Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Chân dung nhà báo

Cơ duyên & sự khổ luyện


(12/07/2011 15:19:51)

Dân làm báo ở Quảng Ngãi và nhiều nơi gọi nhà báo thông tấn Nguyễn Đăng Lâm là "Nguyên soái". Không ít người lại gọi ông là "máy ủi chính hiệu Nhật Bản", "ủi" từ tin đến phóng sự, "ủi" từ ảnh sang truyền hình, lấn sân sang cả... ảnh nghệ thuật. Mà lạ thật, lĩnh vực nào ông cũng "chơi", không những"chơi được" mà còn "chơi ngon". Riêng với tôi, ông vừa là thủ trưởng vừa là người thầy, người anh nể trọng và gần gũi, gắn bó...

            

Trên từng cây số

            57 tuổi đời nhưng trông "nguyên soái" Đăng Lâm (ảnh) vẫn "máu lửa" lắm. Ngọn lửa nhiệt huyết với nghề báo trong ông vẫn bùng cháy như thời ông mới từ một báo vụ viên trở thành phóng viên của những năm đất nước mới thống nhất. Hơn 15 năm theo ông đi làm báo, chưa bao giờ tôi thấy Đăng Lâm chùn bước trước bất cứ một khó khăn nào trong hoạt động nghề nghiệp. Mưa lũ trắng trời, sạt lở núi, tắc đường, nắng hạn, đồng khô cỏ cháy... ông không ngại ngùng. Có lần, trong lúc lai rai với anh em, ông bảo: "Quảng Ngãi có 13 huyện, thành phố với 184 xã, phường, nơi nào mình cũng đã lội qua. Lội hoài nên quen! Khi có vụ việc xảy ra, tác nghiệp thuận tiện lắm".

            Mùa mưa lũ năm 2005, tại huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi) mưa lớn kéo dài gây lở núi làm chết người và chia cắt, cô lập Tây Trà, Đăng Lâm là một trong những nhà báo đưa tin về sự kiện này sớm nhất. Ông kể: "Thấy mưa lớn kéo dài, mình gọi điện hỏi thăm thì biết lở núi,

Bộ sưu tập giải thưởng

của nhà báo Nguyễn Đăng Lâm

 

* Giải A Giải báo chí quốc gia năm 2010 với chùm bài phản ánh "Lý Sơn- Bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa";

* Giải C Giải báo chí toàn quốc năm 2006 với loạt phóng sự về vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham ở Sơn Hà (Quảng Ngãi);

* Hai lần đoạt giải Nhì cuộc thi ảnh Khoảnh Khắc Vàng của TTXVN với hai phóng sự ảnh "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa" và "Sôi động ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất";

* Huy chương Đồng của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam năm 2010 trao cho tác phẩm "Bừng sáng Dung Quất";

* Nhiều năm liên tục đoạt các giải thưởng của Hội Nhà báo, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi.

* Tháng 8/2004, tổ chức triển lãm riêng về ảnh thời sự và ảnh nghệ thuật tại Quảng Ngãi

nên mình đến Ban chỉ huy PCLB Quảng Ngãi để quá giang xe lên Trà Bồng. Khi đến địa bàn xã Trà Lâm đường bị cắt đứt, ô tô không lên được, mình quyết định thuê xe Honda thồ ngược dốc Eo Chim. Mưa lũ, đường sạt lở nhiều đoạn, đến dốc Trà Lâm thì xe Honđa cũng đành chịu phép. Không còn cách nào khác, mình bám theo đồng bào dân tộc thiểu số lội bộ, cắt đường mà đi". Cánh phóng viên trẻ nghe kể chuyện chỉ còn biết... "chắp tay vái nguyên soái".

            Năm ngoái, nghe tin vùng biển Bình Hải (huyện Bình Sơn) lũ quét gây sạt lở đất, làm sập nhiều nhà ở của bà con làng chài, trong gió mưa bời bời, Đăng Lâm lập tức phóng xe máy vượt trên 40 cây số để về với làng chài nhỏ bé bị lũ xé toạc, dù lúc qua cầu Cháy nằm trên quốc lộ 1A thuộc xã Bình Hiệp, Bình Sơn nước lũ bắt đầu dâng cao.

