Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Cuộc hội ngộ sau gần 40 năm


(11/10/2011 08:55:50)

Vào một ngày tháng 8/2011, ở chân dãy núi Duy Xuyên (Đà Nẵng) - nơi trong nhiều năm, nhiều giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từng là địa bàn "đóng chân" của Đặc Khu uỷ, Bộ Chỉ huy Quân sự và các cơ quan Đặc khu - đã diễn ra lễ truy điệu 5 liệt sĩ là cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà.

 

Bài và ảnh: Văn Sơn

Quang cảnh lễ truy điệu

Nhà báo Dương Đức Quảng và đ/c Ngô Anh Văn, Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại Đà Nẵng viếng các liệt sĩ

Đưa các Anh về với đất Mẹ
            Cách đây gần 40 năm, đêm ngày 21 rạng ngày 22/5/1972, một loạt bom B52 đã rải trúng cơ quan Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà ở vùng núi này, 10 đồng chí hy sinh, nhiều đồng chí bị thương... Lúc đó, Cơ quan chỉ tìm thấy thi thể 5 đồng chí và đưa đi chôn cất. Còn 5 đồng chí khác hy sinh trong hang đá, bị những khối đá lớn hàng mấy chục tấn đè nặng vẫn nằm lại đó. Đó là các đồng chí Hoàng Kim Tùng, quê Quảng Trị, Bí thư Chi bộ tiểu ban Tuyên truyền báo chí; Hoàng Quốc Thăng, quê Hải Dương, người phụ trách đài minh ngữ Thông tấn xã Giải phóng Quảng Đà; Võ Công Thu, quê Đại Lộc, Quảng Nam, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng; Nguyễn Bá Tiệp, quê Hà Nội và Nguyễn Vinh (không rõ quê quán). Anh em đồng đội vô cùng xót xa, nhưng lực bất tòng tâm...
             Chiến tranh đã lùi xa, ai cũng phải lo toan chuyện công tác, việc gia đình, nhưng mỗi lần gặp nhau, nhìn về phía núi, những cán bộ Đặc khu năm xưa đều thấy mình như còn mang món nợ với những người đã khuất. Năm 1992, một số anh em cùng nhau trở lại chiến trường xưa, cố tìm cho được nơi các đồng đội thân yêu đã ngã xuống. Hai mươi năm đã qua, cảnh vật thay đổi quá nhiều. Cuộc về nguồn với bao nhọc nhằn, đành chấp nhận dừng ở một điểm mà mọi người tin là không xa nơi đồng đội đã nằm xuống. Một tấm bia được gắn ở đó, 5 nắm đất được lấy để vào 5 chiếc quách gỗ nhỏ, trân trọng đặt tại 5 ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn. Thời gian qua đi, nỗi nhớ niềm thương những người đã hy sinh ngày càng da diết.

            Gần 20 năm nữa trôi qua, thể theo nguyện vọng của gia đình các liệt sĩ và các đồng chí nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà, ngày 20/5/2011, Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Đặc khu Quảng Đà có công văn gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Đà Nẵng đề nghị khai quật, tìm đưa hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong hang đá về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ.

            Hơn hai tháng sau, ngày 22/7/2011, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng tiến hành công tác khai quật. Những người tham gia đã dùng một lượng thuốc nổ TNT trên 100kg, đánh bật tảng đá lớn để phát lộ miệng hang. Sau đó, 10 thợ đá thủ công đã miệt mài không quản ngại ngày đêm, phá từng viên đá di chuyển ra khỏi hang, mong sớm tìm được hài cốt các liệt sĩ. Sau hơn 10 ngày lao động vất vả, hài cốt các bác, các chú đã được tìm thấy, tuy không còn nguyên vẹn, nhưng cũng đáp ứng được phần nào lòng mong mỏi của người thân, của các đồng chí, đồng đội.

