Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Chuyện “lò” Thông tấn “luyện” phóng viên ảnh thời chiến (Tiếp theo và hết)


(28/02/2012 15:38:43)

Những nguyên tắc đơn giản có giá trị lâu bền

         Khi chúng tôi học tới bài Ảnh tin tức - một thể loại chủ đạo của ảnh thông tấn- thì thầy Nguyễn Văn Phú nhấn mạnh:

Tổ ảnh quân sự TTXVN năm 1970 (từ trái sang): Văn Bảo, Chu Chí Thành, Phạm Văn Hoạt, Nguyễn Xuân Lâm, Lương Nghĩa Dũng, Đinh Hữu Thứ
    - Nguyên tắc cơ bản của ảnh thông tấn là tính chân thật. Ảnh muốn đạt được tính chân thật thì phóng viên phải làm gì?

Ông nhìn lớp học rồi mỉm cười (tôi vẫn nhớ nụ cười ấy với dáng cao gầy của ông), nói tiếp:

      - Phóng viên (PV) phải có mặt tại hiện trường, tức là nơi xảy ra sự kiện, sự việc. Ở đấy mình phải biết lựa chọn đối tượng, góc độ chụp ảnh và thời cơ bấm máy thích hợp. Làm sao bức ảnh thể hiện được đúng bản chất của sự kiện xẩy ra, tránh chụp bù, chụp đuổi, tránh dàn dựng kiểu xi nê...

       Lời giảng ngắn gọn, đơn giản ấy được rút ra từ thực tế cầm máy của ông, làm cho học viên dễ hiểu, tiếp thu được ngay.

            Lớp chúng tôi là khóa 7, có Đinh Dệ hy sinh bên dòng sông Ba (Quy Nhơn), gần quê anh; có Bùi Hoàng Chung bị địch bắt giam ở nhà tù Phú Quốc, trong đợt trao trả tù binh mùa xuân 1973 ở sông Thạch Hãn, Quảng Trị, tôi và Trần Mai Hưởng đang làm tin, chụp ảnh, được đón anh ở đây. Khóa 6 trước đấy thì có Lương Nghĩa Dũng (hy sinh ở Quảng Trị năm 1972) và Hứa Kiểm, Vũ Tạo ở ngoài Bắc, ba người thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội là mũi chủ công đi các chiến dịch lớn. Kế tiếp có Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng, Toàn Phong... vào Nam và gần 100 người nữa trải khắp các chiến trường. Lớp cuối cùng trong chiến tranh là GP 10 (1972). GP là viết tắt của chữ Giải phóng. Các lớp này những năm ấy đều học ở Hà Tây, được bà con huyện Quốc Oai đùm bọc. Nguyên tắc tính chân thật của ảnh đã thành luận điểm quan trọng được giảng trong 10 khóa học ấy và các khóa sau này nữa.

            Thầy Phú lại đặt câu hỏi rồi tự trả lời: - Sự thật của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta là gì? Là Mỹ đổ quân vào miền Nam, bắn giết dân ta, là Mỹ ném bom phá hoại ở miền Bắc. Bởi vậy có một sự thật nữa là nhân dân hai miền Nam Bắc phải cầm súng đánh Mỹ, giết giặc trừ gian. Miền Bắc chi viện cho miền Nam hàng ngày, hàng giờ... Ảnh phải nói được thực tế đó, phải nói được chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta.

            Thế là ông đã hé lộ con đường chúng tôi phải đến, phải đi và phải làm. Có mặt tại hiện trường, tức là PV ảnh phải đi tới các nơi đang xảy ra chiến sự, bất kể nắng mưa, bom đạn, đi B (miền Nam), đi C (Lào), đi K (Campuchia)... Đó là điều tuổi trẻ chúng tôi đang háo hức. Khi lên đường công tác, người thì tới cánh đồng 5 tấn Thái Bình, người thì theo các đoàn vận tải dọc Trường Sơn, người thì chốt lại với các đơn vị pháo cao xạ và thanh niên xung phong ở các trọng điểm giao thông từ Bắc chí Nam, người thì bí mật bám sát các đơn vị tấn công địch ở Tây Nguyên, đường 9 - Nam Lào, Đông Hà, Quảng Trị, người thì áp sát Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang... Trong chiến tranh, giữa nói và làm, giữa học và hành không xa, hôm nay còn ở hậu phương an toàn, ngày mai đã dấn thân vào khói lửa. PV ảnh luôn luôn ở trong "mắt bão" của cuộc chiến.

Nguyên tắc tính chân thật của ảnh thông tấn báo chí mà thầy Nguyễn Văn Phú giảng dạy học viên chúng tôi năm ấy, không phải là của riêng ai, mà đó là yêu cầu của Đảng, của báo chí cách mạng Việt Nam. Nhìn rộng ra đó là yêu cầu của mọi nhà nhiếp ảnh chân chính trên thế giới. Robert Capa (1913 - 1954) người Hunggari, quốc tịch Hoa Kỳ; Larry Burrows (1926 - 1971) người Anh; Henri Huet (1927 - 1971) người Pháp; Hiromichi Mine (1940 - 1968) người Nhật... cũng vì sự thật cuộc chiến tranh giải phóng của Việt Nam mà ngã xuống trên mảnh đất Đông Dương xa lạ nhưng quật cường và bất khuất.