           

Phóng viên Đăng Lâm trên đường tác nghiệp tại một huyện miền núi Quảng Ngãi

Niềm đam mê nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của người làm báo đã đưa dấu chân của nhà báo, nhà nhiếp ảnh Đăng Lâm in đậm trên mọi nẻo đường xuôi ngược của Quảng Ngãi. Riêng với huyện đảo Lý Sơn, quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã vâng mệnh triều đình giong thuyền ra khơi cắm mốc chủ quyền và khai thác sản vật từ nhiều thế kỷ trước... năm nào Đăng Lâm cũng có dăm bảy chuyến công tác. Ông thuộc lòng những lối đi, những xóm nhỏ và quen biết khá nhiều người trên đảo. Chuyện cây tỏi, cây hành, chuyện thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, hay những công trình trên biển đảo Lý Sơn... đều được ông đưa tin nhanh và chuẩn xác.

            Không chỉ bám thời sự, ông còn nhìn Lý Sơn từ chiều sâu, rằng trong lòng đất, lòng biển là sự can trường của những hùng binh, là sự hy sinh thầm lặng của người dân đất đảo Lý Sơn để góp phần bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - vùng biển, vùng trời Tổ quốc từ bao đời nay. Thế nên, những dịp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đất đảo, Đăng Lâm bao giờ cũng có mặt sớm. Ông gặp gỡ những bậc cao niên, nghe những giai thoại để hiểu hơn về công cuộc khai khẩn của các bậc tiền hiền, những chuyến vượt biển xa của các hùng binh để đến quần đảo Hoàng Sa đặt cột mốc và đo đạc thủy trình; về ý nghĩa của việc làm mộ gió để tưởng nhớ các hùng binh đã vong thân vị quốc; lắng nghe nỗi lòng của những người mẹ, người vợ có người thân đi làm nhiệm vụ không trở về được thể hiện qua từng lời hát ru còn mãi đến ngày nay... Đăng Lâm bỏ nhiều thời gian để trao đổi với những nhà nghiên cứu văn hóa địa phương rồi tìm đọc những tư liệu liên quan về đất đảo. Tất cả những điều đó là cơ sở, là chất liệu sống động và khoa học để ông hình thành loạt bài với chủ đề "Lý Sơn- bảo tàng sống động về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa" đăng trên báo Tin Tức trong tháng 5/2010, gồm ba bài viết: "Hệ thống vật thể, phi vật thể ở Lý Sơn", "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa- một lễ thức chỉ có ở Lý Sơn", "Đôi điều về tài liệu mới phát hiện ở Lý Sơn". Chùm bài này đã được trao giải báo chí năm 2010 của TTXVN và mới đây đoạt giải A thể loại tin bài phản ánh Giải báo chí quốc gia.

 

            Sự nỗ lực tự thân

            Không nhiều người biết, Đăng Lâm trước khi làm báo đã thoát ly theo cách mạng. Ông kể: "Hồi ở nhà học tới lớp đệ lục, tham gia hoạt động cơ sở rồi thoát ly, vào năm 1971 làm việc ở Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi". Năm 1972, Đăng Lâm được Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi cử đi học lớp báo vụ ở TTX Giải Phóng Khu 5, tổ chức tại miền Tây Quảng Nam. Sau khóa học thời chiến ngắn ngủi này, ông được điều động về làm báo vụ cho TTX Giải phóng. Những năm cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ, chiến trường Quảng Ngãi và Khu 5 khá ác liệt. Trong những cánh quân từ miền Bắc vượt Trường Sơn tỏa về đánh chiếm đồng bằng có những phóng viên chiến trường của TTX. Trước sức hút của những bản tin chiến sự, những tấm ảnh từ mặt trận gửi về, Đăng Lâm ước ao được làm phóng viên, được có mặt ở những điểm nóng, được là người chứng kiến và đưa tin về những sự kiện chiến trận. Vì lẽ đó, ông âm thầm tự học cách viết báo. Chính sự cần cù tự học từ các phóng viên đi trước trong những năm tháng ác liệt là xuất phát điểm để có một nhà báo Đăng Lâm như hôm nay.