            Trong buổi lễ truy điệu trang trọng hôm ấy, không ai cầm được nước mắt khi vợ liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, bà Phan Thị Thọ (74 tuổi, từ Quảng Trị vào) nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: Núi Hòn Tàu ơi! Đất Quảng ơi! Hãy chứng giám cho sự hội ngộ ân tình này. Non nửa thế kỷ đã đi qua, chúng tôi đã phải sống ở hai đầu nỗi nhớ, xa cách muôn trùng, đâu dám mơ đến phút hội ngộ âm dương thiêng liêng này!

 

 
  
            Chuyện kể thêm về cuộc tìm kiếm
Vợ và cháu nội liệt sĩ Hoàng Kim Tùng tại lễ truy điệu

Nhà báo Dương Đức Quảng (giữa- nguyên phóng viên TTXGP) vô cùng xúc động khi nhận ra tấm vải dù mà anh đã gửi đ/c Hoàng Quốc Thăng nhờ mang hộ về Bắc tặng cha mình, nhưng chẳng may đ/c Thăng đã hy sinh trong đêm định mệnh ấy, vì thế, tấm vải dù đã nằm lại Hòn Tàu trong suốt gần 40 năm qua

Trong quá trình khai quật đã phát hiện một số hiện vật gắn liền với quá trình hoạt động của các liệt sĩ, trong đó có chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Orient và chiếc bàn gõ manip vốn là vật "bất ly thân"của chiến sĩ báo vụ Hoàng Quốc Thăng. Thể theo nguyện vọng của con trai liệt sĩ xin được nhận hai hiện vật quý giá của cha mình về gia đình bảo quản, đ/c Nguyễn Đình An, nguyên lãnh đạo Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà trao các vật dụng của liệt sĩ Hoàng Quốc Thăng cho anh Hoàng Quốc Nam tại lễ truy điệu

            Trong kháng chiến chống Mỹ, một số cơ quan được trang bị điện đài. Đài gồm máy phát điện 15W quay tay và một bộ phận phát tín hiệu moóc-xơ. Anh em báo vụ thu phát tín hiệu, ghi lại, đánh đi bằng chữ theo mật mã. Bộ phận cơ yếu có nhiệm vụ giải mã các bản ghi đó. Riêng VNTTX tại Khu 5 (lúc đó là một bộ phận của Ban Tuyên huấn) có đài minh ngữ tức là thu phát trực tiếp bằng tín hiệu moóc-xơ, dịch ngay thành chữ, bởi nội dung là những tài liệu công khai. Cho đến năm 1968, chỉ có TTX thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5 mới có đài minh ngữ. Tin tức, bài vở của các tỉnh muốn chuyển cho TTXGP phải gửi bằng đường giao liên về TTX Khu 5, từ đó mới được phát cho Tổng xã, nên rất chậm, có khi thất lạc.

            Sau Mậu Thân, do tầm quan trọng của Mặt trận Quảng Đà, VNTTX cử một bộ phận có đem theo đài minh ngữ vào mặt trận này. Sau một thời gian bị địch đánh phá ác liệt, đồng chí Đinh Trọng Quyền, Trưởng phân xã, bị thương nặng, đành cùng cả bộ phận đi ra Bắc. Theo đề nghị của Đặc khu ủy Quảng Đà, Trung ương chi viện cho Quảng Đà một đài minh ngữ để phục vụ hoạt động của VNTTX, nằm ngay trong Ban Tuyên huấn.

            Với kỹ thuật hiện đại, địch dễ dàng dò theo các tín hiệu của các đài này xác định được tọa độ nơi đặt máy, cũng là địa điểm cơ quan sử dụng máy. Đài mật ngữ thì nhiều, nên dù có biết tọa độ cũng khó biết là đài của cơ quan nào. Còn đài minh ngữ thì chỉ VNTTX mới có nên xác định được ngay vùng cơ quan Ban Tuyên huấn đóng.

