Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Chân dung nhà báo

Phương Hoa "sức sống Trường Sa"


(12/07/2011 15:28:08)

Những ngày giữa tháng 6/2011, khi chúng tôi đang tròng trành trên tàu HQ 996 cùng đoàn thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa thì Phương Hoa đón tin vui: Nhóm ảnh "Sức sống Trường Sa" đoạt giải B- giải cao nhất thể loại ảnh báo chí tại Giải báo chí Quốc gia 2010.

           

Là nữ phóng viên ảnh trẻ nhất của TTXVN đã hai lần đến Trường Sa, Hoa vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc" năm 2011. Những bằng khen, giải báo chí quý một thì tình cảm của bộ đội, của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân dành cho Hoa quý bằng mười. Họ gọi Hoa là em gái, là "thằng Hoa", là cô gái "giáp lá cà"- những cái tên thật thân thương mà ấm áp. Thân thương đến mức các chiến sỹ hải quân đội 47 - đảo Nam Yết đặt tên chú chó họ nuôi trên đảo là... Phương Hoa. Tình cảm thân thiết đó không phải phóng viên nào cũng có được trong cuộc đời làm báo của mình.

            Tôi còn nhớ năm 2010 khi Hoa lần đầu tiên ra cụm đảo phía Bắc thuộc quần đảo Trường Sa đúng vào mùa biển động dữ dội, chuyến tàu làm nhiệm vụ thay quân của Bộ tư lệnh Hải quân vùng 4 chỉ có duy nhất một phóng viên nữ. Trước đó, vì thời tiết xấu và nhiệm vụ của chuyến đi vô cùng khó khăn nên Bộ tư lệnh Hải quân đã ra chỉ thị chỉ có phóng viên nam mới được tham gia hành trình. Vậy mà Hoa đã xin bằng được Ban chỉ huy vùng 4 Hải quân cho Hoa tham gia chuyến đi với cam kết "đủ sức khỏe để chịu sóng cấp 9 cấp 10". Sóng to, xuồng tròng trành như muốn hất tung cô gái mảnh mai xuống biển, vậy mà Hoa vẫn quyết tâm trụ vững. Tàu ra Trường Sa đúng lúc sóng to, gió lớn lại giáp Tết nguyên đán nên vượt qua được sóng biển đã là một khó khăn, còn tác nghiệp để có hình ảnh "độc" của chuyến đi lại càng khó khăn hơn. Máy ảnh nặng cùng lỉnh kỉnh những phụ kiện đi kèm như trĩu xuống đôi vai gầy bé nhỏ, nhưng như có một sức mạnh kỳ lạ, sức mạnh của tình yêu nghề, của tình yêu Trường Sa giúp Hoa vượt qua mọi hiểm nguy để luôn trong tư thế sẵn sàng nâng máy, chớp lấy những khoảnh khắc đẹp nhất. Tin nhắn Hoa gửi về từ Trường Sa: "Chị ơi, 8 ngày rồi tàu không vào được đảo, em khắc khoải chờ ngày chạm chân vào đảo, thấy quý giá từng phút giây lên đảo tác nghiệp quá, lại nhớ bờ da diết, Hà Nội chắc đào, quất đã nở bung rồi nhỉ...". Đọc dòng tin nhắn mà mắt tôi nhòe lệ. Thương quá! Chỉ còn có 8 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán mà Hoa vẫn chơi vơi nơi đảo xa...

Mảnh mai, nhanh nhẹn, xông xáo và say nghề là hình ảnh nữ phóng viên trẻ TTXVN Phương Hoa đọng lại trong lòng các chiến sĩ bộ đội Trường Sa.

            Bộ ảnh "Sức sống Trường Sa" đã ra lò với những góc ấn tượng và cảm xúc của một nữ nhà báo trẻ trong hoàn cảnh tác nghiệp như thế. Tôi hỏi Hoa: Vì sao lại là "Sức sống Trường Sa" chứ không phải một cái tên nào khác? Hoa tâm sự "Khi ra tới Trường Sa, ấn tượng nhất với em là nụ cười của những người lính biển. Họ sống và chiến đấu nơi đầu sóng ngọn gió, thiếu thốn đủ thứ, từ thức ăn tới nước uống, làn da ai cũng rám đục màu nắng, mái tóc đỏ hoe vì sự mặn mòi của muối biển nhưng tình cảm chân thành họ trao cho khách tới thăm đảo là những nụ cười. Nụ cười lính đảo chứa đựng lòng chân thành, lạc quan, tinh thần chiến đấu quật cường nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Đó chính là Sức Sống!"

           

Cùng với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 trên tàu HQ-996 trong hành trình thăm Trường Sa

Những nhà báo được trao tặng Kỷ niệm chương 'Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc', ngay trên boong tàu HQ-996 ra Trường Sa, tháng 6/2011

Trở về sau chuyến đi bão tố, Hoa nói với tôi rằng: "Sóng gió Trường Sa như tôi luyện em, và khi em đã vượt qua những cơn say thì em thấy thích sóng hơn, càng đi càng thấy thích..."

