Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Nhớ mãi những chuyện tình...


(02/01/2013 16:16:35)

Hiệp định Paris về Việt Nam ký ngày 27/1/1973, nhưng trước đó, cuối tháng 12 năm 1972, chúng tôi tận mắt chứng kiến những trận bom của máy bay B52 Mỹ trút xuống làm rung chuyển thủ đô Hà Nội, giết hại nhiều dân thường, tàn phá nhiều dãy nhà ở phố Khâm Thiên. Thời gian này, chúng tôi cũng đang gấp rút hoàn thành chương trình học nghiệp vụ viết tin, chụp ảnh của lớp phóng viên GP10 do VNTTX tổ chức đào tạo cấp tốc để tăng cường cho chiến trường miền Nam.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, VNTTX coi chi viện cho chiến trường miền Nam, cho TTXGP ruột thịt là nhiệm vụ thiêng liêng. Ngoài việc tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho TTXGP, VNTTX đã cử hơn 450 cán bộ chủ chốt, phóng viên, nhân viên kỹ thuật, từ miền Bắc theo các mũi tiến quân, tham gia các chiến dịch ở khắp các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Đúng vào những năm ác liệt nhất của chiến tranh, năm 1972-1973, VNTTX đã mở lớp đào tạo cấp tốc hơn 150 cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật để đưa vào các chiến trường. Lớp mang tên GP10 (GP là viết tắt của hai chữ Giải phóng; số 10 là tên khóa học). Kỷ niệm 40 năm khóa GP10, Nội san Thông tấn xin trân trọng giới thiệu lần lượt bài viết của các đồng chí lãnh đạo, các cựu phóng viên GP10 về những năm tháng gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi tự hào.

Được biết, trong lớp GP10 hồi ấy, cũng có những bạn cưới vợ rồi "đi B" như Lê Doãn Tặng, Đàm Dũng... giống tôi. Một số cặp đã đặt trầu cau, hẹn ước nên duyên vợ chồng, nhưng vì chiến tranh, kẻ ở, người đi nên duyên không thành, phải ngậm ngùi chia tay người yêu thương của mình, dứt áo ra đi.

Khi ấy, chuẩn bị đón Xuân mới Quý Sửu 1973, lớp báo chí GP10 cũng nghỉ để mọi người về quê ăn Tết, chia tay gia đình, người thân. Tôi cũng về quê của mình ở một xã ven biển thuộc huyện Thụy Anh (nay là Thái Thụy), cách tỉnh lỵ Thái Bình hơn 40 km. Biết tôi học xong lớp phóng viên rồi sẽ đi xa, khó hẹn ngày trở lại, gia đình động viên tôi cưới vợ để có thêm người cho vui cửa, vui nhà. Hoàn cảnh gia đình khi ấy, bố mẹ đã già, có mấy chị em, nhưng chỉ mình tôi là trai, được xác định là người lo "hương khói" cho ông bà, bố mẹ. Vì vậy, bổn phận tôi phải cưới vợ. Mọi việc đều quyết rất vội vàng. Tôi phân vân mãi, nhưng rồi cũng chiều theo ý bố mẹ để mọi người vui.

Lễ cưới của chúng tôi được tổ chức chiều ngày 4/2/1973 (mùng 2 Tết Quý Sửu). Từ trước đến nay, làng tôi ít có cặp nào cưới xin kiểu này- cưới vội vào ngày Tết. Hội trường cưới là sân nhà ông cậu, đủ rộng để kê mấy chục bộ bàn ghế tiếp khách. Tiệc cưới đơn giản, mỗi bàn chỉ có đĩa trầu cau, một chục điếu thuốc lá Tam Đảo, một đĩa nhỏ bánh kẹo và nước chè tươi. Vào dịp Tết ngày ấy, chỉ pháo là nhiều, bạn bè tặng, đốt hết, pháo nổ vang rền. Không ăn uống linh đình nhưng vẫn vui. Thời ấy cưới vợ nghèo lắm: com-lê, giầy, áo dài chưa đủ tiền mua. Tôi phải mượn áo com-lê của ông anh đi nước ngoài về mặc tạm, cưới xong trả lại. Cô dâu chỉ mặc chiếc áo sơmi. May có anh bạn cùng quê học Đại học quân sự về nghỉ Tết, mượn được nhà trường chiếc máy ảnh Kiép chụp cho gia đình, tiện thể chụp cho chúng tôi mấy kiểu đám cưới, lúc ấy in ra chỉ cỡ 4x6 cm đen trắng, tuy không đẹp nhưng cũng là kỷ niệm đến bây giờ.

Một tổ phóng viên GP10 đón Xuân 1974 tại căn cứ TTXGP ở Tây Ninh

Chỉ ba ngày sau khi cưới vợ, chiều mùng 4 Tết, tôi đã phải lên Hà Nội để ngày hôm sau tập trung ở Bách Thảo, sau đó tới Trường 105 Ban thống nhất Trung ương (Lương Sơn- Hòa Bình) an dưỡng, tập leo núi, tăng cường sức khỏe đi chiến trường.

