Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Những nhà báo - chiến sĩ Thông tấn vượt Trường Sơn


(12/05/2011 09:47:28)

Sau ba tháng đeo gạch leo đồi tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ để rèn luyện thể lực, ngày 4/4/1965, đoàn cán bộ VNTTX (nay là TTXVN) gồm 50 phóng viên, biên tập viên tin ảnh, điện báo viên, hăng hái lên đường vào Nam tăng cường cho TTXGP. Đoàn mang bí số A12- hộp thư 135B gồm 1 chi bộ Đảng lãnh đạo và Ban chỉ huy cuộc hành quân.

Vượt Trường Sơn đi cứu nước
            Những chiếc xe Zin khơ và Zin ba cầu biển đỏ (xe quân sự) chở đoàn quân Thông tấn chạy trên quốc lộ 1 giữa lúc đế quốc Mỹ dùng máy bay, tàu chiến đánh phá rất ác liệt các tỉnh ven biển miền Trung, trong đó trọng điểm là cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).

            Sau ba ngày đêm ngồi trong thùng xe, bị xóc như cua trong giỏ vì đường đầy ổ trâu, ổ voi, chúng tôi đến được làng Ho, nơi đặt trạm giao liên đầu tiên tại huyện Lệ Thủy, miền Tây tỉnh Quảng Bình. Chúng tôi được yêu cầu trút bỏ quần áo miền Bắc, tiền và vật dụng không cần thiết cho nhẹ đôi vai để vượt đại ngàn Trường Sơn vào Ông Cụ (tên căn cứ Trung ương Cục miền Nam, hay gọi là cứ R).

            Trong chuyến đi này, chúng tôi được trang bị khá đầy đủ. Mỗi người một ba lô cóc chất đầy quần áo, mùng, mền, tăng, võng và lương khô (gồm: ruốc thịt, đường sữa, trà, thuốc lá Thủ đô, Thăng Long, một cân muối), một hộp thuốc trị các bệnh thông thường, thuốc chữa rắn cắn, thuốc tím, bông băng... và không quên mang theo que rút dép và một bó quai dép cao su rất cần cho chuyến đi dài ngày.

            Đoàn còn được trang bị một số vũ khí như tiểu liên AK, cácbin, súng ngắn, dao găm, máy thu thanh bán dẫn, lưới đánh cá và vài bộ đồ cắt tóc.

            Những ngày đầu, chúng tôi đi bên Tây Trường Sơn, trên đất bạn Lào. Ngày ngày, cả đoàn lên đường từ 4-5 giờ sáng, có khi từ 3 giờ rưỡi, trời còn tối đen, phải bấm đèn pin để dò đường. Vai mang ba lô nặng như đeo đá mà đường thì toàn đèo cao, dốc đứng, người đi sau gần như ngửi gót chân người đi trước. Đi đến chồn chân mỏi gối. Năm ngón chân tấy máu, đau nhức...

            Qua đường 9 đã nhìn thấy những chú voi lực lưỡng cõng trên lưng mấy tạ hàng. Vài con thuyền độc mộc như những chiếc phao bập bềnh trên sông nước Xê-pôn. Trên đường thỉnh thoảng chúng tôi gặp một gia đình người Lào đi ngược chiều. Nam giới mặc quần xà lỏn, ở trần, trên vai khoác một vuông vải. Họ đều có nước da đồng hun, miệng ngậm tẩu thuốc tỏa khói xanh lơ.

            Mùa mưa đã bắt đầu. Những cơn mưa rừng như có chân chạy rào rào trên các tán cây. Hết mưa là nắng gắt. Nắng nóng như hơ lửa quanh người mà ai nấy cứ phải mím môi leo dốc. Cứ thế lên cao, cao mãi. Rồi lại phải lò dò từng bước trên những con đường mòn chênh vênh, một bên là núi cao, một bên là lũng sâu thăm thẳm. Nhìn ra bốn phía chỉ thấy núi lô xô như bát úp, trùng trùng điệp điệp một màu xanh thẫm. Xa xa, tiếng chim lảnh lót "khó khăn khắc phục...". Sâu hơn nữa vọng lại tiếng vượn hú dài.

            Ai nấy mồ hôi túa ra, ướt đẫm áo quần. Tôi thấy lưng mình muốn gẫy đôi còn đầu gối thì rung bần bật như lên cơn sốt rét. Đã có anh trong đoàn chặt cây làm gậy chống...

