Thứ năm, ngày 25/04/2024

Chân dung nhà báo

Nhớ thương nhà tuyên huấn - nhà báo Phạm Dân!


(04/08/2011 17:39:01)

Ngày 14/7/2011, một đồng chí lão thành cách mạng, người con của vùng quê Gia Khánh, Ninh Bình nhưng đã có trên nửa thế kỷ gắn bó với Sài Gòn- Chợ Lớn và miền Nam Thành Đồng, một cán bộ lãnh đạo cấp cao của TTXVN sau ngày miền Nam giải phóng, cựu Phó Tổng Giám đốc kiêm Phó Tổng biên tập TTXVN Phạm Dân (tức Phạm Thận, Ba Hương) đã về nơi an nghỉ cuối cùng.

Dẫu biết rằng ra đi ở tuổi cửu tuần đã là thượng thọ và lễ tang của ông là hồng tang nhưng chúng ta không khỏi tiếc thương một cán bộ nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm dân vận, một nhà báo lớn...

            Nhà báo Phạm Dân sinh ngày 1/1/1922 trong một gia đình nghèo đô thị, được gia đình cho ăn học hết lớp nhất trường làng. Lớn lên, sớm giác ngộ cách mạng trong phong trào Mặt trận bình dân, phong trào Dân chủ Đông Dương và ông đã tham gia hoạt động cách mạng từ những tháng đầu năm 1945. Tháng 8/1945, ông cùng đồng bào giành chính quyền tại quê hương Ninh Bình và gia nhập Vệ quốc đoàn. Sau đó, ông được Đảng cử đi đào tạo khóa I trường Quân chính Việt Nam. Ra trường, ông được cử vào Nam bộ tham gia kháng chiến chống Pháp. Từ đó đến nay, trải qua nhiều vị trí công tác, lúc ở miền Bắc, khi tham gia kháng chiến miền Nam, ông luôn tỏ rõ khí chất của một nhà báo- nhà tuyên huấn- nhà quản lý có năng lực.

Nhà báo Phạm Dân (1922- 2011)

 

- Quê quán: Gia Khánh- Ninh Bình

- Năm 1946 làm Chánh Văn phòng Sở Thanh niên Bắc Bộ và được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Năm 1949 là Bí thư Đảng đoàn Hoa vận Xứ ủy Nam kỳ, Trưởng phòng Hoa vận Nam bộ, Tổng thư ký Hội Việt Hoa hữu nghị Nam bộ, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Trung ương.

- Năm 1951 là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Trung ương, Ủy viên Ban chỉ huy tình báo chiến lược trực của Trung ương Cục.

- Năm 1960 là Phó ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn.

- Năm 1962 là Ủy viên dự khuyết Khu ủy Sài Gòn, Trưởng ban Tuyên huấn

- Năm 1969 là Trưởng ban Đấu tranh chính trị- Trung ương Cục miền Nam

- Năm 1974 phụ trách Vụ Thành thị Ban Thống nhất Trung ương

- Tháng 11/1977 được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Phó Tổng biên tập TTXVN cho đến khi nghỉ hưu năm 1987.

            Hơn 10 năm công tác ở TTXVN, trên cương vị Phó Tổng Giám đốc kiêm Phó Tổng biên tập, nhà báo Phạm Dân đã cùng Ban lãnh đạo cơ quan vận động, động viên đội ngũ cán bộ phóng viên vượt qua khó khăn của thời kỳ đầu đổi mới và có những đóng góp xuất sắc trong việc xây dựng TTXVN trở thành cơ quan thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng, Nhà nước. Cùng với việc nghiên cứu chỉ đạo, định hướng nghiệp vụ, ông tranh thủ đi đến hầu khắp các phân xã trong nước, góp phần củng cố tổ chức, chỉ đạo nghiệp vụ cho cán bộ, phóng viên.