Chuyện cưới vợ rồi đi chiến trường khi ấy đơn giản là vậy. Vợ tôi cùng quê, khi ấy mới 21 tuổi, đang là giáo sinh trường Sư phạm Thái Bình. Chúng tôi yêu nhau từ năm 1970, khi tôi đang học năm thứ hai Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chiến tranh là thế, cưới vợ rồi để lại cho bố mẹ, "gửi lại chính quyền, trường học", kẻ ở, người đi, ưu tiên tất cả cho chiến trường.

Còn chuyện tình của các phóng viên lớp GP10 khi đang học và trên đường Trường Sơn cũng đa dạng và phong phú vô cùng. Mỗi khi có dịp gặp nhau ở tuổi đã lên ông, lên bà, vẫn râm ran chuyện yêu của cặp này, đôi nọ. Cả lớp có 149 người, nhưng chỉ có 26 nữ, 123 nam, "dương thịnh, âm suy", nên chị em "đắt giá". Trừ một số đã có vợ hoặc đã có người yêu nơi quê nhà, hay bạn gái học ở trường khác, còn số đông nam giới "phòng không". Đông nam, ít nữ, nếu không nhanh nhận phần thì hết các em xinh đẹp. Vì thế, ngay khi đang học lớp phóng viên GP10 cũng đã hình thành một số cặp yêu. Những bạn gái được cho là xinh, có duyên thầm có đến 4-5 chàng tán tỉnh, tấn công. Tối đến, dưới ánh trăng mờ, các đường làng, bờ đê vùng quê Hạ Hiệp thấp thoáng những cặp uyên ương tỏ tình, tâm sự...

Tình yêu của các cặp hành quân trên đường Trường Sơn càng được thể hiện rõ nét. Đôi nào, cặp ấy nấu ăn cùng, âu yếm, cặp kè bên nhau. Anh nặng trĩu vai đeo ba lô, khoác gạo, thậm chí mang cả hai ba lô để bạn gái nhẹ, đi nhanh hơn. Những khi dừng nghỉ ở các trạm, các chàng còn canh cho các nàng tắm... Nhìn cách chăm sóc của họ mà những người đã có vợ như chúng tôi thấy chút chạnh lòng, thoáng nhớ về người vợ thương yêu của mình nơi quê nhà. Mặc dù chúng tôi đã có vợ, bị gạt sang một bên, nhưng cũng sẵn sàng giúp các bạn nữ cùng nhóm tổ, như tôi đã giúp bạn Phạm Thị Ngoan và Trần Bích San trong hơn hai tháng hành quân trên đường Trường Sơn, an toàn vào đến căn cứ của TTXGP ở vùng rừng tỉnh Tây Ninh giáp Campuchia. Quý nhau thôi nhưng không vương vấn chút tơ lòng. Phạm Thị Ngoan sau ra Bắc lấy chồng là thương binh, có hai con, một trai, một gái.

Trên chuyến tàu này, hơn 150 cán bộ, PV, nhân viên kỹ thuật VNTTX được đưa vào các chiến trường

Vào đến căn cứ của TTXGP có thêm nhiều đôi yêu nhau. Năm đầu tiên ở rừng, chúng tôi được dự đám cưới của anh Lê Đình Khuyến với chị Loan. Tôi còn nhớ, đêm trước hôm đám cưới anh Đạng Thanh Khiết kéo chúng tôi đi săn thú rừng. Hôm ấy anh Khiết bắn được một con khỉ và vài con kỳ đà ở ven sông Vàm Cỏ Đông. Bữa tiệc cưới anh Khuyến- chị Loan hôm đó có nồi cháo khỉ và kỳ đà, ăn ngon vì chưa được ăn bao giờ.

Đôi đầu tiên của lớp GP10 cưới ở căn cứ của TTXGP là Vũ Long Sơn và Vương Nghĩa Đàn. Cặp vợ chồng trẻ này sinh con gái đầu lòng ngay trong chiến khu. Hồ Bạch Yến, quê Bắc Ninh, sống ở Thái Nguyên, khi còn trẻ thuộc tuýp "mỏng mày, hay hạt", dịu dàng, lãng mạn nên rất nhiều chàng nhòm ngó, bày tỏ tình yêu. Sau giải phóng, Hồ Bạch Yến kết hôn cùng Hoàng Khắc Điện, cũng là bạn cùng lớp GP10. Nay cặp vợ chồng ấy đều đã mất ở tuổi 60, vì căn bệnh ung thư quái ác. Viết đến đây tôi thấy nghẹn ngào, xúc động, thương nhớ, những người bạn hôm nay không còn gặp mặt chúng ta.