            Trời vẫn nắng tóe lửa và gió Lào hầm hập. Đất khô như rang. Đến trưa, anh Nguyễn Đức Chính, cán bộ nhiếp ảnh, say nắng nằm ngất bên đường. Rồi đồng chí Quận "già", sau gần một tháng thử sức, bệnh hen bắt đầu tấn công. Ban Chi ủy Đoàn họp và quyết định để đồng chí Quận ở lại.

            Hai tháng rưỡi vượt Trường Sơn, chúng tôi sống bằng gạo kho, nước suối, rau rừng. Chỉ được "nổi lửa" khi có lệnh với quy định: ngày giữ khói, đêm giữ lửa. Thật không gì sốt ruột bằng suốt một ngày hành quân vất vả, đi đến kiến bò trong bụng mà cứ phải chờ giờ nổi lửa, và không có gì cực bằng khi củi lửa nhom nhem (củi ướt), hăng-gô cơm đang sôi mà có tiếng máy bay!

            Đầu tháng 5, chúng tôi từ đường mòn chuyển sang đường xe thồ. Đường tương đối rộng và bằng phẳng dễ đi. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp một cái bản gần đường liền tạt vào đổi quần áo, muối... lấy gà, thịt rừng khô, bí, chuối xanh. Gặp sông, chúng tôi dừng lại giăng lưới bắt cá, mò trai, hến để có thêm chất đạm.

            Trời cứ mưa nắng thất thường. Khổ nhất là nấu cơm dưới cơn mưa tầm tã. Phải đốt quai dép để hơ nóng những cành khô sũng nước cho đến khi bén lửa cháy nhập nhèm. Có nhóm 4 người cởi trần giữ 4 góc ni lông để che bếp mới có được hăng gô cơm chín.

            Chúng tôi tiến dần vào căn cứ chiến lược Tây Nguyên. Vùng này là xứ sở của vắt: vắt đất, vắt lá, vắt kim cương... Cứ ngửi thấy hơi người là huơ vòi, cong mình lên búng, bám rất nhanh vào chân, vào mặt, vào cổ, chui vào nách, vào rốn mà hút máu. Chúng tôi phải lấy muối, thuốc lào, kí-ninh trộn vào nhau để bôi chân trước khi hành quân nhưng chỉ đỡ phần nào.

            Gạo ở vùng này rất thiếu. chúng tôi được lệnh lên "rẫy Cách mạng" nhận củ mì (sắn) để thay gạo. Cũng phải trèo đèo, leo dốc, qua sông hết nửa ngày mới đến nơi. Rẫy mì- do đồng bào dân tộc trồng cho cán bộ, bộ đội ăn- như cây rừng mọc hoang. Phải mất công phát quang lùm bụi mới vào bới được củ.

            Tiếp những ngày sau, chúng tôi liên tiếp vượt qua hai con sông, một bằng cầu phao, một bằng thuyền độc mộc. Phải lội một quãng mới tới bìa rừng. Trời mưa như trút nước, rừng tối đen như mực. Mọi người tranh thủ phát cây, căng tăng, mắc võng để ngủ lấy sức. Nửa đêm, đồng chí giao liên người dân tộc đến dẫn chúng tôi và một đơn vị bộ đội mang vũ khí nặng vượt đường, nơi ngã ba biên giới. Qua đường nhựa, gần một "ấp chiến lược", rồi đến đường đất đỏ dẻo quánh như kẹo mạch nha, lôi tuột cả dép. Hành quân mang nặng, riêng gạo mỗi người đeo trên dưới 10 kg (chặng đường này rất xa mới được lĩnh gạo). Đường bằng nhưng nắng nóng vì qua rừng dầu. Cỏ tranh cao lút đầu, rất dễ lạc. Đây là cuối khu 5, đầu khu 6, nơi bọn Phun-rô thỉnh thoảng phục kích để cướp ba lô, vũ khí. Do đó, chúng tôi chuẩn bị súng đạn, sẵn sàng chiến đấu. Sau mấy ngày đi trong cảnh hoang vu, không gặp bản làng, nương rẫy- trừ một đàn voi- chúng tôi qua thượng nguồn sông Xê-rê-pốc (thuộc xã Nam Đà, huyện Krông Na, tỉnh Đắk Lắk), nước chảy xiết. Rất mừng gặp được mấy nữ cán bộ công tác ở Ông Cụ ra. Hỏi thăm chừng thì được biết còn phải đi một tháng nữa.

