Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Chân dung nhà báo

Nhớ Lương Nghĩa Dũng - Tay máy với những bức ảnh rực lửa anh hùng


(17/01/2012 12:09:02)

Cách đây tròn 60 năm, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng (1934 - 1972) của Thông tấn quân sự đã hy sinh trên chiến trường Quảng Trị, để lại một di sản ảnh chiến tranh quý báu. Để tưởng nhớ nhà báo liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, Nội san Thông tấn xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của tác giả Chu Chí Thành - người một thời sát cánh với ông.

Nhà báo Lương Nghĩa Dũng (1934 - 1972) tại chiến trường Quảng Trị

            Từ nhà giáo trở thành nhà báo

            Lương Nghĩa Dũng sinh ra trong một gia đình trung nông ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Thuở nhỏ, anh được cha mẹ gửi ra Hà Nội học chữ, rồi học nghề ở trường Kỹ nghệ Đông Dương.

            Năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang giai đoạn quyết liệt, đang học năm thứ hai, biết tin tuyển quân, anh đã bỏ học cùng một số bạn bè ở quê chạy ra Nho Quan, Ninh Bình xin nhập ngũ. Hòa bình lập lại, anh được chọn đưa đi đào tạo thành giáo viên dạy môn Vật lý cho bộ đội.

            Khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, mặt trận thông tin báo chí thiếu những nhà báo chuyên nghiệp, trong quân đội lại càng thiếu. Năm 1965, Tổng cục chính trị đã điều Lương Nghĩa Dũng cùng Hứa Kiểm, Vũ Tạo đi học khóa đào tạo PV nhiếp ảnh. Sau đó, cả ba anh về công tác tại Phòng Thông tấn quân sự, cắm chốt tại TTXVN. Ba lính mới cùng Văn Bảo - PV dân sự của Phân xã nhiếp ảnh - tạo thành Tổ ảnh quân sự do Văn Bảo làm tổ trưởng. Từ năm 1967, 1968 trở đi, tổ ảnh quân sự thêm các PV của TTXVN như: Lâm Hồng Long, Hữu Thứ, Phạm Hoạt, Chu Chí Thành, Xuân Lâm; đến năm 1971, 1972 lại bổ sung các PV quân đội như: Hồng Thụ, Nguyễn Dĩnh, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm... Vậy là, từ năm 1967, nhà giáo Lương Nghĩa Dũng đã chuyển thành nhà báo - nhà nhiếp ảnh thông tấn.
 

            Tôi luyện bản lĩnh

            Trận thử sức đầu tiên của Lương Nghĩa Dũng là chuyến công tác năm 1967 ở Khu 4 cũ. Một mình một xe đạp qua các trọng điểm cầu Hàm Rồng, truông Bồn, phà Linh Cảm, ngã ba Đồng Lộc, đèo Đá Đẽo, đường 20 Quyết Thắng, phà Xuân Sơn, Binh trạm 14, Binh trạm 16... Đây là những trọng điểm mà quân đội, thanh niên xung phong bám trụ kiên cường, đánh trả máy bay Mỹ, mở đường cho xe vận tải đưa vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng cho chiến trường miền Nam. Đây là những "túi bom" bị máy bay Mỹ cày xới suốt ngày đêm. Người này ngã xuống, người khác lại xông lên, sự hy sinh vô bờ đó càng khơi dậy trong anh ngọn lửa thiêng liêng của lòng yêu nước, càng thôi thúc anh vững bước đi lên.

            Có lần vào mùa hè 1967, Nghĩa Dũng trực chiến tại đại đội pháo cao xạ 367 ở Hải Phòng. Trong trận đánh quyết liệt, máy bay Mỹ liên tiếp lao xuống cắt bom vào trận địa. Không may, anh bị sức ép của bom hất xuống chân ụ pháo, đất, bùn phủ kín người. Các chiến sĩ tưởng anh đã hy sinh. Mọi người lao tới bới đất ra, xốc anh dậy. Mặt anh lúc ấy lấm lem, đen sạm, mắt lờ đờ, nhưng tay vẫn cầm chiếc máy ảnh EXAKTA (3x4 cm) và cổ vẫn đeo chiếc máy ảnh Rolleiflex (6x6 cm). Các chiến sĩ đưa vào sở chỉ huy, cho uống nước, anh tỉnh dần. Ban lãnh đạo đại đội ra lệnh cho các chiến sĩ đưa anh đi bệnh viện, anh cười: Bình thường rồi, đơn vị có ai hy sinh không? Đại đội trưởng trả lời: Không anh ạ, chỉ lo mỗi anh thôi.

