gậy. Rời bệnh xá chưa lâu, anh đang làm biên tập thì được lệnh đi công tác: Làm phóng viên chiến trường.

Tác giả đang ngồi viết bài tại Cứ

            Thật ra, chẳng có gì là to tát vì đó là nhiệm vụ của bất kỳ phóng viên nào. Có điều, đây là lần đầu tiên đưa những điều trên sách vở vào thực tiễn. Hơn nữa nhận nhiệm vụ trong lúc sức đuối lực kiệt, trong khi chiến sự đang ác liệt, một mình đơn thương độc mã. Không sợ nhưng Hoàng không khỏi lo lắng, lần đầu ra quân mà không hoàn thành nhiệm vụ thì... Song, ở chiến trường không có chỗ cho sự chần chừ, chỉ có nhận lệnh và lên đường.

            Sáng hôm đó, Hoàng thức giấc sớm hơn thường lệ. Phía nhà bếp đã đỏ lửa từ khi nào. Anh xuống cũng là lúc cơm vừa chín. Ăn vội hai lưng nóng hổi, chào từ biệt chị nuôi, anh lên xe, đạp hối hả ra khỏi cứ. Chiếc xe vào loại tốt nhất của cơ quan nhưng không đèn không phanh, không chắn bùn, chắn xích, xe "cởi truồng" như thường gọi có bộ khung cực vững được sản xuất từ Pháp quốc. Mỗi khi muốn dừng phải đạp chân phải vào bánh trước, chân phải đi dép râu. Điều quan trọng nhất khi chạy xe đường rừng là tay lái phải cứng, đủ sức xoay trở, tránh cây cối hai bên trong khi đường vòng vèo, lắt léo hơn cả lối chòng ghẹo của con gái Nam bộ.

            Giờ là lúc Hoàng phải căng hai tay chèo chống với cái ghi-đông xe. Anh không đủ sức đánh đu với nó. Hậu quả là "ầm","ầm"...xe một nơi, người một nẻo. Lúc tỉnh dậy anh thấy toàn thân ê ẩm, bụng đói cồn cào. Hai lưng cơm ban sáng đã bay theo "cánh đồng chó ngáp" từ khi nào. Chiếc bi-đông còn chút nước giúp anh lấy lại sức nhưng không đủ để anh đạp xe tiếp. Dắt bộ có vẻ là giải pháp tối ưu trong lúc này. Cứ từ từ mà tiến.

            Trong rừng, trời đổ chiều và sập tối nhanh. Hoàng cẩn thận bật chốt an toàn khẩu K.54. Bỗng nhiên, phía cuối con đường mòn, một bóng người cùng chiều xuất hiện. Anh ta đạp xe băng băng chở theo một bao tải to đùng. Chết đuối vớ được cọc, Hoàng dừng lại chờ:

            - Đồng chí cho hỏi đơn vị có số hòm thư này còn xa không?

            Anh ta nheo mắt trong bóng chiều sắp tối, không trả lời mà hỏi ngược lại Hoàng:

            - Đồng chí tới đó làm gì và gặp ai?

            - Tôi là phóng viên chiến trường của R., trên đường đi công tác muốn ghé vào đơn vị của thằng em trai mà không biết đường.

            - May cho đồng chí rồi. Tôi là tiếp phẩm của đơn vị. Thế em của đồng chí tên là gì?

            - Tên Đạt, Nguyễn Bá Đạt- giọng Hoàng lạc đi vì mừng.

            - Thủ trưởng của tôi rồi. Quê Hà Bắc phải không ạ- anh ta đổi giọng lễ phép-Anh đạp xe chầm chậm theo tôi, chừng nửa tiếng nữa là tới. Chắc đói khát lắm rồi hả, ăn tạm cái bánh ít và uống nước nhé.

            Cuộc đời Hoàng dẫu sau này có cao lương mỹ vị cũng không thể ngon bằng chiếc bánh ít nhân dừa lúc ấy.

            Tối đó, anh em tay bắt mặt mừng. Hoàng đi ngủ sớm để mai hành quân tiếp. Giấc ngủ đến nhanh và sâu như liều thuốc bổ cùng với bữa cơm tối thịnh soạn làm cho Hoàng hồi phục rất nhanh. Hôm sau, ăn sáng xong, Đạt còn cho hai "vệ binh"lực lưỡng đi áp tải Hoàng qua khỏi vùng đất thuộc lãnh thổ Cam-pu-chia đề phòng lính Khơme đỏ gây khó dễ. Một "vệ binh" mặt non choẹt, quê Gia Lâm liến láu:

            - Thủ trưởng cứ đi giữa. Có bọn em thì Khơme đỏ chỉ có mà "xa-ma-khi" (đoàn kết) thôi. Hiếu- tên cậu ta- cho biết: bọn Khơme đỏ hồi này trở mặt dữ lắm, mình đi đơn lẻ nó xin mình đủ thứ, không cho là gây khó, có khi nó "thịt" luôn mình chỉ vì đôi dép râu.