            Đắk Lắc, Lâm Đồng thuộc cực nam Trung bộ, nơi cực kỳ gian khổ, thiếu thốn đủ thứ. Đoàn chúng tôi, thực phẩm mang theo đã cạn. Rất thiếu chất đạm và thèm chất tươi dù là một trái ớt chỉ thiên! Nhiều anh em sức khỏe giảm sút, bắt đầu sốt và "rụng" dần. Ngày nào cũng có người phải nằm lại trạm. Riêng có bác Đinh Thúy, Phó chủ nhiệm phân xã Nhiếp ảnh, ngoại ngũ tuần vẫn dẻo chân bước. Nhiều lần được lệnh nghỉ, kẻ ngồi, người nằm nhìn cây, nhìn trời thì bác cao giọng ngâm mấy câu thơ vui. Cái chất giọng Nam bộ pha với giọng Quảng Bình của bác khiến mọi người ôm bụng cười, quên cả mệt. Những ngày tiếp theo, chúng tôi vui mừng gặp được những đơn vị Quân giải phóng, những tốp nam nữ cán bộ từ trong "R" ra và theo họ nói thì đã sắp qua chặng đường gay go. Được trạm giao liên giúp đỡ, Đoàn quyết định dừng lại hai ngày, cử một tổ đi săn thú rừng. Rất may ngày thứ hai, tổ săn đã bắn hạ được một con trâu rừng (con min) nặng khoảng 7- 8 tạ. Thế là các tổ cử ngay người mang dao đi xả thịt gánh về. Các bếp đều đỏ lửa, ăn uống rả rích.

            Sang tháng 6, mưa dầm dề. Chúng tôi ba lần vượt đường 14, con đường nhựa dọc Tây Nguyên, nơi từng đoàn xe vận tải quân sự địch thường xuôi ngược.

            Sau hai tháng trèo núi, băng rừng, lần đầu tiên chúng tôi thấy vài mái nhà dân ven đường có ánh sáng đèn, có bóng dáng phụ nữ và trẻ em, sao mà ấm cúng, hạnh phúc!

            Những ngày đi trong vùng này- có thể là chiến khu Đ- chúng tôi đã nghe rõ tiếng súng các loại: đại bác, moóc- chê, tiểu liên; tiếng máy bay gầm rú trên đầu. Tiếp tục ba lần vượt sông Đồng Nai- vùng thượng nguồn- bằng loại thuyền ba lá, có lần dưới cơn mưa to mù mịt, trắng xóa mặt sông, không nhìn thấy bờ. Nhiều ngày đi trong mưa, ai nấy quần áo ướt sũng, khi bốc hơi mùi chua loét, còn đem hơ lửa thì mùi khét lẹt.

            Đến đây, đường đi đã bằng phẳng hơn, những khoảng cách giữa các trạm giao liên khá xa, lại toàn rừng le (loại tre gai, thân nhỏ, cành tỏa ra chi chít, đan vào nhau thành bụi rậm và thấp), vừa đi vừa cúi lom khom suốt ngày đau gẫy lưng, mỏi cứng cổ, thậm chí có chỗ phải bò. Qua sông Bé, chúng tôi nhanh chóng vượt lộ 22, lộ 13. Đến 16 giờ ngày 25/6/1965, chúng tôi đến trạm B41- địa điểm tập trung để chờ về TTXGP công tác. Ở đây không còn núi non trùng điệp mà trước mắt chúng tôi chỉ có ngọn núi Bà Đen (Tây Ninh) xanh sẫm. Đó là Cũng tại B41, chúng tôi được lĩnh gạo trắng, tha hồ ăn. Có khoản tiền bồi dưỡng, chúng tôi mua thịt, đường, sữa, trà, thuốc liên hoan, vui như Tết...

            Có thể nói, chuyến đi của Đoàn nhà báo-chiến sĩ Thông tấn khá thuận lợi vì trên đường Trường Sơn, không bị trúng bom hoặc đụng biệt kích lần nào. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đổ rất nhiều mồ hôi, chịu nhiều gian khổ, vượt không biết bao nhiêu núi cao, rừng sâu của Trường Sơn hùng vĩ mà trước đó không một ai hình dung nổi.

Phạm Nho Nghĩa
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2011