Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Mùa hè đỏ lửa


(12/07/2011 15:46:08)

Con đường 13 (Sài Gòn - Lộc Ninh) giờ thật thanh bình với những rừng cao su ngút ngát, vườn điều xanh rười rượi. Nhưng trong chiến tranh, nơi đây là chiến trường ác liệt, nhất là trong mùa hè đỏ lửa 1972.

Các phóng viên - chiến sĩ Thông tấn đã có mặt ở nơi đây trong những ngày bom rơi đạn nổ ấy. Điều này được minh chứng qua một số trích đoạn của những bức thư - lời tâm sự - của các anh Hoàng Lượng, Đức Hoằng, những phóng viên tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ 1972 trên đường số 13 và Đình Khuyến, tại ĐBSCL thời gian đó.

 

            Thư đầu tháng 5/1972, phóng viên Hoàng Lượng tại Sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn 5- Quân giải phóng miền Đông Nam bộ gửi về Tổng xã cho biết:

           

Nhà báo - Liệt sĩ Nguyễn Đức Hoằng (trái) cùng tác giả tại Lộc Ninh, tháng 3/1974

"Sau chiến thắng giải phóng Lộc Ninh, quân ta bao vây chặt Hớn Quản và sẵn sàng đánh địch chi viện ứng cứu...

            "Hớn Quản do phần lớn Sư đoàn 5 quân ngụy Sài Gòn đóng giữ, một cứ điểm mạnh, có công sự hầm ngầm rất kiên cố, được hàng chục cứ điểm vòng ngoài bảo vệ, yểm trợ.

            Nhiệm vụ trước mắt của quân ta là tiêu diệt sinh lực địch, phải diệt gọn từng đơn vị, không cho địch chạy; thực hiện khẩu hiệu "Địch co ta kiên quyết tiến; địch viện ta kiên quyết diệt; địch chạy ta kiên quyết truy". Do đó, cuộc chiến đấu giữa ta và địch giằng co quyết liệt.

            Để phá thế vây ép, địch dùng xe tăng, đại pháo và máy bay B52 ném bom rải thảm xuống trận địa của ta trên đường 13. Chúng tung lực lượng dự bị chiến lược từ Biệt khu Sài Gòn ra và điều một số đơn vị thuộc Sư đoàn 9 bộ binh miền Tây Nam bộ lên phản kích. Trong khi đó, nhiều lữ đoàn dù, biệt động quân lợi dụng bom pháo mở đường, luồn lách đánh tạt sườn bộ đội ta hòng phá vây cho Hớn Quản..."

            Trong một lá thư, phóng viên Đức Hoằng tâm sự:

            "Đến sông Sài Gòn, tâm trạng nôn nóng. bộ đội ta ra quân như sóng nước dâng trào. Các trạm "thu dung" hầu như thất nghiệp. Được phân công đi công tác Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) Quân giải phóng miền Đông Nam bộ. Ta diệt Lộc Ninh quá nhanh. Chiến đoàn 52 quân ngụy, lá chắn phía Tây đường 13 phải lùi. Trung đoàn 209 của ta trong ba ngày thắng hai trận lớn. Đến phân đội 9- Trung đoàn 209 "cửa thép Nam Chơn Thành", một điển hình của chiến thuật "chốt-chặn" trên đường 13, dưới những trận bom B52 và những đợt phản kích của địch. Qua đó, nhận thấy tinh thần trách nhiệm của người phóng viên mặt trận đối với cuộc chiến.

            Với chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" thay màu da xác chết, đế quốc Mỹ lấy ngụy quân làm lực lượng tác chiến chủ yếu, coi lính dù là lực lượng dự bị chiến lược.

- Nhà báo - liệt sĩ Nguyễn Đức Hoằng sinh ngày 8/4/1942 tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Sau Hiệp định Paris năm 1973, đồng chí được cơ quan cử làm Trưởng phân xã Lộc Ninh. Tại đây, trên đường đi công tác bị địch phục kích, đồng chí đã hy sinh ngày 7/8/1974.

- Nhà báo Đình Khuyến, nguyên phóng viên TTXGP, nguyên Trưởng PX TP. Hồ Chí Minh, mất ngày 29/2/1992 trong một vụ tai nạn giao thông.

- Nhà báo Hoàng Lượng, nguyên phóng viên TTXGP, Trưởng phân xã đầu tiên của phân xã Lộc Ninh, sau là PV thường trú của TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh, hiện đã nghỉ hưu.

            Là con cưng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, lính dù được ưu tiên về trang bị, phương tiện và hỏa lực. Lữ đoàn dù 6 được điều từ Biệt khu Sài Gòn ra. Chiến đoàn dù 6 từ Vũng Tàu về đã mò lên đường 13. Quân ta chặn đánh chúng ở Núi Gió, ngăn chúng tiến vào Hớn Quản...

