Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Chuyện 40 năm mới kể - Chiếc nồi “trên từng cây số”


(08/09/2011 13:30:45)

Cách đây không lâu, lục tìm những giấy tờ cá nhân để làm thủ tục nghỉ hưu, tôi tìm lại được cuốn nhật ký tưởng đã “theo chân” các bà đồng nát từ lâu. Đây là những ghi chép của tôi những năm kháng chiến chống Mỹ. Và thế là, bất giác tôi lục tìm gia tài chiến trường xưa, xem còn lại những gì. Ngoài những tấm ảnh đen trắng đã bị hoen ố, còn có một chiếc màn tuyn cá nhân màu xanh lá cây và một chiếc nồi nhôm quân dụng loại 10 lít (cả hai đều có xuất xứ Liên Xô cũ). Gặp lại kỷ vật chiến trường, ký ức ùa về trong tôi.

Cuối năm 1971, tôi lái chiếc xe Com-măng-ca GAZ 69 (do Liên Xô cũ chế tạo) đưa phóng viên vào chiến trường Quảng Trị. Trên đường đi, tôi nhặt được một chiếc nồi có cả nắp chia thức ăn trong một trận máy bay Mỹ ném bom vào phân xã và báo Quảng Bình (Xuân, một nữ phóng viên trẻ của báo Quảng Bình, đã bị bom Mỹ giết hại trong trận này). Tôi bỏ chiếc nồi lên xe; kể từ ngày đó nó theo tay lái tôi dọc ngang đất nước.
            Năm 1972, những ai có dịp cùng tôi ra vào chiến trường Quảng Trị, những lúc nằm chờ thông đường, thông tuyến, phải ăn những bữa cơm nấu vội đều thấy quý cái nồi. Lần tôi đưa anh thương binh Vũ Tín, phóng viên ảnh bị thương, từ Quảng Trị ra Hà Nội, nhờ có chiếc nồi này mà tôi và cô y tá đi cùng mới có điều kiện chăm sóc anh, lúc thì nấu cháo, khi thì đun nước sôi… thậm chí có khi còn dùng để lau rửa vết thương.
            Tôi nhớ lần cuối tháng 10/1972, khi tổ biệt phái của VNTTX tăng cường cho Bộ Chỉ huy mặt trận B5 rút quân về Hà Nội, cả đoàn hơn 10 người ròng rã từ Vĩnh Linh về Hà Nội mất 23 ngày đêm. Máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, có lúc nằm chờ thông cầu cả tuần liền, chiếc nồi là vật dụng không thể thiếu trong từng bữa ăn cho cả đoàn.
            Trở về từ chiến trường Quảng Trị, ngày 22/4/1973, nồi lại theo tay lái tôi 48 ngày đêm vượt Trường Sơn vào chiến trường mới, chiến trường B2 Miền Đông Nam bộ. Có một kỷ niệm, mà mỗi lần có dịp gặp anh Sáu Nghĩa cán bộ B2, chúng tôi hay nhắc nhở. Lần đó tôi, anh Thắng lái xe cùng anh Nghĩa đi nhận hàng viện trợ ở tận Bù Đăng – Bù Đốp (Bình Phước), cách cứ hơn 100km, xe bị mắc lầy giữa rừng, vì mải vật lộn với đầm lầy mong cho xe qua, nồi cơm nấu vội bị khê khét lẹt nhưng đói quá nên chúng tôi cố ăn. Trong khi ăn, tôi nói đùa: “Lái xe mà ăn cơm khê thì hay gặp tai nạn”, anh Sáu Nghĩa không tin. Không ngờ câu đùa của tôi lại nghiệm. Khi xe về đến rẫy Cần Đăng cách nhà hơn 10 m thì đụng phải xe tải quân đội, cả hai xe đều bẹp tai, vỡ thùng, may mắn mọi người đều vô sự.
            Ngày 30/4/1975- giải phóng Sài Gòn, nồi lại theo tay lái tôi về phố thị. Năm 1979 đất nước xảy ra cuộc xung đột biên giới phía Bắc, nồi lại theo tôi vào chiến dịch. Cái lần tôi và các anh Nguyễn Thành Phương, Phạm Tuấn Thành (PV Báo ảnh) cùng bộ đội ta truy đuổi tàn quân địch về bên kia biên giới, dọc đường tôi thấy một đống cá mè tươi, có những con rất to, ở cạnh cái ao và một con lợn khoảng 20 kg, tôi nhặt lên xe. Lúc các PV mải mê tác nghiệp, tôi kịp kho được một nồi cá đầy. Tối đó khi về đến phân xã Lạng Sơn, tuy đã muộn nhưng nhân có Phó Tổng Giám đốc Ba Dân từ Hà Nội lên thăm phân xã, chúng tôi có một bữa liên hoan ra trò.
            Năm 1986, tôi được cử lái xe chuyên trách cho Tổng Giám đốc Đào Tùng, nồi rời “công sở”, được tôi đưa về nhà. Mỗi lần xuân về tết đến, vợ tôi dùng nồi ấy để luộc bánh chưng.
            Năm 2000, khi chuyển chỗ ở, tôi không quên mang theo nồi về nhà mới. Nhưng rồi từ đó nó bị xếp lại, cho đến khi bất ngờ tôi tìm lại được cuốn nhật ký, như đã nói trên.
            Gần 40 năm đã trôi qua, ôn lại những quãng thời gian chiếc nồi “trên từng cây số” với mình, tôi nảy ra ý định phải viết cái gì đó về “người đồng hành” chiến trường, để nhớ về một thời hoa lửa.

Trương Đại Chiến
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2011