            Nhiều thế hệ phóng viên TTXVN, dù làm tin hay làm ảnh, dù ở Tổng xã hay phân xã, dù ở hậu phương hay tiền tuyến, dù trong nước hay nước ngoài... đều biết về nhà báo Phạm Dân, một người lãnh đạo, một đồng nghiệp, một người anh, một người thầy chan hòa, chân thành, tận tâm, tận tụy, nhân ái và giàu lòng vị tha. Nhiều vấn đề phức tạp và tế nhị nảy sinh trong thực tế công tác, Phó Tổng Giám đốc Phạm Dân bao giờ cũng có cách ứng xử "đắc nhân tâm", thuyết phục được sự đồng thuận của mọi người. Lớp phóng viên TTXGP trưởng thành trong chống Mỹ cứu nước luôn nhớ về Ba Dân như một người anh lớn, người cha chú với những tình cảm quý mến, trọng thị.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Dân (thứ hai bên phải) làm việc với phân xã Lạng Sơn ở mặt trận biên giới phía Bắc (1979)

            Chúng tôi may mắn được sống và công tác dưới sự chỉ đạo của ông, khi ông về TTXVN và phụ trách Văn phòng Đại diện tại TP. Hồ Chí Minh. Những cán bộ, phóng viên trẻ khi ấy đã dành nhiều tình cảm và sự khâm phục đối với ông, một người lãnh đạo có kiến thức uyên bác, có tài hùng biện, tác phong nhanh nhẹn, làm việc nguyên tắc, nhưng lại rất chan hoà, thương yêu, quan tâm đến mọi người.

            Đối với nhà báo Phạm Dân, viết báo là để thực hiện chức năng vận động, tổ chức quần chúng - hay nói cách khác chính nghề báo đã giúp ông hoàn thiện hơn nghề tuyên huấn. Làm báo và làm tuyên huấn, tuy hai mà một và ông đã vận dụng tài tình, kết hợp nhuần nhuyễn phương châm đó trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình.

            Trọn đời với cách mạng, trọn đời với công tác dân vận và công tác tuyên huấn, thông tin báo chí, kể cả thời kỳ đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu, ông vẫn chăm chú theo dõi từng bước trưởng thành của mỗi đơn vị, mỗi thành viên trong đại gia đình TTXVN. Đặc biệt, ông luôn theo sát bước tiến của Cơ quan Đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, nơi mà ông là một trong những người góp công xây dựng.

Nhà báo Phạm Dân được tặng thưởng:

- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng

- Huân chương Độc lập hạng Nhất

- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất

- Huy chương vì sự nghiệp Tuyên huấn

- Huy chương vì sự nghiệp Báo chí

- Huy chương vì sự nghiệp Thông tấn

- Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh

Và nhiều phần thưởng cao quý khác.

            Ở tuổi lão thành, ông cùng anh chị em đồng nghiệp thành lập Câu lạc bộ các nhà báo cao tuổi TP. Hồ Chí Minh và được mọi người tín nhiệm bầu là Chủ tịch. Ông động viên mọi người viết bài ôn lại những kỷ niệm về thời kỳ tham gia kháng chiến, tập hợp để in sách "Một thời làm báo". Đến nay đã được 8 tập và đang chuẩn bị ra tập thứ 9.

            Đi theo Đảng suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước, ông luôn chiến đấu và công tác với bầu nhiệt huyết của người đảng viên Cộng sản. Sinh ra trên đất Bắc nhưng ông đã có 60 năm gắn bó cuộc đời mình với chiến trường lửa đạn miền Nam. Suốt đời gắn bó với sự nghiệp báo chí, ông viết báo ở Hà Nội, ở Việt Bắc thời chống Pháp, viết báo ở Sài Gòn thời chống Mỹ, là chủ biên các tờ báo của Tuyên huấn khu Sài Gòn- Gia Định, là cộng tác viên tích cực của báo Đảng và các đoàn thể ở TP. Hồ Chí Minh.

            Ông là một tấm lòng, một trí tuệ, một cây bút nhiệt huyết cho đến lúc trái tim ngừng nghỉ...

Đình Thảo - Thanh Bền
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2011