            Thị trấn Tà Nông hiện ra khá sầm uất. Hoàng được dắt vào quán hủ tiếu của một người Tàu. Lại là chiêu đãi, nhưng không thể ngọt ngon bằng cái bánh ít nhân dừa chiều qua.

Nhà báo Hoàng Đình Chiến (bìa phải) và phóng viên ảnh Thanh Phàn (giữa) trong chuyến đi công tác Phước Tân (Châu Thành- Tây Ninh)

            Đang khổ sở vì ánh nắng chói chang của thị tứ vùng biên, Hoàng giật mình bởi bàn tay ai đó đập mạnh vào vai. Quay lại hóa ra là phóng viên ảnh Thanh Phàn. Hai người vào một quán nước mía. Phàn cho biết, Phạm Nhật Nam đang công tác cơ sở ở đây và sẽ đưa Hoàng đi liên hệ với đơn vị vũ trang tuyên truyền của Công trường 5, đơn vị vừa giải phóng Phước Tân, nơi Hoàng đang cần đến. Hoàng rủ Phàn cùng đi. Vừa có tin, vừa có ảnh, lại có bạn. Buổi chiều, Nam cho biết qua tình hình vận động bà con từ Phước Tân chạy sang Tà Nông trở về xây dựng lại nhà cửa, tiếp tục bám trụ làm ăn. Hiện tại ở Phước Tân không có dân, đa số chạy về Bến Cầu, Hòa Thành tránh địch phản kích. Nghe vậy Hoàng hơi thất vọng. Ý định từ ở nhà là viết về cuộc sống của Phước Tân sau giải phóng chẳng lẽ tan vỡ? Ngay tối đó, Hoàng và Phàn đến gặp lãnh đạo Đội Vũ trang tuyên truyền CT5. Nói thì có vẻ ghê gớm, thực ra Ban chỉ huy gồm những chiến sĩ còn khá trẻ, trẻ hơn Hoàng và Phàn nhưng rắn rỏi gió sương. Trong ngôi trường bỏ hoang, mấy anh em uống trà và bàn "kế hoạch tiếp cận" Phước Tân. Hoàng và Phàn xin "tị nạn" cùng đơn vị, vừa đảm bảo công tác, vừa an toàn và có cái ăn.

            Sáng sớm chưa rõ mặt người, sáu người cưỡi sáu xe đạp cắt rừng, cắt lộ đất tiến về Phước Tân (tên thường gọi là Tà-băng Rô-boong). Phước Tân là xã biên giới, vị trí quan trọng án ngữ đường xâm nhập của Việt cộng nên địch xây dựng thành Tiểu khu quân sự, trực tiếp chịu sự lãnh đạo của Chi khu Quân sự Tây Ninh. Giờ đây Phước Tân tan hoang, điêu tàn. Một đàn quạ hoang tao tác vút lên khi phát hiện bóng người. Không gian nặng mùi xuế khí, chết chóc. Thi thoảng dưới công sự nhô ra một phần thân thể lính cộng hòa đang thời phân hủy, bốc mùi nồng nặc. Trên đường trở ra thị tứ, cảnh tượng vắng vẻ bao trùm mặc dù phố xá nhà cửa vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều cửa hàng tạp hóa khóa cửa. Chợ búa không bóng người. Vài con chó nhà giờ trở thành chó hoang lặc lè thè lưỡi, cúp đuôi, đánh hơi tìm dấu tích.

            Ra khỏi thị tứ, Hoàng nhìn thấy vài vạt rau xanh, giàn bầu giàn mướp và mấy bóng người xa khuất. Cả đoàn quyết định tiến tới. Hóa ra đây mới là những người dân bám đất thực thụ. Những người mà Hoàng và Phàn cần tiếp xúc để tác nghiệp. Thế là hai phóng viên quên cả đói mệt, say sưa hỏi chuyện về đêm giải phóng lấy đồn, về cuộc sống hiện tại và dự tính mai này... Phóng viên ảnh Thanh Phàn cũng ra sức chụp rất nhiều kiều ảnh. Còn cán bộ "nằm vùng" Phạm Nhật Nam thì lên lớp để bà con yên lòng với cuộc sống hiện tại.

            Sau khi đi Phước Tân, Hoàng quay về bám lấy C.T5 để khai thác thêm những điển hình lập công của cán bộ, chiến sĩ công đồn. Cũng từ đầu mối này, Hoàng tiếp cận và gặp được nhiều nhân vật lý thú, nhất là được trực tiếp hỏi cung một số lính ngụy của Giang đoàn lính thủy đánh bộ Sài Gòn phản kích tái chiếm Phước Tân. Những gương mặt thất thần của kẻ bại trận khi Hoàng tiếp xúc đã gợi ý cho bài viết: "Những bộ mặt bạc nhược" sau đó.

            Lần đầu tiên làm phóng viên chiến trường của Hoàng là như vậy đó và dĩ nhiên đủ để lại nhiều dấu ấn khó quên.

Hoàng Đình Chiến
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2011