            Được tin Hải Phòng bắn rơi máy bay, Nghĩa Dũng lại bị bom vùi, ông Hoàng Tư Trai (lúc ấy là Phó Tổng Biên tập VNTTX) cử người theo ô tô xuống Hải Phòng nhận phim về phát báo và đón Nghĩa Dũng về điều trị, thay người trực chiến. Xe đến nơi, anh giao phim nhưng dứt khoát ở lại cùng đơn vị để "phục thù" với các trận chiến đấu hôm sau.

            Các thành viên của tổ ảnh quân sự, nay Hà Nội, mai Bắc Giang, ngày kia Thanh Hóa, tháng này khu 3, tháng sau khu 4... đi liên miên. Thế nhưng vẫn chưa khiếp bằng nhóm PV Tổng cục chính trị biệt phái ở Thông tấn xã. Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, Hứa Kiểm là ba người liên tục có mặt ở các mặt trận lớn như: Đường 9 Nam Lào, Cánh đồng Chum (Lào), Tây Nguyên, Quảng Trị, Stung-teng (Campuchia)... Các anh là "mũi nhọn" cơ động của Tổng cục Chính trị, thay phiên nhau đi các chiến dịch.

            Trở lại Quảng Trị 1971 - 1972, Nghĩa Dũng là một mũi chủ công của ảnh TTXVN ở mặt trận này. Trên cao điểm 500, với chiếc máy ảnh Practica, anh chụp cảnh các chiến sĩ giải phóng gan góc đánh trả địch thì gặp ngay một loạt đạn pháo địch trùm lên trận địa. Ống kính máy ảnh bị mảnh pháo chém vỡ tan một góc, anh cũng bị đất cát bao phủ. Thế là máy ảnh được gói lại cùng với các cuốn phim đã chụp gửi về Hà Nội. Tính tới lúc ấy, Nghĩa Dũng đã chết hụt hơn hai chục lần.
 

Đấu pháo ở Dốc Miếu - tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước năm 2007 của tác giả Lương Nghĩa Dũng.

            Những bức ảnh đậm chất anh hùng

       "Ra ngõ gặp anh hùng", đấy là câu nói quen thuộc của thế hệ chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, có bạn trẻ không hình dung nổi hiện thực sinh động ấy, cho rằng đấy là huyền thoại.

            Đúng là huyền thoại! Và huyền thoại đó có trong ảnh của nhà báo Lương Nghĩa Dũng. Cần nói thêm rằng, cộng cả thời gian làm quen với nhiếp ảnh lẫn thời gian thực thụ làm báo của anh chỉ vỏn vẹn có 6 năm trời. Không ai nghĩ rằng một người chuyển từ nghề nhà giáo sang nghề ảnh báo chí lại nhập cuộc nhanh đến như vậy.

Năm 1997, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, TTXVN đã xuất bản cuốn sách "Sống mãi những tấm ảnh để lại" để ghi công hơn 40 phóng viên ảnh và công nhân kỹ thuật ảnh đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Lương Nghĩa Dũng có 62 tấm ảnh trong bộ sưu tập này. Từ bộ sưu tập, hai PV Horst Fass và Tim Page (từng ở Nam Việt Nam) đã chọn ra 11 ảnh của Nghĩa Dũng để in trong cuốn "Hồi niệm" - Nhà xuất bản Random, New York, Hoa Kỳ. Cuốn này in ảnh của 144 nhà nhiếp ảnh ở hai phía đã ngã xuống trên chiến trường Đông Dương. Các bạn đồng nghiệp Mỹ cũng như Việt Nam đều đánh giá cao các tác phẩm của nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng.

