Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Quảng Trị, hoài niệm tháng tư


(02/05/2012 17:20:33)

Mảnh đất nghĩa tình Đối với ông Trần Mai Hưởng, Quảng Trị là miền đất đầy kỷ niệm, thấm đẫm nghĩa tình. Nghĩa tình của các đồng nghiệp thông tấn, các nhà báo chiến trường với nhau. Nghĩa tình quân dân, cán bộ - nhân dân...

Có một Quảng Trị với sắc xanh làm nên thi hứng "Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị". Có một Quảng Trị oanh liệt nhưng mãi sau này vẫn nghẹn ngào "Đò lên Thạch Hãn... ơi, chèo nhẹ/ Dưới sông còn đó bạn tôi nằm". Và có một Quảng Trị với bao ký ức không thể nào quên trong nhiều người con thông tấn. Tháng tư này, nhân kỷ niệm nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trên mảnh đất Quảng Trị "ra ngõ gặp anh hùng"(105 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị), Nội san thông tấn đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, người đã có mặt trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, khi mới đôi mươi.

"Chuẩn bị thông tin về chiến dịch Quảng Trị, VNTTX đưa lực lượng hùng hậu vào chiến trường. Ở phân xã B Vĩnh Linh do anh Phạm Họat làm trưởng phân xã, có các anh Lam Thanh, Minh Trường, Xuân Lâm, Hồ Bích Sơn, Phạm Tài Nguyên, điện báo viên Cù Yến Vũ, Ngô Duy Phùng, Văn Hồng, lái xe Trương Đại Chiến, Nguyễn Văn Ngoạn. Ở mặt trận B5 có các anh Trương Đức Anh, Vũ Tín, Đoàn Tý... Phân xã TTXGP Quảng Trị có anh Thanh Phong, các điện báo viên Luận, Ngạn, hai cháu người Vân Kiều là Hồ Nghĩa và Hồ Nhân. Lực lượng tăng cường của Thông tấn quân sự có các anh Ngọc Đản, Nguyễn Dĩnh, Xuân Phong... do anh Tư Khởi phụ trách (sau này anh Khởi hy sinh trong một trận pháo kích ở Quảng Trị).

"Tôi là thành viên của phân xã Vĩnh Linh B. Trong điều kiện cực kỳ gian khổ, anh em rất gắn bó, chia sẻ với nhau về mọi mặt. Những người trẻ chúng tôi (Trần Mai Hưởng, Phạm Tài Nguyên) được những đồng nghiệp lớn tuổi quan tâm chỉ bảo, dìu dắt. Anh em rất thương yêu nhau"- ông Hưởng nói như vậy về tình bằng hữu, đồng nghiệp nơi chiến trường.

Câu chuyện cảm động nhất là về nhà báo - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng. Hồi ấy, trên đường vào Quảng Trị, PV trẻ Trần Mai Hưởng đã gặp các đàn anh Nghĩa Dũng, Vũ Tạo ở Đèo Ngang và được nghe nhà nhiếp ảnh Nghĩa Dũng kể, trong hành trang của ông có chiếc áo con trai (Xuân Trường) đái dầm, ông để nguyên không giặt, mang theo để "có mùi" con cho đỡ nhớ. Chẳng ngờ phút chia tay cũng là khi ly biệt, ít lâu sau, ngay trận đầu ở Quảng Trị, Lương Nghĩa Dũng đã ngã xuống.

 

Ảnh chụp tại Phân xã B Vĩnh Linh, từ phải sang là các 'cựu chiến binh thông tấn': Xuân Lâm,Mai Hưởng, Trương Đại Chiến, Lam Thanh, Trúc Thông, Phạm Tài Nguyên

Còn cuộc hội ngộ sau này của ông Hưởng và anh em phân xã B Vĩnh Linh với phóng viên ảnh Vũ Tín lại thấm đầy nước mắt. Khi ấy ông Tín đã bị thương, cụt một chân ở xã Triệu Thành (Triệu Phong). "Anh em ôm nhau khóc, mừng vì anh Tín còn sống nhưng cũng đau xót vì sự mất mát quá lớn, đặc biệt với một PV ảnh như anh Vũ Tín"- ông Hưởng kể.

Không chỉ dân thông tấn với nhau, PV các cơ quan báo chí cũng chia ngọt sẻ bùi với nhau, rất thân thiết. "Có lần, nửa đêm, các nhà báo Nguyễn Sinh, Hồng Khanh (báo Nhân Dân) sang báo tin, có tàu địch có thể đổ bộ vào Vĩnh Linh, thế là anh em bật dậy lo đối phó suốt đêm"- Ông Hưởng nhớ lại.

Đấy là giữa những người cùng nghiệp cầm bút, cầm máy ảnh. Còn tình quân dân thì: "Quân với dân là một. Tình cảm rất sâu đậm. Nếu đói, chúng tôi có thể đến xin cơm ăn ở những nhà dân ghé qua. Các nhà báo có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ là nhờ sát cánh với chính quyền địa phương và có sự che chở của nhân dân". Và trong dòng ký ức của ông thật nhiều cái tên, nhiều câu chuyện đáng nhớ về người dân Quảng Trị; trong đó có câu chuyện xúc động về một cô du kích tên Hồng, người từng được ông Hưởng chụp ảnh. Khi chia tay họ hẹn ngày gặp lại, nhưng Hồng đã hy sinh ngay đêm đầu tiên tổng tấn công. Trong cuốn nhật ký cô để lại tràn đầy những tình cảm cao đẹp đối với quê hương, gia đình: "Ba má ơi, Tổ quốc gọi con, con tình nguyện trở về quê hương theo con đường ba má đã đi..." Và sau này, chính ông Hưởng đã cầm cuốn nhật ký thiêng liêng đó về trao cho gia đình cô Hồng.