            (...) Sau những đòn tiêu diệt lớn của quân ta, tinh thần lính dù ngụy đã hoang mang, lẻ tẻ có hiện tượng đầu hàng, phản chiến. (...) Phải tiến công địch trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Cần khẳng định: "Việt Nam hóa chiến tranh nhất định thất bại".

            Trong bối cảnh ấy, phóng viên mặt trận Đức Hoằng đã viết một loạt phóng sự rất hấp dẫn làm nổi bật chủ đề này, được các báo Nhân Dân, Quân Đội nhân dân và Đài phát thanh hai miền Nam Bắc sử dụng. Đó là các bài: Cắm cờ quyết chiến quyết thắng trên căn cứ Tec-ních, Chiến đoàn 52 ngụy phơi xác trên đường 13, Chuyến bay cuối cùng trên bầu trời An Lộc, Hoàng hôn đen xạm trên vai người lính dù Sài Gòn, Đêm tối trời của Việt Nam hóa chiến tranh ở An Lộc ...

           

Bức thư của nhà báo liệt sĩ Đức Hoằng (TTXGP) gửi từ chiếân trường, tháng 5/1972

Trong khi ấy, phóng viên mặt trận Đình Khuyến được phân công đi theo Sư đoàn 5 Quân giải phóng và các đơn vị phối thuộc lùi sâu xuống vùng Đồng Tháp Mười - miền Trung Nam bộ mở chiến dịch Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh, tạo cục diện mới cho toàn chiến trường Nam bộ.

            Thư của Đình Khuyến viết đêm 23/5/1972 gửi về Tổng xã phản ánh tình hình: "Đánh hơi thấy quân chủ lực của ta đã tới vùng Bắc Tân Thành, Mộc Hóa, Kiến Tường, Mỹ Tho, kênh Dương Văn Dương, địch tập trung lực lượng gồm Quân đoàn 4, Sư đoàn 7, không đoàn 6, Liên đoàn 6 biệt động quân, có máy bay B52 và các loại máy bay khác yểm trợ, điên cuồng phản kích gây cho ta nhiều tổn thất. Tuy quân ta cũng tiêu diệt được rất nhiều địch nhưng chúng trám rất nhanh, có khi chỉ hôm trước, hôm sau là đủ quân số. Cho nên ta tuy tiêu diệt gọn tiểu đoàn địch nhưng không xóa được phiên hiệu của nó. Chẳng hạn Trung đoàn 12 của Sư đoàn 7- quân số chỉ 1200, dù đã bị ta tiêu diệt rất nhiều nhưng nó vẫn báo cáo còn 1200 lính.

            Trước tình hình đó, ta có chuyển hướng cách đánh... Phương hướng chiến lược vẫn không thay đổi, quyết tâm rất lớn, tiềm lực khá mạnh nhưng khó khăn cũng rất nhiều. Có lẽ những ngày tới là những ngày đọ sức quyết liệt..."

            Sau khi nêu lên một số sai sót trong việc Tổng xã đưa tin chiến sự ở vùng này, như địa điểm trận đánh, số liệu địch bị tiêu diệt, một trận thắng đưa thành hai, phóng viên Đình Khuyến đề nghị: "Các hoạt động chủ lực ở vùng T2 (Trung Nam bộ) sắp tới phải theo nguồn ở đây, địa phương chỉ được đưa tin lực lượng Khu, tỉnh, du kích thôi. Thà chậm nhưng không xẩy ra lầm lẫn đáng tiếc. Nếu tin nào ở nhà thấy cần tuyên truyền gấp thì nên báo cho tôi biết để tôi đề nghị các anh ở đây thẩm tra sớm".

            Cuối thư, Đình Khuyến bộc lộ tâm trạng của mình:

            "Không biết rồi đây sẽ thế nào chứ vừa qua chỉ lo chạy ăn, kiếm gạo muối, củi đuốc thôi. Như anh biết đó, tôi vẫn chủ trương là một phóng viên đi phải có thành phẩm gửi về. Thế nhưng làm ăn khi được khi không, có khỏe thiệt, nhưng thật xấu hổ. Bởi thế, vừa qua tôi có gợi ý với Khánh (điện báo viên) và anh Sáu H. (kỹ thuật viên) là đi tìm tân binh cho ở nhà và móc mua báo điểm về nhà. Cả hai vấn đề này, chiều nay các anh đã có điện trả lời. Tôi muốn làm một việc gì đó cho xứng tiền gạo Nhà nước cấp và xứng với lòng mong mỏi của các anh và cơ quan ở nhà..."

*

* *

            Suýt soát bốn thập kỷ đã qua kể từ "mùa hè đỏ lửa" 1972, TTXVN rất tự hào về phẩm chất anh hùng của những phóng viên mặt trận. Đó là những nhà báo - chiến sĩ không sợ hy sinh, dám vượt qua mọi gian khổ để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao và làm mọi việc để góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.

Phạm Nho Nghĩa
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2011