Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Tự hào lớp phóng viên GP 10


(29/05/2012 14:53:27)

Cách nay tròn 40 năm (1972-2012), Việt Nam Thông tấn xã tổ chức đào tạo lớp phóng viên dành riêng cho chiến trường với tên gọi: lớp GP.10. Lớp phóng viên tin, ảnh này đã nhanh chóng trưởng thành, trong bom rơi đạn nổ vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin về cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc. Kỷ niệm 40 năm GP.10, Nội san thông tấn xin giới thiệu bài viết của tác giả Hoàng Đình Chiến, cựu học viên GP.10.

 Từ đầu tháng 4/1972, cán bộ Ban Tổ chức VNTTX đã đến các trường đại học để  tuyển học viên. Sau đó, 149 "ông bà cử" của các trường đại học Tổng hợp, Ngoại ngữ, Ngoại giao..., lần lượt có mặt ở T.6 (thôn La Khê, huyện Quốc Oai, Hà Tây, giờ thuộc Hà Nội). Phó Tổng Biên tập (Phó Tổng giám đốc) Trần Thanh Xuân, làm Hiệu trưởng (bao gồm cả lớp báo vụ và kỹ thuật ảnh), Phó Ban tin Trong nước Nguyễn Châu Quỳ làm chủ nhiệm lớp, Hoàng Yến, cán bộ Ban tin Trong nước làm Bí thư chi bộ, cùng gần chục cán bộ biên tập, phóng viên, thâm niên công tác dày dặn, làm giáo vụ.
Trong hơn 6 tháng, chúng tôi miệt mài học tập. Giáo viên đứng lớp là những cây bút gạo cội trong làng báo lúc đó, như Đống Ngạc (thư ký của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn), Lưu Quí Kỳ, Xích Điểu, Nguyễn Mạnh Hào, Thanh Đạm, Thép Mới. Tuy phân chia PV chuyên tin, chuyên ảnh nhưng tất cả đều được trang bị kiến thức như nhau. Nhờ vậy, ở chiến trường sau đó, nhiều người đi vững cả "hai chân" tin, ảnh. Có trường hợp "chân trái" vững hơn "chân phải".

Từ nơi sơ tán nhìn về Hà Nội, lúc ấy đang ngập tràn máu lửa của mười hai ngày đêm  "Điện Biên Phủ trên không", chúng tôi đều nóng lòng mong sao khóa học mau kết thúc, náo nức chờ ngày lên đường.

Mùa xuân 1973, sau nghỉ Tết, học viên trở lại Hà Nội. Khi hệ thống loa phóng thanh ở ga Hàng Cỏ phát liên tục nội dung về Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, những chàng trai, cô gái trẻ tràn đầy ước mơ của GP.10 lên đường tới T.105, ngôi trường của Ban Thống nhất Trung ương nằm bí mật ở tỉnh Hòa Bình, để hoàn tất những khâu cuối cùng cho một cán bộ "đi B". Hơn một tháng, đi bộ đeo gạch, leo núi và bồi bổ sức khỏe thực sự là những ngày trên "thiên đường". Nói vậy là bởi, thời sinh viên chúng tôi đã quen với bánh mỳ nắp hầm nhân mọt, canh không người lái... khi ở T.105 cơm trắng gạo thơm, thức ăn bốn năm món luôn thay đổi. Bữa nào cũng "bị" động viên ăn thêm, ăn thêm chút nữa vì miền Nam.

Hầu khắp chiến trường ác liệt miền Nam đều in dấu chân phóng viên lớp GP.10. Vì lẽ đó, GP.10 có một danh sách những con người gắn bó với các vùng đất: Minh Hưng, Văn Khánh, Hoàng Hựu (Cần Thơ), Phạm Độ, Nguyễn Đăng Thục (Bến Tre); Lê Cương, Phùng Đăng Bách (Trà Vinh); Nguyễn Anh Tuấn (Long An); Lý Văn Tích, Vũ Xuân Bân, Kim Sơn, Quang Minh, Sĩ Thủy (Bà Rịa và Khu 6); Phan Hồng Giang, Hồ Bạch Yến (Thủ Dầu Một); Lê Quang Tuyến (Bình Phước); Đàm Dũng, Lê Doãn Tặng (Lộc Ninh); Đoàn Việt, Nhật Nam (Tây Ninh)...

