Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Cuộc hội ngộ sau bốn mươi năm


(29/06/2012 12:17:00)

Khu du lịch Bình Quới, bán đảo Thanh Đa vào mùa mưa. Vùng đất thẳm xanh, tươi mới cho chúng tôi cảm giác phấn khích khi bước vào buổi họp mặt 40 năm lớp phóng viên chiến trường GP.10. Bên sông Sài Gòn, một căn nhà mái lá lộng gió gợi nhớ mái tranh ngày nào của vùng nông thôn Bắc bộ, nơi lớp học sơ tán.

 

Chúng tôi có một vị khách đặc biệt, đặc biệt vì "không mời vẫn đến" (như lời ông nói). Đó là ông Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, người thủ trưởng gắn bó gần như suốt 40 năm của lớp GP.10. Năm nay ông đã 83 tuổi, nhưng vẫn mạnh khỏe, vẫn hài hước và gần gũi.  Ông bảo, giờ ông chỉ thích nói chuyện cổ tích. Cổ tích một cách nghiêm túc. Vào đầu năm 1972, lãnh đạo VNTTX, trong đó có ông, được Ban Bí thư và Ban Tuyên huấn TW giao nhiệm vụ tuyển chọn và đào tạo một lớp PV cho chiến trường, nhằm đáp ứng yêu cầu sắp tới. Một ưu ái, vì không dễ gì được "xông" vào các trường đại học để lấy người. Các "ông cử" bấy giờ là vốn quý, đã có kế hoạch phân bổ. Nhưng chiến trường là ưu tiên số một. Hơn 1.500 hồ sơ lọt vào vòng sơ tuyển, rồi chọn được 150 học viên. Lớp GP.10 hình thành. Ông hiệu trưởng Trần Thanh Xuân cũng là sự lựa chọn số một. Tuy sức khỏe hạn chế nhưng ông gốc Nam bộ, là một lãnh đạo trí thức, đức độ và có ước nguyện cháy bỏng được trở về quê hương.

Giọng ông bỗng chùng xuống, như nghẹn lại: "Nói tới GP.10 tôi lại nhớ tới cô Phạm Thị Kim Oanh, một PV chưa kịp viết tin nào đã trở thành liệt sĩ. Cô thuộc diện được giữ lại. Nhưng mẹ cô từ Thái Nguyên xuống gặp tôi, đề nghị cho cô đi...".

Đánh giá về lớp GP.10 ông Đỗ Phượng nói: Đây là lớp đào tạo PV quy mô, có chất lượng của TTXVN. Sau 1975, nhiều anh chị chuyển đi. Gần 90 người ở lại cơ quan đều phát huy được khả năng và trở thành lực lượng chủ chốt. Đến giờ, lớp GP.10 đã hoàn thành nhiệm vụ.

Trong hơn ba tiếng đồng hồ, cả hội trường như sống lại với ký ức Trường Sơn của 40 năm về trước. Lê Cương giữ cuốn nhật ký ghi vội trên đường Trường Sơn bằng cuốn lịch bỏ túi năm 1973, đọc lại từng điểm đến trên cung đường. Cuốn nhật ký được gìn giữ ngót 40 năm, đã mờ theo năm tháng và úa vàng. Mỗi trang chỉ vài câu ngắn ngủi nhưng đầy ắp kỷ niệm của chàng trai trẻ Hà Nội. Lý Văn Tích, Thanh Liêm, Khuất Dũng, Nhật Nam, Lê Quang Tuyến, Đoàn Việt... bồi hồi nhớ lại phút giây kinh hoàng của chuyến xe định mệnh đã cướp đi ba sinh mạng, trong đó có hai nhà báo, còn bảy người khác trở thành thương binh, phải quay trở lại miền Bắc, giấc mơ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" dang dở.

 

Các cựu học viên GP.10 hào hứng với chuyên mục kỷ niệm 40 năm GP.10 trên Nội san thông tấn.

Văn Khánh "sướng vì gặp lại đồng đội. Sướng vì ngoài 60 nhưng vẫn gọi nhau "mày, tao" như hồi nào. Không  hàng rào nào ngăn cách". Nhưng anh vẫn đau đáu vì đến nay, hai học viên Kim Oanh và Văn Thuyên vẫn còn nằm lại ở cánh rừng Nam Trường Sơn. Anh đề nghị, tìm mọi cách đưa hài cốt hai liệt sỹ trở về. Rồi Kim Sơn, Cao Phong, Phạm Độ, Đức Trường, Hà Thị Thân, Văn Khánh, Hoàng Thị Bích... nhắc lại kỷ niệm tránh bom B.52 vừa hào hùng vừa  hài hước. Những "chuyện bây giờ mới kể" gắn với con đường huyền thoại đậm chất lãng mạn, đầy ắp ý thơ, chỉ có thể ở Trường Sơn và cũng chỉ có ở những con người với tình yêu đồng đội thắm thiết, cùng nhau vượt gian khổ đi trọn giấc mơ cháy bỏng của một thời tuổi trẻ đầy mộng mơ.

Từ Hà Nội vào, vợ chồng Đình Na "Cám ơn anh em B2 đã cho vợ chồng tôi được gặp lại bạn bè, có người 40 năm mới gặp lại, để nhớ về một thời sống chết có nhau". Còn Đoàn Việt đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu với một ba lô sách "35 năm làm báo" dành tặng bạn bè. Trong chuyến xe định mệnh năm nào,  anh bị chấn thương khá nặng vùng não, tưởng đã phải từ bỏ giấc mơ thời trai trẻ.

Anh Nguyễn Tiến Lễ, Giám đốc Cơ quan đại diện B2; anh Lê Đại Nghĩa, nguyên Giám đốc B2; anh Huy Hoàng, nguyên giáo vụ lớp, tất cả đều đánh giá cao lớp chúng tôi với tình cảm yêu quý, trân trọng.

Gần trọn ngày GP.10 sống bên nhau. Rồi chúng tôi lưu luyến chia tay trong lời "giã bạn" mà tôi là tác giả:

Nghĩa tình còn chút này thôi

Bốn mươi năm đủ đầy vơi chén đời

Tóc pha sương mắt lệ cười

Chưa nâng ly đã thấy trời ngả nghiêng.   

Ghi chép của Hoàng Đình Chiến
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cựu PV chiến trường TTXVN Chu Chí Thành giành Giải thưởng Nhà nước : Lột tả chiều sâu giá trị của hòa bình và chiến thắng  (29/06/2012 10:05:43)

Ban Ảnh, một thời để nhớ (29/06/2012 09:22:38)

Thơ (29/05/2012 14:56:29)

Tự hào lớp phóng viên GP 10 (29/05/2012 14:53:27)

NICK ÚT: Ảnh báo chí không chấp nhận kỹ xảo (02/05/2012 17:56:11)

Quảng Trị, hoài niệm tháng tư  (02/05/2012 17:20:33)

Trần Ấm - Nhà báo hết lòng với nghề, với đời (28/02/2012 16:00:53)

Chuyện “lò” Thông tấn “luyện” phóng viên ảnh thời chiến (Tiếp theo và hết)  (28/02/2012 15:38:43)

Xùn Nhâm Thìn kể chuyện con Rồng (17/01/2012 13:31:22)

Nhớ Lương Nghĩa Dũng - Tay máy với những bức ảnh rực lửa anh hùng (17/01/2012 12:09:02)