Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Người con đất Quảng kiên cường


(01/08/2012 10:31:27)

Trong cuốn sách “Chân dung các nhà báo liệt sĩ” của Hội Nhà báo Việt Nam, xuất bản năm 1996, tên anh được trân trọng ghi: Huỳnh Minh Ngọc, sinh năm 1949. Quê quán Kỳ Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam. Cơ quan Thông tấn xã Giải phóng Khu V; hy sinh năm 1972 tại Diêu Bình, Ðắc Tô, Kon Tum trong một trận chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng. Một mình anh đã đánh đuổi một đại đội địch.

Bồi hồi nhớ về người anh trai thân thương, anh Huỳnh Văn Thi (còn gọi là Út Mười) chia sẻ: Tôi chỉ nghe cha mẹ kể lại về người anh trai có đôi mắt sáng với tấm lòng bộc trực. Anh tình nguyện lên đường đánh giặc khi tuổi đời còn rất trẻ.

Liệt sĩ Huỳnh Minh Ngọc (1948 - 1972)  

Sinh ra tại vùng quê miền biển xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, Huỳnh Minh Ngọc có một tuổi thơ êm đềm, ngày ngày một buổi đi học, một buổi ở nhà phụ cha mẹ làm ngư nghiệp. Cho đến năm 1964, khi mới tròn 16 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Ngọc tình nguyện gia nhập Đài Minh ngữ thuộc Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) Trung Trung bộ. Với cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, hăng hái cống hiến cho cách mạng, trong suốt thời gian dài đóng quân tại những vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam, vừa học tập làm báo vụ vừa cầm súng giết giặc, bước chân anh đã in dấu nhiều nơi như Sơn - Cẩm - Hà (Tiên Phước), Nước Xa (Trà My)... Mặc dù hoạt động cũng chỉ trong địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng vì tính chất công việc (phải thường trực để thu và phát các bản tin phục vụ cho lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cùng các cơ quan báo chí của nước ngoài), lại thêm hoàn cảnh chiến tranh quá ác liệt nên nhiều năm công tác xa nhà, Huỳnh Minh Ngọc chưa một lần về thăm nơi chôn rau cắt rốn.

Lúc ấy, tình hình trên chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt. Quân Mỹ và chư hầu, được trang bị "tận răng", liên tục đánh vào vùng giải phóng Khu V và Đông Nam bộ là những nơi chúng phán đoán có quân chủ lực của ta, hòng đánh gãy "xương sống" của Việt Cộng. Tuy nhiên, chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt. Quân ta, dù chỉ với những vũ khí thô sơ, như thủ pháo, súng AK... nhưng đã đánh địch tơi bời; điển hình là trận Núi Thành (Quảng Nam), một đại đội của ta đã tiêu diệt gọn một đại đội Mỹ đang đồn trú trong công sự kiên cố lại có pháo yểm trợ đắc lực. Ngay sau chiến thắng, TTXGP Trung Trung bộ lập tức "lên sóng" đưa tin cho cả thế giới biết về sự kiện quan trọng này, qua đó khẳng định "chúng ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ".

Bên cạnh việc đưa tin kịp thời, những chàng trai, cô gái nhà báo - chiến sỹ ở TTXGP, trong đó có Huỳnh Minh Ngọc còn chủ động cầm súng chiến đấu chống trả những trận càn quét của quân thù vào những nơi cơ quan đóng chân.

Đến năm 1972, chiến trường miền Nam có diễn biến mới, hai cán bộ trẻ của TTXGP Trung Trung bộ được điều động tăng cường cho mặt trận Kon Tum là Huỳnh Minh Ngọc và Nguyễn Tiến Dũng. Tại địa bàn công tác mới, Huỳnh Minh Ngọc lại lao vào công việc chuyên môn và chiến đấu một cách hăng say. Cho đến một ngày đen tối vào tháng 7/1972, trong một trận chống càn, Ngọc đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất Diêu Bình, Đắc Tô, Kon Tum.

Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng thì tin anh hy sinh mới về đến gia đình. Dù đau thương nhưng những người thân của Huỳnh Minh Ngọc vẫn tự hào bởi có người con ngã xuống cho sự trường sinh của đất nước. Tiếp bước người anh quả cảm, các em của Huỳnh Minh Ngọc lần lượt gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng, chiến đấu trên mặt trận mới, bảo vệ trật tự trị an cho đất nước.

Liệt sĩ Huỳnh Minh Ngọc đã nằm lại trên vùng đất cao nguyên. Vẫn biết rằng, nơi đâu cũng là Đất Mẹ, nhưng gia đình anh vẫn mong muốn, một ngày gần đây thi hài anh được trở về, yên nghỉ bên bờ sông Trường Giang quê nhà, gần gụi những người thân yêu.q

 

Nguyễn Sơn
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tháng bảy, uống nước nhớ nguồn: Hồ Minh Châu, anh ở nơi nao? (01/08/2012 10:18:59)

Cuộc hội ngộ sau bốn mươi năm  (29/06/2012 12:17:00)

Cựu PV chiến trường TTXVN Chu Chí Thành giành Giải thưởng Nhà nước : Lột tả chiều sâu giá trị của hòa bình và chiến thắng  (29/06/2012 10:05:43)

Ban Ảnh, một thời để nhớ (29/06/2012 09:22:38)

Thơ (29/05/2012 14:56:29)

Tự hào lớp phóng viên GP 10 (29/05/2012 14:53:27)

NICK ÚT: Ảnh báo chí không chấp nhận kỹ xảo (02/05/2012 17:56:11)

Quảng Trị, hoài niệm tháng tư  (02/05/2012 17:20:33)

Trần Ấm - Nhà báo hết lòng với nghề, với đời (28/02/2012 16:00:53)

Chuyện “lò” Thông tấn “luyện” phóng viên ảnh thời chiến (Tiếp theo và hết)  (28/02/2012 15:38:43)