Kết thúc khóa học, thẻ Đoàn viên TNCS, chứng minh thư, tiền, quần áo, thư từ... của chúng tôi đều đem gửi lại; y phục dân chính, võng tăng và các vật dụng mới tinh được cấp cùng chiếc mũ tai bèo màu lá- mơ ước và hãnh diện của thanh niên miền Bắc lúc đó... Ngày 16/3/1973, ngoài một số ít học viên thuộc diện chính sách "bị giữ lại", cả lớp chia ba theo ba loại "giấy thông hành", vượt Trường Sơn về ba hướng: B1- Chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế; B3-Chiến trường khu 5; B2- Chiến trường Nam bộ. Trong đó, số lượng vào B2 "Ông Cụ" đông đảo nhất. Tôi thuộc quân số của đoàn này.

Những phóng viên GP.10 ngày ấy

Ngày 4/2/1973, Đoàn B2 bị sự cố đổ xe tại A-tô-pư (Nam Lào), ba người hy sinh trong đó có hai phóng viên là Phạm Thị Kim Oanh và Nguyễn Văn Thuyên, hơn mười người bị thương được đưa gấp tới bệnh viện dã chiến của Binh trạm Trường Sơn (sau đó, nhiều người phải trở ra Bắc, trở thành thương binh như: Nguyễn Văn Huê, Nguyễn Thu Hương, Tô Xuân Hợi, Nguyễn Văn Thục, Đoàn Văn Đức...). Số anh em chúng tôi còn lại tiếp tục lội bộ xuyên rừng theo những cung đường mòn Trường Sơn. Đầu tháng 7/1973, người cuối cùng của Đoàn B2 vào đến căn cứ Thông tấn xã Giải phóng, thuộc tỉnh Tây Ninh, địa bàn của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nằm sát biên giới Campuchia. Cùng thời gian này, Đoàn B1 Thừa Thiên- Huế trước đó và B3- Khu 5 cũng đến nơi tập kết (Đoàn B3 cũng bị đổ xe nhưng may mắn chỉ vài người bị thương). Kim Quy, Nguyễn Tráng, Khiếu Đăng Dịu, Duy Náo... trên mặt trận Quảng Trị còn nóng bỏng bom đạn Thành cổ. Phạm Thị Thùy, Cao Tân Hòa, Trọng Nghiệp, Kim Thoa, Nguyễn Thế Phương, Phạm Biết, Xuân Soạn... bắt đầu những ngày tháng gian lao ở chiến trường Khu 5. 

Tiễn Phó Tổng Biên tập Trần Thanh Xuân (người đội mũ) và đoàn phóng viên trẻ lớp GP.10 vào chiến trường miền Nam (1973)

Ở đoàn B2 chúng tôi, mọi người được phân bổ về các B: B7 (Biên tập Tin), B22 (Biên tập, sản xuất Ảnh), B8 (Kỹ thuật). Công việc đầu tiên là dựng nhà, đào hầm. Ai nấy nhanh chóng làm quen với lá trung quân- để lợp nhà, cây tai nghé- cột nhà, cây săng lẻ- nắp hầm... Chỉ sau tuần lễ, cứ hai người có một mái nhà che nắng che mưa cùng căn hầm dưới nền nhà. Tin bài hàng ngày từ các tỉnh, phân khu nhận qua đường truyền được biên tập, gởi ra Tổng xã. Bên cạnh đó việc trồng rẫy tự túc thực phẩm được coi là công tác quan trọng bậc nhất.

