Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Chuyện kể ở xứ Chùa Vàng


(04/08/2011 18:20:04)

Cách đây 65 năm, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bangkok đã là nơi Chính phủ ta đặt cơ quan đại diện ở nước ngoài đầu tiên, hình thành một trong những cửa ngõ để đất nước "đi ra" thế giới. Nhà báo Ngọc Tiến- Trưởng Phân xã TTXVN tại Thái Lan, đã ghi chép được nhiều điều thú vị về cơ quan đại diện này và một nhà báo Việt Nam nay là học giả được nể trọng ở nước bạn.

            Cơ quan thông tin đầu tiên của Việt Nam ở nước ngoài

            Đầu năm 1946, Văn phòng Phái viên Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được lập tại số 120 đường Sathorn Nuea tại Bangkok với tên gọi Phái viên quán, dù khi ấy Chính phủ Thái Lan chưa chính thức công nhận nước ta. Trong thời gian đó, Phái đoàn đã tập trung vào công tác ngoại giao, việc tiếp tế vũ khí cho kháng chiến trong nước và công tác kiều bào, đồng thời mở một cơ quan thông tin ở số 543 phố Silom. Trước ngôi nhà gỗ hai tầng được dùng làm trụ sở cơ quan đại diện có một tấm bảng to viết bằng tiếng Anh "Vietnam News Service" (Sở Thông tin Việt Nam). Khác so với 65 năm trước, hiện giờ Silom là khu phố thương mại và giải trí sầm uất, với dãy nhà bê tông được xây lên thay ngôi nhà gỗ đã bị phá bỏ. Số nhà này giờ vẫn còn mặc dù được phân tách thành các số 543/1, 543/2, cách đường Sathorn không xa lắm.

Một số cán bộ Sở Thông tin Việt Nam ở Bangkok (1946-1651)

            Đến thăm gia đình ông Châu Kim Quới - người từng làm thư ký Sở Thông tin Việt Nam, tôi được nghe ông kể: "Sở Thông tin Việt Nam ở Thái Lan là cơ quan quảng bá giới thiệu tin tức, sách báo, tạp chí và ấn phẩm tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Thái đầu tiên của Việt Nam ở hải ngoại. Tin tức của ta được chuyển từ nhà sang bằng morse và chuyển phát tới các cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế".

            Chịu trách nhiệm quản lý điều hành Sở Thông tin hồi đó ở Bangkok là Giám đốc Lã Vĩnh Lợi với tên gọi mới là Lê Hi, ông Lê Quang Lễ làm quản lý, ông Châu Kim Quới làm thư ký, trong sở còn có một số Việt kiều và thành viên khác. Dù nhân lực không nhiều, lại phải làm việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn cả về phương tiện và tài chính, nhưng Sở Thông tin vẫn hoạt động hiệu quả: In ronéo bản tin tức hằng ngày bằng tiếng Anh, tiếng Thái, viết tay in đá tờ Tin Việt Nam ra hàng tuần bằng tiếng Việt, viết bài đăng báo tiếng Anh và báo Thái khi cần lên tiếng phản đối sự vu khống của ngoại quốc. Thỉnh thoảng Sở còn in sách tiếng Việt như "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" của (cựu Tổng Bí thư) Trường Chinh, sách chữ Thái "Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch"; xuất bản quyển "Bài hát âm nhạc Việt Nam" (chép tay in ronéo).

            Phóng viêncủa các hãng Reuters, AFP... thường dùng các bản thông tin của ta tại Bangkok để gửi về nước họ, do họ không thể vào chiến khu Việt Bắc ở Việt Nam được. Anh em trong Sở còn làm nhiệm vụ đi phân phát tin tức bằng tiếng Anh và tiếng Thái cho các đại diện cơ quan thông tấn, báo chí và phát thanh quốc tế tại địa bàn.

