Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Chân dung nhà báo

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà báo Wilfred Burchett: Người nhảy vào lửa để tìm ra sự thật


(22/11/2011 15:12:37)

Wilfred Burchett là nhà báo nước ngoài đầu tiên mà tôi biết khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là năm 1966 hoặc 1967, tôi được xem bộ phim tài liệu có tên "Nhà báo Úc Bớc-sét ở vùng Giải phóng" và trong tôi đọng lại hình ảnh ông nhà báo Tây trong bộ bà ba đen giản dị, sống hòa nhập giữa những người du kích và nhân dân ở vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam.

            Hơn 40 năm sau, khi cùng con trai ông, họa sĩ George Burchett, lựa chọn các bức ảnh ông chụp trước đây cho cuộc triển lãm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (16/9/1911- 2011), tôi có dịp tìm hiểu rõ hơn về ông- một nhà báo tài năng, sống hết mình với nghề, trọn vẹn nghĩa tình với một đất nước không phải Tổ quốc mình.

 

            Nhà báo của những sự kiện lớn

Nhà báo Burchett (bên trái) phỏng vấn Bác Hồ (năm 1964)

            Đã là nhà báo ai cũng muốn được sống giữa những sự kiện lớn. Wilfred Burchett có được cái may mắn đó. Ông đã có mặt ở những điểm nóng nhất thế giới ở thế kỷ 20. Ông bắt đầu sự nghiệp làm báo của mình với những tác phẩm viết từ nước Đức về những thảm cảnh dưới thời Đức quốc xã. Là phóng viên của nhật báo London Express, ông có mặt ở Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ... để viết về Thế chiến II. Ông cũng là phóng viên phương Tây đầu tiên đến Hiroshima (Nhật Bản) một tháng sau trận bom nguyên tử. Sau Thế chiến II, Burchett đã viết các bài báo đầy tính thời sự về sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh từ Berlin; những ngày đầu của các nước Dân chủ nhân dân ở Đông Âu; sự ra đời của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1949 và các cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh Triều Tiên những năm 1951-1953, cách mạng Cuba...

            Tháng 3/1954, trên đường đến Geneve để đưa tin về hội nghị kết thúc chiến tranh Triều Tiên, ông quyết định đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ATK Thái Nguyên. Đó là thời điểm ngay trước khi bắt đầu chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Và từ đó, W. Burchett gắn bó với Việt Nam.

 

            Vượt mọi khó khăn để làm báo

            Với người làm báo, có mặt được ở nơi diễn ra các sự kiện lớn đã là một thành công, nhưng thành công thực sự chỉ đến khi nhà báo phản ánh được sự kiện ở đúng tầm vóc của nó. Sự kiện lớn sản sinh ra những nhà báo lớn và ngược lại, những nhà báo lớn cũng làm cho các sự kiện này được nhiều người biết đến hơn. Wilfred Burchett là một trong những nhà báo như thế. Đến giờ cũng khó hiểu nổi vào thời kỳ đó, đi lại khó khăn như thế mà làm sao ông vẫn có mặt được ở tất cả những điểm nóng trên thế giới.

            Ở tuổi ngoại ngũ tuần, ông vẫn xông pha trên chiến trường miền Nam Việt Nam, đeo ba lô, lội nước như người bản địa. Nhà văn Thép Mới kể lại, khi nghe ông nài nỉ về nguyện vọng được vào chiến trường miền Nam, Bác Hồ nói: "Nếu muốn vào Nam thì phải tập leo núi với chiếc ba-lô đựng đầy gạch". Thế là Burchett trở về Bulgaria- quê hương của vợ ông - chất nặng ba lô và luyện tập trên những triền núi Balkan dốc ngược.

            Nhà triết học Anh Bertrand Russell, giải Nobel Văn học năm 1950, trong lời giới thiệu cuốn sách "Hà Nội dưới bom" của Wilfred Burchett đã viết: "...Nếu phải mắc nợ ai đó vì đã đánh động công luận phương Tây về bản chất của cuộc chiến tranh này và khiến cho mọi người biết đến cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thì người đó là Wilfred Burchett. Có thể nói, chỉ từ khi đọc Wilfred Burchett tôi mới thực sự hoàn toàn đứng về phía nhân dân Việt Nam với một quyết tâm sâu sắc. Ông là một người viết sử đương đại, một nhà báo thận trọng và sâu sắc...".