Mùa khô đầu tiên ở " R"của chúng tôi hình như đến muộn. Sau những cơn sốt rét rừng vật vã, mọi người lại hối hả chia về các địa phương. Hành trang phải thay đổi cho thích ứng với  địa hình sông nước. Những cuộc chia tay không hẹn ngày trở lại diễn ra ở bìa rừng. Người thủ trưởng già Trần Thanh Xuân với thân hình gày guộc, thân thiết ôm từng học trò yêu quý trong ánh mắt nhòe lệ dưới bóng cây dầu đang vào mùa buông bông, xoay tròn như chong chóng.

Đến cuối năm nay, năm 2012, người trẻ nhất của lớp GP.10 cũng đã đến tuổi nghỉ hưu. Bốn mươi năm, GP.10 đã trưởng thành từ khói lửa của chiến tranh giữ nước và xây dựng Tổ quốc, hết mình cống hiến cho sự nghiệp thông tấn. Kỷ niệm "sinh nhật lớp" lần thứ 40, chúng tôi đều tự hào: Lớp tôi, GP. 10!

Các tỉnh miền Trung Nam bộ, Tây Nam bộ, Nam Trung bộ đang vào mùa chiến dịch trông ngóng PV tin, ảnh từng ngày. Hóa ra xuống Cà Mau, mảnh đất tận cùng Tổ quốc, lại không phải là xa nhất bởi đến các tỉnh như Trà Vinh, Bến Tre phải làm một vòng cung từ  biên giới xuôi xuống Cà Mau rồi vòng lên sông Hậu, sông Tiền. "Vượt lộ Bốn" là nỗi ám ảnh gian nan, hiểm nguy, thậm chí có thể cướp đi mạng sống của phóng viên.

Phóng viên VNTTX tại căn cứ vừa làm báo, tham gia chiến đấu vừa tăng gia sản xuất cải thiện đời sống (PV Đình Na- bìa trái)

Mùa khô 1974- 1975, khi chiến dịch giải phóng Phước Long sắp diễn ra, những phóng viên GP.10 còn lại được tung tiếp vào trận. Tôi được biệt phái sang Bộ Tư lệnh Miền. Bùi Thanh Liêm, Vũ Xuân Hoạt, Nguyễn Đăng Chiến về Củ Chi, Long An áp sát, chuẩn bị cho các mũi tiến công vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm cánh quân tiến vào Sài Gòn và các mũi tiến công nổi dậy ở các tỉnh đều có phóng viên của GP.10 bám sát. Trong niềm vui bất tận của những ngày đầu tháng 5/1975, tất cả chúng tôi hợp về 116 Hồng Thập Tự (trụ sở Việt tấn xã- cơ quan thông tấn ngụy quyền) trong niềm vui chung của cả dân tộc.Chiến tranh chống Mỹ kết thúc chưa bao lâu, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam lại diễn ra, phóng viên GP.10 lại có mặt. Nhiều phóng viên tin, ảnh theo chân các binh đoàn chốt chặn, giữ vững biên cương phía Bắc và đoàn Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnôm Pênh, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng.

Hoàng Đình Chiến
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

NICK ÚT: Ảnh báo chí không chấp nhận kỹ xảo (02/05/2012 17:56:11)

Quảng Trị, hoài niệm tháng tư  (02/05/2012 17:20:33)

Trần Ấm - Nhà báo hết lòng với nghề, với đời (28/02/2012 16:00:53)

Chuyện “lò” Thông tấn “luyện” phóng viên ảnh thời chiến (Tiếp theo và hết)  (28/02/2012 15:38:43)

Xùn Nhâm Thìn kể chuyện con Rồng (17/01/2012 13:31:22)

Nhớ Lương Nghĩa Dũng - Tay máy với những bức ảnh rực lửa anh hùng (17/01/2012 12:09:02)

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà báo Wilfred Burchett: Người nhảy vào lửa để tìm ra sự thật (22/11/2011 15:12:37)

Phân xã La Habana: 45 năm ấy, biết bao nhiêu tình (22/11/2011 15:08:43)

Minh Trường - nhà nhiếp ảnh thế hệ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" (11/10/2011 09:28:18)

Cuộc hội ngộ sau gần 40 năm (11/10/2011 08:55:50)