Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Nhớ liệt sĩ Nguyễn Đình Cước


(01/08/2012 10:35:54)

Từ nhiều năm nay, mỗi độ tháng Bảy về, Đặng Thanh Khiết, Trần Ấm và tôi lại muốn viết bài về liệt sĩ Nguyễn Đình Cước, một đồng đội, đồng nghiệp, người bạn thân thiết ở tổ tin TTXGP. Nhưng mãi chúng tôi chưa viết được, vì hai lý do: Anh về TTXGP một thời gian ngắn ngủi (1966 - 1967) đã hy sinh và lý lịch của anh không có trong lưu trữ của Phòng Tổ chức Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh. Năm nay, kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, cũng là 45 năm ngày anh hy sinh (21/9/1967), tôi đã tìm đọc lại sách báo, hỏi bạn bè từng học chung với anh, đến gặp gia đình anh và lục cả trong ký ức của mình những kỷ niệm, để viết những dòng tưởng nhớ này.

Liệt sĩ Nguyễn Đình Cước  (1940 - 1967)

Nguyễn Đình Cước sinh năm 1940 - Canh Thìn tại ấp làng Vĩnh Lộc B, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), là con trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng.

Cụ Nguyễn Đình Trung, thân sinh liệt sĩ Cước, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên là trưởng công an, Phó Chủ tịch tỉnh Gò Vấp từ năm 1950 thời chống Pháp, nay đã ngoài 90 tuổi. Tuy chân yếu, mắt mờ nhưng tinh thần còn minh mẫn, cụ bồi hồi kể với tôi về đứa con trai thân yêu của mình: "Lúc nhỏ gia đình phải gửi Cước đi học ở nhà ông thầy giáo trong xóm vì trường làng ở Ngã Năm, xa nhà quá. Năm 1954, Cước 14 tuổi, cùng một số bạn khác nhờ giao liên dẫn xuống Cà Mau đi tập kết ra miền Bắc (không có cha mẹ đưa tiễn), học ở trường học sinh miền Nam rồi vào trường Đại học Tổng hợp, tốt nghiệp năm 1965. Thư từ liên lạc lúc đó rất khó, gia đình chỉ biết tin qua những anh em đi từ miền Bắc về.

Sau mười hai năm xa cách, năm 1966, khi Cước xung phong về miền Nam công tác ở TTXGP, nó hỏi rồi tìm lên Gò Vấp gặp bố trước, sau đó gặp mẹ và các em ở Phú Hòa Đông, Củ Chi. Đó cũng là lần cuối Cước sum họp với gia đình. Năm năm sau, gia đình nhận được giấy báo tử. Năm 1983 - 1984 gì đó, nhân ngày giỗ Cước ở Vĩnh Lộc, anh em ở TTXGP đến rất đông, có Lâm Tấn Tài, có cụ Võ An Ninh đầu bạc nữa".

Đối với tôi, ngoài sự vui vẻ, thân tình chung, Nguyễn Đình Cước đối xử hơn mức thân tình - dường như chúng tôi "hợp tuổi", thường hay tâm sự kể cả chuyện tình cảm riêng tư. Chúng tôi thường hay trao đổi nghiệp vụ - Cước muốn hỏi tôi về kinh nghiệm, tôi muốn "moi" ở Cước những bí quyết, thủ thuật học được ở trường, ở thầy. Hai bên đều có lợi. Anh em tâm đắc nhau lắm. Việc Cước lấy bút danh là "Vĩnh Lộc", tuy anh không nói ra, nhưng tôi hiểu là anh luôn nhớ tới làng quê thân yêu. Năm 1966, khi được tin má tôi mất, tôi đau buồn vô cùng, Nguyễn Đình Cước luôn bên cạnh an ủi, động viên tôi.

Sau đó tôi được phân công làm phóng viên chiến trường, cùng với phóng viên ảnh và bộ phận điện đài đi xuống Công trường (sư đoàn) 5 trong chiến dịch Đông Xuân 1966- 1967. Anh Cước còn thân tình trao cho tôi lá thư lúc chia tay để tiếp tục an ủi, động viên tôi phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Lúc anh Nguyễn Đình Cước hy sinh, tôi chưa về căn cứ. Báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 329 ra ngày 18/05/1985 đăng bài của nhà thơ Viễn Phương, người có mặt trong trận oanh kích của địch mà Nguyễn Đình Cước hy sinh. Bài báo có đoạn viết: "Trung ương Cục tổ chức đại hội Anh hùng. Đây là đại hội tập trung tất cả những cán bộ, chiến sĩ ưu tú nhất của chiến trường Nam bộ, chiến trường miền Nam. Do tính chất quan trọng ấy nên giặc Mỹ đánh hơi và theo dõi ngày đêm ráo riết... Bộ chỉ huy Miền đã chọn một địa điểm rất hẻo lánh xa xôi, tận trong rừng Bù Đốp... Đại hội kết thúc. Các đoàn đại biểu tức tốc lên đường vì biết chắc chắn là quân giặc sẽ chặn các ngả đường về. Đoàn báo chí, văn nghệ chúng tôi gồm có các anh Tháp Mười, Đinh Thúy, Anh Đức, Lê Anh Xuân, Lê Văn Thảo, tôi và nhiều chị em khác... Chiều biên cương âm u... xa xa trên đất quê hương có một con "đầm già" (máy bay trinh sát L.19 của địch) đang bay quần như chờ đợi, tìm kiếm... Bỗng một tiếng la thất thanh: "Trái khói vàng! Bom bi! Chạy!"... Dứt trận bom bi, anh em hy sinh một số, một số bị thương. Trong số hy sinh có anh Đinh Thúy, phụ trách nhiếp ảnh R và anh Đình Cước ở trong Thông tấn xã. Chôn vội vàng người chết, cắm mấy cành cây làm dấu xong, chúng tôi vội vã khiêng người bị thương lên đường".

Tháng Bảy hàng năm lại gợi nhớ nỗi buồn mất mát. Nhớ về liệt sĩ Nguyễn Đình Cước, điều làm tôi day dứt nhất là cho đến nay, cơ quan và gia đình chưa tìm được hài cốt để anh được "về" nghĩa trang liệt sĩ, an nghỉ bên đồng đội và gần gũi những người thân yêu. 

Thanh Bền
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Người con đất Quảng kiên cường  (01/08/2012 10:31:27)

Tháng bảy, uống nước nhớ nguồn: Hồ Minh Châu, anh ở nơi nao? (01/08/2012 10:18:59)

Cuộc hội ngộ sau bốn mươi năm  (29/06/2012 12:17:00)

Cựu PV chiến trường TTXVN Chu Chí Thành giành Giải thưởng Nhà nước : Lột tả chiều sâu giá trị của hòa bình và chiến thắng  (29/06/2012 10:05:43)

Ban Ảnh, một thời để nhớ (29/06/2012 09:22:38)

Thơ (29/05/2012 14:56:29)

Tự hào lớp phóng viên GP 10 (29/05/2012 14:53:27)

NICK ÚT: Ảnh báo chí không chấp nhận kỹ xảo (02/05/2012 17:56:11)

Quảng Trị, hoài niệm tháng tư  (02/05/2012 17:20:33)

Trần Ấm - Nhà báo hết lòng với nghề, với đời (28/02/2012 16:00:53)