            Sau đó, từ vùng Giải phóng ông viết thư cho các con: "Cha phải đi bộ rất nhiều trong rừng rú - ở đây không có xe hơi đâu. Đi đâu cha cũng đi bộ thôi, và rất lâu mới đến nơi. Lâu lắm cha mới đến được nơi cha đang ở hiện nay, và cũng sẽ rất lâu cha mới đi thăm được những nơi cha phải đến. Nhưng vì hồi nhỏ cha đi bộ nhiều và hồi còn trẻ cha đã làm việc rất vất vả, nên hai chân rất khỏe. Cha có thể đi bộ nhiều tiếng mỗi ngày trong nhiều ngày liền mà không mệt.(...)

            Các con có biết cha thường ngủ như thế nào trong những ngày này không? Cha ngủ trên một cái võng - giống cái mà chúng ta thỉnh thoảng mang vào rừng ấy, nhưng tốt hơn nhiều. Nếu đang ở một nơi có nhiều hổ, cha sẽ mắc võng lên thật cao trên cây để hổ không thể trèo lên được".

            Burchett đứng về phía Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ, trong khi chính phủ Australia lại ủng hộ Washington, thậm chí còn đóng góp quân cho cuộc chiến. Vì thế, ở đất nước mình, ông bị coi là kẻ phản bội. Năm 1955, ông bị mất hộ chiếu khi cùng đoàn đại biểu Việt Nam từ Hội nghị Băng-đung trở về; chính phủ Australia từ chối cấp lại hộ chiếu cho ông. Việt Nam đã cấp cho ông một thứ giấy thông hành đặc biệt thay thế hộ chiếu "LAISER PASSER TENANT LIEU DE PASSPORT" để giúp ông đi lại các nước tác nghiệp. Năm 1967, ông được Chủ tịch Cuba Fidel Castro cấp hộ chiếu Cuba. Mãi đến năm 1972, Công đảng ở Australia lên nắm chính quyền, ông mới được cấp lại hộ chiếu.

            Năm 1979, khi nổ ra chiến tranh biên giới Việt - Trung, Burchett ủng hộ phía Việt Nam. Quyết định đó làm cho ông mất nhiều bạn bè ở Trung Quốc và nhiều tờ báo lúc bấy giờ ngừng cộng tác với ông.

            Là người từng tán thành Khmer Đỏ nhưng ông đả phá lực lượng này khi Pol Pot thực hiện chính sách diệt chủng. Năm 1980, khi cùng đoàn làm phim "Public Enemy Number One" từ Việt Nam sang Campuchia, ông đã trở thành mục tiêu của Khmer Đỏ. Xe của ông bị bắn, người tài xế Việt bị trúng đạn nhưng vẫn tiếp tục lái xe đưa các nhà báo ra khỏi vùng nguy hiểm, nhờ vậy mà những người trên xe sống sót.

 

            Một người bạn lớn của Việt Nam

            Trong suốt gần ba chục năm, kể từ sau cuộc gặp Bác Hồ lần đầu tiên tháng 3/1954, Wilfred Burchett đã viết rất nhiều về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên con đường tiến đến chủ nghĩa xã hội, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Có lẽ ông là một trong những tác giả có nhiều tác phẩm nhất về Việt Nam (Phía Bắc vĩ tuyến 17; Ngược dòng sông Mekong; Cuộc chiến tranh lén lút của Mỹ; Việt Nam - cuộc kháng chiến thứ hai; Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam...).

            Là một nhà báo toàn năng (viết, chụp ảnh, quay phim) cứ sau một chuyến đi dài là Burchett có một loạt bài, vài bộ phim và một cuốn sách về nơi ông đến. Ông đã viết tổng cộng 8 cuốn sách về Việt Nam, được dịch ra 30 thứ tiếng và tất cả đều thành những đầu sách được nhiều người tìm đọc nhất trên thế giới thời bấy giờ. Những cuốn sách, bài báo và thước phim về Việt Nam của ông được phổ biến toàn cầu, đã góp phần quan trọng tập hợp dư luận thế giới phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam.

            Cuộc đời của Wilfred Burchett là cuộc đời sôi động của một người làm báo phụng thờ chính nghĩa, vì chính nghĩa mà dám nói, dám viết sự thật. Nói như nhà báo Thép Mới, ông là người "nhảy vào lửa để tìm ra sự thật".

Phạm Tiến Dũng
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2011