Trui rèn bản lĩnh nhà báo

Quảng Trị thời chiến khốc liệt chính là môi trường trui rèn bản lĩnh nghề nghiệp cho những người làm báo thông tấn. Nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại: Cánh PV chiến trường rất cực. Có khi chúng tôi phải bơi qua sông, có khi đi bộ hàng chục cây số, nhiều bữa chỉ ăn độc lương khô. Trên đường đi, lắm khi đụng máy bay địch, có lần vừa đi qua thì bom nổ sau lưng.

Trả lời câu hỏi về việc tác nghiệp của PV trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt của chiến trường, ông chia sẻ: Hồi ấy, ngành tổ chức hoạt động rất sáng tạo, phối hợp cả ba lực lượng: VNTTX, TTXGP, Thông tấn quân sự; PV ở bờ Bắc nhưng sang bờ Nam làm việc. Chúng tôi nhận được sự chỉ đạo rất sâu sát từ Ban lãnh đạo ngành. Nhưng cá nhân mỗi người vẫn phải nỗ lực vượt khó và chủ động tìm cách tác nghiệp. Trong điều kiện chiến trường, PV phải tự xây dựng kế hoạch làm việc, nhạy bén tìm ra những gì viết được và phải thật nhanh (nhất là với ảnh, bởi nếu không nhanh sẽ không chớp được những khoảnh khắc đáng nhớ trong chiến tranh). Đồng thời phải linh hoạt, sáng tạo, bằng mọi cách có mặt ở nơi diễn ra sự kiện để viết và chụp ảnh. Khi ấy không có thống kê, báo cáo. PV phải tự quan sát, chủ động tìm thông tin. Rồi viết sao cho hợp lý, không cầu toàn nhưng phải phản ánh được hơi thở chiến trường. Khi có sản phẩm rồi lại còn phải phát được bài về Hà Nội.

Trong một bài viết, nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN Trương Đức Anh- người cũng có mặt ở Quảng Trị 1972, kể về một lần hút chết ở chiến trường: "Đang nằm trong hầm thì bom tọa độ đánh sập luôn căn nhà có chiếc hầm chúng tôi đang ở. Chiếc ba lô của anh Đoàn Tý chắn ở cửa hầm bị mấy mảnh bom cắm vào. Chiếc máy ảnh thì bị một mảnh găm vào lần vỏ ngoài... Cả chiếc mũ của anh Đoàn Tý chụp lên ba lô cũng bị mảnh bom găm be bét". Nói về chuyện tác nghiệp, ông Trương Đức Anh viết: Khi theo bộ đội tấn công vào căn cứ địch thì chỉ "ghi" bằng tai và mắt. Lúc về, ngồi trong hầm người mệt rã rời, chỉ mong ngủ, nhưng phải ghi lại ngay những gì mình đã chứng kiến vào sổ tay và viết thành bài. Dừng lại ở đâu là vội ghi chép và viết.(...) Chỉ có chiếc đèn dầu hoặc cây nến, kê giấy trên ba lô mà viết.               

Các nhà báo thông tấn có mặt ở Quảng Trị ngày ấy đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phản ánh cuộc chiến đầy hy sinh, gian khổ những cũng rất đỗi hào hùng trên mảnh đất này. Nhóm tác giả Lam Thanh- Phạm Tài Nguyên- Minh Trường viết về giải phóng Đông Hà, về Anh hùng Trần Thị Tâm... rất kịp thời và sinh động. Các phóng viên Minh Trường, Xuân Lâm, Hồ Bích Sơn có nhiều bức ảnh, bài viết có giá trị. PV Minh Trường còn chụp được từng dấu tích của Thành Cổ. PV Mai Hưởng thì có "Bích La Đông giải phóng", "Lòng dân Cửa Việt", "Bút ký trên vành đai điện tử"... (quá trình viết bài "Bích La Đông giải phóng" là kỷ niệm sâu sắc trong đời nghề của ông). Các điện báo viên, lái xe cũng không quản đạn bom, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

"Những người làm báo thông tấn có mặt ở Quảng Trị sau này đều đã trưởng thành. Một số người đã đi xa... Với riêng tôi, quãng thời gian cùng những trải nghiệm ở chiến trường đó đã để lại những dấu ấn không thể nào quên trong cuộc sống của tôi những năm tháng sau này". Đó là lời tâm tình của nhà báo Trần Mai Hưởng về một thời "không thể nào quên" trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Quảng Trị.

Hà Hoài Thu (thực hiện).

 

Theo Nội san Thông tấn, số 4/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trần Ấm - Nhà báo hết lòng với nghề, với đời (28/02/2012 16:00:53)

Chuyện “lò” Thông tấn “luyện” phóng viên ảnh thời chiến (Tiếp theo và hết)  (28/02/2012 15:38:43)

Xùn Nhâm Thìn kể chuyện con Rồng (17/01/2012 13:31:22)

Nhớ Lương Nghĩa Dũng - Tay máy với những bức ảnh rực lửa anh hùng (17/01/2012 12:09:02)

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà báo Wilfred Burchett: Người nhảy vào lửa để tìm ra sự thật (22/11/2011 15:12:37)

Phân xã La Habana: 45 năm ấy, biết bao nhiêu tình (22/11/2011 15:08:43)

Minh Trường - nhà nhiếp ảnh thế hệ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" (11/10/2011 09:28:18)

Cuộc hội ngộ sau gần 40 năm (11/10/2011 08:55:50)

Chuyện 40 năm mới kể - Chiếc nồi “trên từng cây số” (08/09/2011 13:30:45)

Chuyện kể ở xứ Chùa Vàng (04/08/2011 18:20:04)