            Hành trình ra cụm đảo phía Nam Trường Sa tháng 6 lần này, Hoa mang theo một niềm tin thật mãnh liệt: Được đặt chân lên những điểm đảo còn lại của Trường Sa, ghi lại bằng hình ảnh trọn vẹn tình cảm giữa hậu phương và người lính nơi hải đảo, ghi lại cảm xúc nóng nhất của chuyến tàu thứ 15 ra đảo trước mùa bão lũ đang ập về. Vừa lên tàu HQ 996, Hoa đã nhận được tình cảm đầy ắp của lãnh đạo Hải quân vùng 4. Đó là các sĩ quan hải quân Hoa đã từng gặp trong chuyến đi trước. Như con chim trở lại chốn quen, với chiếc máy ảnh trong tay, Phương Hoa chạy thoăn thoắt từ boong tàu lên xuồng, xuống xuồng ra đảo rồi bất cứ khi nào có sóng internet là cặm cụi mở máy tính phát tin, ảnh về đất liền.

            Trường Sa là nơi thiêng liêng, là nơi báo chí đã viết cũng như đưa hình ảnh rất nhiều, tìm được những góc ảnh riêng ấn tượng để thực hiện không phải là dễ, có những lúc thực hiện ảnh trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, những cơn mưa đổ ào xuống biển, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy diễn ra làm tàu tròng trành, chao đảo. Chống đỡ cơn say sóng để tỉnh táo đã khó, vật lộn với sóng để đứng vững và chụp ảnh không hề dễ dàng. Những lúc đó, Phương Hoa thật mạnh mẽ, quyết đoán trong xử lý công việc, liều mạng, xông xáo quyết chụp bằng được những gì cảm thấy cần phải chụp. Thế nhưng có nhiều góc ảnh, tôi đọc được trong đó những cảm xúc thật mềm mại mà chỉ nữ phóng viên ảnh mới có được.

Đến Trường Sa, Hoa hăm hở quan sát, chắt lọc và ghi lại những cảm xúc tràn trề của mình qua những bức ảnh mang đặc trưng của người lính biển trong phóng sự "Sức sống Trường Sa".

            Tôi vẫn nhớ như in ngày 5/6/2011 khi thực hiện hình ảnh trạm rađa tại đảo Trường Sa lớn. Để chụp được toàn cảnh, Hoa thoăn thoắt trèo lên nóc mái nhà trạm rađa, Hoa vừa trèo vừa hỏi "Các anh ơi! Ở đây có dây điện không để em còn tránh! Nếu điện giật em là em chết đấy!". Tôi ở dưới nhìn mà run, sự nguy hiểm rình rập khiến người ngoài thót tim, vậy mà Hoa vẫn mải mê chụp, tìm mọi cách để ghi lại hình ảnh trạm rađa lúc chiều tà. Khi Hoa "tiếp đất" an toàn rồi mà mặt tôi vẫn còn tái mét vì sợ. Tôi nể em vì sự liều mạng và xả thân cho nghề.

            Giữa cái nắng Trường Sa chói chang, hình ảnh cô gái tóc ngắn và chiếc ba lô máy ảnh trên vai sải bước chân theo đoàn thân nhân thăm đảo, len vào từng góc đảo chụp ảnh khiến nhiều con mắt dõi theo nể phục. Ít ai biết rằng, bộ máy ảnh nặng hơn 10kg đang trĩu nặng trên lưng cô gái nhỏ. Hoa đã từng nằm thiếp đi vì mệt ngay trên chiếc ghế tại đảo Trường Sa lớn với gương mặt sạm đi vì nắng gió biển khơi.

            Tôi biết Phương Hoa đi nhiều, đi khoẻ và thường xuyên đi tác nghiệp ở những vùng nguy hiểm, cứ hễ gọi điện hỏi: Đang ở đâu? Hoa lại báo cáo: Lào Cai, Sơn La rồi Hà Tĩnh, Đà Nẵng... Em như đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay vậy... Hoa nói: Hoa mơ ước phải đặt chân hết lên các đảo của quần đảo Trường Sa và Hoa cũng đã đi được gần hết các đảo trong chuyến đi Trường Sa lần này.

            Có đi cùng chuyến tàu với Phương Hoa ra Trường Sa tôi mới hiểu được bản lĩnh nghề nghiệp trong em. Giải B giải Báo chí quốc gia 2010 dành cho bộ ảnh về Trường Sa mà Hoa thực hiện có nhiều ý nghĩa nhưng ý nghĩa hơn cả là tình cảm, tình yêu nghề của Hoa gắn với Trường Sa. Hoa để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng chiến sĩ bộ đội nơi đảo xa cũng như hình ảnh cá tính của một nữ phóng viên TTXVN trong lòng Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân. Ai đã đi cùng tàu với Phương Hoa đều nhớ cô bé nhà báo ấn tượng này. Thượng tá Ngô Duy Đỗ - từng là đảo trưởng Đảo Song Tử Tây mà Phương Hoa gặp trong chuyến ra Trường Sa năm 2010, gặp lại Phương Hoa trong hành trình ra Trường Sa lần 2 khi ở vị trí Phó Tham mưu của lữ đoàn 146. Hai anh em Hoa - Đỗ ngồi uống trà trên boong tàu hàn huyên chia sẻ chuyện nghề, chuyện đảo xa mãi không thôi. Anh Đỗ cho biết: Hoa là nữ phóng viên ảnh mà anh rất ấn tượng về bản lĩnh của một nhà báo trẻ nhiều hoài bão và khát vọng. Bộ ảnh "Sức sống Trường Sa" là quà tặng tinh thần Hoa gửi đến bộ đội chiến sĩ nơi đảo xa.

Bích Vân
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2011