Bữa cơm giữa rừng trên đường hành quân

Sau giải phóng về TP. Hồ Chí Minh, cặp cưới nhau sớm là Khuất Thế Dũng và Nguyễn Thị Thanh, vốn yêu nhau từ lúc đang học. Trải qua những năm tháng vất vả trong chiến khu, tình yêu càng thêm bền chặt. Tôi và Khuất Thế Dũng cùng ở với nhau một nhà nên hiểu hơn ai hết tình yêu của Dũng và Thanh. Họ sống hạnh phúc, sinh hai con, một trai, một gái. Hơn mười năm sau, Thanh bị bệnh ung thư máu, chữa trị nhiều nơi, nhưng không qua khỏi. Thanh mất năm 1986, để lại cho Dũng hai đứa con thơ dại. Sau này, Khuất Dũng phải đi "bước nữa" và có thêm một cậu con trai. Khuất Dũng sống vì bạn bè, nhưng cũng không gặp may, hai lần bị tai biến, sức khỏe giảm sút, đi lại khó khăn, kinh tế cũng không dồi dào nhưng vẫn sống tình cảm như những ngày đầu.

Lớp GP10 có rất nhiều đôi nên vợ nên chồng như Vũ Tứ Hải - Hà Thị Thân; Quang Chính - Trần Bích San; Hoàng Đức Quỳnh - Đinh Minh Hụê; Lê Thị Kim Thoa - Cao Trọng Nghiệp; Nguyễn Đình Na - Hoàng Thị Bích; Đỗ Hảo - Thân Thị Viết...

Tôi ở TP. Hồ Chí Minh cho đến cuối năm 1980 mới ra miền Bắc nên được dự khá nhiều đám cưới của các bạn cùng lớp. Cũng có nhiều phóng viên lớp GP10 khi đi làm bàn trưởng hai lần đổi tiền ở TP. Hồ Chí Minh lúc mới giải phóng, đã gặp "một nửa" của mình và sau này nên duyên vợ chồng như: Lý Văn Tích, Nguyễn Đăng Thục, Hoàng Đình Chiến và nhiều bạn khác.

Tôi có kỷ niệm với đám cưới của vợ chồng Hoàng Đình Chiến và Trần Thị Tường Vân. Tôi và anh thân nhau từ hồi cùng làm phóng viên ở Phân xã TP. Hồ Chí Minh. Đình Chiến cưới vợ ngày 12/6/1977. Lúc đầu, anh Lê Đình Khuyến phụ trách Phân xã nhận làm chủ hôn cho đám cưới. Nhưng sau đó anh bị ốm, tôi được chỉ định thay anh làm chủ hôn, Phùng Đăng Bách làm phù rể. Khi ấy, tôi chưa đến 30 tuổi nhưng trông chững chạc, đã có vợ và một con trai, nên cũng làm được. Đám cưới của chàng phóng viên quê Gia Lâm, Hà Nội với cô gái ngân hàng quê gốc Nam Định diễn ra vui vẻ giữa đất Sài Gòn. Sau này, vợ chồng Hoàng Đình Chiến mỗi lần gặp lại tôi đều vui vẻ ôn lại chuyện cũ.

Cuối tháng 12/1980, tôi được Lãnh đạo cơ quan cho chuyển ra Hà Nội. Thời gian tôi làm phóng viên ở chiến trường, sau giải phóng ở Phân xã TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tổng cộng đúng 8 năm. Ra Bắc, tôi được điều động về làm Trưởng Phân xã Thái Bình 18 năm. Đến cuối năm 1999, tôi mới chuyển về công tác tại Tổng xã.

Thấm thoát thời gian qua nhanh, đến mùng 2 Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, vợ chồng tôi kỷ niệm 40 năm ngày cưới. Và đến 16/3/2013, lớp phóng viên GP10 kỷ niệm 40 năm ngày chúng tôi đi chiến trường. Các con cháu tôi bảo: Tết này, nhà mình tổ chức mừng ông bà 40 năm ngày cưới, 40 năm ông đi chiến trường, làm báo, sẽ ăn một bữa hoành tráng. Mong ước lớn nhất bây giờ là cần có sức khỏe, thời gian nghỉ ngơi, trồng cây, nuôi chim, hằng ngày đưa đón cháu đi học.

Nguyễn Sĩ Thủy
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Những năm tháng không quên tại thông tấn xã Giải phóng (05/12/2012 12:54:13)

Nguý»…n Đức Nhân - Người con anh dÅ©ng Xứ Dừa  (01/11/2012 16:41:57)

Những ngày ác liệt nhất và đẹp nhất đời tôi  (01/11/2012 16:12:51)

Bữa tiệc bánh xèo khao quân (01/10/2012 11:24:53)

Nữ nhà báo thương binh Triệu Thị Thùy & " Bài ca tóc rụng" (01/10/2012 10:54:21)

Nhũng tấm lòng vàng với TTXVN (29/08/2012 14:08:58)

“Đối tượng phản ánh” chính là thầy dậy nghề  (01/08/2012 13:49:00)

Thăm quê hương liệt sĩ Trần Kim Xuyến (01/08/2012 10:40:26)

Nhớ liệt sĩ Nguyễn Đình Cước  (01/08/2012 10:35:54)

Người con đất Quảng kiên cường  (01/08/2012 10:31:27)