            Cái đêm định mệnh 21 rạng sáng ngày 22/5/1972 ấy, có một cuộc họp Ban Tuyên huấn Đặc khu. Kết thúc cuộc họp, đội chiếu bóng chiếu phim phục vụ anh em từ các huyện về. Đang chiếu thì có một loạt bom nổ không xa lắm. Anh Trần Văn Đán, lúc ấy là Phó Bí thư Đặc khu, chỉ thị dừng chiếu, ai nấy về hang của mình. Một giờ đêm, một loạt bom B52 đã giáng trúng cơ quan Tuyên huấn, tiếng nổ cực lớn, mặt đất rung chuyển, bụi đá rào rào mù mịt, cây cối đổ rạp ngổn ngang. Một số người không trúng mảnh nhưng sức ép bom làm quần áo bay đâu mất (sau này gọi là bị thương không thực tế).

            Sau trận bom, 10 đồng chí hy sinh và rất nhiều người khác bị thương. Trong số 10 liệt sĩ có anh Hoàng Quốc Thăng, tên khai sinh là Hoàng Văn Đáo, phụ trách đài minh ngữ và anh Võ Công Thu. Cả hai đều thuộc TTXGP.

            Trong thời gian làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, câu chuyện về 5 đồng chí hy sinh trong một hang đá, bị những khối đá lớn đè lên hài cốt đã được tôi nhiều lần nhắc đến khi trao đổi với người Mỹ về tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Việc tìm cho ra nơi các đồng chí hy sinh luôn canh cánh bên lòng tôi như một món nợ tâm linh. Năm 1992, anh em chúng tôi đã quyết định sẽ tìm về nơi các đồng chí đã hy sinh gắn một bia tưởng niệm tại đó và lấy những nắm đất ở đó đưa vào các hòm gỗ nhỏ về đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn.

            Rất tiếc là địa hình, địa vật thay đổi và những người đi làm công việc này không có đủ điều kiện nên tấm bia được đặt ở một vị trí không thật chính xác nơi các đồng chí hy sinh.

            Năm 2009, theo nguyện vọng của gia đình liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, Báo Đà Nẵng, các bạn chiến đấu của anh Tùng, con trai, con dâu và cháu nội của anh đã lên núi Hòn Tàu. Chuyến đi rất vất vả nhưng cũng chưa tìm được chính xác địa điểm.

Chiếc máy ảnh của Tiểu ban Tuyên truyền giao cho đ/c Hoàng Kim Tùng sử dụng đã tìm thấy tại nơi các anh hy sinh
Chiếc máy phát điện quay tay 15W- phương tiện bất ly thân của liệt sĩ Hoàng Quốc Thăng, phụ trách đài minh ngữ của TTXGP Quảng Đà

            Năm 2010, chúng tôi lại được tin cháu Hoàng Văn Nam, thiếu tá quân đội, con trai liệt sĩ Hoàng Quốc Thăng, đã xin xuất ngũ đi tìm mộ cha và vào đến Quảng Nam, lội khắp nhiều vùng, hỏi han nhiều người mà vẫn chưa có kết quả. Điều này càng thôi thúc Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà và các chiến hữu của anh Tùng, anh Thăng tiếp tục tìm kiếm.

            Tính ra, từ tháng 7 năm ngoái đến ngày hôm nay, anh em đã có 10 lần trở lại núi Hòn Tàu, băng rừng lội suối. Có lần đoàn đi có tổ chức. Nhiều lần, một số anh tự đi. Có chuyến được tổ chức lo việc xăng xe, ăn uống. Còn đa phần anh em tự lo. Nhiều đồng chí tuổi cao sức yếu nhưng rất hăng hái, vẫn quyết tâm tìm bằng được thi hài đồng đội.

            Thật may mắn và cũng nhờ sự phù hộ của những đồng chí đã hy sinh, cuối cùng việc làm của chúng tôi đã có kết quả.
 
                                                                                                              Lê Xuân Thành (ghi theo lời kể của
                                                                                                  ông Nguyễn Đình An, nguyên Phó Chủ tịch
                                                                                          tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, Trưởng ban liên lạc
                                                                                                             Ban Tuyên huấn Đặc khu Quảng Đà)

Theo Nội san Thông tấn, số 9/2011