 

            Từ nhà báo trở thành học giả

            Ông Châu Kim Quới có bí danh Hoàng Kim Quý, tên Thái là Thawi Sawangpanyangkoon, sinh năm 1926 ở Cần Thơ. Sau khi đỗ tú tài ở trường Lycees Pétrus Ký tại Sài Gòn, chàng thanh niên họ Châu được cử sang Bangkok năm 1946 làm Thư ký rồi quyền Giám đốc tại Sở Thông tin Việt Nam cho đến năm 1951. Khi ấy, khoảng một năm sau khi chính thức nhìn nhận chính phủ Bảo Đại, Chính phủ Vương quốc Thái Lan đã yêu cầu Phái viên quán và Sở thông tin Việt Nam ngừng mọi hoạt động.

Sở Thông tin Việt Nam, 543 phố Sỉlôm, Bangkok (1946-1951)

            Vì chính phủ thời đó ở Thái Lan đẩy mạnh bắt bớ người Việt yêu nước, Châu Kim Quới phải lánh nạn đến tỉnh Chiang Mai, chuyển sang dùng tên của người Thái và lập gia đình. Tại đây, Châu Kim Quới học và tìm hiểu về văn tự cổ Lanna, làm thầu khoán xây dựng, rồi tự túc sang Paris học tiếng Pháp, là người gốc Việt duy nhất được mời viết bia ký bằng văn tự cổ Lanna đã được dựng tại Đài tưởng niệm Tam vương, trong đó có Vua Ramkhamhaeng, ở Chiang Mai.

            Nhiều năm được mời giảng dạy về ngôn ngữ, văn hóa Lanna và tiếng Việt tại các trường Đại học Chiang Mai, Chulalongkorn, Mahidol, Silpakorn, Thammasat (ở Bangkok), ông còn là ủy viên Ủy ban nghiên cứu lịch sử Thái Lan qua các thư tịch Hán văn; đã phát hiện và tạo lập 20 phông chữ Thái cổ và phông chữ của các tộc Thái ít người, lập trình để có thể sử dụng rộng rãi trên máy tính; tìm hiểu và nghiên cứu về người Thái đen, người Chăm ở Việt Nam. Đặc biệt, ông đã khéo léo vận động một trường đại học có tiếng tại Thái Lan tài trợ phát hành Việt học, tạp chí song ngữ Thái-Việt mà ông vừa là tổng biên tập vừa là người trực tiếp viết bài kiêm trình bày, thiết kế. Việt học ra số đầu tiên vào năm 1997, mỗi năm 3-4 số, đã nỗ lực giới thiệu văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán, lịch sử Việt Nam, về Bác Hồ và các nhà lãnh đạo của nước ta; tạp chí đã có tác dụng tốt đối với con em kiều bào, sinh viên Thái Lan học tiếng Việt và những người Thái muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Việt Nam và cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan.

            Tháng 11/2008, Châu Kim Quới được Viện Hoàng gia Thái Lan bổ nhiệm làm thành viên một ủy ban có trách nhiệm tìm hiểu, quy định quy luật chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Thái, giúp đồng bộ hóa việc phiên âm tiếng Việt trong tất cả các loại sách, truyện, văn bản... viết bằng tiếng Thái ở xứ Chùa Vàng. Những công trình nghiên cứu của học giả Châu Kim Quới có ý nghĩa lớn đối với ngành ngôn ngữ học và sử học ở Thái Lan.

            Với những thành tích nổi bật trong việc tham gia, đóng góp, giúp đỡ đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gia đình học giả Châu Kim Quới vừa được Nhà nước ta trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và bản thân ông được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Ông cũng đã được Bộ Ngoại giao tặng Bằng khen vì có đóng góp tích cực trong việc truyền bá tiếng Việt, giữ gìn văn hóa Việt Nam, và Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Huy chương vì sự nghiệp Thông tấn vào năm 2003.

Ngọc Tiến
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2011