     Vậy mà gần 40 năm sau cuộc chiến, lại có người nhận định sai lầm về ảnh chiến tranh và những nhà nhiếp ảnh đã đội bom đạn để chụp ảnh: "Nhà nhiếp ảnh Việt Nam hầu như chỉ chụp được ảnh trước và sau các trận đánh, chân dung người lính khi kẻ địch chưa xuất hiện...". Phải chăng tác giả bài tham luận không được đào tạo qua "lò" Thông tấn và cũng chưa ra trận chụp chiến sự bao giờ nên mới viết như vậy? Có lẽ ông không biết đến các bức ảnh ở miền Nam như Đánh chiếm căn cứ Đầm Dơi - 1963 của Trần Bỉnh Khuôl, Chống càn ở Củ Chi của Dương Thanh Phong, 1966, Tải đạn ra chiến trường, 1970 của Lê Chí Hải, Tổng tấn công Tết Mậu Thân tại Sài Gòn của Lâm Tấn Tài, 1968 ... Rồi hàng loạt ảnh của Lương Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, Hồng Thụ ghi lại các trận đánh ác liệt ở mặt trận Quảng Trị, Đường 9 - Nam Lào, Khe Sanh, Dốc Miếu, Đông Hà... những năm 1971, 1972.

Trong cuộc chiến này, hầu hết các PV ảnh của TTXVN đều là học viên được Phòng nghiệp vụ thông tấn đào tạo, đều là học trò trực tiếp của thầy Nguyễn Văn Phú (dạy ảnh) thầy Nguyễn Mạnh Hào (dạy tin) trong đó có hơn 40 nhà nhiếp ảnh, kỹ thuật viên ảnh đã hy sinh. Họ ngã xuống chỉ vì muốn phản ánh sự thật anh hùng của quân và dân ta, vạch trần sự thật tàn bạo của đế quốc Mỹ mà thôi.

            Chính nhờ sự hy sinh xương máu của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam và một số nhà nhiếp ảnh thế giới, chúng ta mới có được hàng ngàn bức ảnh thời sự mang giá trị lịch sử lớn lao, góp phần cổ vũ nhân dân ta vững bước tiến lên, góp phần làm cho bạn bè thế giới tin tưởng Việt Nam tất thắng, ra sức ủng hộ Việt Nam, phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ. Tính chiến đấu, tính nhân văn của ảnh là ở đấy.

            Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam trong chiến tranh đã làm trọn bổn phận của mình. Những bức ảnh họ để lại đã thấm đầy máu và nước mắt của những người trong ảnh và cả của người chụp ảnh. Nhân dân - chính nhân dân và những người con ưu tú nhất của nhân dân xông ra tiền tuyến, đã xốc các nhà nhiếp ảnh dũng cảm đi lên, ngẩng cao đầu ghi lại những phút giây hào hùng của dân tộc. Và đằng sau những bức ảnh ấy, không thể không nói đến công lao của những người thầy ở Phòng nghiệp vụ thông tấn. Họ là những người thầy không thuộc ngành sư phạm, nhưng cống hiến của họ là vô giá.
Chúng tôi, những nhà báo trưởng thành trong chiến tranh, vô cùng biết ơn những người đi trước đã truyền nghề, truyền lửa cho lớp sau; và điều quý giá nhất là các thầy đã rèn cho chúng tôi nhân cách của PV ảnh chân chính yêu nước.

Chu Chí Thành
Theo Nội san Thông tấn, số 02/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Xùn Nhâm Thìn kể chuyện con Rồng (17/01/2012 13:31:22)

Nhớ Lương Nghĩa Dũng - Tay máy với những bức ảnh rực lửa anh hùng (17/01/2012 12:09:02)

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà báo Wilfred Burchett: Người nhảy vào lửa để tìm ra sự thật (22/11/2011 15:12:37)

Phân xã La Habana: 45 năm ấy, biết bao nhiêu tình (22/11/2011 15:08:43)

Minh Trường - nhà nhiếp ảnh thế hệ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" (11/10/2011 09:28:18)

Cuộc hội ngộ sau gần 40 năm (11/10/2011 08:55:50)

Chuyện 40 năm mới kể - Chiếc nồi “trên từng cây số” (08/09/2011 13:30:45)

Chuyện kể ở xứ Chùa Vàng (04/08/2011 18:20:04)

Nhớ thương nhà tuyên huấn - nhà báo Phạm Dân! (04/08/2011 17:39:01)

Chuyện vui “BẾP BÁO” (12/07/2011 16:23:22)