           

Phóng viên Đăng Lâm trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam tại Quảng Ngãi

Đất nước thống nhất, Đăng Lâm được điều động về phân xã TTXVN tại Phú Khánh (trước đây gồm hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) làm báo vụ viên. Thời bình càng phải cố gắng học hành, Đăng Lâm tự nhủ như vậy rồi đi học bổ túc văn hóa từ lớp 7 và nhanh chóng hoàn thành chương trình phổ thông trung học, dự thi vào khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Phân xã Phú Khánh khi đó có 7 anh em, nhiều lúc bận rộn, Đăng Lâm cũng tham gia làm tin trong mảng thể thao và du lịch. Sự nghiệp làm báo của ông bắt đầu từ đó.

            Nỗ lực tự học tự làm, ngoài tấm bằng Đại học, ngoài những lớp bồi dưỡng ngắn hạn, Đăng Lâm còn tìm đọc những cuốn sách viết về nghề báo và trao đổi học tập các đồng nghiệp đi trước. Thời cầm máy ảnh cơ đòi hỏi phóng viên phải biết kỹ thuật buồng tối, Đăng Lâm lại theo học lỏm rồi sau đó tự mình in tráng phim, phóng ảnh. Cái nghề báo vụ trong chiến tranh đã cho ông sự cẩn trọng trong hoạt động nghiệp vụ để tránh sai sót. Thế là một báo vụ viên Đăng Lâm ngày trước trở thành nhà báo Đăng Lâm vừa thông thạo kỹ thuật buồng tối, vừa biết đánh mooc- xơ nên tin bài viết xong, sau khi được duyệt là Đăng Lâm trực tiếp đánh mooc- xơ gửi ra Hà Nội chẳng phải "phiền" đến kỹ thuật viên.

            Năm 1989, Nghĩa Bình (được thành lập 1976 gồm hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) tách tỉnh, Đăng Lâm được điều về làm Trưởng phân xã Quảng Ngãi. Mười năm sau, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Văn phòng đại diện TTXVN tại Đà Nẵng, kiêm Trưởng phân xã Đà Nẵng.

            Là một Trưởng phân xã kỳ cựu, nhưng Đăng Lâm vẫn viết tin bài, chụp ảnh ngày ngày, như những phóng viên bình thường. Rồi máy ảnh cơ, máy chữ lùi về dĩ vãng, công nghệ kỹ thuật số phát triển mạnh, Đăng Lâm không ngần ngại đi học cách sử dụng máy tính, cách truyền file, kỹ thuật sửa hình bằng photoshop... Vừa mới vài tháng trước đây thôi, ông mải mê học lớp nghiệp vụ truyền hình. Học xong là tác nghiệp ngay. Đến nay đã có khá nhiều tin, phóng sự được phát trên Truyền hình thông tấn, nghe nói cũng rất... ngon lành.

            Làm việc hăng thế nào thì khi "nâng lên đặt xuống" với anh em, ông cũng "hoành tráng" thế ấy. Chưa bao giờ Đăng Lâm không "đến nơi đến chốn". Chính sự giản dị, chân tình ấy đã khiến ông luôn nhận được nhiều sự nể trọng của bạn bè, đồng nghiệp.

            Đăng Lâm bộc bạch: " Nhận tin báo mình đoạt giải A Giải Báo chí quốc gia năm 2010 mình vui lắm! Nhưng ngẫm lại, những điều đã viết có thấm gì so với thực tế ở đất đảo oai hùng mà chắc rằng cả đời bỏ công tìm hiểu viết lách cũng chưa hết chuyện".

Đoàn Hữu Trung
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2011