             Năm 1968, anh và tôi đi công tác Khu 4. Tôi cứ nghĩ rằng anh đã làm báo lâu năm, vì tôi thấy anh rất thạo việc, rất quyết đoán và hiệu quả công tác rất cao. Mãi sau này tôi mới biết anh cầm máy trước tôi có một năm. Chỉ trong 6 năm, anh đã chụp hàng trăm nhân vật tiêu biểu của giới trẻ Việt Nam, hàng chục  người được tuyên dương anh hùng, hàng nghìn hành động, sự kiện, sự việc đậm chất anh hùng cách mạng. Lê Mã Lương trên mặt trận Đường 9 lấy súng giặc giết giặc. Đinh Viết Sửu giữ thông tin thông suốt trong mưa bom bão đạn. Nguyễn Quốc Kha bắn rơi 7 máy bay lên thẳng của địch bằng súng máy 12,7mm. Nguyễn Thị The, Đại đội trưởng đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy và các cô gái đồng đội của chị anh dũng đánh trả tàu chiến Mỹ. Các Anh hùng không quân Trần Hanh, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Đức Soát, rồi các chiến sĩ lái xe, thông tin, hải quân... Những con người phi thường ấy đã được Nghĩa Dũng ghi lại hình ảnh bằng chiếc máy ảnh và sự đồng cảm của trái tim mình.

Trong cuộc chiến, có lúc xẩy ra các tình huống mà ta không hình dung nổi. Chính sự bình thường tưởng như bất thường ấy lại nói rất nhiều về tinh thần gan góc, quyết chiến quyết thắng của người lính. Lương Nghĩa Dũng luôn chớp được những khoảnh khắc phản ánh "thần thái" của con người và sự kiện: Bức ảnh "Phân đội 13 pháo binh Vĩnh Linh trút bão lửa xuống căn cứ địch ở Dốc Miếu, tháng 1/1968" cho thấy hai pháo thủ đầu trần, hối hả nạp đạn và giật cò, nã pháo liên tiếp vào đồn địch. Xung quanh họ là đất đá bụi mù, cây cối rung chuyển do pháo của địch bắn trả, nổ sát trận địa. Do đó, bức ảnh còn có tên là "Đấu pháo ở Dốc Miếu". Việc hai pháo thủ đầu trần làm cho người xem ngạc nhiên. Sao họ không đội mũ sắt để tránh mảnh đạn? Hóa ra vì Nghĩa Dũng đã chớp đúng khoảnh khắc trận đánh bất thần, dữ dội. Bức ảnh này đã đoạt Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Bức ảnh các cô gái pháo binh Ngư Thủy, Quảng Bình đánh trả tàu chiến Mỹ anh chụp vào tháng 5/1968 cũng vậy.

            Lương Nghĩa Dũng đã hy sinh trên mặt trận Quảng Trị mùa hè 1972. Gia tài anh để lại là những bức ảnh rực lửa anh hùng, thấm mồ hôi, nước mắt và máu của người trong ảnh lẫn người cầm cả máy ảnh.

Chu Chí Thành
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2011+01/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà báo Wilfred Burchett: Người nhảy vào lửa để tìm ra sự thật (22/11/2011 15:12:37)

Minh Trường - nhà nhiếp ảnh thế hệ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" (11/10/2011 09:28:18)

Nhớ thương nhà tuyên huấn - nhà báo Phạm Dân! (04/08/2011 17:39:01)

Phương Hoa "sức sống Trường Sa" (12/07/2011 15:28:08)

Cơ duyên & sự khổ luyện (12/07/2011 15:19:51)

Chuý»‡n nhà báo Ngọc Châu (13/06/2011 15:13:55)

Anh Sáu Cang đã trở lại cánh rừng xưa (13/04/2011 16:23:12)

Kim Hùng: Nhà báo, nghệ sĩ và chiến sĩ quốc tế (04/03/2011 17:23:02)

ĐINH THÚY: Nhà báo - Người chiến sỹ cầm máy (24/09/2010 09:57:51)

Nhớ Nhà báo - Cố Tổng Giám đốc Đào Tùng (23/09/2010 16:24:34)